Ðừng để điều gì làm mình xa cách Ðức Giê-hô-va
“Ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục-sự”.—GIÔ-SUÊ 24:15.
1-3. (a) Về việc chọn đường lối đúng, tại sao Giô-suê là gương tốt cho chúng ta? (b) Khi đứng trước những quyết định, chúng ta nên nhớ điều gì?
Lựa chọn là việc rất quan trọng vì nó giúp chúng ta kiểm soát được phần nào đời sống mình. Ví dụ: Một người đang đi trên đường, bỗng gặp đoạn đường phân ra hai nhánh. Người ấy sẽ chọn đi đường nào? Nếu có mục tiêu, tức biết nơi mình muốn đến, hẳn người ấy sẽ chọn đường dẫn mình đến đó thay vì chọn đường khiến mình xa khỏi nơi ấy.
2 Nhiều người được ghi lại trong Kinh Thánh cũng đứng trước tình huống tương tự. Chẳng hạn, Ca-in phải quyết định chế ngự cơn giận hay không (Sáng 4:6, 7). Giô-suê phải chọn giữa việc thờ phượng Ðức Chúa Trời và thờ thần giả (Giô-suê 24:15). Mục tiêu của Giô-suê là được gần gũi Ðức Giê-hô-va, nên ông đã chọn con đường giúp ông thực hiện điều đó. Ca-in không có mục tiêu ấy, và ông đã chọn con đường làm ông xa cách Ðức Giê-hô-va.
3 Ðôi khi, chúng ta cũng đứng trước những quyết định quan trọng. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta cần quyết định sao cho có thể tiếp tục đi trên con đường đúng. Hãy nhớ rằng quyết định của chúng ta có thể tôn vinh Ðức Giê-hô-va và giúp chúng ta đến gần ngài, nhưng cũng có thể khiến chúng ta xa cách ngài. (Ðọc Hê-bơ-rơ 3:12). Bài này và bài sau sẽ xem xét bảy khía cạnh của đời sống hầu không để bất cứ điều gì khiến mình xa cách Ðức Giê-hô-va.
NGHỀ NGHIỆP
4. Tại sao việc kiếm sống là quan trọng?
4 Tín đồ đạo Ðấng Ki-tô có trách nhiệm chu cấp cho bản thân và gia đình. Kinh Thánh nói rằng nếu ai muốn không chu cấp cho người nhà mình thì người ấy tệ hơn người không tin đạo (2 Tê 3:10; 1 Ti 5:8). Rõ ràng, công việc ngoài đời là một phần quan trọng của đời sống, nhưng nếu không cẩn thận thì nó có thể làm bạn xa cách Ðức Giê-hô-va. Như thế nào?
5. Chúng ta cần xem xét những yếu tố nào trước khi chấp nhận một công việc?
5 Giả sử bạn đang tìm việc. Nếu sống ở một nước hiếm việc làm, có thể bạn dễ chấp nhận ngay bất cứ công việc nào mình kiếm được. Thế nhưng, nếu tính chất công việc ấy trái với nguyên tắc Kinh Thánh thì sao? Nói sao nếu giờ giấc làm việc hay lịch đi công tác cản trở bạn tham gia các hoạt động của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô hoặc khiến bạn xa gia đình? Bạn có nên chấp nhận dù đã biết điều đó và cho rằng dẫu sao có việc còn hơn không? Hãy nhớ rằng lựa chọn sai có thể làm bạn xa cách Ðức Giê-hô-va (Hê 2:1). Dù đang tìm việc hay đang xem xét đổi việc, làm thế nào bạn có thể có quyết định khôn ngoan?
6, 7. (a) Về công việc ngoài đời, một người có thể có mục tiêu nào? (b) Mục tiêu nào giúp bạn đến gần Ðức Giê-hô-va hơn, và tại sao?
6 Lựa chọn bạn đưa ra phụ thuộc vào mục tiêu của bạn. Hãy tự hỏi: “Mục tiêu của mình là gì khi chọn một công việc?”. Nếu mục tiêu của bạn là chu cấp cho bản thân và gia đình hầu có thể tiếp tục phụng sự Ðức Giê-hô-va, thì chắc chắn ngài sẽ giúp bạn (Mat 6:33). Khi bạn mất việc hoặc đối mặt với tình hình kinh tế suy thoái, hãy nhớ rằng tay Ðức Giê-hô-va không ngắn (Ê-sai 59:1). Ngài “biết cách giải cứu người có lòng sùng kính ra khỏi cơn thử thách”.—2 Phi 2:9.
