Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có “sốt sắng trong các việc lành” không?

Bạn có “sốt sắng trong các việc lành” không?

“Ðấng Ki-tô Giê-su... đã phó chính mình vì chúng ta để... tẩy sạch cho ngài một dân thuộc riêng về ngài, là dân sốt sắng trong các việc lành”.—TÍT 2:13, 14.

1, 2. Nhân Chứng Giê-hô-va có vinh dự lớn lao nào? Bạn cảm thấy thế nào về vinh dự ấy?

Nhiều người cảm thấy vinh dự vô cùng khi được nhận phần thưởng cho một thành tựu đáng chú ý. Ví dụ, một số người đoạt giải Nobel vì đã nhiệt tình giúp hai nhóm đối nghịch nhau thiết lập hòa bình. Nhưng thật vinh dự hơn gấp ngàn lần nếu được Ðức Chúa Trời phái làm đại sứ giúp người ta hòa thuận với Ðấng Tạo Hóa của họ!

2 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta có vinh dự lớn lao ấy. Theo lệnh của Ðức Chúa Trời và Ðấng Ki-tô, chúng ta nài xin mọi người “hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời” (2 Cô 5:20). Ðức Giê-hô-va dùng chúng ta để kéo người khác đến gần ngài. Ðây là cách mà hàng triệu người trong hơn 235 xứ đã được giúp để có mối quan hệ tốt với Ðức Chúa Trời và hy vọng sống mãi mãi (Tít 2:11). Với lòng sốt sắng, chúng ta mời “người nào muốn, hãy lấy nước sự sống miễn phí” (Khải 22:17). Vì trân trọng và siêng năng thi hành nhiệm vụ quý giá này nên chúng ta được gọi là một “dân sốt sắng trong các việc lành” (Tít 2:14). Giờ đây, chúng ta hãy xem xét làm sao sự sốt sắng trong các việc lành giúp chúng ta kéo người khác đến gần Ðức Giê-hô-va. Một cách là qua công việc rao giảng.

NOI GƯƠNG SỐT SẮNG CỦA ÐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ CHÚA GIÊ-SU

3. “Lòng sốt-sắng của Ðức Giê-hô-va” bảo đảm với chúng ta điều gì?

3 Về những gì mà Con Ðức Chúa Trời sẽ thực hiện cho nhân loại khi làm vua, Ê-sai 9:6 nói: “Lòng sốt-sắng của Ðức Giê-hô-va vạn-quân sẽ làm nên sự ấy!”. Những lời trên bảo đảm với chúng ta rằng Cha trên trời thật lòng muốn giải cứu nhân loại. Gương sốt sắng của Ðức Giê-hô-va cho thấy chúng ta nên ủng hộ hết lòng và sốt sắng trong công việc rao truyền về  Nước Trời. Khi nhiệt tình giúp người khác biết đến Ðức Chúa Trời, chúng ta phản ánh lòng sốt sắng của ngài. Thế thì, là bạn cùng làm việc với Ðức Chúa Trời, mỗi người chúng ta có cố gắng hết sức rao truyền tin mừng không?—1 Cô 3:9.

4. Chúa Giê-su nêu gương về việc giữ lòng sốt sắng trong thánh chức ra sao?

4 Cũng hãy xem lòng sốt sắng của Chúa Giê-su. Ngài nêu gương hoàn hảo về việc giữ lòng sốt sắng trong thánh chức. Dù bị chống đối gay gắt, ngài vẫn sốt sắng rao giảng cho đến khi chấm dứt cuộc đời trên đất trong đau đớn (Giăng 18:36, 37). Khi gần đến lúc phải hy sinh mạng sống, Chúa Giê-su càng ra sức giúp người ta biết về Ðức Giê-hô-va.

5. Làm thế nào Chúa Giê-su hành động phù hợp với minh họa về cây vả?

5 Ví dụ, vào mùa thu năm 32 công nguyên, Chúa Giê-su đã nêu minh họa về một người có cây vả trong vườn nho và suốt ba năm cây vả không ra trái. Ông nói người làm vườn nho hãy đốn bỏ cây, nhưng người ấy xin thêm thời gian để chăm cho cây ra trái. (Ðọc Lu-ca 13:6-9). Lúc ấy, chỉ một nhóm nhỏ môn đồ được xem là trái sinh ra từ công việc rao giảng của Chúa Giê-su. Nhưng theo minh họa đó, Chúa Giê-su dùng thời gian ngắn ngủi còn lại, khoảng sáu tháng, để ra sức rao giảng ở Giu-đa và Phê-rê. Vài ngày trước khi qua đời, Chúa Giê-su khóc cho những người đồng hương đã “nghe nhưng không hưởng ứng”.—Mat 13:15; Lu 19:41.

