Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy để sự sửa trị của Ðức Giê-hô-va uốn nắn bạn

Hãy để sự sửa trị của Ðức Giê-hô-va uốn nắn bạn

“Chúa sẽ dùng sự khuyên-dạy mà dẫn-dắt tôi, rồi sau tiếp-rước tôi trong sự vinh-hiển”.THI 73:24.

1, 2. (a) Ðể có mối quan hệ tốt với Ðức Giê-hô-va, một người cần làm những điều quan trọng nào? (b) Chúng ta được lợi ích thế nào khi xem xét những lời tường thuật về cách người ta phản ứng trước sự sửa trị của Ðức Chúa Trời?

“Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Ðức Chúa Trời: Tôi nhờ Chúa Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình” (Thi 73:28). Qua những lời này, người viết Thi-thiên bày tỏ lòng tin cậy Ðức Chúa Trời. Ðiều gì khiến ông phát biểu như thế? Thấy kẻ ác hưng thịnh, lúc đầu ông cay đắng và than thở: “Tôi đã làm cho lòng tôi tinh-sạch, và rửa tay tôi trong sự vô-tội, việc ấy thật lấy làm luống-công” (Thi 73:2, 3, 13, 21). Nhưng sau đó, ông vào “nơi thánh của Ðức Chúa Trời”. Môi trường này đã giúp ông điều chỉnh suy nghĩ và gìn giữ mối quan hệ mật thiết với ngài (Thi 73:16-18). Trải nghiệm đó dạy ông bài học rất quan trọng: Nếu muốn có mối quan hệ gần gũi với Ðức Giê-hô-va, một người cần kết hợp với dân ngài, chấp nhận và áp dụng những lời khuyên.—Thi 73:24.

2 Chúng ta cũng muốn có mối quan hệ mật thiết với Ðức Chúa Trời hằng sống. Ðể đạt được điều ấy, chúng ta phải để sự khuyên bảo và sửa trị của ngài uốn nắn mình, nhờ thế chúng ta mới có thể làm ngài hài lòng. Trong quá khứ, Ðức Chúa Trời thương xót ban cho những cá nhân và dân tộc cơ hội chấp nhận sự sửa trị của ngài. Phản ứng của họ được ghi lại trong Kinh Thánh “để chỉ dạy” và “cảnh báo chúng ta, là những người sống trong thời điểm kết thúc của thời đại này” (Rô 15:4; 1 Cô 10:11). Xem xét kỹ những lời tường thuật ấy sẽ giúp chúng ta hiểu các đức tính của Ðức Giê-hô-va và giúp chúng ta biết cách nhận được lợi ích từ sự uốn nắn của ngài.

 CÁCH THỢ GỐM SỬ DỤNG QUYỀN HÀNH

3. Quyền của Ðức Giê-hô-va trên loài người được minh họa thế nào nơi Ê-sai 64:8 và Giê-rê-mi 18:1-6? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Quyền của Ðức Giê-hô-va trên những cá nhân và dân tộc được miêu tả bằng một minh họa nơi Ê-sai 64:8. Câu này nói: “Hỡi Ðức Giê-hô-va,... Ngài là Cha chúng tôi! Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài”. Thợ gốm có toàn quyền để nắn đất sét theo kiểu dáng mình muốn. Như đất sét không thể bảo thợ gốm nắn mình ra sao, con người cũng không có quyền nói lại Thợ Gốm Vĩ Ðại là Ðức Giê-hô-va.—Ðọc Giê-rê-mi 18:1-6.

4. Ðức Chúa Trời có tùy tiện uốn nắn người ta không? Hãy giải thích.

4 Ðức Giê-hô-va uốn nắn dân Y-sơ-ra-ên như thợ gốm nắn đất sét. Nhưng ngài khác với thợ gốm là con người như thế nào? Ngài ban cho nhân loại món quà quý giá là sự tự do ý chí, qua đó ngài cho họ quyền lựa chọn. Ðức Giê-hô-va không tùy tiện uốn người này thành tốt, người kia thành xấu. Ngài cũng không dùng quyền hành để buộc người ta phải vâng lời. Loài người phải chọn có để Ðấng Tạo Hóa uốn nắn mình hay không.—Ðọc Giê-rê-mi 18:7-10.

5. Ðức Giê-hô-va sử dụng quyền hành trên loài người như thế nào khi họ không để ngài uốn nắn?

