Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ tình nguyện đến—Tây Phi

Họ tình nguyện đến—Tây Phi

Lớn lên tại khu phố nghèo ở Bờ biển Ngà, anh Pascal mơ ước có cuộc sống tốt hơn. Là võ sĩ quyền Anh nghiệp dư, anh từng thắc mắc: “Ðâu là nơi lý tưởng để trở thành ngôi sao thể thao và làm giàu?”. Lúc độ 25 tuổi, anh kết luận rằng nơi đó chính là châu Âu. Nhưng vì không có giấy thông hành, anh đành phải vào châu Âu một cách trái phép.

Năm 1998, ở tuổi 27, Pascal bắt đầu hành trình tìm “đất dụng võ”. Anh đi qua biên giới đến Ghana, băng qua Togo và sau đó là Benin. Cuối cùng, anh đến thị trấn Birni Nkonni ở Niger. Lúc này, cuộc hành trình trở nên mạo hiểm hơn. Muốn đi về hướng bắc, anh phải bắt xe tải để băng qua sa mạc Sahara. Khi đến Ðịa Trung Hải, anh cần đáp tàu đến châu Âu. Dự định là vậy, nhưng có hai điều xảy ra buộc anh phải dừng chân tại Niger.

Thứ nhất, anh bị nhẵn túi. Thứ hai, anh gặp một anh tiên phong tên là Noé và nhận lời mời tìm hiểu Kinh Thánh. Những điều Pascal học được đã tác động sâu xa đến anh và thay đổi cách nhìn của anh về đời sống. Ước mơ vật chất dần nhường chỗ cho mục tiêu thiêng liêng. Vào tháng 12 năm 1999, Pascal làm báp-têm. Vì muốn tỏ lòng biết ơn Ðức Giê-hô-va nên vào năm 2001, anh bắt đầu làm tiên phong ở Niger—ngay tại thị trấn mà anh đã học sự thật. Pascal cảm thấy ra sao về việc phụng sự ở đó? Anh thốt lên: “Ðây mới thật sự là cuộc sống!”.

ÐI TÌM CUỘC SỐNG THỎA NGUYỆN HƠN—Ở CHÂU PHI

Anne-Rakel

Như Pascal, nhiều anh chị nhận thấy rằng đời sống thỏa nguyện hơn khi tập trung theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng. Ðể đạt được những mục tiêu đó, một số anh chị ở châu Âu chuyển đến châu Phi để phụng sự ở những nơi có nhu cầu lớn hơn. Với mục tiêu mở rộng thánh chức, khoảng 65 Nhân Chứng từ châu Âu trong độ tuổi 17 đến 70 đã chuyển đến các nước Tây Phi là Benin, Burkina Faso, Niger và Togo *. Ðiều gì thôi thúc họ làm thế, và kết quả ra sao?

Chị Anne-Rakel từ Ðan Mạch cho biết: “Cha mẹ tôi từng làm giáo sĩ tại Senegal. Họ luôn hăng hái kể về cuộc sống giáo sĩ, nên tôi muốn có một cuộc sống như vậy”. Khoảng 15 năm trước, khi trên 20 tuổi, Anne-Rakel chuyển đến Togo, và hiện nay chị phụng sự ở hội thánh ngôn ngữ ký hiệu tại đó. Gương của chị tác động thế nào đến người khác? Chị nói: “Sau này, hai người em của tôi cũng chuyển đến Togo”.

Albert-Fayette và Aurele

 Aurele, một anh 70 tuổi đã kết hôn đến từ Pháp, kể lại: “Cách đây 5 năm, khi về hưu, tôi có hai lựa chọn: sống một cuộc sống yên bình tại Pháp và chờ đợi địa đàng đến hoặc thực hiện các bước để mở rộng thánh chức”. Anh Aurele chọn lựa chọn thứ hai. Khoảng ba năm trước, anh và vợ là Albert-Fayette chuyển đến Benin. Hai anh chị rất vui vì đã quyết định phụng sự ở đây. Anh cười và nói: “Hóa ra, một số vùng ven biển trong khu vực của chúng tôi rất giống địa đàng”.

