Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy xem xét mình phải thuộc loại người nào

Hãy xem xét mình phải thuộc loại người nào

“Anh em hãy xem xét mình phải thuộc loại người nào. Anh em phải là người có cách ăn ở thánh khiết và thể hiện lòng sùng kính”.—2 PHI 3:11.

1, 2. Ðể là loại người được Ðức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải làm gì?

Người ta thường quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Là tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, chẳng phải chúng ta càng quan tâm đến việc Ðức Giê-hô-va nghĩ gì về mình sao? Suy cho cùng, ngài là Ðấng Tối Cao và là “nguồn sự sống”.—Thi 36:9.

2 Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết để là loại người được Ðức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta phải “có cách ăn ở thánh khiết và thể hiện lòng sùng kính”. (Ðọc 2 Phi-e-rơ 3:11). “Cách ăn ở” của chúng ta phải thánh khiết, tức trong sạch về mặt đạo đức, tâm trí và thiêng liêng. Chúng ta cũng cần “thể hiện lòng sùng kính” và điều này phải xuất phát từ tình yêu thương cũng như lòng tôn kính Ðức Chúa Trời. Vậy, việc được ngài chấp nhận không chỉ phụ thuộc vào cách ăn ở mà còn vào con người bề trong của chúng ta. Là đấng “dò-xét lòng”, Ðức Giê-hô-va biết chúng ta có ăn ở thánh khiết và có lòng sùng kính đối với ngài hay không.—1 Sử 29:17.

3. Về mối quan hệ với Ðức Chúa Trời, chúng ta nên tự hỏi điều gì?

3 Kẻ thù của chúng ta, Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt, không muốn chúng ta được Ðức Chúa Trời chấp nhận. Hắn làm mọi cách để khiến chúng ta đánh mất mối quan hệ với ngài. Sa-tan không ngần ngại nói dối và dùng thủ đoạn lừa gạt nhằm khiến chúng ta ngưng thờ phượng Ðức Chúa Trời (Giăng 8:44; 2 Cô 11:13-15). Vậy, chúng ta nên tự hỏi: “Sa-tan lừa gạt người ta như thế nào? Mình có thể làm gì để gìn giữ mối quan hệ với Ðức Giê-hô-va?”.

SA-TAN LỪA GẠT NGƯỜI TA NHƯ THẾ NÀO?

4. Ðể phá đổ mối quan hệ của chúng ta với Ðức Chúa Trời, Sa-tan nhắm vào đâu, và tại sao?

4 Môn đồ Gia-cơ viết: “Mỗi người gặp thử thách  khi bị lôi cuốn và cám dỗ bởi ham muốn của chính mình. Rồi khi ham muốn ấy được cưu mang thì sinh ra tội lỗi; và khi tội lỗi đã được làm trọn thì dẫn đến cái chết” (Gia 1:14, 15). Ðể phá đổ mối quan hệ của chúng ta với Ðức Chúa Trời, Sa-tan nhắm vào lòng chúng ta, nơi bắt nguồn của các ước muốn.

5, 6. (a) Sa-tan dùng điều gì để đánh vào lòng chúng ta? (b) Sa-tan dùng các bẫy nào nhằm khơi dậy ham muốn sai trái trong lòng chúng ta, và hắn dùng những bẫy này lão luyện ra sao?

5 Sa-tan dùng điều gì để đánh vào lòng chúng ta? Kinh Thánh nói: “Cả thế gian nằm dưới quyền của Kẻ Ác” (1 Giăng 5:19). Vũ khí của Sa-tan bao gồm “những gì thuộc về thế gian”. (Ðọc 1 Giăng 2:15, 16). Hàng ngàn năm qua, Kẻ Quỷ Quyệt tinh vi thiết kế thế gian này nhằm lừa gạt người ta. Vì sống trong thế gian, chúng ta cần bảo vệ mình khỏi những mánh khóe xảo quyệt của hắn.—Giăng 17:15.

6 Sa-tan cố khơi dậy ham muốn sai trái trong lòng chúng ta. Hắn dùng ba cạm bẫy mà sứ đồ Giăng đề cập: (1) “sự ham muốn của xác thịt”, (2) “sự ham muốn của mắt” và (3) “sự phô trương của cải”. Sa-tan từng sử dụng chúng để cám dỗ Chúa Giê-su trong hoang mạc. Vì đã dùng những bẫy này nhiều năm nên hắn càng trở nên lão luyện và biết rõ bẫy nào phù hợp với ai. Trước khi xem xét những cách có thể bảo vệ chúng ta khỏi những cạm bẫy trên, hãy xem làm thế nào Sa-tan lừa gạt được Ê-va nhưng không lừa gạt được Con Ðức Chúa Trời.

