Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tìm kiếm sự thành công thật

Hãy tìm kiếm sự thành công thật

“Con sẽ khôn ngoan và thành công trong mọi việc”.—GIÔ-SUÊ 1:8, Bản Phổ thông.

1, 2. (a) Nhiều người định nghĩa thế nào về đời sống thành công? (b) Làm sao bạn có thể biết quan điểm của mình về sự thành công?

“Thế nào là một đời sống thành công?”. Nếu bạn hỏi người ta câu hỏi đó, bạn sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau. Chẳng hạn, nhiều người xem đời sống thành công là có nhiều tiền của, nghề nghiệp tốt hoặc học vấn cao. Những người khác cho rằng đời sống thành công là có mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có lẽ còn nghĩ thành công gắn liền với chức vụ trong hội thánh hoặc thành quả trong thánh chức.

2 Để biết mình có quan điểm nào về sự thành công, hãy viết tên của vài người mà bạn cho là thành công, những người mà bạn hâm mộ và kính nể nhất. Họ có điểm chung nào? Giàu có? Nổi tiếng? Hay có quyền lực? Câu trả lời có thể cho thấy lòng bạn hướng về điều gì, và chính điều đó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến những lựa chọn cũng như mục tiêu của bạn.—Lu 6:45.

3. (a) Để thành công, Giô-suê phải làm gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Việc Đức Giê-hô-va xem chúng ta là thành công mới quan trọng, vì sự sống của chúng ta tùy thuộc vào việc được ngài chấp nhận. Khi giao cho Giô-suê trọng trách dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, Đức Giê-hô-va dặn dò ông phải đọc Luật pháp ngày và đêm, cũng như cẩn thận làm theo những điều trong đó. Đức Chúa Trời đảm bảo với ông: “Làm như vậy con sẽ khôn ngoan và thành công trong mọi việc” (Giô-suê 1:7, 8, BPT). Và chúng ta biết Giô-suê đã thành công. Còn chúng ta thì sao? Làm thế nào để biết quan điểm của mình về sự thành công có phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời hay không? Hãy xem xét đời sống của hai người được đề cập trong Kinh Thánh.

SA-LÔ-MÔN CÓ ĐỜI SỐNG THÀNH CÔNG KHÔNG?

4. Tại sao có thể nói rằng Sa-lô-môn là người thành công?

4 Xét về nhiều khía cạnh, Sa-lô-môn rất thành công. Tại sao ông thành công? Vì trong nhiều năm, ông kính sợ và vâng lời Đức Giê-hô-va nên được ban phước dồi dào. Hẳn chúng ta còn nhớ khi Đức Giê-hô-va bảo Sa-lô-môn cầu xin bất cứ điều gì, vua đã xin sự khôn ngoan để biết cách cai trị dân. Sau đó, Đức Chúa Trời ban cho ông cả sự khôn ngoan lẫn giàu có. (Đọc 1 Các Vua 3:10-14). Sự khôn ngoan của ông “trổi hơn sự khôn-ngoan của mọi người phương-đông, và sự khôn-ngoan của người Ê-díp-tô”. Sa-lô-môn trở nên nổi tiếng “trong các dân-tộc chung-quanh” (1 Vua 4:30, 31). Còn về của cải thì chỉ tính riêng vàng, mỗi năm ông thu được hơn 22 tấn! (2 Sử 9:13). Ông rất giỏi trong lĩnh vực ngoại giao, xây dựng và thương mại. Thật vậy, khi còn có vị thế tốt trước mặt Đức Chúa Trời, Sa-lô-môn là người thành công.—2 Sử 9:22-24.

5. Sa-lô-môn nhận ra điều gì về những người thật sự thành công?

5 Những gì Sa-lô-môn viết trong sách Truyền-đạo cho thấy ông không nghĩ rằng chỉ những ai giàu sang và nổi tiếng mới có hạnh phúc và thành công. Ông viết: “Ta nhìn-biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui-vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Truyền 3:12, 13). Hơn nữa, ông nhận ra rằng những điều đó chỉ có ý nghĩa thật sự khi một người có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời. Vì thế, Sa-lô-môn viết: “Hãy nghe lời kết của lý-thuyết nầy: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”.—Truyền 12:13.

