Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Người tạm trú” hợp nhất trong sự thờ phượng thật

“Người tạm trú” hợp nhất trong sự thờ phượng thật

“Những người ngoại-quốc sẽ làm kẻ cày ruộng và trồng nho của các ngươi; nhưng các ngươi thì sẽ được gọi là thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va”.—Ê-SAI 61:5, 6.

1. Một số người nghĩ gì về người ngoại quốc, và tại sao không nên suy nghĩ như thế?

Như đã xem trong bài trước, một số người xem thường, thậm chí miệt thị những người đến từ quốc gia khác. Có lẽ họ cảm thấy mình tốt hơn người ngoại quốc. Người có thái độ đó không chỉ cho thấy họ thiếu lòng tôn trọng mà còn thiếu sự hiểu biết. Sách Các chủng tộc loài người (The Races of Mankind) viết: “Thật như Kinh Thánh nói, các chủng tộc loài người đều là anh em”. Anh em có thể rất khác nhau, nhưng họ vẫn là anh em.

2, 3. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về người ngoại quốc?

2 Dù chúng ta sống ở bất cứ nơi đâu thì cũng có người ngoại quốc. Thời xưa, cũng có người ngoại quốc trong vòng dân Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên được hưởng mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va qua giao ước Luật pháp, nhưng họ vẫn phải đối xử với dân kiều ngụ một cách công bằng và tôn trọng. Chúng ta cũng cần phải làm thế. Không nên có sự thiên vị hay thành kiến trong vòng tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Tại sao? Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận”.—Công 10:34, 35.

3 Những người ngoại quốc nhận được lợi ích khi sống giữa dân Y-sơ-ra-ên. Điều này phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va về họ. Sứ đồ Phao-lô cho thấy rõ quan điểm của ngài qua cách lập luận của ông: “Có phải ngài chỉ là Đức Chúa Trời của người Do Thái? Chẳng phải ngài cũng là Đức Chúa Trời của dân ngoại sao? Đúng thế, ngài cũng là Đức Chúa Trời của dân ngoại”.—Rô 3:29; Giô-ên 2:32.

4. Tại sao có thể nói rằng không ai trong “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” là người ngoại quốc?

4 Về sau, dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống không còn được hưởng mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời nữa. Qua giao ước mới, ngài thay thế dân đó bằng hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu. Vì thế, hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu được gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 6:16). Phao-lô giải thích, trong dân mới này, “không còn phân biệt người Hy Lạp hay người Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, người ngoại quốc, người Sy-the, nô lệ, người tự do, nhưng Đấng Ki-tô là mọi sự và trong tất cả” (Cô 3:11). Vì thế, có thể nói rằng không ai trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô là người ngoại quốc.

5, 6. (a) Liên quan đến Ê-sai 61:5, 6, câu hỏi nào được nêu lên? (b) “Thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va” và “người ngoại-quốc” mà Ê-sai nói đến là ai? (c) Hai nhóm người này có điểm chung nào?

5 Nhưng một số người có thể thắc mắc về lời miêu tả nơi chương 61 của sách Ê-sai. Chương này có một lời tiên tri đang được ứng nghiệm trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Câu 6 nói đến những người phục vụ trên cương vị là “thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va”. Nhưng câu 5 lại nói về “những người ngoại-quốc” hợp tác với các “thầy tế-lễ” ấy. Vậy chúng ta lý giải điều này như thế nào?

6 Các “thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va” là những tín đồ được xức dầu “có phần trong sự sống lại thứ nhất”. Họ “sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Ki-tô, sẽ cùng làm vua cai trị với ngài trong một ngàn năm” (Khải 20:6). Còn “những người ngoại-quốc” là ai? Họ là những tín đồ trung thành có hy vọng sống trên đất. Những người này hợp tác chặt chẽ với các tín đồ được xức dầu. Nhưng vì họ không thuộc “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” nên họ được ví như người ngoại quốc. Họ vui vẻ làm việc cùng các “thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va” với tư cách là người “cày ruộng và trồng nho” trong mùa gặt. Họ trợ giúp những tín đồ được xức dầu trong công việc rao giảng và dạy dỗ sự thật Kinh Thánh hầu tôn vinh Đức Chúa Trời. Cả tín đồ được xức dầu và “các chiên khác” đều tham gia việc tìm kiếm những người có lòng thành và giúp họ sống theo đường lối của Đức Chúa Trời.—Giăng 10:16.

