“Anh em đã biết Ðức Chúa Trời”—Bây giờ thì sao?
“Anh em đã biết Ðức Chúa Trời”.
1. Tại sao phi công xem xét kỹ các mục trong bảng kiểm tra trước khi cất cánh?
Các phi công có một bảng kiểm tra. Trước mỗi chuyến bay, họ cẩn thận kiểm tra máy bay theo từng mục ghi trong bảng đó. Nếu không làm thế, nguy cơ gặp rủi ro sẽ cao. Bạn có biết phi công nào đặc biệt được khuyên nên sử dụng bảng kiểm tra trước mỗi chuyến bay không? Phi công dày dạn kinh nghiệm! Vì viên phi công này thường dễ chủ quan và không kiểm tra kỹ mọi chi tiết trước khi cất cánh.
2. Tín đồ đạo Ðấng Ki-tô cần kiểm tra điều gì?
2 Như người phi công thận trọng, bạn có thể dùng một bảng kiểm tra để đảm bảo rằng đức tin của mình sẽ vững vàng khi gặp khó khăn. Dù mới làm báp-têm hay đã phụng sự Ðức Chúa Trời lâu năm, việc thường xuyên kiểm tra đức tin và tình yêu thương của mình đối với Ðức Giê-hô-va là điều thiết yếu. Nếu không làm thế, khi gặp khó khăn chúng ta sẽ có nguy cơ gục ngã về thiêng liêng. Kinh Thánh cảnh báo: “Ai nghĩ mình đang đứng thì phải coi chừng kẻo ngã”.—1 Cô 10:12.
3. Các tín đồ ở Ga-la-ti cần làm gì?
3 Sự hy sinh của Chúa Giê-su mở ra cơ hội cho tín đồ đạo Ðấng Ki-tô biết Ðức Chúa Trời theo một cách mới, đó là được trở thành con cái Ðức Chúa Trời! Các tín đồ ở Ga-la-ti cần tiếp tục kiểm tra đức tin của mình để giữ được mối quan hệ đặc biệt ấy (Ga 4:9). Tại Ga-la-ti, anh em gặp áp lực từ những tín đồ thiên về Do Thái giáo. Những người này cho rằng tín đồ đạo Ðấng Ki-tô phải làm theo Luật pháp Môi-se mới được xem là công chính. Tuy nhiên, Ðức Chúa Trời không còn dùng Luật pháp Môi-se, và các tín đồ gốc dân ngoại chưa bao giờ sống theo Luật pháp ấy! Vậy, cả tín đồ gốc Do Thái và gốc dân ngoại đều cần phải tiến bộ về thiêng liêng. Ðiều này bao hàm việc hiểu rằng họ không thể trở nên công chính nhờ Luật pháp Môi-se.
NHỮNG BƯỚC ÐẦU ÐỂ BIẾT ÐỨC CHÚA TRỜI
4, 5. Phao-lô cho anh em ở Ga-la-ti lời khuyên nào, và lời khuyên này giúp chúng ta ra sao?
4 Lời của sứ đồ Phao-lô dành cho anh em ở Ga-la-ti được ghi lại với một mục đích, đó là khuyên tín đồ đạo Ðấng Ki-tô chân chính thuộc mọi thời đại đừng quay lưng lại với sự thật Kinh Thánh để trở lại với những điều mình đã từ bỏ. Dù viết cho anh em ở Ga-la-ti, nhưng lá thư của Phao-lô có thể giúp tất cả những người thờ phượng Ðức Giê-hô-va tiếp tục giữ lòng trung thành.
5 Tất cả chúng ta cần nhớ lại cách mình được giải thoát về thiêng liêng và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Cụ thể, chúng ta muốn nhớ mình đã thực hiện những bước nào để hội đủ điều kiện làm ứng viên báp-têm. Chúng ta muốn nhớ làm thế nào mình đã biết Ðức Chúa Trời và được ngài biết đến, nhờ thế hưởng được sự tự do thật.
6. Chúng ta sẽ xem bảng kiểm tra nào?
6 Về cơ bản, tất cả chúng ta đã thực hiện chín bước. Các bước này, được ví như bảng kiểm tra về thiêng liêng, nằm trong khung “Những bước cần thực hiện để hội đủ điều kiện làm báp-têm và tiếp tục tiến bộ”. Thường xuyên xem lại những bước này sẽ giúp chúng ta củng cố đức tin và không quay lại thế gian. Giống như phi công có kinh nghiệm nhưng vẫn thận trọng theo sát bảng kiểm tra trước mỗi chuyến bay để được an toàn, chúng ta cũng sử dụng bảng kiểm tra về thiêng liêng, nhờ thế có thể tiếp tục trung thành phụng sự Ðức Chúa Trời.