6. Tại sao chúng ta nên ra sức tham gia thánh chức?

6 Vì đang sống rất gần thời điểm kết liễu hệ thống này nên chúng ta cần ra sức tham gia thánh chức. (Ðọc Ða-ni-ên 2:41-45). Thật là một vinh dự lớn lao khi được làm Nhân Chứng Giê-hô-va! Trên đất này chỉ có chúng ta mới nói cho người khác biết về giải pháp thật sự cho những vấn đề của nhân loại. Gần đây, một phóng viên đã xem câu hỏi sau là không thể trả lời: “Tại sao người tốt gặp chuyện chẳng lành?”. Kinh Thánh cho chúng ta biết câu trả lời cho những câu hỏi như thế. Là môn đồ Chúa Giê-su, trách nhiệm và đặc ân của chúng ta là chia sẻ những gì mình biết cho người sẵn lòng lắng nghe. Chúng ta có mọi lý do “để thần khí khiến [chúng ta] sốt sắng” thi hành sứ mạng Ðức Chúa Trời giao phó (Rô 12:11). Nhờ được ngài ban phước, công việc rao giảng sốt sắng của chúng ta có thể giúp người khác biết và yêu mến Ðức Giê-hô-va.

TINH THẦN HY SINH TÔN VINH ÐỨC GIÊ-HÔ-VA

7, 8. Tinh thần hy sinh của chúng ta tôn vinh Ðức Giê-hô-va như thế nào?

7 Như sứ đồ Phao-lô, có lẽ chúng ta cũng trải qua những lúc “mất ngủ, thiếu ăn” khi thi hành thánh chức (2 Cô 6:5). Những từ ngữ này vẽ nên một bức tranh sinh động về đời sống hy sinh, và cũng nhắc chúng ta nhớ đến những anh chị tiên phong đặt thánh chức lên hàng đầu trong khi tự trang trải đời sống. Cũng hãy nghĩ đến những giáo sĩ, họ nỗ lực giúp người ta tại xứ lạ quê người, “như rượu đổ trên vật tế lễ” (Phi-líp 2:17). Thế còn những trưởng lão chịu thương chịu khó, quên ăn quên ngủ để chăn bầy của Ðức Giê-hô-va thì sao? Cả những người lớn tuổi và người có sức khỏe kém cũng cố gắng hết sức đi nhóm họp và rao giảng. Thật khích lệ làm sao khi nghĩ về những tôi tớ hy sinh này của Ðức Chúa Trời. Ngay cả người ngoài cũng thấy thánh chức quan trọng thế nào đối với chúng ta.

8 Trong lá thư gửi đến một tờ báo ở Vương quốc Anh, một độc giả không phải là Nhân Chứng nói: “Người ta đang mất niềm tin nơi tôn giáo... Những linh  mục làm gì ngày nay? Họ chẳng đến gặp người ta giống như Ðấng Ki-tô... Chỉ có một tôn giáo dường như quan tâm là Nhân Chứng Giê-hô-va, họ đến gặp người ta và thật lòng rao giảng sự thật”. Trong thế giới mà hầu hết người ta đều muốn hưởng thụ đời sống, tinh thần hy sinh của chúng ta tôn vinh Ðức Giê-hô-va biết bao!—Rô 12:1.

Khi tham gia thánh chức, bạn làm chứng tốt cho những người quan sát

9. Chúng ta có thể làm gì để tiếp tục sốt sắng trong thánh chức?

9 Tuy nhiên, chúng ta phải làm gì nếu không còn sốt sắng trong thánh chức? Chúng ta nên nghĩ đến những kết quả tốt đẹp của công việc rao giảng mà Ðức Giê-hô-va giao cho mình. (Ðọc Rô-ma 10:13-15). Ðể được cứu, người ta phải đặt đức tin nơi Ðức Giê-hô-va và kêu cầu danh ngài. Nhưng họ không thể làm thế nếu chưa được chúng ta rao giảng. Hiểu điều này sẽ thôi thúc chúng ta tiếp tục sốt sắng trong các việc lành và siêng năng công bố tin mừng Nước Trời.

