Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn là quản gia được trọng dụng!

Bạn là quản gia được trọng dụng!

“Anh em không thuộc về chính mình nữa”.​—1 CÔ 6:19.

1. Nhiều người liên tưởng đến điều gì khi nghe từ “đầy tớ”?

Bạn nghĩ gì khi nghe từ “đầy tớ”? Nhiều người liên tưởng đến người có vị thế thấp hèn, mất tự do, phải làm việc cực nhọc mà không được hưởng thành quả lao động của mình. Vì thế, ít ai muốn làm đầy tớ cho người khác.

2, 3. (a) Đầy tớ của Đấng Ki-tô được xem như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào về quản gia?

2 Thế mà Chúa Giê-su nói các môn đồ của ngài sẽ là những đầy tớ khiêm nhường. Tuy nhiên, đầy tớ trong đạo Đấng Ki-tô không bị coi khinh hay đối xử tệ bạc. Họ được tin cậy và quý trọng. Chẳng hạn, hãy xem không lâu trước khi chết, Chúa Giê-su nói gì về một “đầy tớ”. Chúa Giê-su báo trước ngài sẽ giao nhiệm vụ cho “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”.—Mat 24:45-47.

3 Đáng chú ý là trong lời tường thuật của Lu-ca, đầy tớ ấy được gọi là “quản gia”. (Đọc Lu-ca 12:42-44). Phần lớn những tín đồ trung thành hiện đang sống không thuộc lớp đầy tớ trung tín. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy tất cả những người phụng sự Đức Chúa Trời đều là quản gia. Là quản gia, chúng ta có những trách nhiệm nào? Chúng ta nên xem các trách nhiệm ấy ra sao? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét vai trò của quản gia thời xưa.

VAI TRÒ CỦA QUẢN GIA

4, 5. Quản gia thời xưa có các trách nhiệm nào? Hãy cho ví dụ.

4 Vào thời xưa, quản gia thường là một đầy tớ đáng tin cậy, được chủ giao nhiệm vụ quản lý nhà cửa hoặc công việc kinh doanh. Người ấy cai quản gia tài, tiền bạc và những đầy tớ khác của chủ. Điều này được thấy rõ trong trường hợp của Ê-li-ê-se, người được giao coi sóc cả gia tài của Áp-ra-ham. Có lẽ Áp-ra-ham còn phái ông đến Mê-sô-bô-ta-mi để tìm vợ cho con trai ông là Y-sác. Quả là một nhiệm vụ quan trọng!—Sáng 13:2; 15:2; 24:2-4.

5 Chắt nội của Áp-ra-ham là Giô-sép được Phô-ti-pha giao trách nhiệm cai quản nhà của ông (Sáng 39:1, 2). Về sau, Giô-sép cũng có một quản gia riêng. Người quản gia này đã sắp xếp để tiếp đãi mười người anh em của Giô-sép. Theo lệnh của Giô-sép, ông cũng dàn xếp chuyện cái chén bằng bạc bị “ăn cắp”. Rõ ràng, các quản gia rất được trọng dụng.—Sáng 43:19-25; 44:1-12.

6. Các giám thị đạo Đấng Ki-tô có những trách nhiệm nào?

6 Nhiều thế kỷ sau, sứ đồ Phao-lô viết rằng các giám thị đạo Đấng Ki-tô là những “quản gia của Đức Chúa Trời” (Tít 1:7). Được bổ nhiệm để chăn “bầy của Đức Chúa Trời”, những giám thị chỉ dẫn và dẫn đầu trong các hội thánh (1 Phi 5:1, 2). Dĩ nhiên, các giám thị có những trách nhiệm khác nhau. Chẳng hạn, phần lớn giám thị ngày nay phục vụ trong một hội thánh. Còn giám thị lưu động phục vụ anh em trong nhiều hội thánh. Thành viên của Ủy ban chi nhánh trông nom hoạt động của các hội thánh trong một hay nhiều nước. Dù có trách nhiệm nào, tất cả những anh này đều muốn trung thành thi hành nhiệm vụ được giao, và đều phải “khai trình việc làm” của mình với Đức Chúa Trời.—Hê 13:17.

