Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Trước khi biết sự thật Kinh Thánh, vợ chồng tôi đã dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Các phôi thai không được sử dụng hết, những phôi còn dư được đông lạnh và lưu trữ. Vậy, chúng tôi có phải giữ lại những phôi dư đó hay có thể hủy bỏ?

Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề về đạo đức mà các cặp vợ chồng phải đối mặt khi họ chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Mỗi cặp vợ chồng phải chịu trách nhiệm trước Đức Giê-hô-va về quyết định của mình. Tuy nhiên, việc xem xét một số thông tin về công nghệ hỗ trợ sinh sản này có thể giúp họ.

Người đầu tiên sinh con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là một phụ nữ ở Anh Quốc vào năm 1978. Người phụ nữ này không thể thụ thai theo cách tự nhiên, vòi trứng của cô bị tắc nên tinh trùng không thể vào để kết hợp với trứng. Nhân viên y tế đã lấy ra một trứng trưởng thành của cô, rồi cho kết hợp với tinh trùng của chồng trên đĩa thủy tinh để tạo thành phôi thai. Sau khi nuôi dưỡng bên ngoài, phôi thai được cấy vào tử cung của cô và làm tổ ở đó. Về sau, cô đã sinh một bé gái. Kỹ thuật đó, cũng như những hình thức khác của nó, được gọi là thụ tinh trong ống nghiệm.

Dù cách tiến hành kỹ thuật này ở mọi nước không hoàn toàn giống nhau, nhưng nhìn chung IVF bao gồm các bước sau: Người vợ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng trong vài tuần để thúc đẩy trứng rụng nhiều. Người chồng có thể được yêu cầu lấy tinh trùng qua việc thủ dâm. Các trứng và tinh trùng đã lọc rửa được kết hợp với nhau trong phòng thí nghiệm. Nhiều trứng có thể thụ tinh, rồi bắt đầu phân chia và phát triển thành phôi thai. Sau khoảng một ngày, kỹ thuật viên kiểm tra cẩn thận những phôi thai để phát hiện những phôi bất thường, cũng như biết những phôi nào khỏe mạnh, có thể bám tốt vào nội mạc tử cung. Vào khoảng ngày thứ ba, thay vì cấy một phôi, người ta thường cấy hai hoặc ba phôi tốt nhất vào tử cung của người vợ để tăng khả năng mang thai. Nếu một hoặc nhiều phôi bám vào nội mạc tử cung thì người vợ có thai và có thể mong đợi việc sinh con.

Còn các phôi thai dư, gồm những phôi dường như yếu hơn hoặc không bình thường, thì sao? Nếu cứ để vậy thì những phôi thai ấy sẽ nhanh bị hư. Vì thế, người ta thường trữ lạnh những phôi thai đó trong nitơ lỏng. Phòng khi ca IVF đầu tiên thất bại, thì một số phôi lưu trữ sẽ được dùng trong ca sau mà không tốn kém nhiều. Tuy nhiên, điều này phát sinh những vấn đề về luân lý. Như trường hợp của cặp vợ chồng nêu câu hỏi trên, nhiều người thấy khó quyết định nên làm gì với những phôi thai trữ lạnh của mình. Có thể họ không muốn có thêm con. Có thể họ thấy khó khăn do điều kiện kinh tế hay tuổi tác. Có thể họ sợ gặp phải trường hợp mang nhiều thai *. Hoặc họ bị chia lìa bởi cái chết hay nguyên nhân nào khác. Vì có rất nhiều vấn đề cần suy xét nên một số cặp vợ chồng vẫn trả tiền để lưu trữ phôi thai trong nhiều năm.

Năm 2008, một bác sĩ là trưởng khoa phôi học nhận xét trên tờ The New York Times rằng nhiều cặp vợ chồng loay hoay không biết phải làm gì với những phôi thai dư. Bài báo đó viết: “Có ít nhất 400.000 phôi thai đang được trữ lạnh ở các bệnh viện trong cả nước, con số này gia tăng mỗi ngày... Nếu trữ lạnh đúng cách, những phôi thai vẫn có thể sử dụng được sau một thập niên hoặc hơn, nhưng không phải tất cả các phôi thai đều sống sót khi rã đông”. (Chúng tôi in nghiêng). Có thể một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ chú ý đến phần in nghiêng. Tại sao?