7 Nếu mục tiêu của bạn là làm giàu thì sao? Có lẽ bạn sẽ thành công. Nhưng hãy nhớ rằng bạn phải trả giá đắt cho “sự thành công” như thế. (Ðọc 1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Ưu tiên việc làm giàu và sự nghiệp chỉ khiến bạn xa cách Ðức Giê-hô-va.
8, 9. Về công việc ngoài đời, các bậc cha mẹ cần xem xét điều gì, và tại sao?
8 Nếu là bậc cha mẹ, bạn hãy nhớ rằng quyết định của bạn ảnh hưởng đến cả con cái. Con cái thấy bạn coi trọng sự nghiệp hay tình bạn với Ðức Giê-hô-va? Nếu con cái thấy bạn ưu tiên cho địa vị, danh tiếng hay việc làm giàu, có thể chúng sẽ bắt chước bạn khi lớn lên, hoặc lòng kính trọng của chúng đối với bạn sẽ giảm đi. Một chị trẻ cho biết: “Tôi còn nhớ trước đây, bố tôi bận bịu với công việc. Lúc đầu, dường như bố làm việc vất vả vì muốn gia đình có điều kiện sống tốt nhất. Bố muốn chúng tôi được chăm sóc tốt. Nhưng những năm gần đây, có điều gì đó đã thay đổi. Bố mải mê làm việc và mua sắm những tiện nghi xa xỉ không cần thiết. Vì thế, chúng tôi được biết đến là gia đình giàu có thay vì gia đình mẫu mực về thiêng liêng. Tôi muốn được bố chăm lo về thiêng liêng hơn là về tiền bạc”.
9 Hỡi các bậc cha mẹ, đừng để công việc khiến bạn xa cách Ðức Giê-hô-va. Qua gương mẫu, hãy cho con cái thấy bạn thật sự tin rằng mối quan hệ với Ðức Giê-hô-va quan trọng hơn tiền của.—Mat 5:3.
10. Khi chọn nghề nghiệp, một người trẻ nên xem xét điều gì?
10 Nếu bạn là người trẻ đang chọn ngành nghề cho mình, làm thế nào bạn có thể chọn đường lối khôn ngoan? Như đã thảo luận, bạn cần biết mục tiêu đời sống của mình là gì. Nếu đang theo học một nghề nào đó, nghề nghiệp ấy sẽ giúp bạn tập trung vào quyền lợi Nước Trời hay khiến bạn xa cách Ðức Giê-hô-va? (2 Ti 4:10). Phải chăng mục tiêu của bạn là bắt chước cách sống của những người mà niềm hạnh phúc của họ dao động theo số tiền trong tài khoản hoặc sự lên xuống của thị trường chứng khoán? Hay bạn sẽ có niềm tin cậy như Ða-vít: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày”? (Thi 37:25). Hãy nhớ rằng, một đường sẽ khiến bạn xa cách Ðức Giê-hô-va, còn đường kia sẽ dẫn bạn đến một đời sống tốt nhất. (Ðọc Châm-ngôn 10:22; Ma-la-chi 3:10). Bạn sẽ chọn đường nào? *
GIẢI TRÍ
11. Kinh Thánh công nhận điều gì về việc giải trí, nhưng chúng ta cần nhớ điều gì?
11 Kinh Thánh không cấm việc vui chơi giải trí, cũng không nói giải trí là lãng phí thời giờ. Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Luyện tập thân thể ích lợi một phần” (1 Ti 4:8, Bản Diễn Ý). Thậm chí Kinh Thánh nói là “có kỳ cười” và “có kỳ nhảy-múa”, đồng thời cũng khuyến khích chúng ta “nghỉ ngơi” đúng mức (Truyền 3:4; 4:6, Bản Dịch Mới). Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, việc giải trí có thể khiến bạn xa cách Ðức Giê-hô-va. Như thế nào? Có nhiều mối nguy hiểm xoay quanh hai khía cạnh của việc giải trí: nội dung và thời lượng.
