Ðược Ðức Giê-hô-va che chở trong bóng núi
Sáng sớm bước ra khỏi nhà, một phụ nữ thấy gói đồ để trước cửa. Chị nhặt lên và nhìn xung quanh, nhưng ngoài đường không một bóng người. Hình như đêm qua ai đó đã để lại thì phải. Chị mở gói đồ, thứ chị thấy trong đó khiến chị vội vàng quay vào nhà và đóng cửa lại. Gói đồ chứa hàng cấm: Ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh! Chị ôm chặt gói đồ và cầu nguyện thầm, tạ ơn Ðức Giê-hô-va về thức ăn thiêng liêng quý báu này.
Những cảnh như vậy đã diễn ra ở Ðức vào thập niên 1930. Kể từ khi Ðảng Quốc Xã lên nắm quyền vào năm 1933, công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán trong phần lớn đất nước. Anh Richard Rudolph *, nay hơn 100 tuổi, cho biết: “Chúng tôi đã tin chắc rằng sắc lệnh của con người không thể ngăn cản việc loan báo về Ðức Giê-hô-va và danh ngài”. Tuy nhiên, có một trở ngại. Anh nói tiếp: “Các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh là công cụ quan trọng cho việc học hỏi và rao giảng. Nhưng từ khi có lệnh cấm đoán, chúng tôi không còn nhận được ấn phẩm một cách dễ dàng. Chúng tôi thắc mắc làm sao có thể tiếp tục công việc”. Không lâu sau, anh Richard có cơ hội giúp đáp ứng nhu cầu này theo một cách lạ thường. Anh sẽ tham gia một hoạt động đặc biệt, được thực hiện dưới bóng núi.—Quan 9:36.
TRÊN NHỮNG CON ÐƯỜNG BUÔN LẬU
Nếu đi về phía thượng nguồn của sông Elbe (hay Labe), cuối cùng bạn sẽ gặp dãy núi Khổng Lồ (Krkonoše), tọa lạc ở vùng mà hiện nay là ranh giới giữa Cộng hòa Séc và Ba Lan. Dù chỉ cao khoảng 1.600m, nhưng dãy núi này được người ta gọi là đảo Bắc Cực trong lòng châu Âu. Trong nửa năm, tuyết phủ trên rặng núi này dày tới 3m. Thời tiết ở đây rất bất ổn, người nào mất cảnh giác có thể bị mắc kẹt bởi những đợt sương mù dày đặc bất ngờ xuất hiện.
Qua nhiều thế kỷ, dãy núi này đã biến thành ranh giới giữa các tỉnh, vương quốc và đất nước. Vì địa hình hiểm trở gây khó khăn cho việc tuần tra, nên trong quá khứ, khu này đã trở thành tiêu điểm của nhiều hoạt động buôn lậu. Vào thập niên 1930, khi dãy núi Khổng Lồ là ranh giới phân chia Tiệp Khắc và Ðức, các Nhân Chứng nhiệt huyết bắt đầu dùng những con đường bỏ hoang của những kẻ buôn lậu. Một trong những Nhân Chứng đó là anh Richard.
NHỮNG CHUYẾN LEO NÚI MẠO HIỂM
Anh Richard kể: “Mỗi cuối tuần, chúng tôi tập hợp thành một nhóm khoảng bảy anh trẻ mặc đồ giống như người leo núi, rồi bắt đầu đi về phía núi. Từ phía Ðức, mất khoảng ba tiếng để băng qua núi và đến một khu du lịch ở Cộng hòa Séc là Špindlerův Mlýn”—chặng đường này dài khoảng 17km. Lúc bấy giờ, có rất nhiều người Ðức sống gần khu du lịch ấy, trong đó có một chủ trang trại, người đã đồng ý giúp các anh. Ông có xe ngựa thường dùng để chở khách du lịch, và ông dùng xe này để chở những thùng sách từ một thành phố gần đó, nơi mà các ấn phẩm được chuyển đến từ Praha bằng tàu hỏa. Khi về nông trại, ông cất những thùng sách ở tầng lửng trong nhà kho, nơi chứa cỏ khô, cho đến khi có các anh đến để mang qua Ðức.
