Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy làm tôi cho Ðức Giê-hô-va”

“Hãy làm tôi cho Ðức Giê-hô-va”

‘Hãy hăng hái, chớ biếng nhác. Hãy làm tôi cho Ðức Giê-hô-va’.RÔ 12:11.

1. Làm tôi cho Ðức Giê-hô-va khác với việc làm tôi theo quan điểm của người ta như thế nào?

Trong tâm trí của đa số người ta, từ “tôi tớ” gợi lên hình ảnh người bị áp bức, bị đối xử tàn bạo và bất công. Nhưng làm tôi tớ của Ðức Chúa Trời thì không như vậy. Kinh Thánh cho biết ngài là người Chủ đầy yêu thương, những tôi tớ của ngài tự chọn phụng sự ngài, chứ không bị ép buộc. Khi khuyên các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất “làm tôi cho Ðức Giê-hô-va”, sứ đồ Phao-lô đang khuyến khích họ phụng sự Ðức Chúa Trời vì yêu thương ngài (Rô 12:11). Làm tôi cho Ðức Giê-hô-va bao hàm điều gì? Làm sao chúng ta có thể tránh làm tôi cho Sa-tan và thế gian của hắn? Tôi tớ trung thành của Ðức Giê-hô-va nhận được những ân phước nào?

“TÔI THƯƠNG CHỦ”

2. (a) Tại sao một đầy tớ Y-sơ-ra-ên khước từ cơ hội được tự do? (b) Hành động xỏ tai người đầy tớ có nghĩa gì?

2 Việc xem xét Luật pháp Ðức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên giúp chúng ta hiểu những người làm tôi cho Ðức Giê-hô-va phải có tinh thần nào. Một người đầy tớ Hê-bơ-rơ được trả tự do vào năm thứ bảy hầu việc chủ (Xuất 21:2). Tuy nhiên, đối với những đầy tớ thật lòng yêu thương chủ và muốn tiếp tục ở lại phục vụ chủ, Ðức Giê-hô-va có một sắp đặt đáng chú ý. Chủ phải dẫn đầy tớ ấy đến gần cửa hay cột, rồi lấy dùi xỏ tai (Xuất 21:5, 6). Hành động này có nghĩa gì? Trong tiếng Hê-bơ-rơ, sự vâng lời được diễn tả bằng một từ có nghĩa cơ bản là lắng nghe. Vì thế, khi chịu xỏ tai, người đầy tớ cho thấy mình muốn tiếp tục hầu việc chủ với lòng vâng phục. Ðiều này giúp chúng ta hiểu rằng sự dâng mình cho Ðức Giê-hô-va đòi hỏi một người phải sẵn lòng vâng lời ngài vì yêu thương ngài.

3. Sự dâng mình của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô xuất phát từ điều gì?

3 Trước khi làm báp-têm, chúng ta đã quyết định  phụng sự Ðức Giê-hô-va, tức làm tôi cho ngài. Chúng ta dâng mình cho Ðức Giê-hô-va vì muốn vâng lời ngài và làm theo ý muốn ngài, chứ không bị ai ép buộc. Ngay cả những người trẻ cũng chỉ làm báp-têm sau khi tự nguyện dâng mình cho Ðức Giê-hô-va, chứ không phải vì muốn làm hài lòng cha mẹ. Sự dâng mình của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô xuất phát từ tình yêu thương với Chủ trên trời, Ðức Giê-hô-va. Sứ đồ Giăng viết: “Yêu thương Ðức Chúa Trời nghĩa là vâng giữ các điều răn ngài”.—1 Giăng 5:3.

TỰ DO NHƯNG VẪN LÀ TÔI TỚ

4. Chúng ta phải làm gì để trở thành “tôi tớ của sự công chính”?

4 Chúng ta biết ơn Ðức Giê-hô-va vì đã cung cấp điều chúng ta cần để có thể làm tôi cho ngài! Nhờ đặt đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Ðấng Ki-tô, chúng ta được thoát khỏi gông cùm của tội lỗi. Dù còn là người bất toàn, chúng ta đã chọn phục tùng Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Phao-lô giải thích rõ điều này trong những lời sau: “Hãy xem mình đã chết về mặt tội lỗi, nhưng sống cho Ðức Chúa Trời nhờ Ðấng Ki-tô Giê-su”. Rồi ông cảnh báo: “Anh em không biết sao? Nếu cứ dâng mình làm nô lệ vâng lời ai thì anh em là nô lệ của người mình vâng lời, hoặc làm nô lệ cho tội lỗi dẫn đến cái chết, hoặc làm tôi cho sự vâng lời dẫn đến sự công chính. Nhưng tôi cảm tạ Ðức Chúa Trời vì anh em từng làm nô lệ cho tội lỗi mà nay thành tâm vâng theo sự dạy dỗ được truyền cho anh em. Thật thế, vì đã được giải thoát khỏi tội lỗi nên anh em trở thành tôi tớ của sự công chính” (Rô 6:11, 16-18). Hãy lưu ý, sứ đồ Phao-lô nói đến việc “thành tâm vâng theo”. Thật vậy, khi thể hiện ước muốn thành tâm vâng lời Ðức Giê-hô-va qua việc dâng mình cho ngài, chúng ta trở thành “tôi tớ của sự công chính”.

5. Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với cuộc chiến nội tâm nào, và tại sao?

5 Tuy nhiên, sống đúng với sự dâng mình cũng gặp trở ngại. Chúng ta phải đối mặt với một cuộc chiến kép. Thứ nhất là cuộc chiến mà Phao-lô đã phải đương đầu. Ông viết: “Trong thâm tâm, tôi thật sự ham thích luật pháp của Ðức Chúa Trời, nhưng tôi thấy trong thân thể mình có một luật khác tranh đấu với luật trong trí mình, và bắt tôi phục tùng luật của tội lỗi trong chi thể tôi” (Rô 7:22, 23). Như Phao-lô, sự bất toàn di truyền cũng gây trở ngại cho chúng ta. Vì thế, chúng ta luôn phải tranh đấu với những ham muốn xác thịt. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên chúng ta: “Hãy sống như người tự do, nhưng không dùng sự tự do ấy làm cớ cho việc làm sai trái, mà dùng như tôi tớ của Ðức Chúa Trời”.—1 Phi 2:16.

6, 7. Sa-tan làm cho thế gian này hấp dẫn như thế nào?

6 Thứ hai là cuộc chiến chống lại thế gian dưới ảnh hưởng của ác thần. Sa-tan, kẻ cai trị thế gian này, tìm cách phá đổ lòng trung thành của chúng ta với Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Hắn cố biến chúng ta thành nô lệ của hắn qua việc cám dỗ chúng ta sa vào vòng ảnh hưởng đồi bại của thế gian. (Ðọc Ê-phê-sô 6:11, 12). Một cách Sa-tan làm thế là khiến thế gian có vẻ hấp dẫn, cuốn hút. Sứ đồ Giăng cảnh báo: “Nếu ai yêu thế gian thì tình yêu thương đối với Cha không có trong người ấy; vì tất cả những gì thuộc về thế gian như sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt và sự phô trương của cải đều bắt nguồn từ thế gian chứ chẳng phải từ Cha”.—1 Giăng 2:15, 16.

7 Tinh thần ham muốn làm giàu tràn ngập khắp nơi. Sa-tan muốn người ta tin rằng tiền bạc là bí quyết để có hạnh phúc. Siêu thị mọc lên như nấm, với đủ cách thức mời chào. Ngành quảng cáo cổ vũ lối sống thiên về vật chất và vui chơi. Các  công ty du lịch quảng cáo những chuyến tham quan hấp dẫn và nếu tham gia thì chúng ta thường phải đi chung với người thế gian. Thật vậy, mọi thứ xung quanh kêu gọi chúng ta “cải thiện” cuộc sống, nhưng luôn theo tiêu chuẩn của thế gian.

8, 9. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể trở thành nô lệ cho điều gì, và tại sao điều này nguy hiểm?

8 Nói về những tín đồ vào thế kỷ thứ nhất bị tiêm nhiễm tinh thần thế gian, Phi-e-rơ cảnh báo: “Họ vui thích buông mình trong lối sống xa hoa, ngay cả vào ban ngày. Họ là vết bẩn và vết nhơ, là những người say sưa với sự dạy dỗ dối trá của mình trong lúc dự tiệc cùng anh em. Họ dùng lời lẽ khoa trương sáo rỗng, dụ dỗ người đang cố thoát khỏi những kẻ có lối sống sai lầm bằng cách khơi dậy lòng ham muốn của xác thịt và bằng những hành vi trâng tráo. Trong khi hứa sẽ cho người ấy tự do thì chính họ lại làm nô lệ cho sự bại hoại. Vì nếu ai bị người khác chinh phục thì làm nô lệ cho người đó”.—2 Phi 2:13, 18, 19.

9 Thỏa mãn “ham muốn của mắt” không làm một người được tự do. Thay vì thế, người ấy trở thành nô lệ cho chủ vô hình của thế gian này là Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt (1 Giăng 5:19). Thật vậy, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể trở thành nô lệ cho vật chất, một vòng xiềng xích khó thoát thân.

