Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn đã biến đổi chưa?

Bạn đã biến đổi chưa?

“Hãy biến đổi tâm trí mình”.—RÔ 12:2.

1, 2. Sự giáo dục của gia đình và môi trường sống ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

Tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự giáo dục của gia đình và môi trường xung quanh bao gồm bạn bè, văn hóa và cộng đồng nơi mình sống. Vì thế, cách ăn mặc, sở thích ăn uống hoặc cách cư xử của chúng ta mang đặc tính riêng.

2 Tuy nhiên, có những điều quan trọng hơn thức ăn và cách ăn mặc rất nhiều. Chẳng hạn, trong thời gian khôn lớn, chúng ta được dạy để xem một số điều là đúng và có thể chấp nhận, một số điều là sai và cần bác bỏ. Nhưng không phải ai cũng có quan điểm giống nhau về điều đúng, điều sai. Bên cạnh đó, lương tâm cũng ảnh hưởng đến quyết định của mỗi người. Kinh Thánh công nhận rằng tuy “dân ngoại không có luật pháp” nhưng có khi họ vẫn “dựa theo bản tính tự nhiên mà làm những điều luật pháp dạy bảo” (Rô 2:14). Phải chăng điều này có nghĩa là khi luật pháp của Ðức Chúa Trời không quy định rõ ràng thì chúng ta có thể làm theo tiêu chuẩn của gia đình hoặc quan điểm phổ biến trong cộng đồng mình sống?

3. Tín đồ đạo Ðấng Ki-tô không làm theo các tiêu chuẩn của thế gian vì hai lý do nào?

3 Có ít nhất hai lý do quan trọng để tín đồ đạo Ðấng Ki-tô không làm thế. Thứ nhất, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng cuối-cùng nó thành ra cái nẻo sự chết” (Châm 16:25). Vì bất toàn, chúng ta không có khả năng hướng dẫn các bước của mình cách hoàn hảo (Châm 28:26; Giê 10:23). Thứ hai, Kinh Thánh cho thấy xu hướng và tiêu chuẩn của thế gian bị Sa-tan, tức “chúa đời này”, chi phối và kiểm soát (2 Cô 4:4; 1 Giăng 5:19). Do đó, nếu muốn được Ðức  Giê-hô-va chấp nhận và ban phước, chúng ta cần làm theo lời khuyên nơi Rô-ma 12:2.Ðọc.

4. Bài này sẽ xem xét điều gì?

4 Bài này sẽ thảo luận ba điểm quan trọng nơi Rô-ma 12:2. (1) Tại sao chúng ta cần biến đổi? (2) Sự biến đổi bao hàm điều gì? (3) Chúng ta có thể biến đổi như thế nào?

TẠI SAO CẦN BIẾN ÐỔI?

5. Khi viết những lời nơi Rô-ma 12:2, Phao-lô muốn đặc biệt khuyên những ai?

5 Lá thư sứ đồ Phao-lô gửi đến Rô-ma không phải dành cho mọi người Rô-ma, mà cho các tín đồ được xức dầu ở đó (Rô 1:7). Ông khuyên họ hãy biến đổi và “đừng rập khuôn theo đời này nữa”. Ðối với các tín đồ sống ở Rô-ma lúc đó, khoảng năm 56 CN, thì “đời này” bao hàm những tiêu chuẩn, phong tục, lối cư xử và cách ăn mặc mang đặc thù xã hội La Mã. Phao-lô nói “đừng... nữa”, điều này ám chỉ một số tín đồ vẫn bị ảnh hưởng bởi “đời này”. Như thế nào?

6, 7. Trong thời Phao-lô, tại sao các tín đồ ở Rô-ma gặp trở ngại?

6 Ngày nay, các du khách đến Rô-ma thường tham quan những di tích như đền thờ, ngôi mộ, đài kỷ niệm, đấu trường, nhà hát, v.v. một số có niên đại từ thế kỷ thứ nhất. Chúng giúp chúng ta hiểu về đời sống xã hội và tôn giáo của La Mã cổ đại. Trong các sách lịch sử, chúng ta cũng đọc về những môn thi đấu hung bạo, cuộc đua xe ngựa cũng như kịch và nhạc kịch, trong đó có một số mang nội dung đồi bại. Rô-ma cũng là trung tâm thương mại phồn thịnh, có nhiều cơ hội làm giàu.—Rô 6:21; 1 Phi 4:3, 4.

