Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy giữ vị thế “người tạm trú”

Hãy giữ vị thế “người tạm trú”

“Tôi khuyến giục anh em, là ngoại kiều và người tạm trú, hãy tiếp tục tránh các ham muốn xác thịt”.​—1 PHI 2:11.

1, 2. Khi dùng cụm từ “những người được chọn”, Phi-e-rơ muốn nói đến ai, và tại sao họ được gọi là những “người tạm trú”?

Khoảng 30 năm sau khi Chúa Giê-su về trời, sứ đồ Phi-e-rơ gửi một lá thư cho “những anh em đang tạm trú rải rác tại các vùng Bon-tu, Ga-la-ti, Cáp-ba-đô-xi-a, A-si-a, Bi-thi-ni-a, là những người được chọn” (1 Phi 1:1). Khi dùng cụm từ “những người được chọn”, Phi-e-rơ muốn nói đến những anh em được xức dầu bằng thần khí, giống như ông. Họ “được sinh lại để nhận niềm hy vọng chắc chắn” là được cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:3, 4). Nhưng tại sao sau đó ông gọi những người được chọn này là người “ngoại kiều và người tạm trú”? (1 Phi 2:11). Và tại sao chúng ta quan tâm đến điều này trong khi phần lớn chúng ta không phải là người được chọn, hay được xức dầu?

2 Gọi những tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất là những “người tạm trú” là điều thích hợp, vì họ cũng như những người được xức dầu thời nay không sống mãi trên đất. Sứ đồ Phao-lô, một trong những người thuộc “bầy nhỏ”, giải thích: “Chúng ta được làm công dân trên trời và mong mỏi chờ đợi đấng cứu rỗi từ trời là Chúa Giê-su Ki-tô” (Lu 12:32; Phi-líp 3:20). Sau khi chết, những người được xức dầu sẽ rời trái đất để nhận một điều tốt hơn nhiều, đó là sự sống bất tử ở trên trời. (Đọc Phi-líp 1:21-23). Vì thế, họ chỉ là những “người tạm trú” trong thế gian dưới sự kiểm soát của Sa-tan.

3. Câu hỏi nào được nêu lên liên quan đến “các chiên khác”?

3 Còn “các chiên khác” thì sao? (Giăng 10:16). Kinh Thánh nói họ sẽ được định cư trên đất. Thế nhưng, hiện tại họ cũng được xem là những người tạm trú. Theo nghĩa nào?

‘MỌI TẠO VẬT VẪN THAN THỞ’

4. Con người không thể xóa được tình trạng nào?

4 Bao lâu thế gian của Sa-tan còn tồn tại thì bấy lâu mọi người, kể cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô, vẫn phải chịu thiệt hại do cuộc phản nghịch của Sa-tan gây ra. Rô-ma 8:22 cho biết: “Mọi tạo vật vẫn cùng nhau than thở và chịu đau đớn cho đến nay”. Dù các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhà khoa học và nhà hoạt động nhân đạo có thiện chí đã cố gắng rất nhiều, nhưng họ vẫn không thể xóa được tình trạng ấy.

5. Kể từ năm 1914, hàng triệu người đã chọn làm gì, và tại sao?

5 Kể từ năm 1914, hàng triệu người đã chọn trở thành thần dân của vị Vua được Đức Chúa Trời phong ngôi, là Chúa Giê-su Ki-tô. Họ không muốn dự phần vào hệ thống của Sa-tan. Họ không ủng hộ thế gian của hắn. Thay vì thế, họ dùng đời sống và năng lực của mình để ủng hộ Nước Đức Chúa Trời.—Rô 14:7, 8.

6. Nhân Chứng Giê-hô-va là những người ngoại kiều theo nghĩa nào?

6 Nhân Chứng Giê-hô-va sống trong hơn 200 quốc gia là những công dân tuân thủ luật pháp. Tuy nhiên, theo nghĩa nào đó, họ là những người ngoại kiều trong các nước ấy. Họ giữ vững lập trường trung lập về chính trị và vấn đề xã hội. Ngay từ bây giờ, họ xem mình là công dân của thế giới mới do Đức Chúa Trời thiết lập. Họ vui mừng vì biết rằng thời kỳ tạm trú của họ trong thế gian điêu tàn này sắp chấm dứt.