NHỮNG NGƯỜI ÐƯỢC ÐỨC CHÚA TRỜI BIẾT ÐẾN TIẾP TỤC TIẾN BỘ VỀ THIÊNG LIÊNG
7. Chúng ta cần làm theo khuôn mẫu nào, và tại sao?
7 Như viên phi công xem xét các mục trong bảng kiểm tra trước mỗi chuyến bay, chúng ta cũng có thể thường xuyên xem xét bản thân và tình trạng thiêng liêng của mình kể từ khi làm báp-têm. Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Hãy luôn giữ khuôn mẫu của sự dạy dỗ đúng đắn mà con đã nghe từ ta, với đức tin và tình yêu thương có được nhờ hợp nhất với Ðấng Ki-tô Giê-su” (2 Ti 1:13). “Sự dạy dỗ đúng đắn” nằm trong Lời Ðức Chúa Trời (1 Ti 6:3). Những nét vẽ phác họa có thể giúp chúng ta hình dung được một sự vật nào đó; tương tự, ‘khuôn mẫu của sự thật’ cho chúng ta cái nhìn bao quát về những đòi hỏi của Ðức Giê-hô-va. Bây giờ, chúng ta hãy xem những bước mình đã thực hiện trước khi làm báp-têm và kiểm tra xem chúng ta đang theo sát khuôn mẫu của sự thật đến mức nào.
8, 9. (a) Về đức tin và sự hiểu biết, chúng ta cần làm gì? (b) Hãy nêu một minh họa cho thấy một tín đồ cần tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng.
8 Mục đầu tiên trong bảng kiểm tra là tìm hiểu về Ðức Giê-hô-va và Con ngài là Chúa Giê-su. Nhờ đó, chúng ta có thể vun trồng đức tin. Chúng ta nên tiếp tục tiến bộ trong cả hai khía cạnh trên (2 Tê 1:3). “Tiến bộ” có nghĩa là gia tăng, mở rộng. Vì thế, sau khi làm báp-têm, chúng ta cần tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng, chứ không giậm chân tại chỗ.
9 Chúng ta có thể ví sự tiến bộ về thiêng liêng với sự phát triển của một cây. Cây có thể phát triển đến một kích cỡ đáng kinh ngạc, nhất là khi rễ của nó bám sâu hoặc lan rộng. Chẳng hạn, một số “cây hương-nam”, hay bá hương, của Lebanon có thể vươn cao bằng tòa nhà 12 tầng, rễ bám sâu và chắc, đường kính của thân cây có thể lên đến 12m (Nhã 5:15). Lúc đầu, cây lớn nhanh như thổi. Sau giai đoạn đó, cây vẫn tiếp tục phát triển, dù không dễ thấy như trước. Mỗi năm, thân cây càng to hơn, rễ cây đâm sâu và lan rộng hơn, làm cho cây ngày càng vững chãi. Sự tiến bộ về thiêng liêng của một tín đồ cũng như thế. Trong thời gian đầu học Kinh Thánh, có thể chúng ta tiến bộ nhanh, rồi làm báp-têm. Các anh chị trong hội thánh rất vui vì thấy sự tiến bộ của chúng ta. Có thể chúng ta hội đủ điều kiện làm tiên phong hoặc nhận những đặc ân khác. Trong những năm tiếp theo, sự tiến bộ của chúng ta có lẽ không dễ thấy như trước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần gia tăng đức tin và sự hiểu biết để “trở nên người trưởng thành, đạt được vóc dáng trọn vẹn như Ðấng Ki-tô” (Ê-phê 4:13). Như vậy, chúng ta phát triển, từ một chồi non bé nhỏ thành một cây trưởng thành, vững chãi.
10. Tại sao sự tiến bộ là cần thiết ngay cả với các tín đồ thành thục?
10 Ngay cả khi đã “trưởng thành”, một tín đồ vẫn cần tiếp tục tiến bộ. Sự hiểu biết về Lời Ðức Chúa Trời và đức tin giống như rễ cây giúp chúng ta vững vàng, không lay chuyển. Những cái rễ này cần tiếp tục đâm sâu và chắc hơn (Châm 12:3). Trong hội thánh đạo Ðấng Ki-tô, nhiều anh chị tiếp tục gia tăng sự hiểu biết và đức tin. Chẳng hạn, một anh đã làm trưởng lão hơn ba mươi năm nói: “Càng ngày tôi càng quý trọng Kinh Thánh. Tôi luôn tìm thấy những cơ hội mới để áp dụng các nguyên tắc và điều luật của Kinh Thánh theo nhiều cách khác nhau. Lòng quý trọng của tôi đối với thánh chức cũng gia tăng”.