Các cặp vợ chồng đang đứng trước những vấn đề liên quan đến IVF có thể suy nghĩ về một tình huống khác. Một tín đồ có thể phải quyết định làm gì với người thân trong giai đoạn cuối, đang duy trì sự sống bằng máy hỗ trợ, chẳng hạn như máy chạy phổi nhân tạo. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính sẵn sàng nhận sự trợ giúp về y tế. Phù hợp với các nguyên tắc nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13 và Thi-thiên 36:9, họ quý trọng sự sống. Trong Tỉnh Thức! ngày 8-5-1974 (Anh ngữ), có viết: “Vì tôn trọng quan điểm của Đức Chúa Trời về sự thánh khiết của sự sống và muốn làm theo lương tâm cũng như tuân thủ các quy định của nhà nước, những người muốn sống phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh sẽ không bao giờ thực hiện hành vi an tử chủ động (positive euthanasia)”, tức là dùng một hình thức nào đó để chấm dứt sự sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu người bệnh sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy hỗ trợ, thì thành viên trong gia đình phải quyết định có tiếp tục dùng máy hỗ trợ cho người đó hay không.

Đành rằng, trường hợp đó không giống với trường hợp của một cặp vợ chồng đã tiến hành phương pháp IVF và đang lưu trữ phôi thai dư. Thế nhưng, có thể cặp vợ chồng ấy được đề nghị lấy các phôi thai ra và để chúng rã đông. Khi không có sự hỗ trợ của môi trường đông lạnh, các phôi thai sẽ nhanh chóng bị hư. Một cặp vợ chồng phải quyết định làm thế hay không.—Ga 6:7.

Có thể một cặp vợ chồng quyết định tiếp tục trữ lạnh phôi thai dư, có lẽ để sử dụng trong một ca IVF sau này. Một cặp khác thì xem những phôi thai trữ lạnh là sống nhờ sự trợ giúp nhân tạo, nên họ quyết định để cho chúng rã đông. Tín đồ nào ở trong hoàn cảnh này cần đưa ra quyết định dựa trên lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện, và phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Chúa Trời. Họ nên quyết định sao cho vẫn giữ được lương tâm trong sạch, đồng thời tôn trọng lương tâm của người khác.—1 Ti 1:19.

Tín đồ nào ở trong hoàn cảnh này cần đưa ra quyết định dựa trên lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện, và phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Chúa Trời

Một chuyên gia trong ngành sinh lý học hệ nội tiết nhận xét rằng hầu hết các cặp vợ chồng “vừa bối rối vừa lo sợ khi phải quyết định làm gì với những phôi thai [trữ lạnh] của họ”. Ông kết luận: “Đối với nhiều cặp vợ chồng, dường như không có giải pháp nào là tốt cả”.

Rõ ràng, tín đồ nào đang nghĩ đến việc sử dụng phương pháp IVF nên xem xét cẩn thận mọi vấn đề mà phương pháp này có thể gây ra. Kinh Thánh khuyên: “Người khôn thấy trước nguy hiểm và tránh né, kẻ khờ dại cứ đâm đầu vào rồi gặp rắc rối”.—Châm 22:3, Bản Phổ thông.

Một cặp nam nữ sống chung chưa có hôn thú đang tìm hiểu Kinh Thánh. Họ muốn làm báp-têm nhưng không thể hợp thức hóa hôn nhân vì người đàn ông đang cư trú bất hợp pháp tại nước đó. Vậy, họ có thể ký vào Bản cam kết chung thủy và sau đó làm báp-têm không?

Có vẻ như đó là giải pháp, nhưng dựa trên Kinh Thánh thì đây không phải là cách để giải quyết vấn đề của họ. Để biết lý do, trước tiên chúng ta hãy xem Bản cam kết chung thủy (Declaration Pledging Faithfulness) là gì và được dùng trong trường hợp nào.

Bản cam kết chung thủy là văn bản được biên soạn dành cho những cặp không thể kết hôn vì lý do được đề cập bên dưới. Họ ký vào văn bản này trước sự chứng kiến của người khác. Qua văn bản ấy, họ hứa nguyện trước mắt Đức Chúa Trời và các nhân chứng rằng sẽ chung thủy với nhau và sau này sẽ hợp thức hóa mối quan hệ của họ, nếu có thể. Kể từ lúc họ ký vào văn bản ấy, hội thánh xem mối quan hệ của họ giống như một hôn nhân hợp pháp.