5 Nói sao nếu loài người ương ngạnh không nhận sự uốn nắn của Thợ Gốm Vĩ Ðại? Ngài sẽ sử dụng quyền hành của mình như thế nào? Hãy hình dung điều gì xảy ra với bình đất sét đang được nắn nhưng không còn thích hợp với ý định của thợ gốm. Thợ gốm có thể nắn bình ấy thành bình khác hoặc bỏ bình ấy đi! Thông thường, bình xấu hoặc hỏng là do thợ gốm nắn sai cách. Tuy nhiên, Thợ Gốm Vĩ Ðại thì không bao giờ phạm sai lầm (Phục 32:4). Khi một người không để Ðức Giê-hô-va uốn nắn, thì lỗi luôn thuộc về người đó. Ðức Giê-hô-va dùng quyền của Thợ Gốm trên nhân loại bằng cách điều chỉnh cách uốn nắn tùy vào phản ứng của họ. Những ai hưởng ứng sẽ được tạo thành công cụ hữu ích. Chẳng hạn, các tín đồ được xức dầu trở thành những “bình dùng cho việc sang trọng”. Ngược lại, những người ngoan cố, không để Ðức Chúa Trời uốn nắn thì trở thành “những bình đáng gánh lấy cơn thịnh nộ”, không thể dùng vào bất cứ việc gì.—Rô 9:19-23.

6, 7. Ða-vít và Sau-lơ phản ứng khác nhau thế nào trước lời khuyên của Ðức Giê-hô-va?

 6 Một cách Ðức Giê-hô-va uốn nắn loài người là qua sự khuyên bảo và sự sửa trị. Hãy xem cách ngài uốn nắn hai vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ và Ða-vít. Khi phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba, Ða-vít gây hậu quả tai hại cho chính mình và người khác. Dù Ða-vít làm vua, nhưng Ðức Giê-hô-va vẫn nghiêm khắc sửa trị ông. Ngài đã phái nhà tiên tri Na-than đến khiển trách ông (2 Sa 12:1-12). Ða-vít phản ứng ra sao? Ông đau nhói trong lòng và ăn năn. Nhờ thế, ông được Ðức Chúa Trời thương xót.—Ðọc 2 Sa-mu-ên 12:13.

 7 Trái lại, người tiền nhiệm của Ða-vít là vua Sau-lơ đã phản ứng không tốt trước lời khuyên. Qua nhà tiên tri Sa-mu-ên, Ðức Giê-hô-va ra lệnh rõ ràng là Sau-lơ phải diệt tất cả dân A-ma-léc và súc vật của họ. Nhưng Sau-lơ đã không làm theo mệnh lệnh ấy. Ông tha cho vua của họ là A-ga và giữ lại súc vật tốt nhất. Tại sao? Một lý do là ông muốn tôn mình lên, nếu không muốn nói đó là lý do chính (1 Sa 15:1-3, 7-9, 12). Khi được  khuyên, lẽ ra Sau-lơ nên khiêm nhường và chấp nhận sự uốn nắn của Thợ Gốm Vĩ Ðại, nhưng ông không làm thế. Hơn nữa, ông còn bào chữa cho hành vi của mình. Ông lý luận rằng các việc ông làm không có gì sai, vì những súc vật đó có thể dùng làm lễ vật dâng cho Ðức Chúa Trời. Ông đã xem nhẹ lời khuyên của Sa-mu-ên. Ðức Giê-hô-va đã từ bỏ Sau-lơ, và ông không bao giờ có lại mối quan hệ tốt với ngài nữa.—Ðọc 1 Sa-mu-ên 15:13-15, 20-23.

Sau-lơ xem thường và từ chối lời khuyên. Ông không nhận sự uốn nắn! (Xem đoạn 7)

Ða-vít đau nhói trong lòng và chấp nhận lời khuyên. Ông để Ðức Chúa Trời uốn nắn. Còn bạn thì sao? (Xem đoạn 6)

ÐỨC CHÚA TRỜI LÀ ÐẤNG KHÔNG THIÊN VỊ

8. Chúng ta rút ra bài học nào từ cách phản ứng của dân Y-sơ-ra-ên trước sự uốn nắn của Ðức Giê-hô-va?

8 Ðức Giê-hô-va không chỉ uốn nắn những cá nhân mà còn uốn nắn dân tộc. Vào năm 1513 TCN, dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và bước vào mối quan hệ đặc biệt với Ðức Chúa Trời. Họ được chọn làm dân riêng của ngài và có đặc ân được ngài uốn nắn, như thể họ ở trên bàn xoay của Thợ Gốm Vĩ Ðại. Tuy nhiên, dân sự tiếp tục làm điều ác trước mắt Ðức Giê-hô-va, thậm chí thờ tà thần của các dân xung quanh. Nhiều lần, Ðức Giê-hô-va phái các nhà tiên tri đến thức tỉnh họ, nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy (Giê 35:12-15). Vì bất trung nên dân Y-sơ-ra-ên bị sửa trị nghiêm khắc. Mười chi phái phía bắc của Y-sơ-ra-ên bị A-si-ri chinh phục, còn hai chi phái phía nam rơi vào tay Ba-by-lôn. Bài học thật rõ ràng! Chỉ khi hưởng ứng, chúng ta mới  nhận được lợi ích từ sự uốn nắn của Ðức Giê-hô-va.