“SỰ HAM MUỐN CỦA XÁC THỊT”

“Sự ham muốn của xác thịt” đã khiến Ê-va sa ngã (Xem đoạn 7)

7. Sa-tan đã dùng “sự ham muốn của xác thịt” như thế nào để cám dỗ Ê-va?

7 Loài người cần thức ăn để duy trì sự sống. Ðấng Tạo Hóa thiết kế trái đất với khả năng sản sinh thực phẩm dư dật. Có thể Sa-tan cố khơi dậy mong muốn tự nhiên của chúng ta về thức ăn để khiến chúng ta làm trái ý Ðức Chúa Trời. Hãy xem hắn dùng chiêu bài này thế nào với Ê-va. (Ðọc Sáng-thế Ký 3:1-6). Sa-tan nói với Ê-va rằng nếu ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác”, không những bà không chết mà còn được như Ðức Chúa Trời (Sáng 2:9). Như vậy, hắn ngụ ý rằng Ê-va không cần vâng lời Ðức Chúa Trời mà vẫn sống. Quả là lời nói dối trắng trợn! Khi ý tưởng đó được gieo vào tâm trí Ê-va, bà có hai lựa chọn: bác bỏ ý tưởng đó hoặc cưu mang nó và để sự ham muốn ăn trái cấm lớn dần trong lòng. Dù có thể ăn trái của tất cả các cây khác trong vườn, nhưng bà đã chọn tiếp tục nghĩ về cây ở giữa vườn, và bà đã ăn trái của cây đó. Sa-tan đã khơi dậy ham muốn trong lòng Ê-va về điều mà Ðấng Tạo Hóa cấm.

Chúa Giê-su không để bất cứ điều gì khiến ngài bị phân tâm (Xem đoạn 8)

8. Sa-tan cố dùng “sự ham muốn của xác thịt” để cám dỗ Chúa Giê-su như thế nào, và tại sao hắn không thành công?

 8 Sa-tan dùng cùng thủ đoạn đó khi cám dỗ Chúa Giê-su trong hoang mạc. Sau khi Chúa Giê-su kiêng ăn 40 ngày đêm, Sa-tan cố lợi dụng mong muốn được ăn của ngài. Hắn nói: “Nếu ngươi là con Ðức Chúa Trời, hãy bảo hòn đá này biến thành bánh đi” (Lu 4:1-3). Chúa Giê-su có hai lựa chọn: dùng quyền năng làm phép lạ để thỏa mãn nhu cầu về thức ăn hoặc không làm thế. Ngài biết ngài không nên sử dụng quyền năng ấy vào những mục đích ích kỷ. Dù đói, Chúa Giê-su không đặt việc thỏa mãn cơn đói lên trên mối quan hệ với Ðức Giê-hô-va. Ngài đáp: “Có lời viết rằng: ‘Loài người sống không chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng còn nhờ mọi lời phán ra từ miệng Ðức Giê-hô-va’”.—Mat 4:4.

“SỰ HAM MUỐN CỦA MẮT”

9. Cụm từ “sự ham muốn của mắt” hàm ý gì, và Sa-tan đã dùng bẫy này thế nào trong trường hợp của Ê-va?

9 Một bẫy khác mà Sa-tan dùng là “sự ham muốn của mắt”. Cụm từ này hàm ý rằng chỉ nhìn một điều gì đó, một người có thể nảy sinh ham muốn. Trong trường hợp của Ê-va, Sa-tan đã lợi dụng ham muốn này để cám dỗ bà và nói: ‘Mắt ngươi sẽ mở ra’. Càng nhìn trái cấm, nó càng trở nên hấp dẫn đối với bà. Ê-va thấy cây ấy “đẹp mắt”.

