Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tránh dùng Kinh Thánh vào mục đích mê tín

Tránh dùng Kinh Thánh vào mục đích mê tín

“Lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực” (Hê 4:12). Qua những lời này, sứ đồ Phao-lô cho thấy lời của Đức Chúa Trời có quyền lực tác động đến lòng và làm thay đổi đời sống con người.

Tuy nhiên, sau khi các sứ đồ qua đời, sự bội đạo bùng phát và nhiều người bắt đầu có quan điểm sai về quyền lực của thông điệp Kinh Thánh (2 Phi 2:1-3). Các chức sắc của giáo hội bắt đầu quy cho Kinh Thánh là có quyền lực huyền bí. Giáo sư Harry Y. Gamble viết về “việc dùng những tài liệu Ki-tô giáo vào mục đích mê tín”. Ông nói rằng vào thế kỷ thứ ba, Giáo phụ Origen cho rằng “chỉ nghe những lời linh thiêng có thể mang lại lợi ích nào đó: nếu những lời được dùng trong các thực hành ma thuật của ngoại giáo có quyền lực, thì lời của Đức Chúa Trời càng phải có quyền lực hơn”. Ông John Chrysostom, sống vào cuối thế kỷ thứ tư, viết: “Quỷ [Sa-tan] không dám bén mảng đến nhà nào có cuốn Phúc âm”. Ông cũng cho biết một số người đeo những đoạn trích của Phúc âm trên cổ như bùa hộ mạng. Giáo sư Gamble cho biết thêm, nhà thần học Công giáo là Augustine dạy rằng một người bị nhức đầu có thể “để bản Phúc âm Giăng ở dưới gối khi đi ngủ”. Rõ ràng, nhiều người đã dùng Kinh Thánh vào mục đích mê tín. Bạn có xem Kinh Thánh là lá bùa may mắn và bảo vệ mình không?

Một thực hành phổ biến khác là người ta mở hú họa một trang Kinh Thánh rồi đọc câu đầu tiên họ thấy. Họ tin rằng câu Kinh Thánh đó chính là sự chỉ dẫn mình đang cần. Chẳng hạn, giáo sư Gamble cho biết, vào một dịp khi Augustine nghe thấy giọng một em bé bên hàng xóm nói: “Lấy và đọc, lấy và đọc”, ông tin rằng Đức Chúa Trời đang bảo ông mở Kinh Thánh và đọc câu đầu tiên ông thấy.

Bạn đã bao giờ nghe về những người trong lúc gặp khó khăn đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời, sau đó mở hú họa Kinh Thánh, rồi tin rằng câu đầu tiên họ thấy sẽ giúp họ đối phó với vấn đề? Dù mục đích của những người ấy có thể là tốt nhưng tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên tìm sự hướng dẫn từ Kinh Thánh theo cách đó.

Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ rằng ngài sẽ ban cho họ “sự trợ giúp, là thần khí”. Ngài nói tiếp: “[Thần khí] sẽ giúp anh em hiểu mọi điều và nhớ lại tất cả những gì tôi đã nói với anh em” (Giăng 14:26). Việc mở hú họa một trang Kinh Thánh thì không đòi hỏi một người phải có sự hiểu biết về sách này.

Việc sử dụng Kinh Thánh vào các mục đích mê tín rất phổ biến. Nhưng Lời Đức Chúa Trời lên án những thực hành như thế (Lê 19:26; Phục 18:9-12; Công 19:19). Dù “Lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực”, nhưng chỉ khi dùng đúng cách, chúng ta mới nhận được lợi ích. Chính sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh có thể giúp một người cải thiện đời sống, chứ không phải việc dùng sách này một cách huyền bí. Sự hiểu biết ấy đã giúp nhiều người biết rõ tiêu chuẩn đạo đức, từ bỏ lối sống đồi bại, củng cố gia đình và vun trồng mối quan hệ với Đức Chúa Trời, Tác Giả của Kinh Thánh.