12. Về nội dung loại hình giải trí, bạn nên xem xét những yếu tố nào?
12 Trước tiên, hãy xem xét nội dung loại hình giải trí. Chắc chắn, bạn có thể tìm được những loại hình giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, có nhiều loại giải trí đề cao những điều mà Ðức Chúa Trời ghét, như bạo lực, ma thuật và quan hệ tình dục bất chính. Vì thế, bạn cần cẩn thận khi chọn loại hình giải trí. Hãy xét xem loại giải trí đó ảnh hưởng thế nào đến bạn. Nó có cổ vũ hành vi bạo lực, tinh thần ganh đua hay chủ nghĩa dân tộc? (Châm 3:31). Chi phí cho giải trí đó có tốn kém không? Nó có thể gây vấp ngã cho người khác không? (Rô 14:21). Loại hình giải trí bạn chọn khiến bạn kết hợp với loại người nào? (Châm 13:20). Nó có khơi dậy ham muốn làm điều sai trái không?—Gia 1:14, 15.
13, 14. Về thời lượng dành cho việc giải trí, bạn cần xem xét điều gì?
13 Cũng hãy xem xét thời lượng dành cho việc giải trí. Hãy tự hỏi: “Có phải mình dành nhiều thời gian cho việc giải trí đến mức không còn thời giờ cho các hoạt động thiêng liêng?”. Nếu dành quá nhiều thời gian cho việc giải trí, nó sẽ không mấy thú vị nữa. Trên thực tế, những người giải trí với lượng thời gian vừa phải thường cảm thấy khoan khoái hơn. Tại sao? Vì họ biết rằng mình đã hoàn thành “những điều quan trọng hơn”, nên không cảm thấy áy náy trong thời gian thư giãn.—Ðọc Phi-líp 1:10, 11.
14 Dù có vẻ thú vị khi dành nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí, nhưng điều này có thể khiến bạn xa cách Ðức Giê-hô-va. Qua kinh nghiệm của mình, một chị 20 tuổi tên là Kim đã nhận ra điều đó. Chị nói: “Trước đây, tôi thường tham gia tiệc tùng liên miên. Cuối tuần nào cũng có sự kiện lớn—thứ sáu, thứ bảy rồi chủ nhật. Nhưng bây giờ tôi nhận ra có nhiều việc quan trọng hơn để làm. Chẳng hạn, là người tiên phong, tôi dậy lúc 6 giờ sáng để đi rao giảng, nên tôi không thể vui chơi đến một, hai giờ sáng. Không phải mọi sự kiện đều xấu, nhưng chúng có thể gây phân tâm. Giống như mọi điều khác, việc giải trí phải được đặt ở đúng vị trí của nó”.
15. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái chọn loại hình giải trí lành mạnh?
15 Cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc mình cũng như con cái về vật chất, tinh thần và thiêng liêng. Ðiều này bao gồm việc sắp xếp cho gia đình có thời gian giải trí. Nếu bạn là cha hoặc mẹ, đừng cho rằng mọi loại hình giải trí đều xấu. Nhưng hãy cảnh giác với những loại giải trí gây hại về đạo đức (1 Cô 5:6). Suy xét trước những điều này, bạn có thể tìm được loại hình giải trí thật sự mang lại sự tươi tỉnh cho gia đình *. Qua cách đó, bạn và con cái chọn con đường giúp cả gia đình đến gần Ðức Giê-hô-va hơn.
MỐI QUAN HỆ GIA ÐÌNH
16, 17. Hoàn cảnh nào gây đau buồn cho nhiều bậc cha mẹ, và làm sao chúng ta biết Ðức Giê-hô-va hiểu nỗi đau của họ?
16 Tình cảm giữa cha mẹ và con cái sâu đậm đến mức Ðức Giê-hô-va đã dùng mối quan hệ này để minh họa về tình yêu thương ngài dành cho dân sự (Ê-sai 49:15). Vì thế, khi một thành viên trong gia đình rời bỏ Ðức Giê-hô-va, đương nhiên chúng ta cảm thấy rất buồn. Một chị bày tỏ cảm xúc khi con gái bị khai trừ: “Tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi tự nhủ: ‘Sao con bé lại rời bỏ Ðức Giê-hô-va?’. Tôi cảm thấy có lỗi và tự trách mình”.
17 Ðức Giê-hô-va hiểu nỗi đau của bạn. Chính ngài cảm thấy “buồn-rầu trong lòng” khi thành viên đầu tiên trong gia đình nhân loại, và sau này hầu hết người sống trước trận Nước Lụt, phản nghịch ngài (Sáng 6:5, 6). Ai chưa từng ở trong hoàn cảnh ấy khó có thể hiểu được nỗi đau của người trong cuộc. Thế nhưng, thật thiếu khôn ngoan nếu để cho thành viên bị khai trừ làm bạn xa cách Ðức Giê-hô-va. Vậy, làm thế nào bạn có thể đương đầu với nỗi đau buồn khi người thân rời bỏ Ðức Giê-hô-va?
