Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhận lợi ích từ phép tương phản

Nhận lợi ích từ phép tương phản

Hẳn bạn đồng ý rằng Chúa Giê-su là Thầy vĩ đại nhất từng sống trên đất. Có lẽ bạn cố gắng bắt chước một số phương pháp dạy dỗ của ngài, chẳng hạn như cách dùng câu hỏi và minh họa. Nhưng bạn có biết, Chúa Giê-su cũng thường dùng phép tương phản khi dạy dỗ không?

Nhiều người dùng phép tương phản khi nói chuyện. Có thể bạn cũng thường dùng cách nói này mà không để ý. Chẳng hạn, có lẽ bạn từng nói những câu như: “Họ nói tất cả các trái đều chín, thế mà những trái này vẫn xanh”, hoặc “Trước kia, chị ấy sống rất khép kín, nhưng giờ thì cởi mở hơn”.

Khi dùng cách nói này, đầu tiên bạn đề cập đến một sự kiện hoặc ý tưởng, sau đó dùng liên từ như nhưng, tuy nhiên, thế mà, thay vì thế hoặc ngược lại để đưa ra một điều trái ngược với điều kia hoặc bổ sung thông tin. Cách nói này không chỉ tự nhiên mà còn giúp người khác hiểu những gì bạn đang nói.

Dù có thể cách nói này không thông dụng trong một số ngôn ngữ hay nền văn hóa, nhưng chúng ta cần nhận ra giá trị của nó. Tại sao? Vì Lời Ðức Chúa Trời dùng cách nói này nhiều lần. Chúa Giê-su thường sử dụng phép tương phản, chẳng hạn như “người ta không thắp đèn rồi lấy thúng đậy lại, nhưng đặt trên chân đèn”; “tôi đến không phải để hủy bỏ [Luật pháp] để làm ứng nghiệm”; “anh em đã nghe lời truyền dạy rằng: ‘Ngươi chớ phạm tội ngoại tình’. Nhưng tôi cho anh em biết, hễ ai cứ nhìn một phụ nữ...”; “anh em có nghe lời truyền dạy rằng: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Nhưng tôi nói với anh em: Ðừng chống cự người làm ác, nếu bị ai tát má bên phải thì hãy đưa luôn má bên trái cho họ”.—Mat 5:15, 17, 27, 28, 38, 39.

Những sách khác trong Kinh Thánh cũng dùng phép tương phản. Phép tương phản làm một điểm dễ hiểu hơn hoặc đưa ra cách khác hay hơn cách trước đó. Nếu là cha mẹ, bạn hãy suy ngẫm về câu tương phản sau: “Còn những người cha, đừng làm cho con bực tức, nhưng hãy luôn dùng sự sửa dạy và răn bảo của Ðức Giê-hô-va mà nuôi dạy chúng” (Ê-phê 6:4). Nếu sứ đồ Phao-lô chỉ nói rằng người cha (hay mẹ) phải dùng nguyên tắc của Ðức Chúa Trời để nuôi dạy con thì cũng đúng. Tuy nhiên, ý tưởng này rõ nét hơn khi ông dùng phép tương phản ‘đừng làm cho con bực tức, nhưng hãy luôn dùng sự răn bảo của Ðức Giê-hô-va mà nuôi dạy chúng’.

Cũng trong chương đó, sứ đồ Phao-lô viết: ‘Chúng ta chẳng chiến đấu với con người với các thế lực ác thần ở trên trời’ (Ê-phê 6:12). Hẳn cách nói tương phản này giúp bạn hiểu mình đang trong một cuộc chiến cam go, vì không phải chiến đấu với loài người, mà với các thế lực ác thần.

 TẬN DỤNG PHÉP TƯƠNG PHẢN

Cũng trong sách Ê-phê-sô, bạn sẽ thấy Phao-lô dùng phép tương phản trong nhiều câu khác. Suy ngẫm về những câu này có thể giúp chúng ta hiểu ý của ông và biết rõ hơn mình nên làm gì.

Bạn sẽ thấy thích thú và nhận được lợi ích khi xem xét bảng kèm theo, trong đó liệt kê một số câu tương phản nơi Ê-phê-sô chương 4 và 5. Khi đọc mỗi câu, hãy suy ngẫm về đời sống mình. Hãy tự hỏi: “Bản thân mình thì sao? Mình sẽ phản ứng thế nào trong tình huống này hoặc tình huống tương tự? Người khác nghĩ mình giống hình ảnh nào?”. Nếu thấy mình cần cải thiện điểm nào đó, hãy cố gắng làm thế. Hãy nhận lợi ích từ phép tương phản.

Bạn có thể dùng bảng liệt kê này khi cùng gia đình học về Lời Ðức Chúa Trời. Trước tiên, các thành viên trong gia đình đọc những câu tương phản trong bảng liệt kê. Sau đó, một thành viên đọc vế đầu của câu, rồi các thành viên khác cố gắng nhớ vế thứ hai. Ðiều này có thể đưa đến một cuộc thảo luận sôi nổi về cách áp dụng tốt hơn vế thứ hai của mỗi câu. Thật vậy, việc xem xét những câu tương phản có thể giúp người ở mọi lứa tuổi theo đuổi lối sống của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô trong khuôn khổ gia đình và những nơi khác.

Bạn có nhớ vế thứ hai của câu tương phản không?

Càng hiểu giá trị của phép tương phản, bạn càng dễ nhận ra những câu tương phản trong Kinh Thánh, và bạn cũng sẽ thấy cách nói này rất hữu hiệu trong thánh chức. Chẳng hạn, bạn có thể nói với chủ nhà: “Nhiều người cho rằng con người có linh hồn bất tử, nhưng hãy xem Lời Ðức Chúa Trời nói gì về điều này”. Khi hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh, bạn có thể hỏi: “Ða số người ta trong khu vực này tin rằng Ðức Chúa Trời và Chúa Giê-su là một; tuy nhiên, như chúng ta đã thảo luận thì Kinh Thánh dạy gì về điều này? Còn ông/bà nghĩ sao?”.

Thật vậy, Kinh Thánh chứa đựng nhiều câu tương phản có thể giúp chúng ta bước đi trong đường lối của Ðức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể dùng phép tương phản để giúp người khác biết sự thật Kinh Thánh.