Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy sẵn lòng tha thứ nhau

Hãy sẵn lòng tha thứ nhau

“Hãy tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau”.—CÔ 3:13.

1, 2. Tại sao bạn nên xem xét liệu mình có sẵn lòng tha thứ hay không?

Kinh Thánh cho biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về tội lỗi và cách ngài phản ứng khi chúng ta phạm tội. Kinh Thánh cũng giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va là đấng sẵn lòng tha thứ. Trong bài trước, chúng ta đã xem xét lý do ngài tha thứ cho Đa-vít và Ma-na-se. Họ hối lỗi về hành vi của mình, thú tội với Đức Giê-hô-va và quyết tâm không tái phạm. Họ thật sự ăn năn nên đã có lại ân huệ của Đức Chúa Trời.

2 Giờ đây, chúng ta hãy xem xét mình có sẵn lòng tha thứ cho người khác hay không. Giả sử, người thân của bạn là một trong những nạn nhân vô tội của Ma-na-se. Bạn có thể tha thứ cho ông ta không? Câu hỏi này rất thực tế và đáng xem xét vì ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế gian gian ác, hung bạo và ích kỷ. Vậy, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, điều gì thúc đẩy chúng ta vun trồng tinh thần tha thứ? Nếu bạn bị xúc phạm hoặc chịu sự bất công, điều gì có thể giúp bạn kiềm chế cảm xúc, phản ứng theo cách đẹp lòng Đức Giê-hô-va và sẵn sàng tha thứ?

TẠI SAO CẦN THA THỨ CHO NGƯỜI KHÁC?

3-5. (a) Chúa Giê-su dùng minh họa nào cho thấy chúng ta cần tha thứ cho người khác? (b) Qua minh họa này, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì?

3 Muốn duy trì sự hòa thuận với người thân, bạn bè, người đồng loại và Đức Giê-hô-va, chúng ta cần sẵn lòng tha thứ cho người xúc phạm mình, dù người đó có phải là anh em đồng đạo hay không. Kinh Thánh cho biết tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tha thứ cho người khác dù họ phạm lỗi với mình bao nhiêu lần. Để giúp chúng ta hiểu tại sao đòi hỏi này là hợp lý, Chúa Giê-su đã dùng minh họa về một đầy tớ mắc nợ.

4 Đầy tớ mắc nợ chủ mình là vua một khoản tiền tương đương với lương của 60 triệu ngày công. Nhưng vua xóa hết nợ cho đầy tớ. Sau đó, đầy tớ tìm gặp người bạn cùng làm đầy tớ, người nợ mình số tiền chỉ bằng 100 ngày công. Người mắc nợ này đã nài nỉ xin được khất nợ, nhưng người đầy tớ đã được xóa món nợ lớn lại kêu người bỏ bạn mình vào tù. Điều này khiến vua tức giận. Ông nói: “Lẽ ra ngươi cũng phải thương xót bạn mình như ta đã thương xót ngươi chứ?”. Nói xong, vua giao đầy tớ đó cho người cai ngục giam giữ cho đến khi hắn trả hết nợ.—Mat 18:21-34.

Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì qua minh họa này?

5 Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì qua minh họa này? Ngài giải thích: “Nếu anh em không hết lòng tha thứ cho người anh em mình, Cha tôi ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em giống như vậy” (Mat 18:35). Là người bất toàn, chúng ta phạm nhiều lỗi lầm và không thể vâng lời Đức Giê-hô-va một cách hoàn hảo. Thế nhưng, ngài sẵn sàng tha thứ và xóa tội cho chúng ta. Do đó, những ai muốn trở thành bạn của Đức Giê-hô-va cần phải tha thứ cho người khác. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Còn nếu anh em không tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ không tha thứ cho anh em”.—Mat 6:14, 15.

