Hãy ở trong trũng an toàn của Ðức Giê-hô-va
‘Ðức Giê-hô-va sẽ đánh các nước đó, như Ngài đã đánh trong ngày chiến-trận’.
1, 2. Trận chiến thật sự nào sắp xảy ra, và tôi tớ Ðức Chúa Trời sẽ không cần làm gì trong trận chiến này?
Ngày 30-10-1938, hàng triệu người ở Hoa Kỳ nghe một vở kịch qua đài phát thanh. Vở kịch đó phỏng theo tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có tựa đề Chiến tranh của các thế giới (The War of the Worlds). Trong vai phát thanh viên, các diễn viên mô tả cuộc xâm nhập của các thế lực từ sao Hỏa vào Trái Ðất và gây ra sự hủy diệt rộng lớn. Dù đã thông báo đó là một vở kịch, nhưng nhiều thính giả tưởng rằng cuộc tấn công đó là thật và rất sợ hãi. Một số thính giả còn có hành động cụ thể nhằm bảo vệ mình khỏi người ngoài hành tinh.
2 Có một cuộc chiến thật sự sắp xảy ra, nhưng người ta lại không chuẩn bị tinh thần cho ngày đó. Trận chiến này đã được báo trước, không phải trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng trong Lời Ðức Chúa Trời là Kinh Thánh. Ðó là Ha-ma-ghê-đôn, cuộc chiến mà Ðức Chúa Trời chống lại thế gian gian ác hiện tại (Khải 16:14-16). Trong trận chiến này, tôi tớ trên đất của Ðức Chúa Trời sẽ không cần bảo vệ mình khỏi người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, họ vẫn kinh ngạc trước những biến cố khủng khiếp và quyền năng đáng sợ của Ðức Chúa Trời.
3. Chúng ta sẽ xem xét lời tiên tri nào, và tại sao lời tiên tri này quan trọng với chúng ta?
3 Lời tiên tri trong sách Xa-cha-ri chương 14 liên quan trực tiếp đến trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Dù được viết cách đây khoảng 2.500 năm, nhưng lời tiên tri này ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chúng ta (Rô 15:4). Lời tiên tri báo trước điều xảy ra với dân Ðức Chúa Trời kể từ khi Nước của Ðấng Mê-si được thành lập ở trên trời năm 1914 và những biến cố hào hứng sắp xảy ra. Ðáng chú ý là lời tiên tri cho biết sự hình thành “một trũng rất lớn” và một dòng “nước sống” chảy ra (Xa 14:4, 8). Vai trò quan trọng của trũng này là cung cấp sự che chở cho những người thờ phượng Ðức Giê-hô-va. Ngoài ra, khi hiểu “nước sống” có nghĩa gì với mình, chúng ta sẽ không chỉ thấy cần phải uống mà còn muốn uống nước đó. Vì thế, chúng ta sẽ được lợi ích khi xem xét kỹ lời tiên tri này.—2 Phi 1:19, 20.
“NGÀY CỦA ÐỨC GIÊ-HÔ-VA” BẮT ÐẦU
4. (a) “Ngày của Ðức Giê-hô-va” bắt đầu khi nào? (b) Hàng thập kỷ trước năm 1914, những người thờ phượng Ðức Giê-hô-va loan báo điều gì, và các nhà lãnh đạo trên thế giới phản ứng ra sao?
4 Chương 14 của sách Xa-cha-ri mở đầu bằng những lời: “Ngày của Ðức Giê-hô-va đến”. (Ðọc Xa-cha-ri 14:1, 2). Ðó là ngày nào? Ðó là “ngày của Chúa”. Ngày này bắt đầu vào năm 1914 khi Chúa Giê-su được phong làm Vua của Nước Ðức Chúa Trời (Khải 1:10; 11:15). Hàng thập niên trước đó, những người thờ phượng Ðức Giê-hô-va loan báo rằng “thời kỳ của dân ngoại [sẽ] chấm dứt” năm 1914 và thế giới sẽ bước vào giai đoạn khó khăn chưa từng có (Lu 21:24). Các nước đã phản ứng thế nào? Thay vì hưởng ứng lời cảnh báo ấy, các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo đã chế nhạo và bắt bớ những người được xức dầu sốt sắng rao giảng. Khi làm thế, họ chọc tức chính Ðức Chúa Trời Toàn Năng, vì những người được xức dầu là đại sứ của “Giê-ru-sa-lem trên trời”, tức Nước của Ðấng Mê-si.—Hê 12:22, 28.