MỘT SỰ NGHIỆP MANG LẠI THỎA NGUYỆN

10, 11. Ngày nay, Sa-tan đặc biệt nhắm vào ai, và nền giáo dục của thế gian gây trở ngại cho họ ra sao?

10 Như đã làm trong vườn Ê-đen, ngày nay Sa-tan cũng tấn công những người thiếu kinh nghiệm. Hắn đặc biệt nhắm vào người trẻ. Sa-tan không vui khi một người trẻ, hay bất cứ ai, tình nguyện làm tôi cho Ðức Giê-hô-va. Hắn muốn tất cả những người đã dâng mình cho ngài trở nên bất trung.

11 Hãy trở lại ví dụ về người đầy tớ chấp nhận việc xỏ tai. Ðầy tớ ấy hẳn cảm thấy đau, nhưng sau một thời gian ngắn sẽ hết, và để lại một dấu cho thấy nhiệm vụ đầy tớ của mình. Tương tự, việc chọn đường lối khác biệt với bạn đồng lứa có thể là khó, thậm chí đau đớn, đối với người trẻ. Sa-tan cổ vũ ý tưởng là sự nghiệp trong thế gian sẽ mang lại thỏa nguyện, nhưng tín đồ đạo Ðấng Ki-tô nên ý thức rằng thỏa mãn nhu cầu tâm linh mới là điều trọng yếu. Chúa Giê-su dạy: “Hạnh phúc thay những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Ðức  Chúa Trời” (Mat 5:3). Những tín đồ đã dâng mình thì sống để làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, chứ không phải của Sa-tan. Họ yêu thích luật pháp của Ðức Giê-hô-va và suy ngẫm luật pháp ấy ngày và đêm. (Ðọc Thi-thiên 1:1-3). Tuy nhiên, nhiều chương trình giáo dục ngày nay chiếm nhiều thời gian và nếu tham gia thì tôi tớ của Ðức Giê-hô-va sẽ không còn thì giờ để suy ngẫm Lời Ðức Chúa Trời và phụng sự ngài.

12. Ngày nay, nhiều người trẻ đứng trước lựa chọn nào?

12 Chủ là người thế gian có thể gây khó dễ cho đầy tớ là tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Trong lá thư thứ nhất gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô, Phao-lô hỏi: “Có phải anh được gọi lúc còn là nô lệ?”. Rồi ông khuyên họ: “Ðừng lo về điều đó; nhưng nếu anh có thể được tự do, hãy nắm lấy cơ hội ấy” (1 Cô 7:21). Nếu người đầy tớ bị chủ gây khó dễ thì tốt hơn là thoát khỏi vòng nô lệ. Ngày nay, trong nhiều nước, học sinh buộc phải đi học đến một độ tuổi nhất định, nhưng sau đó, các em được lựa chọn. Nếu chọn học tiếp với mục tiêu gây dựng sự nghiệp trong thế gian này, một tín đồ có thể không còn tự do để theo đuổi thánh chức trọn thời gian.—Ðọc 1 Cô-rinh-tô 7:23.

Bạn sẽ làm tôi cho ai?

HÃY CHỌN NỀN GIÁO DỤC TỐT NHẤT

13. Nền giáo dục nào mang lại nhiều lợi ích nhất cho tôi tớ của Ðức Giê-hô-va?

13 Phao-lô cảnh báo các tín đồ ở Cô-lô-se: “Ðừng để bất cứ ai giam cầm anh em bằng các triết lý cùng những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch theo truyền thống của loài người, theo những điều sơ đẳng của thế gian, và không theo Ðấng Ki-tô” (Cô 2:8). Nhiều giáo viên dạy “các triết lý cùng những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch theo truyền thống của loài người”. Chương trình giáo dục cấp đại học trở lên thường bao gồm những sự dạy dỗ ấy và không luôn cung cấp cho sinh viên các kỹ năng thực tế. Vì thế, có thể họ không được trang bị tốt để đối phó với những vấn đề khi bước vào đời. Trái lại, tôi tớ của Ðức Giê-hô-va chọn những chương trình đào tạo kỹ năng cần thiết hầu có thể giữ đời sống đơn giản để phụng sự ngài. Họ luôn ghi nhớ lời khuyên của Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Quả thật, lòng sùng kính mang lại lợi ích lớn lao, miễn là chúng ta thỏa lòng với những gì mình có. Thế thì, hãy thỏa lòng khi đã có thức ăn, áo mặc và chỗ ở” (1 Ti 6:6, 8). Thay vì cố đạt được bằng cấp và học vị, tín đồ đạo Ðấng Ki-tô chân chính muốn sưu tập “thư giới thiệu”, tức những người họ đã  giúp để trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Họ làm thế bằng cách tham gia thánh chức càng nhiều càng tốt.—Ðọc 2 Cô-rinh-tô 3:1-3.