7 Dù có nhiều đền thờ và nhiều thần, nhưng đa số người Rô-ma không có mối quan hệ mật thiết với các thần của họ. Tôn giáo của người Rô-ma chủ yếu là những nghi lễ liên quan đến việc sinh con, cưới gả và ma chay. Những nghi lễ này đóng vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Hẳn điều này gây trở ngại cho các tín đồ đạo Ðấng Ki-tô ở Rô-ma. Nhiều tín đồ xuất thân trong môi trường ấy, nên họ cần biến đổi để trở thành môn đồ chân chính của Ðấng Ki-tô và sự biến đổi chưa kết thúc khi họ làm báp-têm.

8. Tại sao thế gian gây trở ngại cho tín đồ đạo Ðấng Ki-tô ngày nay?

8 Tương tự, thế gian ngày nay cũng gây trở ngại cho tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Tại sao? Vì tinh thần thế gian bao trùm khắp mọi nơi. (Ðọc Ê-phê-sô 2:2, 3; 1 Giăng 2:16). Do hằng ngày phải tiếp xúc với những người có ham muốn, tư tưởng và tiêu chuẩn đạo đức trái với Kinh Thánh, chúng ta luôn có nguy cơ bị tiêm nhiễm. Vậy, chúng ta có nhiều lý do để làm theo lời khuyên được soi dẫn là “đừng rập khuôn theo  đời này nữa” và “hãy biến đổi”. Chúng ta làm điều này như thế nào?

BIẾN ÐỔI BAO HÀM ÐIỀU GÌ?

9. Ðể hội đủ điều kiện làm báp-têm, nhiều người đã thực hiện những thay đổi nào?

9 Khi một người học và áp dụng sự thật Kinh Thánh, người ấy bắt đầu tiến bộ về thiêng liêng. Ðiều này được thể hiện qua việc người ấy thay đổi đời sống, tức từ bỏ những thực hành tôn giáo sai lầm và thói hư tật xấu, đồng thời vun trồng nhân cách như Ðấng Ki-tô (Ê-phê 4:22-24). Thật vui khi thấy hàng trăm ngàn người thực hiện điều đó mỗi năm và hội đủ điều kiện làm báp-têm để biểu trưng sự dâng mình cho Ðức Giê-hô-va! Chắc chắn, điều này làm ngài vui lòng (Châm 27:11). Nhưng có phải chúng ta chỉ cần thay đổi bấy nhiêu?

Nhiều người cần ra khỏi thế gian Sa-tan và biến đổi (Xem đoạn 9)

10. Tại sao có thể nói việc biến đổi bao hàm nhiều hơn là cải thiện?

10 Sự biến đổi bao hàm nhiều hơn là cải thiện. Ðôi khi một sản phẩm dán nhãn “chất lượng được cải thiện”, nhưng thực chất sản phẩm đó không thay đổi mấy. Có thể nhà sản xuất chỉ thêm một thành phần hoặc làm bao bì hấp dẫn hơn. Một từ điển Kinh Thánh nói cụm từ “biến đổi” nơi Rô-ma 12:2 bao hàm việc đổi mới trong suy nghĩ nhờ quyền lực của thần khí. Vì thế, việc biến đổi mà một tín đồ phải thực hiện không chỉ là bỏ đi những tật xấu, lời nói không lành mạnh và hạnh kiểm vô luân. Một số người không có sự hiểu biết về Kinh Thánh cũng cố gắng tránh những điều ấy. Vậy, việc biến đổi của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô bao hàm điều gì?

11. Những lời của Phao-lô cho thấy một tín đồ cần biến đổi điều gì?

11 Phao-lô viết: “Hãy biến đổi tâm trí mình”. “Tâm trí” nói đến khả năng suy nghĩ. Nhưng khi được dùng trong Kinh Thánh, nó còn bao gồm khuynh hướng, thái độ và khả năng lý luận. Trong phần đầu lá thư gửi cho tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô nói đến những người có “tâm trí đồi bại”. Họ “bất chính, gian ác, tham lam, xấu xa, đố kỵ, giết người, tranh đấu, dối trá” và có những thói xấu khác (Rô 1:28-31). Chúng ta hiểu tại sao Phao-lô khuyên những tín đồ lớn lên trong môi trường đó phải “biến đổi tâm trí”.

