Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Josephus có thật sự viết điều đó không?

Josephus có thật sự viết điều đó không?

Trong cuốn 20 của bộ Jewish Antiquities, sử gia vào thế kỷ thứ nhất là Flavius Josephus có đề cập đến “Gia-cơ, em của Giê-su được gọi là Ki-tô”. Nhiều học giả đã xác nhận lời tuyên bố này. Tuy nhiên, một số học giả nghi ngờ tính xác thực của một lời tuyên bố khác liên quan đến Chúa Giê-su trong bộ sách ấy. Hãy xem xét đoạn văn sau đây, thường được gọi là Testimonium Flavianum:

“Lúc bấy giờ, có một người thông thái tên Giê-su, chẳng biết có phải phép nếu gọi ông ấy là người không, vì ông đã làm những việc kỳ diệu, là thầy của những người vui lòng chấp nhận sự thật. Ông thu hút nhiều người Do Thái lẫn người ngoại. Ông là Ðấng Ki-tô. Khi Phi-lát làm theo lời đề nghị của những người đứng đầu chúng ta và kết án ông phải chết trên cây thập tự, thì những người ban đầu yêu mến ông không từ bỏ ông, vì ông đã sống lại và hiện đến với họ vào ngày thứ ba. Các nhà tiên tri của Ðức Chúa Trời đã báo trước những điều đó cùng một vạn điều tuyệt diệu khác liên quan đến ông; các tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, được đặt theo danh hiệu của ông, vẫn tồn tại đến ngày nay”.—Josephus—The Complete Works, do William Whiston dịch.

Kể từ cuối thế kỷ 16, một cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra giữa những người tin vào tính xác thực của đoạn văn trên và những người nghi ngờ việc Josephus đã viết điều đó. Sử gia người Pháp kiêm chuyên gia về văn học cổ điển là Serge Bardet đã tìm cách gỡ rối cho chuỗi tranh luận rối như tơ vò hơn bốn thế kỷ qua. Ông xuất bản công trình nghiên cứu của mình trong cuốn sách có tựa đề Le Testimonium Flavianum—Examen historique considérations historiographiques.

Josephus không phải là một tác giả theo đạo Ðấng Ki-tô, ông là một sử gia Do Thái; vì thế, cuộc tranh luận chủ yếu tập trung vào việc Chúa Giê-su được gọi là “Ðấng Ki-tô”. Theo phân tích, ông Bardet xác nhận rằng danh hiệu ấy hoàn toàn phù hợp với “cách người Hy Lạp gán mạo từ [xác định] cho tên người”. Ông cũng cho biết theo quan điểm chung của Do Thái Giáo và đạo Ðấng Ki-tô, “cách dùng từ Christos [Ki-tô] của Josephus không chỉ khả thi”, nó còn là một chi tiết mà “phần lớn những nhà phê bình đã lờ đi một cách sai lầm”.

Có thể nào đoạn văn trên đã bị thêm thắt bởi một kẻ giả mạo bắt chước văn phong Josephus? Dựa trên các bằng chứng lịch sử và nguyên văn, ông Bardet kết luận rằng sự giả mạo thể ấy gần như là phép lạ. Nó đòi hỏi người giả mạo phải có “tài bắt chước khó ai sánh bằng vào thời xưa”. Nói cách khác, người đó với Josephus phải một chín một mười.

Vậy thì tại sao lại xôn xao đến thế? Ðể chỉ ra tâm điểm của vấn đề, ông Bardet cho biết rằng “khác với phần lớn các văn bản cổ xưa, đoạn văn Testimonium bị nghi ngờ chỉ đơn giản vì có những thắc mắc được nêu lên liên quan đến đoạn văn Testimonium”. Ông nói tiếp rằng các quan điểm được chấp nhận qua hàng thế kỷ đã dựa trên “những động cơ mờ ám” thay vì phân tích đoạn văn theo lối suy luận. Nếu phân tích như thế, hẳn người ta đã nhận ra tính xác thực của đoạn văn.

Phân tích của ông Bardet có thay đổi ý kiến của các học giả về đoạn văn Testimonium Flavianum hay không thì phải để thời gian trả lời. Nhưng nó đã thuyết phục ông Pierre Geoltrain, một chuyên gia lỗi lạc về Do Thái giáo thuộc văn hóa Hy Lạp cổ đại cũng như Ki-tô giáo nguyên thủy. Từ lâu, ông xem đoạn văn Testimonium là một sự thêm thắt, thậm chí ông còn châm chọc những người tin vào tính xác thực của nó. Tuy nhiên, ông đã thay đổi quan điểm. Ông cho rằng công trình nghiên cứu của Bardet là nguyên nhân khiến ông thay đổi. Giờ đây, ông Geoltrain tuyên bố “từ nay về sau, hẳn không ai dám gọi [đoạn văn này] là ‘lời chứng đáng ngờ’ của Josephus nữa”.

Dĩ nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va có lý do thuyết phục hơn để công nhận Chúa Giê-su là Ðấng Ki-tô, lý do này được tìm thấy trong Kinh Thánh.—2 Ti 3:16.