6. Làm thế nào gương của Sa-lô-môn giúp chúng ta có quan điểm đúng về sự thành công?

6 Trong nhiều năm, Sa-lô-môn bước đi trong đường lối kính sợ Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết ông tiếp tục “kính-mến Đức Giê-hô-va, và đi theo các luật-lệ của Đa-vít, cha mình” (1 Vua 3:3). Đó chẳng phải là sự thành công thật sao? Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Sa-lô-môn xây một đền thờ nguy nga cho sự thờ phượng thật và viết ba sách trong Kinh Thánh. Dù chúng ta không mong được làm những việc như thế, nhưng gương trung thành của Sa-lô-môn giúp chúng ta biết cách đánh giá sự thành công thật và làm sao đạt được sự thành công ấy. Hãy nhớ là dưới sự hướng dẫn của thần khí, Sa-lô-môn viết rằng giàu sang, uyên bác, danh tiếng và quyền lực, những điều mà đa số người ngày nay xem là thước đo của thành công, chỉ là hư không. Theo đuổi những điều đó chẳng khác nào “theo luồng gió thổi”. Hẳn bạn cũng thấy nhiều người ham giàu chẳng bao giờ thỏa mãn. Ngoài ra, họ luôn phấp phỏng lo sợ sẽ mất những gì mình có. Khi qua đời họ chẳng đem theo được gì, của cải của họ sẽ vào tay người khác.—Đọc Truyền-đạo 2:8-11, 17; 5:10-12.

7, 8. Sa-lô-môn đã bất trung như thế nào, và hậu quả là gì?

7 Như chúng ta biết, cuối cùng Sa-lô-môn đã bất trung với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh ghi lại: “Trong buổi già-yếu, các hoàng-hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn-lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người... Như vậy, Sa-lô-môn làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va”.—1 Vua 11:4-6.

8 Không hài lòng về Sa-lô-môn, Đức Giê-hô-va phán với ông: ‘Bởi vì ngươi đã không giữ giao-ước và luật-pháp ta truyền cho ngươi, nên ta chắc sẽ đoạt lấy nước khỏi ngươi, cho kẻ tôi-tớ ngươi’ (1 Vua 11:11). Thật là kết cuộc thê thảm! Dù Sa-lô-môn đã thành công trong nhiều khía cạnh, nhưng cuối cùng ông làm Đức Giê-hô-va thất vọng. Trong khía cạnh quan trọng nhất của đời sống, đó là giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, thì ông lại thất bại. Mỗi chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có quyết tâm để bài học về cuộc đời của Sa-lô-môn giúp mình trở thành một người thành công không?”.

MỘT ĐỜI SỐNG THẬT SỰ THÀNH CÔNG

9. Theo tiêu chuẩn của người đời, Phao-lô có thành công không? Hãy giải thích.

9 Cuộc đời của sứ đồ Phao-lô khác hẳn với vua Sa-lô-môn. Phao-lô không được ngồi trên ngai bằng ngà, cũng không được ăn yến tiệc với các vua chúa. Thay vì thế, nhiều lần ông chịu đói khát, thiếu mặc và lạnh lẽo (2 Cô 11:24-27). Từ khi chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, Phao-lô không có vị thế trong Do Thái giáo nữa. Thậm chí, ông bị các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thù ghét. Ông bị tù đày, đòn vọt, phạt trượng và bị ném đá. Phao-lô cũng thừa nhận ông và anh em đồng đạo bị mắng nhiếc, ngược đãi và vu khống. Ông nói: “Chúng tôi như rác rưởi của thế gian, như cặn bã của mọi thứ, cho đến ngày nay”.—1 Cô 4:11-13.

Theo quan điểm của người đời, Sau-lơ có tương lai đầy hứa hẹn

10. Tại sao đối với nhiều người, dường như Phao-lô khước từ sự thành công?

10 Khi còn trẻ với tên gọi Sau-lơ, sứ đồ Phao-lô dường như có một tương lai đầy hứa hẹn. Ông sinh ra trong một gia đình danh giá và là học trò của Ga-ma-li-ên, một thầy dạy luật có tên tuổi. Sau này, Phao-lô viết: ‘So với nhiều người đồng tuổi, tôi có sự thăng tiến vượt bậc trong Do Thái giáo’ (Ga 1:14). Sau-lơ nói thành thạo cả tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, ông cũng có quốc tịch La Mã, điều mang lại cho ông nhiều quyền lợi và sự ưu đãi mà nhiều người ao ước. Nếu chọn theo đuổi sự thành công trong thế gian, hẳn ông đã được nổi tiếng và có sự an ổn về tài chính. Thế nhưng, ông đã có một lựa chọn mà đối với người khác, có lẽ ngay cả người thân, thì đó là quyết định ngu xuẩn. Tại sao ông có lựa chọn đó?