VUN ÐẮP TÌNH BẠN VỚI ÐỨC CHÚA TRỜI
11. Làm thế nào chúng ta có thể biết Ðức Giê-hô-va rõ hơn?
11 Sự tiến bộ của chúng ta cũng bao hàm việc đến gần Ðức Giê-hô-va hơn, xem ngài là Cha và Bạn của chúng ta. Ngài muốn chúng ta cảm thấy được chấp nhận, yêu thương và bảo vệ. Ðó là cảm giác của con trẻ khi ở trong vòng tay yêu thương của cha, hoặc cảm giác của chúng ta khi ở cùng một người bạn chân chính, trung thành. Dĩ nhiên, tình bạn thân thiết với Ðức Giê-hô-va không thể vun đắp một sớm một chiều. Chúng ta cần thời gian để biết ngài và yêu thương ngài. Vậy, để biết ngài rõ hơn, chúng ta hãy quyết tâm dành thời gian đọc Lời ngài mỗi ngày. Ðồng thời, hãy đọc mỗi số Tháp Canh và Tỉnh Thức! cũng như những ấn phẩm khác dựa trên Kinh Thánh.
12. Muốn được Ðức Giê-hô-va biết đến, chúng ta cần làm gì?
12 Những người bạn của Ðức Chúa Trời tiến bộ về thiêng liêng qua những lời cầu nguyện chân thành và việc kết hợp với anh em đồng đạo. (Ðọc Ma-la-chi 3:16). Ðức Giê-hô-va “nghe lời cầu xin tha thiết của họ” (1 Phi 3:12). Như một người cha yêu thương, ngài chăm chú lắng nghe khi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ. Vì thế, chúng ta hãy “kiên trì cầu nguyện” (Rô 12:12). Chúng ta không giữ được tình bạn với Ðức Giê-hô-va nếu không có sự trợ giúp của ngài. Bằng sức riêng, chúng ta không thể kháng cự và vượt qua áp lực của thế gian. Nếu ngưng cầu nguyện, chúng ta sẽ tự tách mình khỏi nguồn lực dồi dào mà Ðức Chúa Trời sẵn sàng ban cho. Bạn có thấy mình cần cải thiện chất lượng lời cầu nguyện không?—Giê 16:19.
13. Tại sao kết hợp với anh em đồng đạo là điều quan trọng trong việc tiến bộ về thiêng liêng?
13 Ðức Giê-hô-va hài lòng với những ai “ẩn-náu nơi Ngài”. Vì thế, dù đã biết ngài, chúng ta muốn tiếp tục kết hợp đều đặn với hội thánh, nơi có những người biết ngài (Na 1:7). Trong một thế gian đầy sự chán nản, chúng ta cần kết hợp với anh em đồng đạo. Chúng ta nhận được những lợi ích nào khi làm thế? Chúng ta sẽ được khuyến khích để “bày tỏ tình yêu thương và làm việc lành” (Hê 10:24, 25). Tình yêu thương mà Phao-lô nói đến đòi hỏi phải có một đoàn thể anh em, một nhóm người đồng đức tin, hay một hội thánh. Ðể thể hiện tình yêu thương này, chúng ta phải kết hợp với anh em đồng đạo. Vậy, hãy đều đặn tham dự và bình luận trong các buổi nhóm họp.
14. Tại sao sự ăn năn và quay trở lại là một tiến trình liên tục?
14 Ðể trở thành môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta đã ăn năn và quay trở lại, tức từ bỏ con đường tội lỗi. Tuy nhiên, ăn năn là một tiến trình liên tục. Vì là người bất toàn, nên tội lỗi vẫn tiềm ẩn bên trong chúng ta giống như con rắn cuộn tròn sẵn sàng tấn công (Rô 3:9, 10; 6:12-14). Chúng ta hãy luôn cảnh giác với những điểm yếu của mình. Ðức Giê-hô-va kiên nhẫn khi chúng ta nỗ lực đấu tranh với những yếu kém của bản thân và thực hiện những thay đổi cần thiết (Phi-líp 2:12; 2 Phi 3:9). Khi dùng thời gian và năng lực để phụng sự Ðức Giê-hô-va thay vì theo đuổi những mục tiêu ích kỷ, chúng ta sẽ dễ làm điều đó hơn. Một chị viết: “Dù lớn lên trong sự thật, nhưng tôi có quan điểm về Ðức Giê-hô-va khác với các anh chị khác. Ðối với tôi, ngài rất đáng sợ và tôi nghĩ mình không bao giờ có thể làm ngài hài lòng”. Về sau, chị phạm một số sai lầm và thấy mình “loạng choạng về thiêng liêng”. Chị cho biết thêm: “Tôi rơi vào tình trạng đó không phải vì tôi không yêu mến Ðức Giê-hô-va, nhưng vì tôi không thật sự biết ngài. Nhưng sau nhiều lời cầu nguyện tha thiết, tôi bắt đầu thay đổi. Tôi thấy Ðức Giê-hô-va dìu dắt tôi như một đứa trẻ, giúp tôi vượt qua từng trở ngại một. Ngài nhẹ nhàng chỉ cho tôi những gì tôi cần làm”.