Vợ chồng anh Clodomir và chị Lysiane chuyển từ Pháp đến Benin 16 năm trước. Lúc đầu, anh chị rất nhớ gia đình và bạn bè ở quê nhà, và lo là mình không thể thích nghi với cuộc sống mới. Tuy nhiên, họ đã làm được và cảm nghiệm vô vàn niềm vui. Anh Clodomir nói: “Trong 16 năm qua, trung bình mỗi năm chúng tôi có đặc ân giúp một người chấp nhận sự thật”.

Lysiane và Clodomir cùng một số người mà họ đã giúp để biết sự thật

Johanna và Sébastien

Anh Sébastien và chị Johanna, một cặp vợ chồng người Pháp, chuyển đến Benin vào năm 2010. Anh Sébastien nói: “Có rất nhiều việc để làm trong hội thánh. Phụng sự ở đây giống như học khóa huấn luyện thần quyền cấp tốc!”. Còn khu vực rao giảng thì sao? Chị Johanna cho biết: “Người ta đói khát sự thật. Khi thấy chúng tôi đi ngoài đường, dù không phải đang đi rao giảng, họ vẫn lại gần để đặt câu hỏi về Kinh Thánh và xin ấn phẩm”. Việc chuyển đến Benin tác động thế nào đến hôn nhân của họ? Anh Sébastien khẳng định: “Hôn nhân của chúng tôi được củng cố rất nhiều. Thật vui khi được đi thánh chức với vợ cả ngày”.

Anh Eric cùng vợ là Katy đang làm tiên phong tại một vùng có dân cư sống rải rác, thuộc miền bắc Benin. Khoảng mười năm trước, khi còn sống ở Pháp, họ bắt đầu đọc những bài nói về việc phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Họ cũng trò chuyện với những anh chị phụng sự trọn thời gian. Dần dần, anh chị có ước muốn phụng sự ở nước ngoài, và vào năm 2005, nguyện vọng đó được thỏa mãn. Trong thời gian phụng sự ở Benin, họ được chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc. Anh Eric cho biết: “Hai năm trước, nhóm của chúng tôi ở thị trấn Tanguiéta chỉ có 9 người công bố, bây giờ đã lên tới 30 người. Vào chủ nhật, có từ 50 đến 80 người tham dự nhóm họp. Không gì sánh bằng niềm vui khi thấy sự gia tăng như thế!”.

Katy và Eric

 NHẬN RA THỬ THÁCH VÀ VƯỢT QUA

Benjamin

Một số anh chị phải đối phó với những thử thách nào? Anh Benjamin, 33 tuổi, đến từ Ðan Mạch và là em của chị Anne-Rakel. Vào năm 2000, anh gặp một giáo sĩ từng phụng sự ở Togo. Benjamin nhớ lại: “Khi tôi nói mình muốn làm tiên phong, anh ấy bảo: ‘Em có thể làm tiên phong ở Togo’”. Benjamin đã suy nghĩ về lời đề nghị ấy. Anh cho biết: “Lúc đó tôi chưa được 20 tuổi, nhưng hai chị gái của tôi đang phụng sự ở Togo. Thế nên dễ dàng hơn cho tôi khi chuyển tới đó”. Anh đến Togo, nhưng có một thử thách. Benjamin giải thích: “Tôi không biết một chữ tiếng Pháp nào. Sáu tháng đầu rất khó vì tôi không giao tiếp được mấy”. Nhưng với thời gian anh đã tiến bộ. Giờ đây, anh phụng sự tại Bê-tên Benin và làm nhiệm vụ chuyên chở ấn phẩm cũng như phụ giúp Ban vi tính.

Marie-Agnès và Michel

Anh Eric và chị Katy, được đề cập ở trên, từng phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ tại Pháp trước khi đến Benin. Tây Phi khác như thế nào? Chị Katy chia sẻ: “Không dễ để tìm chỗ ở phù hợp. Nhiều tháng liền, chúng tôi ở trong một căn nhà không điện, không nước”. Anh Eric nói thêm: “Người dân sống ở khu đó thì mở nhạc um sùm đến tận khuya. Trong hoàn cảnh như vậy, một người phải kiên nhẫn và sẵn sàng thích nghi”. Cả hai đều đồng tình: “Những khó khăn chẳng là gì so với niềm vui nhận được khi phụng sự ở nơi hầu như chưa có ai rao giảng”.