HẠNH KIỂM TỐT THU HÚT NGƯỜI TA ÐẾN GẦN ÐỨC CHÚA TRỜI

10. Làm sao hạnh kiểm tốt của chúng ta kéo người khác đến gần Ðức Giê-hô-va?

10 Nếu chúng ta chỉ sốt sắng trong thánh chức thôi thì chưa đủ để kéo người ta đến gần Ðức Chúa Trời. Cách thứ hai để chúng ta giúp họ là qua hạnh kiểm tốt. Phao-lô giải thích tại sao hạnh kiểm của chúng ta là quan trọng khi nói: “Chúng tôi chẳng làm điều gì gây cớ vấp ngã, hầu không tìm thấy bất cứ lỗi nào trong chức vụ của chúng tôi” (2 Cô 6:3). Lời lẽ lành mạnh và hạnh kiểm đứng đắn có thể thu hút người ta đến thờ phượng Ðức Giê-hô-va (Tít 2:10). Thực tế, chúng ta thường nghe rằng người ta hưởng ứng sự thật khi thấy cách chúng ta bắt chước Ðấng Ki-tô.

Người ta sẽ chú ý đến sự trung thực và siêng năng của bạn

11. Tại sao chúng ta nên suy xét và cầu nguyện về cách hạnh kiểm của mình tác động đến người khác?

11 Hạnh kiểm tốt của chúng ta tác động tích cực đến người ta, và hạnh kiểm xấu  tác động theo chiều ngược lại. Vậy nên, dù ở chỗ làm, ở nhà hay trường học, chúng ta cố gắng không để ai tìm thấy lỗi trong thánh chức và hạnh kiểm của mình. Nếu cố tình bước đi trong tội lỗi, chúng ta sẽ gánh lấy những hậu quả nặng nề (Hê 10:26, 27). Bởi thế, chúng ta nên suy xét và cầu nguyện về hạnh kiểm của mình cũng như cách hạnh kiểm tác động đến người khác. Vì tiêu chuẩn đạo đức của thế gian ngày càng xuống dốc nên những người thành thật sẽ dễ dàng “phân-biệt... giữa kẻ hầu-việc Ðức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài” (Mal 3:18). Thật vậy, hạnh kiểm của môn đồ Chúa Giê-su đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người ta hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời.

12-14. Làm sao cách chúng ta chịu đựng thử thách về đức tin có thể giúp người khác chấp nhận sự thật? Hãy cho ví dụ.

12 Trong thư viết cho người Cô-rinh-tô, Phao-lô giải thích là ông đã bị hoạn nạn, khó khăn, đòn vọt và tù đày. (Ðọc 2 Cô-rinh-tô 6:4, 5). Khi phải trải qua những thử thách về đức tin, sự chịu đựng của chúng ta có thể giúp những người quan sát chấp nhận sự thật. Ðể minh họa: Vài năm trước, một số người cố loại trừ Nhân Chứng Giê-hô-va khỏi một vùng ở Angola. Hai Nhân Chứng và 30 người chú ý có mặt ở buổi nhóm họp bị bao vây. Những người chống đối ép dân địa phương tụ lại để xem những nạn nhân vô tội ấy bị quất roi đến rỉ máu. Ngay cả phụ nữ và trẻ em mà họ cũng không tha. Việc này là nhằm răn đe người ta không nên nghe những gì Nhân Chứng Giê-hô-va nói. Nhưng sau màn tra tấn giữa đám đông, nhiều người địa phương lại đến xin học Kinh Thánh với Nhân Chứng! Từ đó, công việc rao giảng ngày càng tiến triển, số người chấp nhận sự thật càng gia tăng và anh em tại nơi ấy nhận được nhiều ân phước.

13 Ví dụ trên cho thấy việc chúng ta giữ vững các nguyên tắc Kinh Thánh có thể tác động mạnh đến người khác. Sự can đảm của Phi-e-rơ và những sứ đồ khác có lẽ đã thúc đẩy nhiều người hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời (Công 5:17-29). Trong trường hợp của chúng ta thì bạn học, đồng nghiệp hoặc người thân trong gia đình có thể phản ứng tốt khi thấy chúng ta kiên quyết đứng về phía sự thật.

14 Từ xưa đến nay, luôn có một số anh em phải trải qua sự ngược đãi. Ví dụ, tại Armenia, khoảng 40 anh bị bỏ tù vì giữ trung lập và hàng chục anh nữa có lẽ sẽ vào tù trong những tháng tới. Tại Eritrea, 55 tôi tớ của Ðức Giê-hô-va bị bắt giam, trong đó có những người đã hơn 60 tuổi. Ở Hàn Quốc, khoảng 700 Nhân Chứng phải đi tù vì đức tin. Tình trạng này đã xảy ra trong 60 năm. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện là lòng trung thành của các anh em bị ngược đãi tại nhiều xứ sẽ tôn vinh Ðức Chúa Trời và giúp những người yêu chuộng sự công chính đứng vững trong sự thờ phượng thật.—Thi 76:8-10.