9, 10. Dân thành Ni-ni-ve phản ứng thế nào trước lời cảnh báo của Ðức Giê-hô-va?

9 Ðức Giê-hô-va cũng cho dân thành Ni-ni-ve, thủ đô của A-si-ri, cơ hội để hưởng ứng lời cảnh báo của ngài. Ðức Chúa Trời phán với nhà tiên tri Giô-na: “Ngươi khá chỗi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và kêu-la nghịch cùng nó; vì tội-ác chúng nó đã lên thấu trước mặt ta”. Ðức Giê-hô-va xem thành Ni-ni-ve là đáng bị hủy diệt.—Giô-na 1:1, 2; 3:1-4.

10 Tuy nhiên, khi Giô-na công bố thông điệp phán xét thì “dân thành Ni-ni-ve tin Ðức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ”. Vua của họ “đứng dậy khỏi ngai, lột áo bào mình ra, quấn bao gai và ngồi trong tro”. Thành Ni-ni-ve đã chấp nhận sự uốn nắn của Ðức Giê-hô-va và ăn năn. Vì thế, ngài không hủy diệt thành ấy.—Giô-na 3:5-10.

11. Ðức Giê-hô-va thể hiện rõ đức tính nào khi đối xử với nước Y-sơ-ra-ên và thành Ni-ni-ve?

11 Dù là dân được chọn nhưng Y-sơ-ra-ên không được miễn sự sửa trị. Còn dân thành Ni-ni-ve không phải là dân riêng của Ðức Chúa Trời, nhưng ngài vẫn công bố thông điệp phán xét trên họ và tỏ lòng thương xót khi họ hưởng ứng sự uốn nắn của ngài. Quả là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Ðức Giê-hô-va “không thiên-vị ai”!—Phục 10:17.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ÐẤNG PHẢI LẼ VÀ LINH ÐỘNG

12, 13. (a) Việc Ðức Chúa Trời đổi ý khi người ta hưởng ứng sự uốn nắn của ngài cho biết gì về ngài? (b) Trong trường hợp của Sau-lơ và thành Ni-ni-ve, Ðức Giê-hô-va “hối tiếc” theo nghĩa nào?

12 Cách Ðức Giê-hô-va uốn nắn chúng ta cho thấy ngài phải lẽ và linh động. Ðiều này được thấy trong trường hợp ngài đưa ra quyết định liên quan đến một đối tượng nhưng sau đó đổi ý vì phản ứng của họ. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho biết Ðức Giê-hô-va “hối-hận vì đã lập Sau-lơ làm vua” đầu tiên của Y-sơ-ra-ên (1 Sa 15:11). Khi dân thành Ni-ni-ve ăn năn và từ bỏ đường lối xấu, Kinh Thánh nói: “Ðức Chúa Trời bèn ăn-năn [“hối tiếc”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó”.—Giô-na 3:10.

13 Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “hối tiếc” hay “hối-hận” nói đến việc thay đổi thái độ hoặc ý định. Trong trường hợp của Sau-lơ, lúc đầu ngài chọn ông làm vua, nhưng về sau, ngài từ bỏ ông. Ðiều này không phải vì Ðức Giê-hô-va chọn lầm Sau-lơ, mà vì ông không vâng lời. Còn trong trường hợp của dân thành Ni-ni-ve, Ðức Chúa Trời “hối tiếc” theo nghĩa là ngài đổi ý và thu hồi lệnh phán xét. Thật khích lệ khi biết Ðức Giê-hô-va, Thợ Gốm của chúng ta, là đấng phải lẽ và linh động, nhân từ và thương xót, sẵn sàng đổi ý khi người phạm tội thật lòng ăn năn!

CHỚ KHINH SỰ SỬA TRỊ CỦA ÐỨC GIÊ-HÔ-VA

14. (a) Ngày nay, Ðức Giê-hô-va uốn nắn chúng ta qua những phương tiện nào? (b) Chúng ta nên hưởng ứng ra sao trước sự uốn nắn của Ðức Chúa Trời?

14 Ngày nay, Ðức Giê-hô-va uốn nắn chúng ta chủ yếu qua Kinh Thánh và tổ chức của ngài (2 Ti 3:16, 17). Chẳng phải chúng ta nên sẵn lòng chấp nhận lời khuyên hoặc sự sửa trị qua các phương tiện ấy sao? Dù làm báp-têm được bao lâu hay có những đặc ân nào, chúng ta hãy tiếp tục hưởng ứng sự sửa trị của Ðức Giê-hô-va, để ngài uốn nắn mình thành bình sang trọng.

