Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy quyết định khôn ngoan

Hãy quyết định khôn ngoan

“Hãy hết lòng tin-cậy Ðức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”.CHÂM 3:5.

1, 2. Bạn có thích quyết định không? Bạn cảm thấy thế nào về một số quyết định của mình?

Mỗi ngày, chúng ta phải quyết định nhiều điều. Bạn cảm thấy thế nào khi đứng trước các quyết định? Một số người thích quyết định mọi thứ. Họ cho rằng mình có quyền làm thế và không muốn ai quyết định thay cho họ. Nhưng có những người lại sợ đưa ra các quyết định quan trọng. Một số tìm lời khuyên trong sách cẩm nang hoặc từ các nhà tư vấn, thậm chí tốn nhiều tiền để có được lời khuyên mà họ nghĩ là mình cần.

2 Nhiều người trong chúng ta có quan điểm thăng bằng hơn. Chúng ta nhận ra rằng trong đời sống, có một số điều nằm ngoài quyền hạn cá nhân mà mình không thể quyết định, nhưng có nhiều điều chúng ta có thể quyết định (Ga 6:5). Dù vậy, chúng ta thừa nhận rằng không phải mọi quyết định của mình đều khôn ngoan hoặc mang lại lợi ích.

3. Chúng ta có những chỉ dẫn nào giúp mình quyết định, nhưng tại sao việc quyết định không luôn dễ?

3 Là tôi tớ của Ðức Giê-hô-va, chúng ta hạnh phúc vì được ngài ban chỉ dẫn rõ ràng về nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống. Nếu vâng theo các chỉ dẫn đó, chúng ta có thể đưa ra những quyết định đẹp lòng Ðức Giê-hô-va và mang lại lợi ích cho chính mình. Tuy nhiên, có thể chúng ta phải đối mặt với những vấn đề hoặc tình huống không có chỉ dẫn cụ thể trong Lời Ðức Chúa Trời. Khi đó, chúng ta nên quyết định thế nào? Chẳng hạn, Kinh Thánh nói chúng ta không nên trộm cắp (Ê-phê 4:28). Tuy nhiên, một số người cho rằng việc lấy đồ của người khác không có gì sai nếu đồ vật ấy không mấy giá trị hoặc người lấy thật sự cần nó. Chúng ta có thể quyết định thế nào trong những trường hợp mà một số người cho là không có  chỉ dẫn rõ ràng? Ðiều gì có thể giúp chúng ta?

HÃY SUY XÉT

4. Ðôi khi, chúng ta nhận được lời khuyên nào khi đứng trước quyết định?

4 Khi nói với một anh chị về vấn đề quan trọng mà mình sắp phải quyết định, có thể anh chị ấy nói chúng ta cần suy xét để có quyết định sáng suốt. Ðó là lời khuyên tốt. Chính Kinh Thánh cảnh báo: “Ai vội vàng hấp tấp, ắt phải chịu đói nghèo” (Châm 21:5, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nhưng suy xét có nghĩa gì? Có phải chỉ là dành thời gian suy nghĩ cẩn thận, lý luận hợp lý và cố gắng hiểu cặn kẽ vấn đề trước khi quyết định? Ðúng là những bước này rất quan trọng, nhưng việc suy xét còn bao hàm nhiều hơn.—1 Phi 4:7.

5. Tại sao chúng ta không có trí óc hoàn hảo?

5 Không ai trong chúng ta sinh ra với trí óc hoàn hảo. Vì là người tội lỗi và bất toàn, nên chúng ta bị khiếm khuyết về thể chất lẫn tâm trí (Thi 51:5; Rô 3:23). Hơn nữa, nhiều người trong chúng ta từng bị Sa-tan “làm mù tâm trí”, không nhận biết Ðức Giê-hô-va và tiêu chuẩn công chính của ngài (2 Cô 4:4; Tít 3:3). Vì vậy, dù suy nghĩ nhiều đến đâu và cố gắng đưa ra quyết định tốt nhất, chúng ta vẫn có thể quyết định sai.—Châm 14:12.

6. Ðiều gì có thể giúp chúng ta có óc suy xét?