14. Theo Phi-líp 3:8, Phao-lô xem việc làm tôi cho Ðức Chúa Trời và Ðấng Ki-tô ra sao?

14 Hãy xem trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Ông theo học một thầy dạy luật Do Thái là Ga-ma-li-ên. Nền giáo dục Phao-lô nhận được tương đương với cấp đại học ngày nay. Nhưng ông xem nền giáo dục đó ra sao khi so sánh với đặc ân được làm tôi cho Ðức Chúa Trời và Ðấng Ki-tô? Ông viết: ‘Tôi xem mọi thứ như bị mất vì cớ giá trị cao quý của sự hiểu biết về Ðấng Ki-tô Giê-su, là Chúa tôi’. Rồi ông nói thêm: “Vì cớ ngài mà tôi chấp nhận mất mọi thứ, xem chúng như rác rưởi, hầu có Ðấng Ki-tô” (Phi-líp 3:8). Lời nhận định ấy giúp những tín đồ trẻ và cha mẹ họ, cũng là tín đồ, có lựa chọn khôn ngoan liên quan đến học vấn. (Xem các hình).

NHẬN LỢI ÍCH TỪ NỀN GIÁO DỤC TỐT NHẤT

15, 16. Tổ chức của Ðức Giê-hô-va cung cấp nền giáo dục nào, và mục tiêu là gì?

15 Môi trường giáo dục cấp đại học ở nhiều nước đôi khi có sự kích động nổi loạn về chính trị, xã hội (Ê-phê 2:2). Trái lại, tổ chức của Ðức Giê-hô-va cung cấp nền giáo dục tốt nhất trong môi trường yên bình tại hội thánh đạo Ðấng Ki-tô. Mỗi chúng ta đều có cơ hội nhận lợi ích từ Trường thánh chức hằng tuần. Cũng có những trường dành riêng cho các anh tiên phong độc thân (Trường Kinh Thánh cho các anh độc thân) và dành cho những cặp vợ chồng tiên phong (Trường Kinh Thánh cho cặp vợ chồng). Những trường như thế giúp chúng ta vâng lời Chủ trên trời là Ðức Giê-hô-va.

16 Chúng ta có thể khám phá nhiều sự thật quý giá qua Thư viện Tháp Canh (Watchtower Library). Mục tiêu chính của nền giáo dục đến từ Ðức Giê-hô-va là giúp chúng ta thờ phượng ngài. Nền giáo dục này dạy chúng ta biết cách để giúp người khác hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời (2 Cô 5:20). Và về sau, họ cũng có thể dạy người khác.—2 Ti 2:2.

PHẦN THƯỞNG CỦA TÔI TỚ ÐỨC GIÊ-HÔ-VA

17. Chọn nền giáo dục tốt nhất mang lại phần thưởng nào?

17 Trong dụ ngôn về ta-lâng của Chúa Giê-su, hai đầy tớ trung tín được chủ khen và cùng chung vui với chủ. Chủ cho thấy ông hài lòng về hai đầy tớ khi giao cho họ thêm việc. (Ðọc Ma-thi-ơ 25:21, 23). Việc lựa chọn nền giáo dục tốt nhất ngày nay mang lại niềm vui và một đời sống ý nghĩa. Hãy xem kinh nghiệm của anh Michael. Anh học giỏi nên được các thầy cô mời tham dự một cuộc họp để nghe tư vấn về việc anh nên học trường nào sau khi tốt nghiệp trung học. Họ vô cùng ngạc nhiên khi anh chọn học một khóa học dạy nghề ngắn hạn để sớm có thể chu cấp cho bản thân và làm tiên phong đều đều. Anh có cảm thấy hối tiếc không? Anh nói: “Sự giáo dục thần quyền mà tôi nhận được với tư cách là tiên phong, và bây giờ là trưởng lão, thật vô giá. Những ân phước và đặc ân tôi nhận được có giá trị vượt trội so với tiền bạc tôi có thể kiếm sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi rất vui vì mình đã không học lên cao”.

18. Tại sao bạn muốn chọn nền giáo dục tốt nhất?

18 Nền giáo dục tốt nhất dạy chúng ta biết ý muốn của Ðức Chúa Trời và giúp chúng ta làm tôi cho ngài. Nền giáo dục ấy đặt trước mặt chúng ta triển vọng “được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát” và cuối cùng nhận được “sự tự do vinh hiển của con cái Ðức Chúa Trời” (Rô 8:21). Trên hết, chúng ta học được cách tốt nhất để thể hiện tình yêu thương với Chủ trên trời, Ðức Giê-hô-va.—Xuất 21:5.