6. Tại sao việc tha thứ cho người khác không luôn dễ?

6 Hẳn bạn đồng ý là mình nên tha thứ cho người khác, nhưng làm thế không luôn dễ. Khi bị xúc phạm, chúng ta thường phản ứng theo cảm xúc. Một người có thể cảm thấy tức giận, thấy bị phản bội, muốn đòi lại công lý hoặc thậm chí muốn trả thù. Một số người còn cảm thấy rằng không bao giờ mình có thể tha thứ cho người phạm lỗi. Nếu bạn có những cảm giác trên, điều gì có thể giúp bạn sẵn lòng tha thứ như Đức Giê-hô-va đòi hỏi?

CỐ GẮNG HIỂU CẢM XÚC CỦA MÌNH

7, 8. Khi cảm thấy bực bội vì hành động không tử tế của người khác, điều gì có thể giúp bạn tha thứ?

7 Khi nghĩ là mình bị xúc phạm, chúng ta thường cảm thấy bực tức. Chẳng hạn, hãy xem phản ứng của một thanh niên được đăng trên tập san tâm lý học: “Một lần... trong cơn tức giận, tôi đi khỏi nhà và thề rằng sẽ không bao giờ bước chân vào ngôi nhà đó nữa. Hôm đó là một ngày hè đẹp trời, tôi rảo bước trên những con đường làng thơ mộng. Sự yên tĩnh và phong cảnh tuyệt đẹp của thôn quê làm tôi dịu xuống. Sau vài giờ, tôi trở về nhà với tâm trạng hối hận, cơn giận gần như tan biến”. Kinh nghiệm này cho thấy, nếu dành thời gian để lấy lại bình tĩnh và nhìn vấn đề khách quan hơn, có lẽ bạn sẽ tránh được những phản ứng mà sau này mình phải hối tiếc.—Thi 4:4; Châm 14:29; Gia 1:19, 20.

8 Nói sao nếu bạn đã dành thời gian để tĩnh tâm trở lại nhưng vẫn cảm thấy bực bội? Hãy cố gắng xác định nguyên nhân khiến bạn cảm thấy như thế. Có phải vì bạn bị đối xử thô lỗ hoặc bất công? Hay bạn cảm thấy người kia cố tình làm bạn tổn thương? Hành động của người ấy có thật sự đáng để mình tức giận không? Cố gắng hiểu tại sao bạn cảm thấy bực bội sẽ giúp bạn biết cách phản ứng phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh. (Đọc Châm-ngôn 15:28; 17:27). Khi xem xét các khía cạnh trên, rất có thể bạn sẽ có cái nhìn khách quan và dễ tha thứ cho người khác hơn. Dù làm điều này không dễ, nhưng nếu cố gắng thì bạn đang để Lời Đức Chúa Trời xem xét “tư tưởng và ý định trong lòng” và giúp bạn noi gương ngài trong việc sẵn sàng tha thứ cho người khác.—Hê 4:12.

KHÔNG NÊN QUÁ NHẠY CẢM

9, 10. (a) Khi cảm thấy bị xúc phạm, một người có thể phản ứng như thế nào? (b) Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu có quan điểm tích cực và sẵn sàng tha thứ?

9 Nhiều tình huống trong cuộc sống khiến chúng ta có những phản ứng tiêu cực. Chẳng hạn, bạn đang lái xe trên đường thì xe khác suýt đụng vào xe của bạn. Bạn sẽ phản ứng ra sao? Một số người giận dữ đến mức xông vào đánh người lái xe kia. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chắc chắn bạn không muốn hành động như thế.

10 Tốt hơn nên dành vài giây để suy nghĩ thay vì phản ứng tức thì. Có lẽ bạn cũng có lỗi vì không tập trung, hoặc có thể xe của người kia bị trục trặc. Dù lý do là gì đi nữa, khi cố gắng hiểu vấn đề, có tinh thần cởi mở và sẵn sàng tha thứ, chúng ta sẽ giảm bớt sự tức giận, nỗi thất vọng và những cảm xúc tiêu cực khác. Truyền-đạo 7:9 khuyên: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội”. Nhiều khi chúng ta cho rằng ai đó đang cố tình xúc phạm mình, nhưng thực ra đó chỉ là sự hiểu lầm hoặc do bản chất bất toàn của người đó. Vậy hãy cố gắng đừng quá nhạy cảm trước lời nói và hành động có vẻ không tử tế của người khác. Khi thể hiện tình yêu thương và sẵn sàng tha thứ, bạn sẽ hạnh phúc hơn.—Đọc 1 Phi-e-rơ 4:8.