7. Làm thế nào chúng ta biết tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều là quản gia?

7 Còn những tín đồ trung thành không phải là giám thị thì sao? Trong thư gửi cho anh em đồng đạo, gồm những người không phải là giám thị, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Là quản gia tốt được Đức Chúa Trời ban ân huệ qua nhiều cách, mỗi người được ban món quà nào thì hãy dùng món quà đó để phục vụ nhau” (1 Phi 1:1; 4:10). Vì lòng nhân từ bao la, Đức Chúa Trời ban cho mỗi chúng ta những khả năng và lợi thế mà chúng ta có thể dùng để giúp ích cho anh em đồng đạo. Như vậy, tất cả những người phụng sự Đức Chúa Trời đều là quản gia. Ngài tin cậy, xem trọng chúng ta, và kỳ vọng rằng chúng ta sẽ sử dụng tốt những món quà ngài ban.

CHÚNG TA THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI

8. Một nguyên tắc quan trọng chúng ta cần nhớ là gì?

8 Giờ đây, hãy xem ba nguyên tắc quan trọng áp dụng cho mọi quản gia. Thứ nhất: Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời và phải khai trình với ngài. Phao-lô viết: “Anh em không thuộc về chính mình nữa, vì anh em đã được mua với giá cao”, tức bằng huyết của Chúa Giê-su (1 Cô 6:19, 20). Vì thuộc về Đức Chúa Trời nên chúng ta phải vâng theo các điều răn của ngài, những điều răn ấy chẳng hề nặng nề (Rô 14:8; 1 Giăng 5:3). Chúng ta cũng là đầy tớ của Chúa Giê-su. Như quản gia thời xưa, chúng ta được ban cho nhiều tự do, nhưng tự do ấy có giới hạn. Chúng ta phải thi hành nhiệm vụ được giao theo sự chỉ dẫn. Dù có bất cứ đặc ân phụng sự nào, chúng ta vẫn là đầy tớ của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su.

9. Chúa Giê-su dùng ví dụ nào để cho thấy mối quan hệ giữa chủ và đầy tớ?

9 Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu mối quan hệ giữa chủ và đầy tớ qua ví dụ về người đầy tớ trở về nhà sau khi làm việc cả ngày. Trong ví dụ đó, người chủ không nói với đầy tớ: “Hãy mau đến đây và ngồi vào bàn”. Thay vì thế, ông nói: “Hãy nấu gì cho ta ăn, rồi đeo tạp dề vào phục vụ ta, ta ăn uống xong thì ngươi có thể ăn uống”. Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh bài học nào qua ví dụ này? Ngài kết luận: “Cũng thế, khi anh em làm xong mọi việc được giao, hãy nói: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm bổn phận của mình’”.—Lu 17:7-10.

10. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va quý trọng mọi nỗ lực của chúng ta trong việc phụng sự ngài?

10 Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va quý trọng mọi nỗ lực của chúng ta trong việc phụng sự ngài. Kinh Thánh đảm bảo rằng “Đức Chúa Trời chẳng phải là không công chính mà quên công việc và tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài” (Hê 6:10). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va không bao giờ đòi hỏi chúng ta một cách vô lý. Những đòi hỏi của ngài đều vì lợi ích của chúng ta và không quá sức chúng ta. Tuy nhiên, qua ví dụ của Chúa Giê-su, chúng ta thấy người đầy tớ thì không làm hài lòng bản thân, tức ưu tiên cho quyền lợi cá nhân. Cũng vậy, khi dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta chọn đặt quyền lợi của ngài lên hàng đầu trong đời sống. Bạn có đồng ý như thế không?

NHỮNG ĐIỀU ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÒI HỎI NƠI TẤT CẢ CHÚNG TA

11, 12. Là quản gia, chúng ta phải thể hiện đức tính nào, và chúng ta phải tránh điều gì?

11 Hãy xem nguyên tắc thứ hai: Là quản gia, chúng ta có cùng những tiêu chuẩn căn bản. Đúng là có vài nhiệm vụ chỉ được giao cho một số tín đồ trong hội thánh, nhưng phần lớn các nhiệm vụ được giao cho tất cả chúng ta. Chẳng hạn, là môn đồ Chúa Giê-su và là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta yêu thương lẫn nhau. Chúa Giê-su nói rằng tình yêu thương là dấu hiệu để nhận biết môn đồ chân chính (Giăng 13:35). Tuy nhiên, chúng ta không chỉ thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo, mà còn với những người không cùng đức tin. Đây là điều mà tất cả chúng ta có thể làm và nên làm.