Anh Richard kể tiếp: “Sau khi đến nông trại, chúng tôi cho ấn phẩm vào những chiếc ba-lô được thiết kế đặc biệt để chứa hàng nặng. Mỗi người mang khoảng 50kg”. Ðể tránh bị phát giác, họ đi vào ban đêm. Họ lên đường lúc mặt trời lặn và về nhà trước khi mặt trời mọc. Anh Ernst Wiesner, thời đó làm giám thị vòng quanh ở Ðức, cho biết họ áp dụng một số biện pháp đề phòng: “Hai anh sẽ đi trước khoảng 100m và nếu thấy ai thì ngay lập tức họ dùng đèn pin báo hiệu. Những anh mang ba-lô đi phía sau sẽ núp vào bụi cây bên đường cho đến khi hai anh kia trở lại và nói đúng mật khẩu, mật khẩu được thay đổi mỗi tuần”. Tuy nhiên, cảnh sát Ðức mặc đồng phục màu xanh da trời không phải là mối nguy hiểm duy nhất.
Anh Richard cho biết: “Một buổi tối nọ tôi phải làm việc muộn hơn bình thường, nên bắt đầu đi từ bên Ðức trễ hơn các anh kia. Ðêm hôm đó trời tối mịt, có sương mù và mưa, tôi vừa đi vừa run cầm cập. Tôi bị lạc trong rừng thông và mấy tiếng sau mới tìm được đường. Nhiều người leo núi đã bỏ mạng trong hoàn cảnh tương tự. Chỉ đến rạng sáng, khi các anh trở về, tôi mới gặp lại họ”.
Trong khoảng ba năm, mỗi tuần nhóm các anh này đã can đảm băng qua núi. Vào mùa đông, họ dùng ván hoặc xe trượt tuyết để chở “hàng hóa” quý giá của mình. Có khi đến 20 anh cùng đi qua biên giới vào ban ngày bằng những con đường mòn chính thức dành cho người leo núi. Ðể tránh gây nghi ngờ, có cả các chị đi cùng. Một số anh chị đi trước và tung mũ lên nếu nghi có nguy hiểm.
Sau khi mang về Ðức an toàn, ấn phẩm được phân phối ngay. Như thế nào? Các sách được chia ra và gói lại giống hộp đựng xà phòng. Sau đó, các gói này được chở đến ga tàu hỏa ở Hirschberg, từ đó gửi đến nhiều vùng khác nhau tại Ðức. Khi nhận được sách báo, các anh chị bí mật phân phát đến tận nhà anh em như đã nói ở phần đầu. Các bộ phận trong mạng lưới phân phối này liên quan chặt chẽ đến nhau, nên nếu bị bại lộ, dù chỉ một khía cạnh nhỏ, cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Có lần chính điều ấy đã bất ngờ xảy ra.
Năm 1936, một kho ấn phẩm gần Berlin bị phát hiện. Trong những thứ được lưu trữ tại kho, có ba gói đồ từ một người gửi ẩn danh ở Hirschberg. Qua phân tích chữ viết, cảnh sát xác định người gửi và bắt một thành viên chủ chốt của nhóm vận chuyển ấn phẩm. Ít lâu sau, cảnh sát bắt hai nghi can nữa, trong đó có anh Richard. Vì tất cả các anh này nhận hết trách nhiệm về mình, nên trong một thời gian sau, những anh khác vẫn có tự do để tiếp tục những chuyến vận chuyển ngày càng nguy hiểm.
BÀI HỌC CHO CHÚNG TA
Thời đó, đường vận chuyển sách báo qua dãy núi Khổng Lồ là nguồn cung cấp ấn phẩm quan trọng đối với các Nhân Chứng ở Ðức. Nhưng các anh chị cũng sử dụng một số đường khác. Trước khi lực lượng Ðức chiếm đóng Tiệp Khắc vào năm 1939, có những tuyến đường khác ở vùng biên giới giữa hai nước. Tại những vùng biên giới giữa Ðức và các nước khác như Pháp, Hà Lan và Thụy Sĩ, các Nhân Chứng ở cả hai bên đã liều mình để cung cấp thức ăn thiêng liêng cho anh em đồng đạo bị bắt bớ.
Ngày nay, đa số chúng ta có thể nhận ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh với số lượng cần thiết và dưới nhiều dạng. Dù nhận ấn phẩm mới tại Phòng Nước Trời hay tải về từ trang web jw.org, sao bạn không dành chút thời gian để suy ngẫm những việc anh em phải thực hiện để ấn phẩm đến tay mình? Có thể họ không băng qua núi phủ đầy tuyết vào nửa đêm, nhưng chắc chắn nhiều anh chị đã phải hy sinh và làm việc siêng năng để bạn có thể nhận ấn phẩm đó.
^ đ. 3 Lúc đó, anh phụng sự trong hội thánh Hirschberg ở Silesia. Thành phố Hirschberg nay có tên là Jelenia Góra, nằm ở phía tây nam của Ba Lan.