NHỮNG “NGƯỜI TẠM TRÚ” GIỐNG NHƯ ÁP-RA-HAM

7. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời nay giống Áp-ra-ham và những người trung thành khác trong thời Kinh Thánh như thế nào?

7 Như đã học trong bài trước, tín đồ đạo Đấng Ki-tô giống như những người ngoại quốc, hay người tạm trú trong thế gian gian ác của Sa-tan. Họ giống như Áp-ra-ham và những người trung thành khác trong thời Kinh Thánh, “là khách lạ và là người tạm trú tại xứ mình ở” (Hê 11:13). Bất kể có hy vọng nào, chúng ta cũng có đặc ân là được hưởng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va giống như Áp-ra-ham. Gia-cơ giải thích rằng “‘Áp-ra-ham đã đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va nên được ngài xem là công chính’, và người được gọi là ‘bạn của Đức Giê-hô-va’”.—Gia 2:23.

8. Áp-ra-ham đã nhận được lời hứa nào, và ông tin chắc điều gì?

8 Đức Chúa Trời hứa rằng qua Áp-ra-ham và những hậu duệ của ông, không chỉ một dân mà mọi dân trên đất đều sẽ được ban phước. (Đọc Sáng-thế Ký 22:15-18). Dù lời hứa của Đức Chúa Trời không được thực hiện trong đời của Áp-ra-ham, nhưng ông vẫn tin lời hứa ấy sẽ thành hiện thực. Suốt hơn nửa cuộc đời, ông và gia đình phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Trong những năm tháng ấy, Áp-ra-ham vẫn duy trì tình bạn với Đức Giê-hô-va.

9, 10. (a) Chúng ta có thể noi gương Áp-ra-ham như thế nào? (b) Chúng ta có thể mang lời mời nào đến cho mọi người?

9 Dù Áp-ra-ham không biết phải đợi bao lâu mới thấy lời hứa của Đức Giê-hô-va thành hiện thực, nhưng tình yêu thương và lòng trung thành của ông dành cho Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. Vì chú tâm vào lời hứa của Đức Chúa Trời và luôn nhớ rằng mình là người tạm trú, nên ông đã không định cư tại một xứ nào đó (Hê 11:14, 15). Gương của Áp-ra-ham đáng cho chúng ta noi theo. Như ông, chúng ta cần giữ một đời sống đơn giản, không quá chú tâm đến của cải vật chất, địa vị xã hội hoặc sự nghiệp. Có khôn ngoan không khi nỗ lực theo đuổi cái gọi là đời sống bình thường trong một thế gian sắp chấm dứt? Có khôn ngoan không khi gắn bó với những thứ chóng qua trong thế gian này? Như Áp-ra-ham, chúng ta chờ đợi những điều tốt đẹp hơn trong thế giới mới. Chúng ta kiên nhẫn và chờ đợi ngày mà hy vọng của mình thành hiện thực.—Đọc Rô-ma 8:25.

Như Áp-ra-ham, bạn có tiếp tục trông mong ngày mà lời hứa của Đức Chúa Trời thành hiện thực?

10 Ngày nay, Đức Giê-hô-va vẫn đang mời người từ mọi dân nhận ân phước qua dòng dõi của Áp-ra-ham. Các “thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va”, tức những người được xức dầu, và “người ngoại-quốc”, tức chiên khác, đang mang lời mời này đến cho mọi người trên khắp thế giới trong hơn 600 ngôn ngữ.