15. Chúa Giê-su và Cha ngài chú ý đến điều gì?
15 ‘Hãy tiếp tục rao giảng cho dân chúng’ về tin mừng. Thiên sứ của Ðức Chúa Trời nói những lời này với Phi-e-rơ và các sứ đồ khác sau khi giải thoát họ khỏi nhà tù (Công 5:19-21). Thật vậy, tham gia thánh chức hằng tuần là một mục khác trong bảng kiểm tra về thiêng liêng. Khi đều đặn rao giảng, đức tin của chúng ta sẽ được củng cố. Chúa Giê-su và Cha ngài chú ý đến đức tin và thánh chức của chúng ta (Khải 2:19). Anh trưởng lão được trích lời ở trên nói: ‘Thánh chức là sự nghiệp của chúng ta’.
16. Tại sao nên suy ngẫm về sự dâng mình của chúng ta?
16 Hãy thường xuyên suy ngẫm về sự dâng mình của chúng ta. Ðiều quý giá nhất mà chúng ta có là mối quan hệ với Ðức Giê-hô-va. Ngài biết những người thuộc về ngài. (Ðọc Ê-sai 44:4, 5). Hãy xem lại mối quan hệ của mình với Ðức Giê-hô-va và cầu xin ngài giúp chúng ta luôn gần gũi với ngài. Cũng hãy nghĩ đến việc báp-têm của mình, đừng bao giờ quên ngày quan trọng đó. Qua việc báp-têm, chúng ta cho người khác thấy mình đã dâng mình cho Ðức Giê-hô-va. Ðây là quyết định quan trọng nhất trong đời chúng ta.
CHỊU ÐỰNG LÀ ÐIỀU CẦN THIẾT ÐỂ GẮN BÓ VỚI ÐỨC GIÊ-HÔ-VA
17. Tại sao chịu đựng là điều cần thiết để chúng ta gắn bó với Ðức Giê-hô-va?
17 Trong thư viết cho anh em ở Ga-la-ti, Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chịu đựng (Ga 6:9). Ðức tính đó cũng rất cần thiết đối với tín đồ đạo Ðấng Ki-tô ngày nay, vì chúng ta sẽ đối mặt với những thử thách. Thế nhưng, Ðức Giê-hô-va sẽ trợ giúp chúng ta. Hãy tiếp tục cầu xin ngài ban thần khí. Có thể ngài không loại bỏ vấn đề của chúng ta, nhưng ngài sẽ giúp chúng ta có niềm vui và sự bình an (Mat 7:7-11). Hãy nghĩ đến điều này: Nếu Ðức Giê-hô-va quan tâm đến loài chim, thì chẳng phải ngài còn quan tâm đến bạn, một người yêu mến ngài và dâng đời sống mình cho ngài, hơn thế hay sao? (Mat 10:29-31). Cho dù phải đương đầu với bất cứ điều gì, đừng bao giờ thoái lui hay bỏ cuộc. Ðược Ðức Giê-hô-va biết đến quả là ân phước tuyệt vời!
18. Là người “đã biết Ðức Chúa Trời”, giờ đây bạn nên làm gì?
18 Dù mới làm báp-têm hay đã phụng sự nhiều năm rồi, bạn nên làm gì? Hãy tiếp tục tìm hiểu thêm về Ðức Giê-hô-va và tiến bộ về thiêng liêng. Mong sao chúng ta không bao giờ tự mãn về mối quan hệ của mình với ngài. Chúng ta nên thường xuyên xem lại bảng kiểm tra về thiêng liêng. Khi làm thế, chúng ta sẽ ngày càng gắn bó hơn với Cha, Bạn và Ðức Chúa Trời yêu thương của chúng ta, Ðức Giê-hô-va.—Ðọc 2 Cô-rinh-tô 13:5, 6.