6 Khác với chúng ta, Cha Giê-hô-va là hoàn hảo trong mọi khía cạnh (Phục 32:4). Ngài cung cấp những điều cần thiết để giúp chúng ta biến đổi tâm trí và có óc suy xét. (Ðọc 2 Ti-mô-thê 1:7). Là tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, chúng ta muốn suy nghĩ, lý luận và hành động một cách sáng suốt. Vì vậy, chúng ta cần học cách kiềm chế suy nghĩ, cảm xúc của mình và bắt chước suy nghĩ, cảm xúc và cách xử sự của Ðức Giê-hô-va.

7, 8. Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy chúng ta vẫn có thể quyết định khôn ngoan dù đương đầu với áp lực và khó khăn.

7 Hãy xem một ví dụ. Một số người nhập cư gửi con nhỏ về cho người thân trông nom hầu có thể tiếp tục làm việc và kiếm tiền *. Một phụ nữ sống ở nước ngoài sinh bé trai kháu khỉnh. Trong thời gian đó, chị bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và tiến bộ về thiêng liêng. Bạn bè và người thân gây áp lực để vợ chồng chị gửi con về nhà cho ông bà chăm giống như bao cha mẹ khác. Tuy nhiên, khi học Kinh Thánh, chị hiểu rằng Ðức Giê-hô-va giao cho vợ chồng chị trách nhiệm nuôi dạy con (Thi 127:3; Ê-phê 6:4). Chị có nên theo tục lệ mà nhiều người xem là hợp lý? Hay chị sẽ áp dụng điều mình đang học trong Kinh Thánh, dù phải chịu thiệt thòi về kinh tế và bị người khác gièm pha? Nếu ở trong trường hợp đó, bạn sẽ làm gì?

8 Cảm thấy bị áp lực và căng thẳng, người phụ nữ trẻ này đã trải lòng với Ðức Giê-hô-va và xin ngài hướng dẫn. Khi chia sẻ vấn đề của mình với người hướng dẫn Kinh Thánh và các anh chị khác, chị bắt đầu nhận thấy quan điểm của Ðức Giê-hô-va về vấn đề này. Chị cũng cân nhắc những thiệt hại về tình cảm của con trẻ khi phải sống xa bố mẹ. Sau khi xem xét vấn đề dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh, chị quyết định không gửi con về cho ông bà chăm vì biết điều này là không đúng. Khi thấy anh em trong hội thánh chung tay giúp đỡ và đứa bé lớn lên mạnh khỏe và vui vẻ, chồng chị đồng ý học Kinh Thánh  và bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp cùng với chị.

9, 10. Thế nào là suy xét, và làm sao chúng ta có được điều đó?

9 Ðó chỉ là một trường hợp, nhưng trường hợp này cho thấy suy xét bao hàm nhiều hơn là quyết định theo cách mà chúng ta hoặc người khác xem là hợp lý hay dễ nhất. Lòng và trí bất toàn của chúng ta có thể được ví như chiếc đồng hồ lúc chạy nhanh, lúc chạy chậm. Nếu luôn tin cậy nó, có thể chúng ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng (Giê 17:9). Chúng ta cần điều chỉnh tâm trí theo các tiêu chuẩn đáng tin cậy của Ðức Chúa Trời.—Ðọc Ê-sai 55:8, 9.

10 Kinh Thánh đưa ra lời khuyên khôn ngoan: “Hãy hết lòng tin-cậy Ðức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con” (Châm 3:5, 6). Hãy lưu ý câu Kinh Thánh này nói “chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”, rồi sau đó nói “khá nhận-biết [Ðức Giê-hô-va]”. Ðức Giê-hô-va là đấng có trí óc hoàn hảo. Vì vậy, khi đứng trước một quyết định, chúng ta cần xem xét Kinh Thánh để biết quan điểm của ngài về vấn đề đó, rồi đưa ra quyết định phù hợp. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình có óc suy xét, tức đang bắt chước lối suy nghĩ của Ðức Giê-hô-va.