‘Hãy từ bỏ mọi sự tức giận, căm ghét, quát tháo, lăng mạ’.Ê-phê 4:31

12. Nhiều người xung quanh chúng ta có lối suy nghĩ nào, và tại sao đây là mối nguy hiểm cho tín đồ đạo Ðấng Ki-tô?

12 Buồn thay, nhiều người xung quanh chúng ta có tâm trí giống như Phao-lô miêu tả. Họ nghĩ rằng sống theo tiêu chuẩn và nguyên tắc là lạc hậu và gò bó. Nhiều giáo viên và cha mẹ cho phép con trẻ làm bất cứ điều gì chúng muốn. Thậm chí, họ còn dạy chúng rằng mỗi người có quyền tự quyết định điều gì là đúng, điều gì là  sai. Ðối với họ, mọi thứ chỉ là tương đối, không điều gì tuyệt đối. Ngay cả nhiều người nói mình tin Ðức Chúa Trời cũng cho rằng họ được tự do làm điều mình nghĩ là đúng, không cần làm theo điều răn của ngài (Thi 14:1). Thái độ này là mối nguy hiểm cho tín đồ đạo Ðấng Ki-tô chân chính. Nếu không cẩn thận, một tín đồ có thể bị tiêm nhiễm và có thái độ như thế về những sắp đặt thần quyền. Có thể người ấy không còn muốn vâng theo những chỉ dẫn của tổ chức và phàn nàn về bất cứ điều gì mà họ không thích. Hoặc có lẽ người ấy không hoàn toàn đồng tình với lời khuyên dựa trên Kinh Thánh liên quan đến việc giải trí, dùng Internet và học lên cao.

13. Tại sao chúng ta nên thành thật xem xét bản thân?

13 Ðể không bị rập khuôn theo đời này, chúng ta cần thành thật xem xét động cơ, cảm xúc, mục tiêu và tiêu chuẩn của mình. Có thể người khác không thấy những điều đó nơi chúng ta. Họ có thể nói rằng chúng ta rất tốt. Nhưng chỉ chúng ta mới biết mình đã thật sự biến đổi theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh chưa và mình có đang tiếp tục làm thế hay không.—Ðọc Gia-cơ 1:23-25.

BIẾN ÐỔI NHƯ THẾ NÀO?

14. Làm thế nào chúng ta biết mình cần thay đổi điều gì?

14 Ðể biến đổi, chúng ta cần thay đổi những gì trong lòng, tức con người thật của chúng ta. Ðiều gì có thể giúp chúng ta làm thế? Khi học Kinh Thánh, chúng ta biết Ðức Giê-hô-va muốn chúng ta là loại người nào. Cách phản ứng của chúng ta trước những gì mình đọc trong Kinh Thánh cho thấy con người thật của mình. Qua đó, chúng ta biết mình cần thay đổi điều gì để phù hợp với ‘ý muốn hoàn hảo của Ðức Chúa Trời’.—Rô 12:2; Hê 4:12.

15. Ðức Giê-hô-va uốn nắn chúng ta theo nghĩa nào?

15 Ðọc Ê-sai 64:8. Hình ảnh mà nhà tiên tri Ê-sai dùng giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng. Ðức Giê-hô-va là Thợ Gốm, còn chúng ta là đất sét. Ngài uốn nắn chúng ta theo nghĩa nào? Chắc chắn, ngài không thay đổi hình thể của chúng ta, chẳng hạn làm cho ngoại diện hoặc vóc dáng chúng ta trở nên hấp dẫn hơn. Thay vì thế, Ðức Giê-hô-va thay đổi con người bề trong của chúng ta. Nếu để ngài uốn nắn, chúng ta sẽ biến đổi bên trong, và đó chính là điều mình cần để kháng cự ảnh hưởng của thế gian. Vậy, quá trình uốn nắn diễn ra như thế nào?

16, 17. (a) Thợ gốm xử lý đất sét ra sao để tạo nên một sản phẩm chất lượng? (b) Lời Ðức Chúa Trời giúp chúng ta biến đổi thế nào để trở thành công cụ hữu dụng trong tay ngài?