11. Phao-lô quý trọng điều gì và có mục tiêu nào, và tại sao?

11 Phao-lô yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn được ngài chấp nhận hơn là được giàu có và nổi tiếng. Khi hiểu chính xác về sự thật, Phao-lô quý trọng giá chuộc, thánh chức và niềm hy vọng về sự sống trên trời, những điều mà phần lớn người thế gian không quan tâm. Phao-lô nhận ra là có một vấn đề cần được giải quyết. Sa-tan cho rằng hắn có thể khiến tất cả mọi người rời bỏ Đức Chúa Trời (Gióp 1:9-11; 2:3-5). Dù gặp nhiều thử thách, Phao-lô vẫn kiên quyết trung thành với Đức Chúa Trời và đứng vững trong sự thờ phượng thật. Mục tiêu này nằm ngoài tiêu chuẩn đo lường thành công của người đời.

Phao-lô đã thật sự thành công

12. Tại sao chúng ta chọn đặt hy vọng nơi Đức Chúa Trời?

12 Bạn có lòng quyết tâm giống Phao-lô không? Giữ lối sống trung thành không luôn dễ, nhưng lối sống đó giúp chúng ta nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va và được ngài chấp nhận. Những ai đạt được điều này là có sự thành công thật (Châm 10:22). Chúng ta nhận được ân phước ngay bây giờ và nhiều hơn thế trong tương lai. (Đọc Mác 10:29, 30). Thế nên, chúng ta có mọi lý do để ‘không đặt hy vọng nơi sự giàu sang không chắc chắn mà đặt nơi Đức Chúa Trời, đấng cung cấp dồi dào mọi thứ mà chúng ta vui hưởng’. Chúng ta “tích trữ cho mình một kho báu an toàn, là nền tảng tốt cho tương lai, hầu nắm chắc sự sống thật” (1 Ti 6:17-19). Khi làm thế, chúng ta có thể tin chắc rằng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm sau, chúng ta sẽ nhìn lại và nói: “Tôi đã chọn con đường thành công thật!”.

CỦA CẢI CỦA BẠN Ở ĐÂU?

13. Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên nào về việc tích trữ của cải?

13 Chúa Giê-su khuyên: “Đừng tích trữ của cải ở trên đất nữa, ấy là nơi có sâu bọ, gỉ sét làm hư hại và kẻ trộm có thể vào lấy; nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có sâu bọ, gỉ sét làm hư hại và kẻ trộm không thể vào lấy. Vì của cải anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó”.—Mat 6:19-21.

14. Tại sao tìm kiếm “của cải ở trên đất” là điều thiếu khôn ngoan?

14 “Của cải ở trên đất” của một người có thể không chỉ là tiền bạc. Nó có thể bao gồm những điều mà Sa-lô-môn đề cập liên quan đến sự thành công trong mắt người đời như địa vị, danh tiếng hoặc quyền lực. Chúa Giê-su nêu ra một điểm tương tự với lời nhận xét của Sa-lô-môn trong sách Truyền-đạo, đó là của cải trên đất sẽ không lâu bền. Quanh chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy mọi của cải như thế đều dễ tiêu tan, nay còn mai mất. Khi nói về những của cải ấy, giáo sư F. Dale Bruner viết: “Danh tiếng chỉ là sự huy hoàng trong chốc lát. Thứ bảy trước là người hùng, mùa đấu sau chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt. Năm nay là chủ khoản kếch sù, năm tới biến thành con nợ... [Chúa Giê-su] yêu con người. Ngài khuyên họ tránh theo đuổi sự vinh quang phù du, điều chỉ dẫn đến thất vọng. Chúa Giê-su không muốn các môn đồ bị thất vọng. ‘Người ta được tôn lên rồi bị hạ bệ là chuyện thường tình mỗi ngày’”. Dù đa số người ta đồng ý với lời nhận xét đó, nhưng có bao nhiêu người để lời của Chúa Giê-su tác động đến lối sống của mình? Còn bạn thì sao?