RÈN LUYỆN KHẢ NĂNG NHẬN THỨC

11. Bí quyết để học cách quyết định khôn ngoan là gì?

11 Học cách quyết định khôn ngoan và thực hiện điều mình đã quyết định không phải là dễ, đặc biệt đối với những người mới làm báp-têm hoặc bây giờ mới tiến bộ về thiêng liêng. Dù khó, nhưng họ hoàn toàn có thể làm được. Kinh Thánh gọi họ là “con trẻ” vì họ giống như em bé đang tập đi. Bí quyết để em bé thành công là đi những bước ngắn và tập nhiều lần. Những người đang học cách đưa ra các quyết định khôn ngoan thì cũng như vậy. Sứ đồ Phao-lô miêu tả người thành thục là “người nhờ vận dụng khả năng nhận  thức của mình mà khả năng ấy được luyện tập để phân biệt điều đúng, điều sai”. Các cụm từ “nhờ vận dụng” và “được luyện tập” ám chỉ sự nỗ lực không ngừng, và đó là điều mà người mới cần làm để học cách quyết định khôn ngoan.—Ðọc Hê-bơ-rơ 5:13, 14.

Quyết định đúng trong những vấn đề thường ngày sẽ giúp chúng ta rèn luyện khả năng nhận thức (Xem đoạn 11)

12. Bằng cách nào chúng ta có thể rèn luyện khả năng quyết định khôn ngoan?

12 Như đã đề cập ở trên, hằng ngày chúng ta đưa ra nhiều quyết định, cả lớn lẫn nhỏ. Theo một nghiên cứu, trên 40% các quyết định của chúng ta là theo thói quen. Chẳng hạn, mỗi buổi sáng bạn phải quyết định mặc đồ gì. Có lẽ bạn xem đây là chuyện nhỏ và lựa chọn ngay mà không suy nghĩ kỹ, nhất là khi bạn đang vội. Tuy nhiên, điều quan trọng bạn cần suy xét là trang phục của mình có phù hợp với một tôi tớ của Ðức Giê-hô-va không (2 Cô 6:3, 4). Khi mua sắm quần áo, có thể bạn nghĩ về kiểu cách và xu hướng thời trang, nhưng về sự nhã nhặn, khiêm tốn và giá cả thì sao? Ðưa ra lựa chọn đúng trong những trường hợp này có thể giúp bạn rèn luyện khả năng nhận thức. Nhờ thế, bạn có thể quyết định đúng trong những vấn đề quan trọng hơn.—Lu 16:10; 1 Cô 10:31.

CỦNG CỐ QUYẾT TÂM LÀM ÐIỀU ÐÚNG

13. Chúng ta cần điều gì để làm điều mình đã quyết định?

13 Ðưa ra quyết định đúng là một chuyện, nhưng làm điều mình đã quyết định lại là chuyện hoàn toàn khác. Chẳng hạn, một số người muốn bỏ thuốc lá nhưng không thể vì thiếu động lực. Ðiều thiết yếu là phải có lòng quyết tâm. Một số người cho rằng lòng quyết tâm giống như cơ bắp. Càng vận động, cơ bắp càng khỏe. Nếu ít vận động, nó sẽ yếu dần rồi bị teo. Vậy điều gì có thể giúp chúng ta củng cố quyết tâm làm điều mình đã quyết định? Ðó là nương cậy nơi sự trợ giúp của Ðức Giê-hô-va.—Ðọc Phi-líp 2:13.

14. Nhờ đâu Phao-lô có sức mạnh làm điều ông biết mình nên làm?

14 Qua kinh nghiệm bản thân, Phao-lô biết làm điều đúng không luôn dễ. Ông từng than: “Tôi có ước muốn làm điều tốt, nhưng lại không có khả năng làm”. Phao-lô biết điều ông muốn làm hoặc nên làm, nhưng đôi khi có những điều cản trở ông. Ông thừa nhận: “Trong thâm tâm, tôi thật sự ham thích luật pháp của Ðức Chúa Trời, nhưng tôi thấy trong thân thể mình có một luật khác tranh đấu với luật trong trí mình, và bắt tôi phục tùng luật của tội lỗi trong chi thể tôi”. Trường hợp của Phao-lô có phải là vô vọng? Không. Ông nói: “Cảm tạ Ðức Chúa Trời, ngài sẽ cứu tôi qua Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng ta!” (Rô 7:18, 22-25). Nơi một câu khác, ông viết: “Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.