16 Ðể tạo một sản phẩm gốm chất lượng, thợ gốm dùng loại đất sét tốt. Tuy nhiên, ông cần thực hiện hai bước. Trước tiên, ông phải dùng nước để loại bỏ tạp chất. Sau đó, ông cần pha đất sét với lượng nước vừa đủ, rồi nhào trộn để có thể giữ dáng bình gốm sau khi nắn.

17 Hãy lưu ý là nước không chỉ có tác dụng làm sạch đất sét mà còn tạo độ dẻo phù hợp hầu dễ dàng nắn thành bình theo ý của thợ gốm, thậm chí một chiếc bình mỏng. Chúng ta có thấy vai trò tương tự của Lời Ðức Chúa Trời trong đời sống mình không? Trước tiên, Lời ấy giúp chúng ta bỏ đi lối suy nghĩ trước đây và có cùng quan điểm với Ðức Chúa Trời. Sau đó, Lời ấy giúp  chúng ta biến đổi để trở thành công cụ hữu dụng trong tay ngài (Ê-phê 5:26). Nhiều lần chúng ta được khuyên là đọc Kinh Thánh hằng ngày và đều đặn tham dự nhóm họp, nơi chúng ta được học Lời Ðức Chúa Trời. Tại sao? Vì khi làm thế, chúng ta để cho Ðức Giê-hô-va uốn nắn mình.—Thi 1:2; Công 17:11; Hê 10:24, 25.

Sự biến đổi sẽ giúp bạn biết cách giải quyết vấn đề tốt hơn (Xem đoạn 18)

18. (a) Tại sao suy ngẫm là điều cần thiết nếu muốn Lời Ðức Chúa Trời tác động và biến đổi chúng ta? (b) Chúng ta có thể suy ngẫm những câu hỏi nào?

18 Chỉ đọc và học Kinh Thánh thì chưa đủ để Lời Ðức Chúa Trời biến đổi chúng ta. Nhiều người đọc Kinh Thánh và quen thuộc với nội dung trong đó. Có lẽ bạn gặp những người như thế khi tham gia thánh chức. Thậm chí, một số người đọc thuộc lòng những câu Kinh Thánh *. Nhưng điều này thường không ảnh hưởng mấy đến lối sống và suy nghĩ của họ. Tại sao? Vì một người chỉ biến đổi khi để Lời Ðức Chúa Trời tác động đến lòng. Vậy, chúng ta cần dành thời gian suy ngẫm những điều mình học. Hãy tự hỏi: “Mình có tin đây không đơn thuần là giáo lý? Chẳng phải mình đã trực tiếp cảm nghiệm đây là sự thật sao? Mình có áp dụng những gì học được thay vì chỉ xem đây là kiến thức để dạy người khác? Mình có tin rằng những điều mình học đến từ Ðức Giê-hô-va, như thể ngài đang nói chuyện với mình?”. Suy ngẫm những câu hỏi như thế giúp chúng ta đến gần Ðức Giê-hô-va. Khi để những gì mình học tác động đến lòng, chúng ta sẽ được thôi thúc để thực hiện những thay đổi cần thiết hầu làm vui lòng ngài.—Châm 4:23; Lu 6:45.

19, 20. Áp dụng lời khuyên nào trong Kinh Thánh sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta?

19 Ðều đặn đọc và suy ngẫm Lời Ðức Chúa Trời sẽ thúc đẩy chúng ta tiếp tục làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Hãy lột bỏ nhân cách cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy nhân cách mới, là nhân cách đang được đổi mới nhờ sự hiểu biết chính xác” (Cô 3:9, 10). Nếu thật sự hiểu Lời Ðức Chúa Trời và áp dụng vào đời sống, chúng ta sẽ được thúc đẩy để mặc lấy nhân cách mới, điều có thể bảo vệ chúng ta khỏi những mưu kế của Sa-tan.

20 Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta: ‘Là con cái biết vâng lời, anh em đừng để bị rập khuôn theo những ham muốn mình từng có, nhưng hãy nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình’ (1 Phi 1:14, 15). Bài kế tiếp cho biết chúng ta sẽ được ban phước thế nào khi cố gắng hết sức để biến đổi suy nghĩ và thái độ.

^ đ. 18 Xin xem ví dụ trong Bài học chính từ Tháp Canh Anh ngữ năm 1993 và 1994Phần 1, trang 81, đoạn 7.