Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy ghi ngày đó làm kỷ-niệm”

“Hãy ghi ngày đó làm kỷ-niệm”

‘Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ-niệm; hãy giữ làm một lễ cho Ðức Giê-hô-va’.XUẤT 12:14.

1, 2. Mọi tín đồ đạo Ðấng Ki-tô nên đặc biệt chú ý đến lễ kỷ niệm nào và tại sao?

Khi nghe cụm từ “kỷ niệm”, bạn liên tưởng đến ngày nào? Những người đã kết hôn có lẽ sẽ nói đó là kỷ niệm ngày cưới. Một số khác có thể nghĩ đến ngày kỷ niệm sự kiện trọng đại của đất nước, chẳng hạn như lễ quốc khánh. Nhưng bạn có biết một lễ dân tộc được cử hành từ hơn 3.500 năm trước không?

2 Ðó là Lễ Vượt Qua. Lễ này đánh dấu sự kiện dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Tại sao bạn nên chú ý đến sự kiện này? Vì nó ảnh hưởng đến một số khía cạnh rất quan trọng trong đời sống bạn. Nhưng có lẽ bạn nghĩ: “Lễ Vượt Qua là lễ của người Do Thái, nhưng mình không phải là tín đồ Do Thái giáo thì sao phải quan tâm đến lễ này?”. Câu trả lời được tìm thấy trong những lời sau: “Ðấng Ki-tô, con sinh tế dành cho Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã được dâng lên rồi” (1 Cô 5:7). Ðể hiểu ý nghĩa của sự thật đó, chúng ta cần biết về Lễ Vượt Qua của người Do Thái và xem lễ này liên quan thế nào đến một mệnh lệnh được ban cho mọi tín đồ đạo Ðấng Ki-tô.

TẠI SAO DÂN Y-SƠ-RA-ÊN CỬ HÀNH LỄ VƯỢT QUA?

3, 4. Lễ Vượt Qua đầu tiên ra đời trong bối cảnh nào?

3 Dù không phải là người Do Thái nhưng hàng triệu người trên khắp thế giới biết ít nhiều về những biến cố xung quanh sự kiện mà có thể gọi là Lễ Vượt Qua đầu tiên. Có lẽ họ đọc những điều này trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký của Kinh Thánh, nghe ai đó kể hoặc xem một bộ phim tái diễn các biến cố đó.

4 Sau nhiều năm dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ ở Ai Cập, Ðức Giê-hô-va phái Môi-se và anh của ông là A-rôn đến gặp Pha-ra-ôn để yêu cầu vua trả tự do cho dân ngài. Vua Ai Cập ngạo mạn không cho dân Y-sơ-ra-ên đi nên Ðức Giê-hô-va đã hành hại xứ Ai Cập bằng một loạt tai vạ. Sau cùng, ngài giáng tai vạ thứ mười, khiến các con trưởng nam của người Ai Cập  bị thiệt mạng, vì thế Pha-ra-ôn đồng ý phóng thích dân Y-sơ-ra-ên.—Xuất 1:11; 3:9, 10; 5:1, 2; 11:1, 5.

5. Dân Y-sơ-ra-ên phải làm theo chỉ dẫn nào trước khi được giải phóng? (Xem hình nơi đầu bài).

5 Tuy nhiên, trước khi được tự do, dân Y-sơ-ra-ên phải làm theo chỉ dẫn nào? Lúc đó là khoảng thời điểm xuân phân năm 1513 TCN, vào tháng Abib theo lịch Do Thái, sau này gọi là tháng Ni-san *. Ðức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng vào ngày mồng mười của tháng đó, họ phải bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng cho sự kiện diễn ra vào ngày 14 Ni-san. Ngày đó bắt đầu từ lúc mặt trời lặn vì theo lịch Do Thái, một ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn và kết thúc vào lúc mặt trời lặn ngày hôm sau. Vào ngày 14 Ni-san, mỗi gia đình phải giết một con chiên đực (hoặc dê đực) và vẩy huyết nó lên hai thanh dọc cùng thanh ngang trên của cửa nhà (Xuất 12:3-7, 22, 23). Các gia đình phải chuẩn bị một bữa ăn gồm thịt chiên quay, bánh không men và rau đắng. Thiên sứ của Ðức Chúa Trời sẽ đi qua xứ và giết các con trưởng nam của người Ai Cập, nhưng những người Y-sơ-ra-ên vâng lời sẽ được che chở, và sau đó được giải phóng.—Xuất 12:8-13, 29-32.

6. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên cử hành Lễ Vượt Qua hằng năm?

6 Dân Y-sơ-ra-ên phải nhớ ngày họ được giải thoát khỏi xứ Ai Cập. Ðức Chúa Trời phán với họ: “Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ-niệm; trải các đời hãy giữ làm một lễ cho Ðức Giê-hô-va, tức là một lễ lập ra đời đời”. Sau Lễ Vượt Qua ngày 14 Ni-san, dân Y-sơ-ra-ên cũng tổ chức một kỳ lễ kéo dài bảy ngày được gọi là Lễ Bánh Không Men. Tên “Lễ Vượt Qua” có lúc ám chỉ cả tám ngày này (Xuất 12:14-17; Lu 22:1; Giăng 18:28; 19:14). Lễ Vượt Qua là một trong những kỳ lễ trọng thể mà dân Y-sơ-ra-ên phải cử hành hằng năm.—2 Sử 8:13.

7. Chúa Giê-su thiết lập lễ nào vào lần cuối cử hành Lễ Vượt Qua với các sứ đồ?

7 Là người Do Thái và ở dưới Luật pháp Môi-se, Chúa Giê-su và các sứ đồ ăn Lễ Vượt Qua hằng năm (Mat 26:17-19). Vào lần cuối Chúa Giê-su cử hành lễ này với các sứ đồ, ngài thiết lập một lễ mới mà các môn đồ sẽ phải giữ hằng năm, đó là Bữa Ăn Tối của Chúa. Nhưng họ nên cử hành lễ này vào ngày nào?

BỮA ĂN TỐI CỦA CHÚA ÐƯỢC CỬ HÀNH VÀO NGÀY NÀO?

8. Liên quan đến Lễ Vượt Qua và Bữa Ăn Tối của Chúa, câu hỏi nào được nêu lên?

8 Chúa Giê-su thiết lập Bữa Ăn Tối của Chúa ngay sau khi ngài cử hành Lễ Vượt Qua với các sứ đồ. Vì thế, sự kiện này trùng ngày với Lễ Vượt Qua. Nhưng có lẽ bạn nhận thấy ngày chúng ta tổ chức Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su có thể cách một ngày hoặc hơn so với ngày mà người Do Thái thời nay ăn Lễ Vượt Qua. Tại sao có sự khác biệt như thế? Mệnh lệnh mà Ðức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên về thời điểm bắt đầu Lễ Vượt Qua giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Sau khi nói rằng “cả hội-chúng Y-sơ-ra-ên sẽ giết” chiên con, Môi-se cho dân sự biết họ phải làm điều này vào khoảng thời gian nào trong ngày 14 Ni-san.—Ðọc Xuất Ê-díp-tô Ký 12:5, 6.

9. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 12:6, khi nào chiên con dùng cho Lễ Vượt Qua bị giết? (Cũng xem khung  “Khoảng thời gian nào trong ngày?”).

9 Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 12:6, chiên con phải bị giết vào “lối chiều tối”. Một số bản Kinh Thánh, trong đó có bản Tanakh của người Do Thái, dịch là “lúc chạng vạng”. Cũng có bản Kinh Thánh dịch là “xế chiều”. Như vậy, chiên con phải bị  giết vào đầu ngày 14 Ni-san, tức sau khi mặt trời lặn nhưng chưa tối hẳn.