Anh Michel và chị Marie-Agnès, một cặp vợ chồng từ Pháp, gần 60 tuổi, chuyển đến Benin khoảng 5 năm trước. Lúc đầu, họ cảm thấy lo ngại. Anh Michel nói: “Có người nói việc chuyển như vậy giống như một người vừa đi bộ trên dây, vừa đẩy xe cút kít—và chúng tôi ngồi trong xe cút kít! Nhưng bạn sẽ không quá lo sợ khi biết rằng người đẩy xe chính là Ðức Giê-hô-va”. Họ quyết định chuyển đến đó để phụng sự Ðức Giê-hô-va nhiều hơn, và ngài đã hỗ trợ họ từng bước.

CÁCH THỨC CHUẨN BỊ

Làm sao để chuẩn bị chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn? Nhiều anh chị có kinh nghiệm về điều này nhấn mạnh các bước sau: dự tính trước, tập thích nghi, chi tiêu có kế hoạch và nương cậy Ðức Giê-hô-va.—Lu 14:28-30.

Anh Sébastien, được đề cập ở trên, cho biết: “Trước khi chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn, tôi và Johanna dành dụm trong hai năm bằng cách cắt giảm chi tiêu trong việc giải trí và không mua  sắm những thứ không cần thiết”. Ðể có thể tiếp tục phụng sự ở nước ngoài, mỗi năm anh chị về châu Âu để làm việc vài tháng, và thời gian còn lại thì làm tiên phong ở Benin.

Marie-Thérèse

Chị Marie-Thérèse là một trong khoảng 20 chị độc thân đã chuyển đến Tây Phi để mở rộng thánh chức. Ở Pháp chị làm tài xế xe buýt, nhưng vào năm 2006 chị xin nghỉ một năm để làm tiên phong ở Niger. Khi đến đó, chị sớm nhận ra rằng đây chính là cuộc sống mà chị mong chờ. Chị kể: “Khi trở về Pháp, tôi xin chủ điều chỉnh lịch làm việc, và ông chấp nhận đề nghị của tôi. Giờ đây, tôi lái xe buýt ở Pháp từ tháng 5 đến tháng 8, rồi từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, tôi làm tiên phong ở Niger”.

Saphira

Những anh chị ‘tìm kiếm Nước Ðức Chúa Trời trước hết’ có thể tin chắc rằng Ðức Giê-hô-va sẽ cung cấp cho họ ‘mọi thứ cần thiết’ (Mat 6:33). Trường hợp của chị Saphira chứng thực điều đó. Saphira, một chị độc thân gần 30 tuổi đến từ Pháp, đang làm tiên phong ở Benin. Năm 2011, chị về Pháp để làm việc với mục tiêu kiếm đủ tiền hầu sống tại châu Phi trong năm tới (năm thứ sáu chị phụng sự ở đó). Chị kể lại: “Hôm đó là ngày thứ sáu, ngày cuối của hợp đồng làm việc. Tuy nhiên, tôi cần làm mười ngày nữa mới có đủ tiền cho năm tới. Hai tuần sau tôi sẽ rời Pháp. Tôi đã cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va và trình bày vấn đề với ngài. Một lát sau, một trung tâm giới thiệu việc làm gọi điện và hỏi xem tôi có thể làm việc thay cho một nhân viên sắp đi vắng trong hai tuần không”. Vào thứ hai, chị Saphira đến nơi làm việc mới để được nhân viên đó chỉ cách làm. Chị kể: “Thật ngạc nhiên khi biết rằng nhân viên ấy chính là một chị Nhân Chứng, chị ấy cần nghỉ mười ngày để tham dự Trường dành cho tiên phong! Sếp của chị nói phải có người làm thay thì chị mới được nghỉ. Chị ấy đã nài xin Ðức Giê-hô-va giúp đỡ, y như tôi vậy”.

MỘT CUỘC SỐNG ÐẦY THỎA NGUYỆN

Một số anh chị đến Tây Phi để mở rộng thánh chức đã phụng sự ở đây nhiều năm và bây giờ xem nơi này là nhà của mình. Những anh chị khác ở đó được vài năm, rồi về nước. Dù vậy, họ vẫn nhận được lợi ích từ những năm phụng sự ở nước ngoài. Họ học được rằng phụng sự Ðức Giê-hô-va mang lại một cuộc sống thật sự thỏa nguyện.

^ đ. 6 Chi nhánh Benin coi sóc công việc rao giảng tại bốn nước này, nơi mà người dân nói tiếng Pháp.