15. Hãy kể kinh nghiệm cho thấy lối sống trung thực có thể thu hút người ta đến với sự thật.

15 Lối sống trung thực của chúng ta cũng có thể thu hút người ta đến với sự thật. (Ðọc 2 Cô-rinh-tô 6:4, 7). Hãy xem kinh nghiệm sau: “Khi một chị bỏ tiền vào máy bán vé trên xe buýt thì bạn chị nói không cần phải trả tiền vì chị đi tuyến quá ngắn. Chị giải thích là dù chỉ đi qua một trạm thì chị cũng phải trả tiền. Sau đó, bạn chị xuống xe. Lúc bấy giờ, người tài xế quay sang chị và hỏi: ‘Cô có phải là Nhân Chứng Giê-hô-va không?’. Chị trả lời: ‘Dạ phải, sao chú hỏi vậy?’. Người tài xế nói: ‘Hồi nãy tôi có nghe cô nói về chuyện trả tiền vé, và tôi biết Nhân Chứng Giê-hô-va ở trong số ít những người luôn trung thực’. Vài tháng sau,  một người đến gặp chị tại buổi nhóm họp và nói: ‘Cô nhớ tôi không? Tôi là tài xế xe buýt đã nói chuyện với cô về việc trả tiền vé. Vì thấy hạnh kiểm của cô mà tôi quyết định học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va’”. Khi thấy sự trung thực của chúng ta, người khác sẽ tin tưởng nơi tin mừng mà chúng ta rao giảng.

LUÔN THỂ HIỆN NHỮNG ÐỨC TÍNH TÔN VINH ÐỨC CHÚA TRỜI

16. Tại sao những đức tính như nhẫn nhịn, yêu thương và nhân từ động đến lòng người ta? Hãy cho ví dụ.

16 Chúng ta cũng góp phần vào việc kéo người khác đến gần Ðức Giê-hô-va khi thể hiện những đức tính như nhẫn nhịn, yêu thương và nhân từ. Một số người quan sát chúng ta có thể muốn tìm hiểu về Ðức Giê-hô-va, ý định của ngài và dân ngài. Thái độ và hạnh kiểm của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô chân chính khác hẳn với những người có vẻ sùng kính nhưng thật ra là giả dối. Một số nhà lãnh đạo tôn giáo làm giàu bằng cách lừa gạt tín hữu và dùng nhiều tiền thu được để mua nhà và xe hơi đắt tiền—có người còn gắn cả máy điều hòa cho chuồng chó! Thật vậy, nhiều người nhận là môn đồ Chúa Giê-su nhưng lại chẳng “cho không” ai điều gì (Mat 10:8). Thay vào đó, như những thầy tế lễ xấu xa của Y-sơ-ra-ên, họ “dạy-dỗ vì tiền-công”, và phần lớn điều họ dạy không dựa trên Kinh Thánh (Mi 3:11). Hạnh kiểm giả dối như thế không thể giúp bất cứ ai hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời.

17, 18. (a) Khi phản ánh những đức tính của Ðức Giê-hô-va trong đời sống, chúng ta tôn vinh ngài ra sao? (b) Tại sao bạn muốn bền chí làm các việc lành?

17 Mặt khác, sự dạy dỗ chân thật và hành động tử tế của chúng ta đối với người xung quanh có thể động đến lòng người ta. Ví dụ, khi đi rao giảng từng nhà, một tiên phong muốn nói chuyện với một góa phụ lớn tuổi nhưng liền bị bà từ chối. Bà nói là khi anh nhấn chuông thì bà đang đứng trên thang để thay bóng đèn trong bếp. Anh nói: “Bà làm một mình như vậy thì nguy hiểm lắm”. Anh tiên phong thay bóng đèn cho bà rồi đi. Khi con trai của bà góa hay chuyện thì ấn tượng đến nỗi cố tìm anh Nhân Chứng để tỏ lòng biết ơn. Về sau, người con trai đồng ý học Kinh Thánh.

18 Tại sao bạn muốn bền chí làm các việc lành? Có lẽ vì biết rằng khi sốt sắng trong thánh chức và giữ hạnh kiểm tốt, chúng ta tôn vinh Ðức Giê-hô-va và có thể giúp người khác được cứu. (Ðọc 1 Cô-rinh-tô 10:31-33). Ngoài ra, chúng ta làm thế vì thật sự muốn biểu lộ tình yêu thương đối với Ðức Chúa Trời và người lân cận (Mat 22:37-39). Nếu sốt sắng trong các việc lành, chúng ta sẽ có niềm vui và sự thỏa nguyện ngay bây giờ. Hơn thế nữa, chúng ta có thể mong đợi đến ngày mà cả nhân loại sẽ sốt sắng trong sự thờ phượng thật để tôn vinh Ðấng Tạo Hóa, Ðức Giê-hô-va.