15. Chúng ta nên cố gắng đạt được sự thành công nào?

15 Một số nhà lãnh đạo tôn giáo dạy rằng cố gắng đạt được thành công là sai và mọi nỗ lực để giành được điều đó cần được loại bỏ. Tuy nhiên, hãy lưu ý Chúa Giê-su không lên án mọi nỗ lực để đạt đến thành công. Thay vì thế, ngài khuyến khích các môn đồ chuyển các nỗ lực sang một mục tiêu có giá trị, đó là tích trữ “của cải ở trên trời”, là thứ không thể mất đi. Cố gắng đạt được thành công theo quan điểm của Đức Giê-hô-va nên là ước muốn hàng đầu của chúng ta. Lời Chúa Giê-su nhắc chúng ta nhớ rằng mỗi người có thể chọn mục tiêu để theo đuổi. Nhưng thực tế cho thấy chúng ta thường theo đuổi điều mà lòng mình hướng tới, điều mình chú trọng.

16. Chúng ta có thể hoàn toàn tin vào điều gì?

16 Nếu chúng ta chú trọng việc làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va, chắc chắn ngài sẽ chăm lo nhu cầu thiết yếu cho chúng ta. Đành rằng, có thể ngài để cho chúng ta chịu đói khát tạm thời như sứ đồ Phao-lô (1 Cô 4:11). Tuy nhiên, chúng ta có thể hoàn toàn tin vào lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giê-su: “Chớ bao giờ lo lắng mà nói: ‘Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì?’. Vì đó là những điều dân ngoại luôn mải lo tìm kiếm. Cha trên trời biết anh em cần mọi thứ ấy. Hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài trước hết, rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy”.—Mat 6:31-33.

HÃY TÌM KIẾM SỰ THÀNH CÔNG TRONG MẮT ĐỨC CHÚA TRỜI

17, 18. (a) Sự thành công thật phụ thuộc vào điều gì? (b) Sự thành công thật không phụ thuộc vào điều gì?

17 Rõ ràng, sự thành công thật không phụ thuộc vào thành tích hay địa vị trong mắt người đời. Sự thành công thật cũng không được đo lường bằng một chức vụ nào đó trong tổ chức của Đức Giê-hô-va. Dù vậy, đặc ân đó liên quan đến sự vâng lời và lòng trung thành với Đức Chúa Trời, yếu tố quyết định sự thành công của một người. Lời ngài cho biết: “Điều đòi hỏi nơi người quản gia là phải trung thành” (1 Cô 4:2). Chúng ta phải trung thành trong suốt cuộc đời. Chúa Giê-su cho biết: “Ai bền chí cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu” (Mat 10:22). Hẳn bạn đồng ý rằng được cứu là bằng chứng không thể phủ nhận của sự thành công.

18 Khi suy ngẫm những điều trên, chúng ta thấy việc trung thành với Đức Chúa Trời không gắn liền với sự nổi tiếng, học vấn, tiền của hay địa vị xã hội. Sự trung thành cũng không tùy thuộc vào chỉ số IQ hay khả năng. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể trung thành với Đức Chúa Trời. Trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất, có một số anh chị giàu, cũng có những anh chị nghèo. Phao-lô khuyên những anh em giàu có hãy “làm điều lành, làm nhiều việc tốt, rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ”. Cả tín đồ giàu và nghèo đều có thể nhận được “sự sống thật” (1 Ti 6:17-19). Ngày nay cũng vậy. Tất cả chúng ta đều có cùng cơ hội và trách nhiệm, đó là giữ lòng trung thành và “làm nhiều việc tốt”. Khi làm thế, chúng ta là người thành công trong mắt Đấng Tạo Hóa và cảm nhận được niềm vui khi biết mình làm ngài hài lòng.—Châm 27:11.

19. Liên quan đến sự thành công, bạn quyết tâm làm gì?

19 Chúng ta không hoàn toàn kiểm soát được hoàn cảnh, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được phản ứng của mình trước hoàn cảnh. Hãy quyết tâm giữ lòng trung thành trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều đó là đáng công. Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước dồi dào cho bạn ngay bây giờ và mãi mãi về sau. Hãy luôn ghi nhớ lời Chúa Giê-su nói với những tín đồ được xức dầu: “Hãy chứng tỏ lòng trung thành của anh cho đến chết thì tôi sẽ cho anh phần thưởng sự sống” (Khải 2:10). Đó quả là sự thành công thật!