Chúng ta không ra sức cứu vãn thế gian của Sa-tan. Chúng ta ủng hộ thế giới mới của Đức Chúa Trời

7. Điều gì sẽ mở ra cho tôi tớ của Đức Chúa Trời cơ hội định cư, và họ sẽ định cư ở đâu?

7 Không lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ ra tay hủy diệt thế gian của Sa-tan. Chính phủ hoàn hảo của Đấng Ki-tô sẽ giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự sầu khổ. Chính phủ ấy sẽ tiêu diệt mọi thế lực chống lại quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Những ai trung thành với Đức Chúa Trời sẽ có cơ hội được định cư trong địa đàng. (Đọc Khải huyền 21:1-5). Khi đó, các tạo vật sẽ hoàn toàn “được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát và có sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”.—Rô 8:21.

TÍN ĐỒ ĐẠO ĐẤNG KI-TÔ CÓ TRÁCH NHIỆM NÀO?

8, 9. Khi dùng cụm từ “tránh các ham muốn xác thịt”, Phi-e-rơ muốn nói đến điều gì?

8 Phi-e-rơ giải thích về trách nhiệm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô khi nói: “Hỡi anh em yêu dấu, tôi khuyến giục anh em, là ngoại kiều và người tạm trú, hãy tiếp tục tránh các ham muốn xác thịt vốn xung đột với anh em” (1 Phi 2:11). Dù lời khuyên này trực tiếp dành cho các tín đồ được xức dầu, nhưng cũng áp dụng cho các chiên khác của Chúa Giê-su.

9 Không phải mọi mong muốn đều xấu. Có những mong muốn mà khi thỏa mãn ở chừng mực Đấng Tạo Hóa cho phép thì có thể làm cho đời sống thêm vui thích. Chẳng hạn, chúng ta có những mong muốn bình thường là thưởng thức đồ ăn, thức uống, tham gia những hoạt động giúp thư giãn và có những mối quan hệ lành mạnh. Quan hệ tình dục với người hôn phối cũng là ước muốn chính đáng và mang lại sự vui thích cho vợ chồng (1 Cô 7:3-5). Thế nhưng, trong câu Kinh Thánh trên, Phi-e-rơ không nói đến những ước muốn lành mạnh ấy, nhưng ông nói đến các ham muốn sai trái. Cụm từ “ham muốn xác thịt” cũng được dịch là “dục vọng xác thịt” (Bản Dịch Mới) hay “dục vọng tội lỗi” (Bản Diễn Ý). Rõ ràng, muốn giữ được sự sống, chúng ta phải chế ngự bất cứ ham muốn nào nghịch lại ý định của Đức Chúa Trời và gây hại cho mối quan hệ của chúng ta với ngài.

10. Sa-tan dùng một số cạm bẫy nào để cố làm tín đồ đạo Đấng Ki-tô dự phần vào thế gian của hắn?

10 Mục tiêu của Sa-tan là khiến tín đồ đạo Đấng Ki-tô suy giảm lòng quyết tâm giữ vị thế “người tạm trú”. Việc chú trọng vật chất, tình dục vô luân, danh vọng, chủ nghĩa cá nhân và tinh thần ái quốc đều là những cạm bẫy của Sa-tan và chúng ta phải nhận ra chúng. Khi quyết tâm kháng cự những cạm bẫy như thế, chúng ta cho thấy mình không muốn dự phần vào thế gian của Sa-tan, và chứng tỏ mình là người tạm trú. Điều chúng ta mong muốn và cố gắng đạt được là việc định cư trong thế giới mới công chính của Đức Chúa Trời.

“CÁCH ĂN Ở TỐT”

11, 12. Đôi khi, người ngoại quốc bị xem như thế nào, còn Nhân Chứng Giê-hô-va thì sao?