12 Chúng ta cũng phải có hạnh kiểm tốt. Chúng ta muốn tránh những hành vi và lối sống mà Lời Đức Chúa Trời lên án. Phao-lô viết: “Những kẻ gian dâm, kẻ thờ thần tượng, kẻ ngoại tình, nam mại dâm, người nam ăn nằm với người nam, kẻ trộm cắp, kẻ tham lam, kẻ say sưa, kẻ lăng mạ và kẻ tống tiền sẽ chẳng được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời đâu” (1 Cô 6:9, 10). Để vâng theo tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời, chúng ta phải nỗ lực. Nhưng nỗ lực đó mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn, chúng ta tránh được một số vấn đề về sức khỏe, có sự hòa thuận với người khác và hưởng mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời.—Đọc Ê-sai 48:17, 18.

13, 14. Tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô được giao nhiệm vụ nào? Chúng ta nên xem nhiệm vụ đó ra sao?

13 Hãy nhớ rằng người quản gia phải làm việc và chúng ta cũng thế. Chúng ta được ban cho một món quà quý giá, đó là sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời. Ngài muốn chúng ta chia sẻ sự hiểu biết đó với người khác (Mat 28:19, 20). Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy để người ta xem chúng tôi là người hầu việc Đấng Ki-tô, và là quản gia được giao phó các điều mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” (1 Cô 4:1). Phao-lô hiểu trách nhiệm của người quản gia không chỉ là quản lý “các điều mầu nhiệm” được giao, mà còn phải chia sẻ một cách trung thực những điều đó cho người khác, như Chủ là Chúa Giê-su muốn họ làm.—1 Cô 9:16.

14 Chia sẻ sự thật cho người khác là một công việc đầy yêu thương. Tất nhiên, mỗi tín đồ có một hoàn cảnh nên không thể làm như nhau trong thánh chức. Đức Giê-hô-va hiểu điều đó. Điều quan trọng là chúng ta làm hết khả năng của mình. Khi làm thế, chúng ta thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ với Đức Chúa Trời và người đồng loại.

Hãy trung thành thực hiện nhiệm vụ được giao

TRUNG THÀNH LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG

15-17. (a) Tại sao người quản gia phải trung thành? (b) Chúa Giê-su dùng những minh họa nào để cho thấy hậu quả của sự bất trung?

15 Nguyên tắc thứ ba liên quan chặt chẽ với hai nguyên tắc trên, đó là chúng ta phải trung thành và đáng tin cậy. Một quản gia có thể có nhiều đức tính tốt và kỹ năng, nhưng những điều này sẽ vô dụng nếu người đó tắc trách và bất trung với chủ. Như vậy, trung thành là yếu tố cần thiết để là một quản gia thành công và hữu hiệu. Hãy nhớ rằng Phao-lô viết: “Điều đòi hỏi nơi người quản gia là phải trung thành”.—1 Cô 4:2.

16 Nếu trung thành, chắc chắn chúng ta sẽ được tưởng thưởng. Ngược lại, nếu bất trung, chúng ta sẽ bị tổn hại. Điều này được thấy rõ trong minh họa của Chúa Giê-su về ta-lâng. Những đầy tớ dùng số tiền chủ giao để “đi làm ăn” thì được khen ngợi và được ban thưởng dồi dào. Còn người đầy tớ phụ lòng tin của chủ thì bị kết án là “biếng nhác” và “vô dụng”. Người đầy tớ này đã bị lấy lại ta-lâng và bị quăng ra ngoài.—Đọc Ma-thi-ơ 25:14-18, 23, 26, 28-30.

17 Vào dịp khác, một lần nữa Chúa Giê-su nêu rõ những hậu quả của sự bất trung. Ngài nói: “Người giàu nọ có một quản gia bị cáo là phung phí tài sản của chủ. Vậy chủ gọi quản gia ấy đến và nói: ‘Tôi đã nghe người ta báo cáo về anh. Hãy giao cho tôi sổ sách công việc của anh, vì anh không được quản lý nhà này nữa’” (Lu 16:1, 2). Vì người quản gia đã phung phí tài sản của chủ nên đã bị sa thải. Đây là một bài học đáng ghi nhớ. Chắc chắn, chúng ta không bao giờ muốn tỏ ra thiếu trách nhiệm với công việc được giao.