15, 16. (a) Một người có thể cảm thấy thế nào khi bị mất đặc ân? Hãy nêu ví dụ. (b) Ðiều gì có thể giúp chúng ta đối phó với cảm giác tiêu cực khi bị sửa trị?

 15 Ðức Giê-hô-va sửa trị chúng ta như thế nào? Ngài làm thế bằng cách dạy chúng ta sống theo tiêu chuẩn của ngài cũng như chấn chỉnh lối suy nghĩ của chúng ta. Có lúc, chúng ta cần được sửa trị vì làm điều sai. Sự sửa trị này có thể bao gồm việc mất đặc ân. Hãy xem trường hợp của anh Dennis *, người từng phụng sự với tư cách là trưởng lão. Anh đã phạm tội trọng vì những quyết định sai lầm trong kinh doanh, nên anh bị khiển trách riêng. Anh Dennis cảm thấy thế nào vào ngày mà hội thánh thông báo anh không còn làm trưởng lão nữa? Anh cho biết: “Tôi cảm thấy thất bại hoàn toàn. Hơn 30 năm qua, tôi nhận được nhiều đặc ân. Tôi từng làm tiên phong đều đều, phụng sự ở nhà Bê-tên, làm phụ tá hội thánh và sau đó là trưởng lão. Tôi cũng vừa trình bày bài giảng đầu tiên tại hội nghị địa hạt. Bỗng chốc tất cả đều mất hết. Không chỉ xấu hổ, tôi còn có cảm giác mình chẳng còn chỗ nào trong tổ chức”.

16 Anh Dennis phải từ bỏ đường lối sai trái. Nhưng điều gì đã giúp anh đối phó với cảm giác tiêu cực? Anh cho biết: “Tôi quyết tâm duy trì thói quen tốt về thiêng liêng. Sự trợ giúp từ anh em đồng đạo và sự khích lệ từ những ấn phẩm là điều quan trọng không kém. Bài ‘Anh từng có đặc ân? Anh có thể vươn lên không?’, trong Tháp Canh ngày 15-8-2009, giống như một lá thư Ðức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của tôi. Lời khuyên tôi thích nhất là: ‘Khi anh không còn trách nhiệm trong hội thánh như trước, hãy chú tâm vào việc củng cố thiêng liêng tính của mình’”. Anh Dennis nhận được lợi ích nào từ việc sửa trị? Sau vài năm, anh chia sẻ: “Nhờ Ðức Giê-hô-va ban phước, tôi lại được nhận đặc ân làm phụ tá hội thánh”.

17. Ðiều gì có thể góp phần vào việc giúp người bị khai trừ tỉnh ngộ? Hãy cho ví dụ.

17 Khai trừ là một hình thức sửa trị khác đến từ Ðức Giê-hô-va. Ðiều này sẽ bảo vệ hội thánh và góp phần vào việc giúp người bị khai trừ tỉnh ngộ (1 Cô 5:6, 7, 11). Hãy xem trường hợp của anh Robert, người bị khai trừ gần 16 năm. Trong thời gian đó, cha mẹ và các anh em của anh đã kiên quyết làm theo chỉ dẫn trong Lời Ðức Chúa Trời là không kết hợp với người phạm tội, thậm chí không chào người như thế. Cách đây vài năm, anh Robert đã được nhận lại và hiện nay anh đang tiến bộ tốt. Khi được hỏi điều gì đã thôi thúc anh trở về với Ðức Giê-hô-va và dân ngài sau thời gian dài, anh cho biết sự kiên quyết của gia đình đã tác động mạnh mẽ đến anh. Anh nói: ‘Nếu gia đình đã kết hợp với tôi một chút, như hỏi thăm chẳng hạn, thì cũng làm tôi mãn nguyện. Nhưng vì không ai trong gia đình hỏi thăm tôi nên ước muốn được đoàn tụ đã thôi thúc tôi trở về với Ðức Chúa Trời’.

18. Chúng ta nên chứng tỏ mình là loại đất sét nào trong tay Thợ Gốm Vĩ Ðại?

18 Có thể chúng ta không cần sự sửa trị như thế, nhưng chúng ta cho thấy mình là loại đất sét nào trong tay Thợ Gốm Vĩ Ðại? Chúng ta phản ứng ra sao khi bị sửa trị? Chúng ta cho thấy mình giống Ða-vít hay Sau-lơ? Thợ Gốm Vĩ Ðại là Cha của chúng ta. Hãy luôn nhớ rằng “Ðức Giê-hô-va yêu-thương ai thì trách-phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu-dấu mình”. Vậy, “chớ khinh điều sửa-phạt của Ðức Giê-hô-va, chớ hiềm lòng khi Ngài quở-trách”.—Châm 3:11, 12.

^ đ. 15 Các tên đã được thay đổi.