11 Phi-e-rơ giải thích thêm về trách nhiệm của “người tạm trú” trong câu 12: “Hãy giữ gìn cách ăn ở tốt giữa các dân thế gian, để khi họ cáo buộc anh em là kẻ phạm pháp thì có thể chứng kiến việc làm tốt của anh em, và vì thế họ tôn vinh Đức Chúa Trời trong ngày ngài đến thanh tra”. Một người tạm trú ở nước khác có khi bị người bản địa chỉ trích. Đôi lúc, chỉ đơn giản vì họ khác với người xung quanh nên bị xem như phần tử xấu. Có thể lời nói, hành động, cách phục sức và diện mạo của họ phần nào khác với người bản địa. Nhưng khi có cách ăn ở tốt, những người ngoại quốc cho thấy lời chỉ trích của người xung quanh là vô căn cứ.

12 Tương tự, tín đồ đạo Đấng Ki-tô khác với những người xung quanh về nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, những chủ đề họ nói chuyện và hình thức giải trí họ chọn có thể khác với người xung quanh. Cách phục sức và ngoại diện của họ thường khác biệt so với đa số người trong cộng đồng. Đôi khi, sự khác biệt này khiến một số người hiểu sai và cho rằng họ là phần tử xấu. Tuy nhiên, cũng có những người khen lối sống tốt của họ.

13, 14. Sự khôn ngoan “được chứng minh bằng hành động” như thế nào? Hãy cho ví dụ.

13 Thật vậy, cách ăn ở tốt có thể có tác dụng dập tắt lời chỉ trích vô căn cứ. Ngay cả Chúa Giê-su, người duy nhất có lối sống trung thành hoàn hảo, cũng bị buộc tội vô cớ. Một số người nói ngài là “người tham ăn mê rượu, làm bạn với bọn thu thuế và kẻ tội lỗi”. Nhưng lối sống khôn ngoan của ngài trong việc phụng sự Đức Chúa Trời đã bác bỏ những lời cáo buộc ấy. Chúa Giê-su nói: “Sự khôn ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mat 11:19). Ngày nay cũng vậy. Chẳng hạn, một số người dân ở Selters, Đức, xem các anh chị phụng sự trong nhà Bê-tên tại đó là những người kỳ lạ. Nhưng thị trưởng của Selters bênh vực các anh chị khi nói: “Đúng là các Nhân Chứng phục vụ ở đó có lối sống khác biệt, nhưng lối sống ấy không làm phiền những người trong khu vực”.

Sự thật Kinh Thánh giúp gia đình người Nga này hợp nhất

14 Mới đây, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mát-xcơ-va, Nga, cũng bị vu oan là có những việc làm sai trái. Tháng 6 năm 2010, Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, đưa ra phán quyết: “[Mát-xcơ-va] không có cơ sở chính đáng để cản trở quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do hội họp của bên nguyên đơn. Các tòa án trong nước không đưa ra bằng chứng ‘thích hợp và đầy đủ’ về việc cộng đồng bên nguyên đơn” có hành vi đáng chê trách, chẳng hạn như khiến gia đình đổ vỡ, xúi giục việc tự sát và từ chối trị liệu y tế. Tòa án Nhân quyền Châu Âu cũng nhận định rằng biện pháp trừng phạt của các tòa án Nga là quá khắt khe và không cân xứng với tội bị cáo buộc.

VÂNG PHỤC CÁC BẬC CẦM QUYỀN

15. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô trên khắp thế giới tuân theo mệnh lệnh nào của Kinh Thánh?

15 Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn thế giới cũng tuân theo một mệnh lệnh khác được đề cập trong những lời tiếp theo của Phi-e-rơ. Ông viết: “Vì cớ Chúa, hãy phục tùng mọi quyền hành do con người lập nên: phục tùng vua như người có địa vị cao, hoặc phục tùng các quan tổng đốc” (1 Phi 2:13, 14). Dù không dự phần vào thế gian của Sa-tan, nhưng tín đồ đạo Đấng Ki-tô làm theo lời khuyên của Phao-lô là sẵn sàng vâng phục các bậc cầm quyền vì họ được ban “quyền hành tương đối”.—Đọc Rô-ma 13:1, 5-7.

16, 17. (a) Điều gì cho thấy chúng ta không chống lại chính quyền? (b) Một số viên chức công nhận điều gì về Nhân Chứng Giê-hô-va?