15. Tại sao chúng ta cần quyết tâm làm điều đúng?

15 Rõ ràng, để làm hài lòng Ðức Chúa Trời, chúng ta cần quyết định đúng và quyết tâm thực hiện. Hãy nhớ lời mà Ê-li đã nói tại núi Cạt-mên với những người thờ thần Ba-anh và người Y-sơ-ra-ên bội đạo: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Ðức Chúa Trời, hãy theo hắn” (1 Vua 18:21). Dân Y-sơ-ra-ên biết họ chỉ được thờ phượng một mình Ðức Giê-hô-va, nhưng họ lại “đi giẹo hai bên”, cố thờ Ðức Chúa Trời và cả thần Ba-anh. Giô-suê thì hoàn toàn khác. Nhiều năm về trước, ông tuyên bố với dân Y-sơ-ra- ên: ‘Nếu chẳng thích cho các ngươi phục-sự Ðức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục-sự, nhưng ta và nhà ta sẽ phục-sự Ðức Giê-hô-va’ (Giô-suê 24:15). Lòng quyết tâm của ông mang lại kết quả nào? Giô-suê và những người đi với ông đã được vào Ðất Hứa, một “xứ đượm sữa và mật”.—Giô-suê 5:6.

HÃY QUYẾT ÐỊNH KHÔN NGOAN ÐỂ ÐƯỢC BAN PHƯỚC

16, 17. Hãy nêu ví dụ cho thấy một người luôn nhận được lợi ích khi quyết định phù hợp với ý muốn Ðức Chúa Trời.

16 Hãy xem một trường hợp vào thời nay. Một anh mới làm báp-têm có vợ và ba con nhỏ. Một hôm, bạn đồng nghiệp rủ anh đến làm ở một công ty khác có lương cao và hưởng nhiều phúc lợi hơn. Anh Nhân Chứng suy nghĩ và cầu nguyện về điều này. Dù lương của công việc hiện tại không khá, nhưng anh chọn công việc này vì cuối tuần anh được nghỉ để đi dự các buổi nhóm họp và tham gia thánh chức cùng gia đình. Anh thấy nếu nhận việc mới, anh sẽ không có thời gian biểu như vậy, ít nhất là trong một thời gian. Nếu ở trong tình huống đó, bạn sẽ làm gì?

17 Vì xem trọng mối quan hệ với Ðức Giê-hô-va, anh đã từ chối nhận công việc mới. Anh có hối tiếc về quyết định của mình không? Hoàn toàn không. Anh cảm thấy những ân phước về thiêng liêng mà gia đình anh nhận được vượt xa so với thu nhập mà công việc mới mang lại. Vợ chồng anh vui mừng khi thấy con gái lớn, 10 tuổi, nói rằng em rất yêu cha mẹ, các anh chị trong hội thánh và Ðức Giê-hô-va. Em nói rằng em muốn dâng mình cho ngài và làm báp-têm. Hẳn em rất biết ơn vì cha đã nêu gương tốt trong việc đặt sự thờ phượng Ðức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống!

Hãy quyết định khôn ngoan và tìm niềm vui trong vòng dân Ðức Chúa Trời (Xem đoạn 18)

18. Tại sao chúng ta cần quyết định khôn ngoan mỗi ngày?

18 Môi-se Lớn, Chúa Giê-su Ki-tô, đã dẫn những tôi tớ của Ðức Giê-hô-va băng qua hoang mạc của thế gian Sa-tan trong nhiều thập kỷ qua. Là Giô-suê Lớn, Chúa Giê-su sắp hủy diệt thế gian đồi bại này và dẫn các môn đồ vào thế giới mới công chính được hứa trước (2 Phi 3:13). Vì vậy, bây giờ không phải là lúc để quay lại lối suy nghĩ, thói quen, tiêu chuẩn và ham muốn xấu xa, mà là lúc cần nhận thức rõ hơn ý muốn của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta (Rô 12:2; 2 Cô 13:5). Hãy có những quyết định và lựa chọn khôn ngoan và là người xứng đáng nhận được ân phước vĩnh cửu của ngài.—Ðọc Hê-bơ-rơ 10:38, 39.

^ đ. 7 Một lý do khác khiến một số người gửi con về là vì ông bà có thể khoe với bạn bè và họ hàng về cháu mình.