VƯỢT QUA RANH GIỚI QUỐC GIA

11. Liên quan đến người thuộc mọi dân, Sa-lô-môn đã nói gì?

11 Trong lời cầu nguyện tại buổi lễ khánh thành đền thờ vào năm 1026 TCN, Sa-lô-môn nói rằng người từ mọi dân sẽ cùng đến ngợi khen Đức Giê-hô-va. Điều này phù hợp với lời Đức Giê-hô-va đã hứa với Áp-ra-ham. Sa-lô-môn cầu nguyện: “Vả lại, về khách lạ, là người chẳng thuộc về dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, nhưng vì danh Ngài từ xứ xa đến (vì người ngoại bang sẽ nghe nói về danh lớn của Chúa, về cánh tay quyền-năng giơ thẳng ra của Chúa), khi người đến cầu-nguyện trong nhà nầy, xin Chúa ở trên trời, là nơi Chúa ngự, dủ nghe và làm theo mọi điều người khách lạ sẽ cầu-xin Chúa; để cho muôn dân của thế-gian nhận-biết danh Chúa, kính-sợ Chúa, y như dân Y-sơ-ra-ên của Ngài”.—1 Vua 8:41-43.

12. Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va giống như người ngoại quốc?

12 Người ngoại quốc là người sinh sống hay tạm trú tại một quốc gia không phải là nước của họ. Nhân Chứng Giê-hô-va giống như người ngoại quốc. Họ sống ở khắp nơi trên thế giới nhưng họ chỉ ủng hộ chính phủ trên trời, đó là Nước Đức Chúa Trời dưới sự trị vì của Chúa Giê-su. Họ giữ vị thế trung lập về vấn đề chính trị của thế gian này, dù một số người xem họ là kỳ lạ.

Trong mắt Đức Giê-hô-va, không ai là người ngoại quốc

13. (a) Điều gì cho thấy khái niệm “người ngoại quốc” thường là cái nhìn phiến diện của một người? (b) “Người ngoại quốc” có nằm trong ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va không? Hãy giải thích.

13 Người ta thường dựa vào những đặc điểm bên ngoài như ngôn ngữ, phong tục, hình thể, diện mạo và cách ăn mặc để phân biệt ai là người ngoại quốc. Tuy nhiên, những điều này không quan trọng bằng những đặc tính chung của toàn thể nhân loại. Khi bỏ qua những điểm khác biệt không đáng kể thì có thể chúng ta sẽ không còn xem ai là người ngoại quốc. Nếu khắp đất chỉ có một nước hay một chính phủ thì không ai là người ngoại quốc. Ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va là mọi người đều hợp nhất trong một gia đình dưới một chính phủ của ngài. Ngay bây giờ, người thuộc mọi dân có thể thay đổi quan điểm và xem người từ nước khác là anh em không?

14, 15. Nhân Chứng Giê-hô-va đã thực hiện được điều gì?

14 Trong một thế gian ích kỷ và đề cao chủ nghĩa dân tộc, thật khích lệ khi biết rằng vẫn có những người có tầm nhìn vượt qua biên giới quốc gia. Đành rằng, loại bỏ sự thành kiến không phải là điều dễ. Ông Ted Turner, người sáng lập đài truyền hình CNN, có cơ hội cộng tác với những người có tài năng đến từ nhiều nước. Ông nói: “Giao tiếp với những người này đã tác động mạnh mẽ đến tôi. Dần dần tôi xem người từ nước khác không phải là ‘người ngoại quốc’ nữa, mà là ‘người đồng xứ’ cùng sống trên một hành tinh. Tôi cảm thấy việc dùng từ ‘ngoại quốc’ là miệt thị. Vì vậy, tôi đề ra nội quy trong CNN là không được sử dụng từ ‘ngoại quốc’ khi phát sóng cũng như khi trò chuyện tại sở làm. Từ này được thay bằng từ ‘quốc tế’”.

