Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va—Bạn tốt nhất của chúng ta

Đức Giê-hô-va—Bạn tốt nhất của chúng ta

“[Áp-ra-ham] được gọi là ‘bạn của Đức Giê-hô-va’”.—GIA 2:23.

1. Vì được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta có khả năng nào?

“Cha nào con nấy” là câu mà người ta thường nói. Thật vậy, nhiều đứa trẻ giống cha mẹ như đúc. Điều này không có gì ngạc nhiên vì con cái thừa hưởng gen di truyền của cha mẹ. Đức Giê-hô-va, Cha trên trời, là đấng ban sự sống (Thi 36:9). Là con cái của ngài nên chúng ta giống ngài phần nào. Vì được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta có khả năng suy xét và rút ra kết luận cũng như kết bạn và duy trì tình bạn.—Sáng 1:26.

2. Tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va dựa trên nền tảng nào?

2 Đức Giê-hô-va có thể trở thành Bạn tốt nhất của chúng ta. Tình bạn ấy dựa trên tình yêu thương của ngài dành cho chúng ta và đức tin của chúng ta nơi ngài và Con ngài. Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến độ đã ban Con một của ngài cho họ, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời” (Giăng 3:16). Nhiều người đã có mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va. Hãy xem hai trường hợp sau.

“ÁP-RA-HAM, BẠN TA”

3, 4. Liên quan đến tình bạn với Đức Giê-hô-va, Áp-ra-ham khác với hậu duệ của ông như thế nào?

3 Đức Giê-hô-va đã gọi Áp-ra-ham, tộc trưởng và tổ phụ  của dân Y-sơ-ra-ên, là “bạn ta” (Ê-sai 41:8). Nơi 2 Sử-ký 20:7, Áp-ra-ham cũng được gọi là bạn của Đức Chúa Trời. Tình bạn bền vững giữa người đàn ông trung thành này với Đấng Tạo Hóa dựa trên nền tảng nào? Đó là đức tin của Áp-ra-ham.—Sáng 15:6; đọc Gia-cơ 2:21-23.

4 Hậu duệ của Áp-ra-ham là dân Y-sơ-ra-ên xưa từng có Đức Giê-hô-va là Cha và Bạn của mình. Nhưng thật đáng buồn là họ đã đánh mất tình bạn với ngài. Tại sao? Vì họ mất đức tin nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va.

5, 6. (a) Đức Giê-hô-va trở thành Bạn của bạn như thế nào? (b) Những câu hỏi nào đáng cho chúng ta xem xét?

5 Càng tìm hiểu về Đức Giê-hô-va, đức tin và tình yêu thương của bạn đối với ngài ngày càng mạnh mẽ và sâu đậm. Hãy nhớ lại lúc bạn khám phá ra Đức Chúa Trời là đấng có thật, đấng mà bạn có thể kết thân. Bạn cũng học được rằng tất cả chúng ta đều sinh ra trong tội lỗi vì sự bất tuân của A-đam, và nhân loại nói chung đều xa cách Đức Chúa Trời (Cô 1:21). Sau đó, bạn hiểu rằng Cha yêu thương ở trên trời không phải là đấng vô tâm, không màng đến chúng ta. Ngoài ra, khi học về giá chuộc mà Đức Chúa Trời cung cấp qua sự hy sinh của Chúa Giê-su, và thể hiện đức tin nơi sự cung cấp ấy, chúng ta bắt đầu xây dựng tình bạn với Đức Chúa Trời.

6 Giờ đây khi nhìn lại, chúng ta có thể tự hỏi: “Tình bạn của mình với Đức Chúa Trời có đang tiến triển không? Mình có hết lòng tin cậy ngài không? Tình yêu thương của mình dành cho Bạn yêu quý, Đức Giê-hô-va, có đang lớn lên từng ngày không?”. Một người khác vào thời xưa có mối quan hệ thân thiết với Đức Giê-hô-va là Ghê-đê-ôn. Hãy xem chúng ta học được gì từ gương của ông.

“GIÊ-HÔ-VA BÌNH-AN”

7-9. (a) Ghê-đê-ôn đã có trải nghiệm kỳ diệu nào, và kết quả là gì? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Làm sao chúng ta có thể củng cố tình bạn với Đức Giê-hô-va?