5, 6. (a) Kẻ thù của dân Ðức Chúa Trời đã làm gì nhằm chống lại “thành” và “công dân” của thành ấy? (b) “Dân còn lại” là ai?
5 Xa-cha-ri báo trước điều mà kẻ thù của dân Ðức Chúa Trời sẽ làm: “Thành [Giê-ru-sa-lem] sẽ bị lấy”. “Thành” tượng trưng cho Nước của Ðấng Mê-si. Những người đại điện trên đất của Nước này là các “công dân”, tức những tín đồ được xức dầu còn lại (Phi-líp 3:20). Trong Thế Chiến I, những thành viên có trách nhiệm trong tổ chức của Ðức Giê-hô-va trên đất “bị lấy”, tức bị bắt, và bị giải đến nhà tù ở Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ. Những kẻ tấn công đối xử với họ một cách bất công và tàn bạo, cấm đoán các ấn phẩm và công việc rao giảng. Ðiều này giống như kẻ thù “cướp” nhà của họ và những người trung thành vô tội khác.
6 Dù dân Ðức Chúa Trời bị áp đảo, xuyên tạc, chống đối và bắt bớ, nhưng sự thờ phượng thật vẫn tồn tại. Vẫn có “dân còn lại”, tức những tín đồ được xức dầu còn lại, kiên quyết không để bất cứ điều gì làm mình “bị trừ-bỏ khỏi thành”.
7. Những tín đồ được xức dầu nêu gương nào cho chúng ta ngày nay?
7 Có phải lời tiên tri này đã được ứng nghiệm hoàn toàn khi Thế Chiến I chấm dứt? Không phải. Các nước vẫn tiếp tục tấn công những người được xức dầu còn lại và các bạn đồng hành trung thành của họ, tức những người có hy vọng sống trên đất (Khải 12:17). Thế Chiến II chứng thực điều đó. Lối sống trung kiên của những Nhân Chứng được xức dầu khuyến khích tôi tớ Ðức Chúa Trời ngày nay chịu đựng mọi thử thách, như sự chống đối của người thân không cùng đức tin, đồng nghiệp hoặc những bạn học chế nhạo niềm tin của họ (1 Phi 1:6, 7). Dù sống nơi đâu, những người thờ phượng thật quyết tâm “đứng vững trong cùng ý chí” và “không hề hoảng sợ trước những kẻ chống đối” (Phi-líp 1:27, 28). Vậy, trong một thế giới thù ghét họ, dân Ðức Giê-hô-va có thể tìm sự an toàn nơi đâu?—Giăng 15:17-19.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA HÌNH THÀNH “MỘT TRŨNG RẤT LỚN”
8. (a) Trong Kinh Thánh, núi có thể tượng trưng cho điều gì? (b) “Núi Ô-li-ve” tượng trưng cho điều gì?
8 Trong lời tiên tri, “thành” tượng trưng cho Giê-ru-sa-lem trên trời, nên “núi Ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem”, cũng phải là hình ảnh tượng trưng. Vậy, núi này tượng trưng cho điều gì? Nó sẽ “bị xé ra chính giữa” và tạo thành hai núi như thế nào? Tại sao Ðức Giê-hô-va gọi hai núi ấy là “các núi của Ta” (Xa 14:5, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). (Ðọc Xa-cha-ri 14:3-5). Trong Kinh Thánh, núi có thể tượng trưng cho các nước hay các chính phủ. Hơn thế, Kinh Thánh cũng thường nói những ân phước và sự che chở đến từ núi của Ðức Chúa Trời (Thi 72:3; Ê-sai 25:6, 7). Vì vậy, “núi Ô-li-ve” tượng trưng cho nền cai trị của Ðức Giê-hô-va trên mọi tạo vật của ngài.
9. “Núi Ô-li-ve” bị xé ra theo nghĩa nào?
9 “Núi Ô-li-ve” bị xé ra theo nghĩa nào? Theo nghĩa là Ðức Giê-hô-va thiết lập thêm nền cai trị thứ hai vì một mục đích đặc biệt. Nền cai trị này cũng thuộc về Ðức Chúa Trời, và Chúa Giê-su Ki-tô là Vua. Vì cả hai nền cai trị đều thuộc về Ðức Giê-hô-va, nên ngài gọi hai núi được hình thành từ “núi Ô-li-ve” là “các núi của Ta”.—Xa 14:4.