Bản cam kết chung thủy được dùng trong trường hợp nào? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về hôn nhân và ly dị. Là đấng sáng lập hôn nhân, ngài rất xem trọng mối quan hệ này. Con ngài là Chúa Giê-su nói: “Những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ” (Mat 19:5, 6; Sáng 2:22-24). Chúa Giê-su nói thêm: “Ngoại trừ trường hợp vợ gian dâm, hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình” (Mat 19:9). Như vậy, Kinh Thánh cho biết lý do duy nhất để chấm dứt cuộc hôn nhân là một trong hai người phạm tội “gian dâm” hay vô luân. Chẳng hạn, nếu người chồng có quan hệ tình dục ngoài vòng hôn nhân, người vợ có quyền quyết định ly dị hay không. Nếu ly dị thì người vợ có thể tái hôn.

Tuy nhiên, giáo hội chính ở một số nước không chấp nhận quan điểm rõ ràng ấy của Kinh Thánh, nhất là trong quá khứ. Họ dạy rằng vợ chồng không được phép ly dị vì bất cứ lý do nào. Thế nên, một số nơi bị ảnh hưởng lớn bởi giáo hội thì không có luật cho phép vợ chồng ly dị, ngay cả khi họ có lý do như Chúa Giê-su đề cập. Tại một số nước khác, luật pháp cho phép ly dị nhưng thủ tục quá rườm rà, phức tạp và kéo dài nhiều năm. Như vậy, giáo hội chính và chính quyền tại những nơi này “ngăn cản” người ta làm điều mà Đức Chúa Trời không cấm.—Công 11:17.

Chẳng hạn, một cặp sống ở nước mà việc ly dị hoàn toàn bất khả thi hoặc vô cùng khó khăn, có lẽ mất rất nhiều năm mới hoàn tất thủ tục. Nếu họ đã làm mọi điều có thể để ly dị người hôn phối trước và được tự do tái hôn theo Kinh Thánh, thì họ có thể ký vào Bản cam kết chung thủy. Việc soạn thảo bản cam kết này để sử dụng tại những nước như thế là sự sắp đặt yêu thương của hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Tuy nhiên, văn bản này không được dùng trong những nước mà vợ chồng có thể ly dị, dù thủ tục phần nào tốn kém hoặc phức tạp.

Một số cặp dù sống ở những nước có thể ly dị nhưng vẫn muốn sử dụng văn bản này để tránh gặp rắc rối. Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính đáng để dùng Bản cam kết chung thủy.

Hãy trở lại trường hợp của cặp nam nữ được nói đến trong câu hỏi ở đầu bài. Theo nguyên tắc Kinh Thánh, cả hai người được tự do kết hôn vì hiện tại họ đang sống độc thân. Vậy, vấn đề của cặp này không liên quan đến việc ly dị. Thế nên, Bản cam kết chung thủy không áp dụng cho trường hợp của họ. Trong trường hợp này, chính quyền không cho phép họ kết hôn vì người đàn ông đang sống bất hợp pháp tại nước đó. (Chính quyền ở một số nước cho phép một cặp kết hôn dù một hoặc cả hai người đang sống bất hợp pháp tại nước đó). Họ có thể làm gì? Họ có thể phải đến một nước mà ở đó họ được phép kết hôn. Hoặc người đàn ông có thể thực hiện các bước để cư trú hợp pháp tại nơi mình đang sống, khi đó họ có thể kết hôn.

Vậy, cặp nam nữ này hoàn toàn có thể làm những bước cần thiết để mối quan hệ của họ phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cũng như luật pháp của Sê-sa (Mác 12:17; Rô 13:1). Khi đã hợp thức hóa hôn nhân, họ có thể hội đủ điều kiện để làm báp-têm.—Hê 13:4.

^ đ. 6 Nếu thai dường như phát triển không bình thường hoặc có nhiều thai cùng phát triển thì sao? Việc cố tình chấm dứt thai kỳ là phá thai. Với phương pháp IVF, việc mang nhiều thai (thai đôi, thai ba hoặc nhiều hơn) là chuyện dễ xảy ra, điều này càng gây nhiều rủi ro như sinh non và băng huyết sau sinh. Một phụ nữ mang nhiều thai có thể được khuyên bỏ một thai hay nhiều hơn. Hành động đó là phá thai, tương đương với tội giết người.—Xuất 21:22, 23; Thi 139:16.