10. Một số người nghĩ chiên con bị giết khi nào, nhưng điều này dẫn đến câu hỏi nào?

10 Về sau, một số người Do Thái nghĩ rằng sẽ mất nhiều tiếng đồng hồ để giết tất cả các chiên con được mang đến đền thờ. Vì thế, họ cho là chỉ thị nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 12:6 ám chỉ cuối ngày 14 Ni-san, từ lúc mặt trời bắt đầu xuống bóng (sau giờ trưa) đến lúc mặt trời lặn. Nếu thế thì dân Y-sơ-ra-ên ăn Lễ Vượt Qua khi nào? Giáo sư Jonathan Klawans, một chuyên gia về Do Thái giáo cổ đại, viết: “Ngày mới bắt đầu từ khi mặt trời lặn, nên con sinh tế được giết vào ngày 14 nhưng thật ra người ta bắt đầu cử hành Lễ Vượt Qua và dùng bữa ăn vào ngày 15”. Tuy nhiên, ông thừa nhận cách tiến hành này không được ghi trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký. Ông cũng nói: “Tài liệu của giới ráp-bi... không có ý cho biết tiệc Seder [Lễ Vượt Qua] được cử hành thế nào trước khi Ðền Thờ bị hủy diệt” vào năm 70 CN.—Chúng tôi in nghiêng.

11. (a) Chúa Giê-su đã trải qua điều gì vào ngày Lễ Vượt Qua năm 33 CN? (b) Tại sao ngày 15 Ni-san năm 33 CN được gọi là Sa-bát “lớn”? (Xem chú thích).

11 Vì thế, chúng ta có lý do để thắc mắc: “Lễ Vượt Qua vào năm 33 CN được cử hành ngày nào?”. Vào ngày 13 Ni-san, vì đã gần đến ‘ngày phải dâng con sinh tế của Lễ Vượt Qua’, Chúa Giê-su bảo Phi-e-rơ và Giăng: “Hãy đi chuẩn bị để chúng ta ăn Lễ Vượt Qua” (Lu 22:7, 8). Rồi vào ngày 14 Ni-san, tức tối thứ năm sau khi mặt trời lặn, Chúa Giê-su ăn Lễ Vượt Qua với các sứ đồ. Sau bữa ăn, ngài thiết lập Bữa Ăn Tối của Chúa (Lu 22:14, 15). Vào đêm đó, ngài bị bắt và bị xét xử. Chúa Giê-su bị đóng đinh vào khoảng mười hai giờ trưa ngày 14 Ni-san, và chết vào buổi chiều (Giăng 19:14). Như vậy, Ðấng Ki-tô, “con sinh tế dành cho Lễ Vượt Qua của chúng ta” và chiên con dùng cho Lễ Vượt Qua bị giết cùng ngày (1 Cô 5:7; 11:23; Mat 26:2). Chúa Giê-su được chôn trước khi ngày 15 Ni-san bắt đầu *.—Lê 23:5-7; Lu 23:54.

MỘT LỄ KỶ NIỆM CÓ Ý NGHĨA VỚI BẠN

12, 13. Vào ngày Lễ Vượt Qua, trẻ em Do Thái sẽ hỏi cha mẹ điều gì, và lễ này dạy các em bài học quan trọng nào?

12 Hãy trở lại thời điểm Lễ Vượt Qua đầu tiên ở Ai Cập. Môi-se nói rằng dân  Y-sơ-ra-ên phải giữ lễ này hằng năm và nó sẽ là một lệ “đời đời”. Vào mỗi dịp lễ này, con trẻ sẽ hỏi cha mẹ những câu hỏi về ý nghĩa của sự kiện đó. (Ðọc Xuất Ê-díp-tô Ký 12:24-27; Phục 6:20-23). Vì thế, Lễ Vượt Qua là một “kỷ-niệm” mang lại lợi ích cho ngay cả con trẻ.—Xuất 12:14.

13 Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Y-sơ-ra-ên dạy con cháu những bài học quan trọng về Lễ Vượt Qua. Một bài học là Ðức Giê-hô-va có khả năng bảo vệ những người thờ phượng ngài. Con trẻ học được rằng ngài không phải là đấng trừu tượng, thần bí mà là đấng hằng sống và có thật, ngài quan tâm và hành động vì lợi ích của dân ngài. Ðức Giê-hô-va chứng tỏ điều này qua việc bảo vệ các con trưởng nam của dân Y-sơ-ra-ên “khi Ngài hành-hại xứ Ê-díp-tô” bằng tai vạ thứ mười.