10. “Trũng rất lớn” giữa hai núi tượng trưng cho điều gì?
10 Khi ngọn núi theo nghĩa bóng bị xé ra, một nửa về phía bắc và nửa kia về phía nam, chân của Ðức Giê-hô-va vẫn đặt trên cả hai ngọn núi. Việc xé này tạo nên “một trũng rất lớn” giữa hai chân ngài. Trũng này tượng trưng cho sự bảo vệ của Ðức Chúa Trời. Tôi tớ của Ðức Giê-hô-va được an toàn khi ở dưới sự cai trị của ngài và Con ngài. Ðức Giê-hô-va đảm bảo rằng sự thờ phượng thanh sạch không bao giờ mất đi. “Núi Ô-li-ve” bị xé ra khi nào? Ðó là năm 1914, khi Thời Kỳ Dân Ngoại chấm dứt và Nước của Ðấng Mê-si được thành lập. Vậy, khi nào những người thờ phượng thật bắt đầu chạy đến “trũng rất lớn”?
DÂN ÐỨC CHÚA TRỜI BẮT ÐẦU CHẠY ÐẾN TRŨNG!
11, 12. (a) Khi nào những người thờ phượng thật bắt đầu chạy đến trũng theo nghĩa bóng? (b) Ðiều gì cho thấy Ðức Giê-hô-va luôn dùng cánh tay quyền năng để bảo vệ dân ngài?
11 Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Anh em sẽ bị mọi dân thù ghét vì danh tôi” (Mat 24:9). Trong những ngày sau cùng của thế gian này, kể từ năm 1914, sự thù ghét ấy càng trở nên rõ nét hơn. Dù bị kẻ thù tấn công dữ dội trong Thế Chiến I, nhóm người được xức dầu trung thành còn lại vẫn không bị diệt. Năm 1919, họ được giải thoát khỏi nanh vuốt của Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm * (Khải 11:11, 12). Ðó chính là thời điểm những người thờ phượng thật bắt đầu chạy đến trũng của Ðức Giê-hô-va.
12 Từ năm 1919, trũng an toàn của Ðức Chúa Trời tiếp tục bảo vệ những người thờ phượng thật trên khắp đất. Qua hàng thập kỷ, nhiều nơi trên thế giới bị cấm đoán và hạn chế công việc rao giảng cũng như phát hành các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Ngày nay, sự hạn chế ấy vẫn tồn tại ở một số nước. Tuy nhiên, dù nỗ lực đến mấy, các nước đó không bao giờ xóa được sự thờ phượng thật! Ðiều này chứng tỏ Ðức Giê-hô-va luôn dùng cánh tay quyền năng để bảo vệ dân ngài.—Phục 11:2.
13. Làm thế nào chúng ta có thể ở trong trũng an toàn của Ðức Giê-hô-va, và tại sao chúng ta cần làm điều đó ngay bây giờ?
13 Nếu chúng ta gắn bó với Ðức Giê-hô-va và đứng vững trong sự thật, thì ngài và Con ngài là Chúa Giê-su sẽ không để bất cứ ai hay điều gì ‘cướp chúng ta khỏi tay’ hai đấng ấy (Giăng 10:28, 29). Ðức Giê-hô-va sẵn sàng cung cấp sự giúp đỡ cần thiết để chúng ta có thể vâng lời ngài, và tiếp tục là thần dân trung thành của Nước Ðấng Mê-si. Càng gần ngày hoạn nạn lớn, chúng ta càng cần sự trợ giúp của ngài. Vì vậy, ngay bây giờ, chúng ta cần ở trong trũng an toàn của Ðức Giê-hô-va.
“NGÀY CHIẾN-TRẬN” ÐẾN
14, 15. Trong “ngày chiến-trận [của Ðức Chúa Trời]”, những người bên ngoài “trũng rất lớn” sẽ lâm vào tình cảnh nào?
14 Càng gần đến ngày kết liễu của thế gian này, Sa-tan càng ra sức tấn công tôi tớ của Ðức Giê-hô-va. Nhưng khi hắn dốc toàn lực tấn công dân ngài trong trận cuối cùng, thì “ngày chiến-trận [của Ðức Chúa Trời]” đến. Ðức Giê-hô-va sẽ ra tay hủy diệt mọi kẻ thù của dân ngài. Hơn bất cứ “ngày chiến-trận” nào khác, trong ngày ấy, Ðấng Cai Trị Hoàn Vũ sẽ chứng tỏ là một Chiến Sĩ vẻ vang nhất.—Xa 14:3.