18. Tại sao cha mẹ không nên tự trách mình khi con rời bỏ Ðức Giê-hô-va?
18 Ðừng tự trách mình về chuyện đã xảy ra. Ðức Giê-hô-va cho con người quyền lựa chọn, và mỗi người đã dâng mình và làm báp-têm phải “tự gánh lấy trách nhiệm riêng” (Ga 6:5). Ðức Giê-hô-va buộc người phạm tội, chứ không phải bạn, chịu trách nhiệm về quyết định của người đó (Ê-xê 18:20). Cũng đừng trách người khác. Hãy tôn trọng sự sắp đặt của Ðức Giê-hô-va về việc kỷ luật. Hãy chống lại Kẻ Quỷ Quyệt, chứ đừng chống lại các anh chăn bầy, những người đang cố gắng bảo vệ hội thánh.—1 Phi 5:8, 9.
19, 20. (a) Cha mẹ của người bị khai trừ có thể làm gì để đương đầu với nỗi đau buồn? (b) Niềm hy vọng chính đáng của những bậc cha mẹ ấy là gì?
19 Nói sao nếu bạn oán giận Ðức Giê-hô-va? Ðiều này sẽ khiến bạn xa cách ngài. Thật ra, người thân cần thấy bạn kiên quyết đặt Ðức Giê-hô-va lên trên bất cứ điều gì khác, kể cả tình cảm gia đình. Vì thế, để đối phó với hoàn cảnh, hãy giữ vững tình trạng thiêng liêng của bạn. Ðừng tự cô lập mình khỏi những anh em đồng đạo trung thành (Châm 18:1). Hãy trải lòng với Ðức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện (Thi 62:7, 8). Ðừng viện cớ để liên lạc với người thân bị khai trừ, chẳng hạn qua e-mail (1 Cô 5:11). Hãy bận rộn trong các hoạt động thiêng liêng (1 Cô 15:58). Chị được đề cập ở trên nói: “Tôi biết là mình cần phải bận rộn trong việc phụng sự Ðức Giê-hô-va và giữ vững tình trạng thiêng liêng. Như vậy, khi con gái tôi quay về với Ðức Giê-hô-va, tôi có thể giúp cháu”.
20 Kinh Thánh nói người có tình yêu thương “hy vọng mọi điều” (1 Cô 13:7). Không có gì sai khi hy vọng người thân sẽ quay trở lại. Mỗi năm có nhiều người phạm tội ăn năn và quay lại với tổ chức của Ðức Giê-hô-va. Ðức Giê-hô-va không nuôi lòng oán giận người đã ăn năn. Trái lại, ngài “sẵn tha-thứ cho”.—Thi 86:5.
HÃY LỰA CHỌN CÁCH KHÔN NGOAN
21, 22. Về sự tự do ý chí, bạn quyết tâm làm gì?
21 Ðức Giê-hô-va ban cho loài người sự tự do ý chí. (Ðọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20). Thế nhưng, chúng ta có trách nhiệm dùng sự tự do đó một cách đúng đắn. Mỗi tín đồ đạo Ðấng Ki-tô nên tự hỏi: “Mình đang đi trên con đường nào? Mình có để cho nghề nghiệp, giải trí hoặc tình cảm gia đình làm mình xa cách Ðức Giê-hô-va?”.
22 Tình yêu thương Ðức Giê-hô-va dành cho dân ngài không bao giờ thay đổi. Ðiều duy nhất khiến chúng ta xa cách ngài là chúng ta chọn sai đường (Rô 8:38, 39). Nhưng điều này không nhất thiết phải xảy ra. Hãy quyết tâm không để bất cứ điều gì làm mình xa cách Ðức Giê-hô-va. Bài kế tiếp sẽ thảo luận thêm bốn khía cạnh mà chúng ta có thể cho thấy lòng quyết tâm đó.
^ đ. 10 Ðể biết thêm thông tin về việc chọn nghề nghiệp, xin xem sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực (Questions Young People Ask—Answers That Work), tập 2, chương 38 và tờ chuyên đề Hỡi các bạn trẻ—Các bạn dự tính gì cho đời mình?.
^ đ. 15 Tỉnh Thức! tháng 1-3 năm 2012, trang 10-12, đưa ra một số gợi ý.