“ANH EM SẼ GIỮ SỰ BÌNH AN ẤY CHO MÌNH”

11. Ngay cả khi chủ nhà phản ứng không tốt, chúng ta nên cố gắng giữ điều gì?

11 Làm thế nào bạn có thể kiềm chế cảm xúc nếu bị đối xử thô lỗ trong thánh chức? Khi Chúa Giê-su phái 70 môn đồ đi rao giảng, ngài bảo họ: “Khi vào nhà nào, trước hết hãy nói: ‘Chúc nhà này được bình an’”. Ngài nói tiếp: “Nếu ở đó có người yêu chuộng sự bình an, sự bình an của anh em sẽ đến với người ấy; nếu không, anh em sẽ giữ sự bình an ấy cho mình” (Lu 10:1, 5, 6). Chúng ta vui khi người ta hưởng ứng tin mừng về Nước Trời vì thông điệp này mang lại lợi ích cho họ. Tuy nhiên, cách phản ứng của một số người cho thấy họ không yêu chuộng sự bình an. Nếu vậy thì sao? Chúa Giê-su nói rằng chúng ta sẽ giữ sự bình an ấy cho mình. Dù chủ nhà đối xử thế nào, chúng ta cũng nên rời nhà họ với sự bình an trong lòng. Nếu bực tức trước sự thô lỗ của chủ nhà, chúng ta sẽ mất sự bình an.

12. Theo những lời sứ đồ Phao-lô ghi nơi Ê-phê-sô 4:31, 32, chúng ta nên làm gì?

12 Hãy cố gắng giữ sự bình an trong mọi khía cạnh, không chỉ trong thánh chức. Dĩ nhiên, sẵn sàng tha thứ cho người khác không có nghĩa là chúng ta tán thành hành vi sai trái hoặc xem nhẹ hậu quả của hành vi ấy. Tha thứ có nghĩa là loại bỏ mọi oán giận đối với người phạm tội và cố gắng giữ sự bình an nội tâm. Nếu cứ suy nghĩ tiêu cực và nghĩ mãi về việc mình bị đối xử tồi tệ như thế nào, chúng ta đang để hành vi của người khác cướp đi niềm vui của mình. Đừng để những suy nghĩ như thế chế ngự bạn. Hãy nhớ rằng bạn không thể có niềm vui khi còn nuôi lòng oán giận. Vậy, hãy sẵn lòng tha thứ!—Đọc Ê-phê-sô 4:31, 32.

HÃY PHẢN ỨNG THEO CÁCH ĐẸP LÒNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

13. (a) Bằng cách nào tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể “lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu” người chống đối? (b) Việc đáp lại cách mềm mại trước sự thô lỗ của người khác có thể mang lại kết quả nào?

13 Đôi khi, chúng ta có thể giúp người từng đối xử không tốt với mình biết quý trọng các tiêu chuẩn Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô viết: “‘Nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người’. Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô 12:20, 21). Bằng cách tỏ ra tử tế với người đối xử thô lỗ với mình, chúng ta có thể khiến người ấy bộc lộ phẩm chất tốt vốn có. Khi chúng ta bày tỏ sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, người ấy có thể được thúc đẩy để tìm hiểu Kinh Thánh. Dù trường hợp nào đi nữa, việc đáp lại cách mềm mại có thể khiến họ suy nghĩ tích cực về hạnh kiểm của chúng ta.—1 Phi 2:12; 3:16.