15 Trong ngày chiến trận của Ðức Chúa Trời, những người bên ngoài “trũng rất lớn” sẽ lâm vào tình cảnh nào? Họ “không có sự sáng”, tức không nhận được ân huệ của Ðức Chúa Trời. Trong ngày đó, “ngựa, la, lạc-đà, lừa, và hết thảy thú-vật”—tượng trưng cho công cụ chiến tranh của các nước—đều bị ảnh hưởng. Chúng sẽ không còn tác dụng nữa. Ðức Giê-hô-va cũng sẽ dùng bệnh tật và “ôn-dịch” để trừng phạt kẻ thù. Trong ngày đó, ‘[Ðức Giê-hô-va] sẽ làm cho ai nấy mắt mục trong vành nó, lưỡi mục trong miệng nó’. Chúng ta không biết ôn dịch này sẽ xảy ra theo nghĩa đen hay không, nhưng chúng ta biết những kẻ tấn công chỉ có thể đánh trong bóng tối và chúng không thể phát ra những lời thách thức nữa (Xa 14:6, 7, 12, 15). “Các vua trên đất” đều sẽ đứng về phía Sa-tan. Chúng sẽ bị diệt, không một ai trốn thoát (Khải 19:19-21). “Thây của những kẻ mà Ðức Giê-hô-va đã giết trong ngày đó, sẽ đầy trên đất từ đầu nầy đến đầu kia”.—Giê 25:32, 33.
16. Ngày chiến trận của Ðức Giê-hô-va đang đến gần, chúng ta nên suy ngẫm những câu hỏi nào? Trong hoạn nạn lớn, chúng ta cần làm gì?
16 Cuộc chiến nào cũng gây đau khổ cho con người, kể cả người thắng trận. Chiến tranh có thể gây ra tình trạng khan hiếm thực phẩm, mất mát tài sản, mức sống giảm sút và mất tự do. Nếu ở trong hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Chúng ta có hoảng loạn không? Khi bị áp lực, chúng ta có từ bỏ đức tin? Chúng ta có tuyệt vọng và buồn nản? Trong hoạn nạn lớn, việc tiếp tục tin cậy nơi quyền năng giải cứu của Ðức Giê-hô-va và ở trong trũng an toàn của ngài thật quan trọng biết bao!—Ðọc Ha-ba-cúc 3:17, 18.
“NƯỚC SỐNG SẼ RA”
17, 18. (a) “Nước sống” là gì? (b) “Biển đông” và “biển tây” tượng trưng cho những ai? (c) Hướng về tương lai, bạn quyết tâm làm gì?
17 Sau Ha-ma-ghê-đôn, những dòng “nước sống” sẽ liên tục chảy ra từ Nước của Ðấng Mê-si. “Nước sống” tượng trưng cho những sự cung cấp của Ðức Giê-hô-va nhằm mang lại sự sống cho nhân loại. “Biển đông” nói đến Biển Chết và “biển tây” ám chỉ Ðịa Trung Hải. Cả hai hình ảnh này đều nói về con người. Biển Chết tượng trưng cho những người đang an giấc trong mồ mả. Ðịa Trung Hải có dồi dào sự sống nên nó là hình ảnh thích hợp cho “đám đông” được sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn. (Ðọc Xa-cha-ri 14:8, 9; Khải 7:9-15). Cả hai nhóm người này đều sẽ được giải thoát khỏi án chết do A-đam truyền lại nếu họ tiếp tục thỏa mãn cơn khát bằng “nước sống” từ “con sông chứa nước sự sống”.—Khải 22:1, 2.
18 Khi Ðức Giê-hô-va hủy diệt thế gian gian ác này, chúng ta sẽ được ngài bảo vệ và đưa vào thế giới mới công chính. Dù bị mọi dân thù ghét, chúng ta hãy quyết tâm trung thành với Nước Ðức Chúa Trời và luôn ở trong trũng an toàn của Ðức Giê-hô-va.
^ đ. 11 Xin xem sách Khải huyền gần đến cực điểm vinh quang! (Revelation—Its Grand Climax at Hand!), trang 169, 170 hoặc Tháp Canh ngày 1-3-2001, trang 15, đoạn 17.