14. Cha mẹ đạo Ðấng Ki-tô có thể dùng lời tường thuật về Lễ Vượt Qua để dạy con điều gì?

14 Cha mẹ đạo Ðấng Ki-tô không được lệnh là mỗi năm phải kể lại cho con nghe về Lễ Vượt Qua. Nhưng bạn có dạy con bài học rút ra từ lễ này, đó là Ðức Chúa Trời bảo vệ dân ngài không? Con có thấy bạn tin chắc rằng ngài vẫn là Ðấng Bảo Vệ của dân ngài không? (Thi 27:11; Ê-sai 12:2). Bạn có dạy con bài học này bằng cuộc nói chuyện thú vị giữa bạn và con thay vì thuyết giảng không? Khi nỗ lực dạy con bài học về Lễ Vượt Qua, bạn sẽ giúp gia đình ngày càng vững mạnh về thiêng liêng.

Khi thảo luận về Lễ Vượt Qua, bạn sẽ dạy con những bài học nào? (Xem đoạn 14)

15, 16. Chúng ta có thể dùng những lời tường thuật về Lễ Vượt Qua và việc dân Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập để nhấn mạnh bài học nào về Ðức Giê-hô-va?

15 Ngoài việc Ðức Giê-hô-va bảo vệ dân ngài, bài học khác mà chúng ta rút ra từ Lễ Vượt Qua là ngài có khả năng giải cứu họ. Ngài “đã rút [dân Y-sơ-ra-ên] ra khỏi xứ Ê-díp-tô”. Họ được hướng dẫn bằng trụ mây và trụ lửa. Họ đi bộ dưới lòng Biển Ðỏ, giữa hai bức tường nước. Khi sang đến bờ bên kia an toàn, họ chứng kiến những bức tường nước đổ ập xuống và nhấn chìm cả đạo binh Ai Cập. Dân Y-sơ-ra-ên đã ngợi khen Ðức Giê-hô-va và hát: “Tôi ca-tụng Ðức Giê-hô-va... Ngài đã liệng xuống biển ngựa và người cỡi ngựa. Ðức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca-tụng của tôi: Ngài đã trở nên Ðấng cứu tôi”.—Xuất 13:14, 21, 22; 15:1, 2; Thi 136:11-15.

16 Nếu có con, bạn có đang giúp con tin rằng Ðức Giê-hô-va là Ðấng Giải Cứu không? Qua những quyết định của bạn và các cuộc trò chuyện với con, bạn có cho con thấy chính bạn tin điều đó không? Bạn có thể thảo luận lời tường thuật nơi Xuất Ê-díp-tô Ký chương 12-15 trong Buổi thờ phượng của gia đình và nhấn mạnh cách Ðức Giê-hô-va giải cứu dân ngài. Vào lần khác, bạn có thể khai triển điểm đó khi cùng gia đình xem xét Công vụ 7:30-36 hoặc Ða-ni-ên 3:16-18, 26-28. Tất cả chúng ta, trẻ hay lớn tuổi, nên tin chắc rằng Ðức Giê-hô-va không  chỉ là Ðấng Giải Cứu trong quá khứ. Như ngài đã giải cứu dân sự vào thời Môi-se, ngài sẽ giải cứu chúng ta trong tương lai.—Ðọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9, 10.

MỘT LỄ ÐỂ GHI NHỚ

17, 18. Vai trò của huyết trong Lễ Vượt Qua đầu tiên gợi chúng ta nhớ đến điều gì?

17 Tín đồ đạo Ðấng Ki-tô chân chính không cử hành Lễ Vượt Qua của dân Do Thái. Lễ đó là một phần của Luật pháp Môi-se, và chúng ta không ở dưới Luật pháp đó (Rô 10:4; Cô 2:13-16). Thay vì thế, chúng ta cử hành một lễ khác, đó là Lễ Tưởng Niệm sự chết của Con Ðức Chúa Trời. Dù vậy, chúng ta có thể học nhiều điều từ Lễ Vượt Qua đầu tiên ở Ai Cập.