CÓ KHÔN NGOAN KHÔNG KHI SO SÁNH MÌNH VỚI NGƯỜI KHÁC?

18. Tại sao chúng ta không nên so sánh mình với người khác?

18 Mỗi chúng ta có thể tự hỏi: “Mình xem chức vụ quản gia của mình như thế nào?”. Vấn đề có thể nảy sinh khi chúng ta so sánh mình với người khác. Kinh Thánh khuyên: “Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình, rồi sẽ có cớ để tự hào về mình mà không so sánh với người khác” (Ga 6:4). Thay vì so sánh với việc của người khác, chúng ta nên chú tâm vào việc của mình. Điều này không chỉ giúp chúng ta tránh tự cao mà còn tránh bị nản lòng. Ngoài ra, khi xem xét bản thân, chúng ta cũng cần ý thức rằng hoàn cảnh của mình có thể thay đổi. Có lẽ hiện giờ chúng ta bị hạn chế về sức khỏe, tuổi tác hoặc phải chu toàn nhiều trách nhiệm, nên không thể tham gia thánh chức nhiều như trước. Mặt khác, nếu thấy mình có thể làm nhiều hơn hiện tại, hãy cố gắng gia tăng thánh chức.

19. Nếu chưa nhận được một đặc ân nào đó, tại sao chúng ta không nên nản lòng?

19 Một yếu tố khác mà chúng ta cũng cần xem xét là thái độ của mình về các đặc ân. Chẳng hạn, một anh có thể muốn làm trưởng lão trong hội thánh hoặc có phần trong hội nghị. Thật đáng khen nếu chúng ta nỗ lực hội đủ điều kiện để nhận được đặc ân như thế. Tuy nhiên, chúng ta không nên nản lòng nếu chưa nhận được đặc ân vào thời điểm mình mong đợi. Đôi khi chúng ta phải chờ lâu hơn để nhận được đặc ân nào đó, và chúng ta không hiểu rõ lý do. Nếu thế, hãy nhớ trường hợp của Môi-se. Dường như ông đã sẵn sàng để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai Cập, nhưng ông phải chờ đợi 40 năm sau mới nhận được đặc ân đó. Thời gian ấy là cơ hội cho ông vun trồng những đức tính cần thiết để dẫn dắt một dân ương ngạnh và phản nghịch.—Công 7:22-25, 30-34.

20. Chúng ta rút ra bài học nào từ gương của Giô-na-than?

20 Có một số đặc ân mà có thể chúng ta sẽ không bao giờ nhận được. Hãy xem trường hợp của Giô-na-than. Là con trai của Sau-lơ, theo lẽ thường thì Giô-na-than sẽ kế vị ngôi cha và trở thành vua của Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã chọn Đa-vít, một thanh niên trẻ hơn Giô-na-than nhiều, để làm vua. Giô-na-than đã phản ứng thế nào? Ông chấp nhận quyết định của Đức Giê-hô-va và ủng hộ Đa-vít, ngay cả khi điều đó gây nguy hiểm cho tính mạng của ông. Ông nói với Đa-vít: “Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể-tướng anh” (1 Sa 23:17). Giô-na-than chấp nhận vị trí của mình. Khác với cha, ông không ghen tị với Đa-vít. Vậy, thay vì đố kỵ với đặc ân của người khác, mỗi chúng ta hãy tập trung để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Chúng ta có thể tin chắc rằng trong thế giới mới, Đức Giê-hô-va sẽ làm thỏa mãn mọi ước muốn chính đáng của các tôi tớ ngài.

21. Chúng ta nên xem chức vụ quản gia của mình như thế nào?

21 Hãy luôn nhớ rằng là những quản gia của Đức Chúa Trời, chúng ta không phải là những người bị coi khinh và bị tước mất sự tự do. Ngược lại, chúng ta được Đức Chúa Trời trọng dụng và giao cho một công việc quan trọng, không bao giờ lặp lại, đó là rao truyền tin mừng trong những ngày sau cùng của thế gian này. Chúng ta cũng được ban cho khá nhiều tự do trong khi thi hành trách nhiệm của mình. Vậy, hãy là những quản gia trung thành. Mong sao chúng ta luôn quý trọng đặc ân được phụng sự đấng vĩ đại nhất trong vũ trụ.