15 Nhân Chứng Giê-hô-va là nhóm duy nhất trên thế giới bắt chước lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời về người từ mọi dân. Bằng cách tập nhìn mọi việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, họ đã thay đổi suy nghĩ và thái độ về người nước khác. Thay vì phân biệt đối xử, nghi ngờ hoặc ghen ghét những người từ quốc gia khác, Nhân Chứng Giê-hô-va quý trọng những đặc điểm và khả năng riêng của họ. Chẳng phải đây là một kỳ tích sao? Thật vậy, bắt chước suy nghĩ của Đức Chúa Trời mang lại nhiều lợi ích cho mỗi chúng ta!

MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ NGƯỜI NGOẠI QUỐC

16, 17. Sự ứng nghiệm của Khải huyền 16:16 và Đa-ni-ên 2:44 có nghĩa gì với cá nhân bạn?

16 Không lâu nữa, các nước hiện nay sẽ quy tụ lại trong trận chiến cuối cùng chống lại sự cai trị của Đức Chúa Trời, “trong tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn” (Khải 16:14, 16; 19:11-16). Hơn 2.500 năm trước, nhà tiên tri Đa-ni-ên đã báo trước về kết cuộc của các chính phủ đi ngược lại với ý định Đức Chúa Trời. Ông viết: “Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”.—Đa 2:44.

17 Hãy hình dung sự ứng nghiệm của lời tiên tri này có nghĩa gì với cá nhân bạn. Những ranh giới quốc gia do con người tạo nên, điều khiến mỗi người trở thành người ngoại quốc, sẽ không còn nữa. Dù lúc đó mỗi người chúng ta vẫn có những nét riêng về ngoại hình và diện mạo, nhưng sự khác nhau ấy sẽ cho thấy sự đa dạng tuyệt vời trong công việc sáng tạo của Đức Chúa Trời. Triển vọng huy hoàng ấy nên thôi thúc tất cả chúng ta tiếp tục hết lòng ngợi khen và tôn vinh Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va.

Bạn có mong chờ ngày mà ranh giới quốc gia và khái niệm “người ngoại quốc” không còn?

18. Ví dụ nào cho thấy khái niệm “người ngoại quốc” có thể xóa bỏ được?

18 Việc tin vào một thế giới không có người ngoại quốc có phải là điều viển vông không? Hoàn toàn không. Chúng ta có cơ sở để tin chắc rằng điều đó sẽ xảy ra. Khái niệm “người ngoại quốc” đã dần mất đi trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng hạn, gần đây một số chi nhánh nhỏ được sát nhập để tiết kiệm hơn và dễ giám sát công việc rao truyền tin mừng về Nước Trời (Mat 24:14). Các anh có trách nhiệm không để cho biên giới quốc gia ảnh hưởng đến quyết định của họ trong việc sát nhập, trừ khi có yếu tố pháp luật cản trở. Đây là một bằng chứng khác cho thấy Chúa Giê-su, Vua của Nước Trời, đang phá vỡ những rào cản do con người lập nên. Không lâu nữa, ngài sẽ “hoàn thành cuộc chinh phục của mình”.—Khải 6:2.

19. Ngôn ngữ thanh sạch đã tạo nên điều gì?

19 Dù đến từ nhiều nước và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, Nhân Chứng Giê-hô-va luôn cố gắng dùng “môi-miếng [“ngôn ngữ”, NW] thanh-sạch”. Điều này tạo nên sợi dây hợp nhất không gì phá vỡ được. (Đọc Sô-phô-ni 3:9). Họ là một gia đình quốc tế đang sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Gia đình hợp nhất này là hình ảnh thu nhỏ của thế giới mới sắp đến, một thế giới không có người ngoại quốc. Lúc đó, mọi cư dân trên đất đều sẽ đồng tình với lời được trích ở đầu bài: “Thật như Kinh Thánh nói, các chủng tộc loài người đều là anh em”.