10. Sa-tan dùng “sự ham muốn của mắt” như thế nào để cám dỗ Chúa Giê-su, và ngài phản ứng ra sao?

10 Còn trong trường hợp của Chúa Giê-su thì sao? Sa-tan “chỉ cho ngài xem qua mọi nước trên đất rồi nói: ‘Ta sẽ cho ngươi mọi quyền hành cùng sự vinh quang của các nước này’” (Lu 4:5, 6). Chúa Giê-su không thật sự thấy tất cả các nước trong chốc lát, nhưng thấy khải tượng về sự vinh quang của các nước ấy. Hẳn Sa-tan nghĩ điều này sẽ phần nào hấp dẫn Chúa Giê-su. Không biết xấu hổ, hắn đề nghị: “Nếu ngươi quỳ xuống lạy ta thì mọi quyền ấy sẽ thuộc về ngươi” (Lu 4:7). Chúa Giê-su tuyệt nhiên không muốn trở thành loại người theo ý của Sa-tan. Không chút do dự, ngài đáp: “Có lời viết: ‘Ngươi phải thờ phượng Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời ngươi, và chỉ phụng sự một mình ngài mà thôi’”.—Lu 4:8.

“SỰ PHÔ TRƯƠNG CỦA CẢI”

11. Ê-va bị Sa-tan cám dỗ như thế nào?

11 Khi đề cập những gì thuộc về thế gian, Giăng cũng nói đến “sự phô trương của cải”. Khi chỉ có hai người  ở trên đất, A-đam và Ê-va không thể “phô trương của cải” trước người khác, nhưng họ đã trở nên tự cao. Khi cám dỗ Ê-va, Sa-tan nói bóng gió rằng Ðức Chúa Trời giữ lại một điều tuyệt diệu và không muốn cho bà được hưởng. Hắn nói rằng ngày nào bà ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác”, bà “sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (Sáng 2:17; 3:5). Sa-tan muốn Ê-va nghĩ bà có thể độc lập khỏi Ðức Giê-hô-va. Dường như, lòng tự cao là một yếu tố khiến bà tin lời nói dối đó. Ê-va đã ăn trái cấm và tin rằng mình sẽ không chết. Bà đã hoàn toàn sai!

12. Sa-tan dùng thủ đoạn nào để cám dỗ Chúa Giê-su, và ngài phản ứng ra sao?

12 Khác với Ê-va, Chúa Giê-su đã nêu gương tuyệt hảo về sự khiêm nhường! Sa-tan đã cám dỗ Chúa Giê-su làm một điều để gây ấn tượng với người khác và thử Ðức Chúa Trời. Tuy nhiên, ngài biết làm thế là ngạo mạn nên ngài kiên quyết bác bỏ. Ngài đáp rõ ràng và thẳng thắn: “Có lời viết: ‘Ngươi chớ thử Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời ngươi’”.—Ðọc Lu-ca 4:9-12.

LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ GÌN GIỮ MỐI QUAN HỆ VỚI ÐỨC GIÊ-HÔ-VA?

13, 14. Ngày nay, Sa-tan cố lừa gạt chúng ta như thế nào?

13 Ngày nay, Sa-tan dùng các bẫy tương tự với bẫy mà hắn từng dùng với Ê-va và Chúa Giê-su. Hắn dùng “sự ham muốn của xác thịt” để cổ vũ sự vô luân và ăn uống quá độ. Qua tài liệu khiêu dâm, nhất là trên Internet, Sa-tan thu hút sự chú ý của những người thiếu cảnh giác và khơi dậy “sự ham muốn của mắt”. Ngoài ra, hắn còn dùng ước muốn “phô trương của cải” để khiến người ta trở nên kiêu ngạo, ham mê quyền lực, danh tiếng và của cải vật chất.

Những nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp bạn trong những tình huống này? (Xem đoạn 13, 14)

14 “Những gì thuộc về thế gian” được ví như mồi của người câu cá, hấp dẫn nhưng được gắn với một lưỡi câu. Sa-tan lợi dụng những điều dường như rất bình thường và cần thiết trong đời sống để khiến chúng ta muốn làm điều trái với điều răn của Ðức Chúa Trời. Những cạm bẫy tinh vi như thế được thiết kế nhằm khơi dậy ham muốn và hủy hoại lòng chúng ta. Sa-tan muốn chúng ta tin rằng chăm lo nhu cầu cá nhân và tạo một cuộc sống thoải mái  quan trọng hơn việc làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời. Chúng ta có để mình sập bẫy của Sa-tan không?

15. Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su thế nào trong việc kháng cự cám dỗ?

15 Ê-va khuất phục trước cám dỗ của Sa-tan, nhưng Chúa Giê-su đã kháng cự thành công. Mỗi lần bị cám dỗ, ngài đều trả lời bằng một câu Kinh Thánh và nói: “Có lời viết”. Nếu siêng năng học Kinh Thánh, chúng ta sẽ quen thuộc với các câu Kinh Thánh và có thể nhớ lại khi bị cám dỗ (Thi 1:1, 2). Việc nhớ những gương trung thành trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta noi gương họ (Rô 15:4). Lòng tôn kính sâu xa đối với Ðức Giê-hô-va, tức yêu những gì ngài yêu và ghét những gì ngài ghét, sẽ che chở chúng ta.—Thi 97:10.

16, 17. “Lý trí” có thể ảnh hưởng ra sao đến việc chúng ta là loại người nào?

16 Sứ đồ Phao-lô khuyến khích chúng ta dùng “lý trí” để trở thành loại người có lối suy nghĩ của Ðức Giê-hô-va, chứ không phải của thế gian (Rô 12:1, 2). Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát suy nghĩ, Phao-lô nói: “Chúng tôi phá đổ những lập luận và mọi tư tưởng kiêu ngạo nổi lên chống lại sự hiểu biết về Ðức Chúa Trời; chế ngự mọi ý tưởng để bắt chúng vâng theo Ðấng Ki-tô” (2 Cô 10:5). Suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng lớn đến việc mình là loại người nào, vì vậy chúng ta cần “tiếp tục nghĩ đến” những điều đẹp lòng Ðức Chúa Trời.—Phi-líp 4:8.

17 Nếu muốn ăn ở thánh khiết, chúng ta phải kháng cự những ý tưởng và ham muốn sai trái. Chúng ta phải yêu mến Ðức Giê-hô-va bằng “tấm lòng trong sạch” (1 Ti 1:5). Nhưng lòng người là dối trá, nên có khi chúng ta không nhận ra “những gì thuộc về thế gian” đã ảnh hưởng tới mình đến mức nào (Giê 17:9). Vì thế, chúng ta nên “luôn tra xét xem mình có sống phù hợp với đạo Ðấng Ki-tô không, và cho thấy mình là loại người nào”. Khi học Kinh Thánh, hãy tự hỏi: “Suy nghĩ và ước muốn của mình có làm hài lòng Ðức Chúa Trời không?”.—2 Cô 13:5.

18, 19. Tại sao chúng ta nên quyết tâm là loại người theo ý Ðức Giê-hô-va?

18 Một yếu tố khác giúp chúng ta kháng cự “những gì thuộc về thế gian” là ghi nhớ lời sau của sứ đồ Giăng: “Thế gian cùng những ham muốn của nó đang qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (1 Giăng 2:17). Thế gian của Sa-tan có vẻ vững chắc, nhưng đến một ngày nó sẽ bị hủy diệt. Việc ghi nhớ không điều gì trong thế gian tồn tại mãi sẽ giúp chúng ta không sa bẫy của Kẻ Quỷ Quyệt.

19 Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến giục chúng ta trở thành loại người được Ðức Giê-hô-va chấp nhận “trong khi chờ đợi và ghi nhớ sự hiện diện của ngày Ðức Giê-hô-va. Vào ngày ấy, trời sẽ bị hủy diệt trong lửa, các thành phần sẽ tan chảy bởi sức nóng cực độ” (2 Phi 3:12). Không lâu nữa, ngày ấy sẽ đến và Ðức Giê-hô-va sẽ hủy diệt mọi thành phần của thế gian Sa-tan. Từ nay cho đến lúc đó, hắn sẽ tiếp tục dùng “những gì thuộc về thế gian” để cám dỗ chúng ta, như đã làm với Ê-va và Chúa Giê-su. Chúng ta không muốn đi theo vết xe đổ của Ê-va, người đã tìm cách thỏa mãn những ham muốn của bản thân. Làm thế chẳng khác nào chúng ta công nhận Sa-tan là chúa của mình. Chúng ta cần noi gương Chúa Giê-su và kháng cự cám dỗ, dù chúng có vẻ hấp dẫn đến đâu. Mong sao, mỗi chúng ta quyết tâm là loại người theo ý Ðức Giê-hô-va.