18 Huyết của chiên được rảy lên hai thanh dọc cùng thanh ngang trên của cửa nhà để bảo tồn sự sống. Ngày nay, chúng ta không dâng con sinh tế cho Ðức Chúa Trời vào ngày Lễ Vượt Qua hay bất cứ ngày nào khác. Nhưng có một vật tế lễ có thể bảo tồn sự sống mãi mãi. Sứ đồ Phao-lô viết về “hội thánh các con trưởng nam, tức những người được ghi danh ở trên trời”. Những người được xức dầu được bảo tồn sự sống nhờ huyết của Chúa Giê-su “rảy trên” họ (Hê 12:23, 24). Những tín đồ có hy vọng sống mãi trên đất cũng dựa vào huyết đó mới được bảo tồn sự sống. Tất cả chúng ta nên thường xuyên nhắc mình về lời đảm bảo này: “Nhờ giá chuộc bằng chính huyết Con ấy mà chúng ta được giải thoát, tức được tha thứ những điều mình vi phạm, tùy theo lòng nhân từ bao la của Ðức Chúa Trời”.—Ê-phê 1:7.

19. Làm sao cách Chúa Giê-su chết giúp chúng ta càng tin cậy các lời tiên tri trong Kinh Thánh?

19 Khi chiên con được giết để dùng trong Lễ Vượt Qua, người Y-sơ-ra-ên đã không bẻ gãy cái xương nào của nó (Xuất 12:46; Dân 9:11, 12). Còn về “Chiên Con của Ðức Chúa Trời”, đấng đã hy sinh để làm giá chuộc, thì sao? (Giăng 1:29). Chúa Giê-su bị đóng đinh giữa hai tên tội phạm. Người Do Thái yêu cầu Phi-lát đánh gãy xương những người bị đóng đinh. Ðiều này sẽ làm họ chết nhanh để các thi thể được mang xuống trước ngày 15 Ni-san là Sa-bát lớn. Những người lính đánh gãy chân của hai tên tội phạm, “nhưng khi đến chỗ Chúa Giê-su, họ thấy ngài đã chết nên không đánh gãy chân ngài” (Giăng 19:31-34). Chi tiết này giống với tình trạng của chiên con được dùng trong Lễ Vượt Qua, nên theo nghĩa này, chiên con là “bóng” cho sự hy sinh của Chúa Giê-su vào ngày 14 Ni-san năm 33 CN (Hê 10:1). Hơn nữa, những gì xảy ra đã làm ứng nghiệm những lời nơi Thi-thiên 34:20, và điều này giúp chúng ta càng tin cậy các lời tiên tri trong Kinh Thánh.

20. Có điểm khác biệt đáng chú ý nào giữa Lễ Vượt Qua và Bữa Ăn Tối của Chúa?

20 Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa Lễ Vượt Qua và Bữa Ăn Tối của Chúa. Vì thế, Lễ Vượt Qua mà người Do Thái cử hành không phải là bóng cho Lễ Tưởng Niệm mà Chúa Giê-su dặn các môn đồ cử hành. Khi ở Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên ăn thịt chiên con nhưng không uống huyết. Ðiều này khác với điều mà Chúa Giê-su bảo các môn đồ làm. Ngài nói rằng những người cai trị “trong Nước Ðức Chúa Trời” nên dùng cả bánh và rượu, là những món biểu tượng tượng trưng cho thân thể và huyết ngài. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn điều này trong bài kế tiếp.—Mác 14:22-25.

21. Tại sao biết về Lễ Vượt Qua là điều có ích?

21 Lễ Vượt Qua là một sự kiện quan trọng trong lịch sử của dân Ðức Chúa Trời, và mỗi chúng ta học được nhiều điều từ lễ kỷ niệm này. Dù Lễ Vượt Qua dành cho người Do Thái, không phải dành cho tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, nhưng chúng ta vẫn nên biết về lễ này và ghi vào lòng những bài học quý giá, vì “cả Kinh Thánh được viết bởi sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời”.—2 Ti 3:16.

^ đ. 5 Tháng đầu tiên trong lịch Do Thái từng được gọi là Abib, nhưng sau thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn thì tháng này được gọi là Ni-san. Ðể đơn giản, bài này sẽ dùng tên Ni-san.

^ đ. 11 Ngày 15 Ni-san, tức ngày sau Lễ Vượt Qua, là ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không Men và luôn được xem là ngày Sa-bát, dù là ngày nào trong tuần. Vào năm 33 CN, ngày 15 Ni-san cũng là ngày Sa-bát hằng tuần (từ tối thứ sáu đến tối thứ bảy). Vì hai ngày Sa-bát này trùng nhau nên được gọi là Sa-bát “lớn”.—Ðọc Giăng 19:31, 42.