14. Tại sao chúng ta nên sẵn lòng tha thứ, ngay cả khi bị đối xử tồi tệ?

14 Có một số người mà chúng ta không nên kết hợp. Chẳng hạn, những người bị khai trừ vì phạm tội trọng mà không ăn năn. Nếu đã bị tổn thương do tội trọng của một người như vậy, có lẽ bạn thấy khó tha thứ, cho dù sau này người ấy đã ăn năn, vì cần có thời gian để vết thương được chữa lành. Nếu cảm thấy như thế, hãy tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn. Suy cho cùng, chẳng phải chúng ta không có khả năng đọc được lòng của người khác sao? Nhưng Đức Giê-hô-va thì có thể. Ngài hiểu động cơ bên trong của một người và kiên nhẫn với người phạm tội (Thi 7:9; Châm 17:3). Vì thế, Kinh Thánh nói: “Đừng lấy ác trả ác cho ai. Hãy cố gắng làm điều lành theo quan điểm của mọi người. Nếu có thể được, hãy gắng hết sức hòa thuận với mọi người. Hỡi anh em yêu dấu, anh em đừng trả thù, nhưng hãy để điều đó cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, vì có lời viết: ‘Sự trả thù là của ta, ta sẽ báo trả, Đức Giê-hô-va phán vậy’” (Rô 12:17-19). Chúng ta không biết mọi điều như Đức Giê-hô-va, và Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác (Mat 7:1, 2). Tuy nhiên, chúng ta có thể tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ phán xét một cách công bằng.

15. Điều gì có thể giúp chúng ta bớt tức giận khi bị đối xử bất công?

15 Nếu bạn thấy khó tha thứ cho một người đối xử bất công với mình dù người đó đã ăn năn, hãy nhớ rằng chính người đó cũng là nạn nhân của sự bất công. Như chúng ta, người ấy cũng sinh ra trong sự bất toàn (Rô 3:23). Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương xót với những người tội lỗi và chúng ta muốn noi gương ngài. Việc cầu nguyện cho người phạm tội là điều thích hợp và có thể giúp chúng ta loại bỏ sự giận dữ trong lòng. Chúa Giê-su khuyên chúng ta không nên oán giận, ngay cả với người đối xử tồi tệ với mình. Ngài nói: “Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình”.—Mat 5:44.

16, 17. Khi các trưởng lão xét thấy người phạm tội đã ăn năn, chúng ta nên đối xử với người đó như thế nào, và tại sao?

16 Đức Giê-hô-va giao cho các trưởng lão trách nhiệm xét xử khi một thành viên của hội thánh phạm tội trọng. Khác với Đức Giê-hô-va, các anh trưởng lão có cái nhìn hạn chế, nhưng họ cố gắng đưa ra quyết định phù hợp với Lời ngài và sự hướng dẫn của thần khí. Họ cũng cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Vì vậy, những quyết định họ đưa ra phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va.—Mat 18:18.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần tha thứ cho người khác

17 Nếu các trưởng lão xét thấy người phạm tội đã tỏ ra ăn năn thì bạn có tha thứ và “chứng tỏ tình yêu thương của mình với người ấy” không? (2 Cô 2:5-8). Có lẽ làm thế không dễ, nhất là khi hành vi của người đó khiến bạn hoặc người thân của bạn bị tổn thương. Tuy nhiên, khi tin cậy Đức Giê-hô-va và cách ngài xử lý vấn đề thông qua hội thánh, chúng ta sẽ hành động khôn ngoan. Chúng ta sẽ cho thấy mình thật sự sẵn sàng tha thứ.—Châm 3:5, 6.

18. Việc sẵn lòng tha thứ mang lại những lợi ích nào?

18 Việc không tha thứ cho người khác có thể gây căng thẳng, tổn hại sức khỏe và phá vỡ các mối quan hệ. Ngược lại, khi tha thứ và loại bỏ nỗi oán giận, chúng ta có thể cải thiện sức khỏe và củng cố mối quan hệ với người khác. Nhưng lợi ích lớn nhất của việc sẵn lòng tha thứ là có mối quan hệ tốt với Cha trên trời, Đức Giê-hô-va.—Đọc Cô-lô-se 3:12-14.