16 Nhân Chứng Giê-hô-va cư xử như “người tạm trú” trong thế gian, nhưng điều này không có nghĩa họ chống đối chính phủ. Họ cũng không phản đối hay can thiệp khi người khác tham gia chính trị hoặc các hoạt động xã hội. Khác với các tôn giáo khác, Nhân Chứng Giê-hô-va không can dự vào chính trị. Họ không bao giờ cố gây ảnh hưởng đến việc ban hành chính sách của các nhà cầm quyền. Những lời cáo buộc là họ quấy rối trật tự công cộng hoặc gây nguy hại cho chính quyền là hoàn toàn không có cơ sở!

17 Khi vâng phục viên chức chính quyền, tín đồ đạo Đấng Ki-tô cho thấy họ tôn trọng những người được ban quyền hành, điều này phù hợp với lời khuyên của Phi-e-rơ là “kính trọng vua” (1 Phi 2:17). Một số viên chức công nhận Nhân Chứng Giê-hô-va là những công dân tốt. Chẳng hạn, ông Steffen Reiche, nguyên bộ trưởng của một bang ở Đức, và sau này là nghị sĩ của Quốc hội Liên bang Đức, đã khen lòng kiên định của Nhân Chứng Giê-hô-va, cũng như lòng trắc ẩn của họ đối với các tù nhân khác dưới thời quốc xã. Ông nói: “Những phẩm chất mà Nhân Chứng Giê-hô-va thể hiện trong các trại tập trung và nhà tù rất cần thiết cho sự tồn tại của bất kỳ nước dân chủ lập hiến nào, cả thời xưa lẫn thời nay... Trong thời kỳ mà sự đối xử tàn bạo với người nước ngoài và người có quan điểm chính trị hay hệ tư tưởng đối lập ngày càng leo thang, thì những phẩm chất ấy càng cần thiết cho mọi công dân trong nước chúng ta”.

BIỂU LỘ TÌNH YÊU THƯƠNG

18. (a) Tại sao yêu thương đoàn thể anh em là tình cảm tự nhiên của chúng ta? (b) Một số người không phải là Nhân Chứng ấn tượng về điều gì?

18 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: ‘Hãy yêu thương cả đoàn thể anh em, kính sợ Đức Chúa Trời’ (1 Phi 2:17). Nhân Chứng Giê-hô-va kính sợ Đức Chúa Trời, không muốn làm ngài buồn lòng, và điều này càng thôi thúc họ làm theo ý muốn của ngài. Họ hạnh phúc khi được phụng sự Đức Giê-hô-va vai kề vai với đoàn thể anh em quốc tế có cùng ước muốn với họ. Vì thế, “yêu thương cả đoàn thể anh em” là tình cảm tự nhiên của họ. Tình huynh đệ đó, điều hiếm thấy trong thế gian ích kỷ ngày nay, đôi khi khiến những người không phải là Nhân Chứng phải ngạc nhiên. Chẳng hạn, một hướng dẫn viên của công ty du lịch Mỹ vô cùng ngạc nhiên trước tình cảm và sự giúp đỡ của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức đối với các đại biểu từ các nước khác đến dự hội nghị quốc tế năm 2009, tổ chức tại nước này. Cô nói rằng kể từ khi làm hướng dẫn viên du lịch, chưa bao giờ cô thấy cảnh tượng như thế. Sau này, một Nhân Chứng kể: “Cô ấy nói về chúng ta với giọng hết sức ngạc nhiên và hăng hái”. Bạn có từng thấy người không phải là Nhân Chứng phản ứng như thế tại một hội nghị mà bạn tham dự chưa?

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì, và tại sao?

19 Qua những cách trên và nhiều cách khác, Nhân Chứng Giê-hô-va cho thấy rõ họ là những “người tạm trú” trong thế gian của Sa-tan. Với lòng vui mừng, họ quyết tâm giữ vững vị thế đó. Họ hy vọng sắp tới họ sẽ được định cư trong thế giới mới công chính của Đức Chúa Trời, và niềm tin này dựa trên cơ sở vững chắc. Bạn có đang trông mong điều đó không?