7 Quan xét Ghê-đê-ôn đã phụng sự Đức Giê-hô-va trong thời kỳ xáo động sau khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Sách Các Quan Xét chương 6 kể lại rằng thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã viếng thăm Ghê-đê-ôn tại Óp-ra. Lúc đó, dân láng giềng Ma-đi-an là mối đe dọa đối với dân Y-sơ-ra-ên. Vì thế, Ghê-đê-ôn đã đập lúa mì tại bồn ép rượu thay vì ở ngoài đồng để ông có thể nhanh chóng cất giấu lúa mì. Khi ông đang đập lúa thì thiên sứ hiện ra và gọi ông là “người dõng-sĩ”. Dù Đức Giê-hô-va đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai Cập, nhưng Ghê-đê-ôn thắc mắc liệu ngài sẽ giúp họ lần này hay không. Thay mặt Đấng Tạo Hóa, vị thiên sứ ấy đảm bảo với Ghê-đê-ôn rằng Đức Giê-hô-va sẽ hậu thuẫn cho ông.

8 Ghê-đê-ôn băn khoăn không biết làm sao ông có thể “giải-cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an”. Đức Giê-hô-va nói rõ với ông: “Ta sẽ ở cùng ngươi, và ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy” (Quan 6:11-16). Có lẽ vì thắc mắc không biết điều này sẽ xảy ra như thế nào nên Ghê-đê-ôn đã xin ngài ban một dấu. Hãy lưu ý trong cuộc nói chuyện ấy, Ghê-đê-ôn tin chắc Đức Giê-hô-va là đấng có thật.

9 Điều xảy ra sau đó đã củng cố đức tin của Ghê-đê-ôn và giúp ông gần gũi Đức Chúa Trời hơn. Ghê-đê-ôn chuẩn bị một bữa ăn và mời thiên sứ. Khi thiên sứ chạm đầu gậy vào thức ăn thì thịt và bánh bùng cháy. Ghê-đê-ôn nhận ra rằng thiên sứ ấy quả là đấng đại diện cho Đức Giê-hô-va. Ông hoảng sợ và kêu lên: “Ôi, Chúa Giê-hô-va! Khốn-nạn cho tôi, vì tôi thấy đối-diện thiên-sứ của Đức Giê-hô-va!” (Quan 6:17-22). Cuộc gặp đó có tạo  rào cản giữa Ghê-đê-ôn và Đức Giê-hô-va không? Hoàn toàn ngược lại! Ghê-đê-ôn đã hiểu rõ hơn về Đức Giê-hô-va, nhờ thế ông cảm thấy có sự hòa thuận với ngài. Chúng ta biết điều này vì tên của bàn thờ mà Ghê-đê-ôn dựng tại đó là “Giê-hô-va Sa-lam”, có nghĩa “Giê-hô-va bình-an”. (Đọc Các Quan Xét 6:23, 24; chú thích). Khi suy ngẫm về những gì Đức Giê-hô-va làm cho chúng ta mỗi ngày, chúng ta thấy rõ ngài là Bạn chân chính. Càng thường xuyên cầu nguyện với Đức Chúa Trời, chúng ta càng cảm thấy bình an và có tình bạn bền vững với ngài.

AI SẼ ‘NGỤ TRONG ĐỀN-TẠM ĐỨC GIÊ-HÔ-VA’?

10. Theo Thi-thiên 15:3, 5, Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta làm gì nếu muốn trở thành bạn ngài?

10 Tuy nhiên, để làm bạn với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải hội đủ tiêu chuẩn. Nơi bài Thi-thiên 15, Đa-vít cho biết một số điều kiện để chúng ta được ‘ngụ trong đền-tạm Đức Giê-hô-va’, tức trở thành bạn của ngài (Thi 15:1). Hãy chú ý đến hai đòi hỏi—tránh vu khống và phải chân thật trong mọi khía cạnh. Đa-vít nói rằng người ngụ trong đền của Đức Giê-hô-va phải ‘có lưỡi không nói hành, chẳng lãnh hối-lộ đặng hại người vô-tội’.—Thi 15:3, 5.

11. Tại sao chúng ta phải tránh vu khống bất cứ ai?

11 Trong bài Thi-thiên khác, Đa-vít cảnh báo: “Khá giữ lưỡi mình khỏi lời ác” (Thi 34:13). Nếu không làm theo lời khuyên này, chúng ta sẽ tạo khoảng cách với Cha công chính trên trời. Sự vu khống là nét đặc trưng của Sa-tan, kẻ thù chính của Đức Giê-hô-va. Từ Hy Lạp được dịch là “Kẻ Quỷ Quyệt” có nghĩa “kẻ vu khống”. Tự chủ khi nói về người khác sẽ giúp chúng ta luôn gần gũi với Đức Giê-hô-va. Đặc biệt, chúng ta nên cẩn thận về thái độ của mình đối với những anh được bổ nhiệm trong hội thánh.—Đọc Hê-bơ-rơ 13:17; Giu-đe 8.

12, 13. (a) Tại sao chúng ta nên chân thật trong mọi khía cạnh? (b) Sự chân thật của chúng ta tác động thế nào đến người khác?

12 Tôi tớ của Đức Giê-hô-va được biết đến là những người chân thật. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi, vì chúng tôi tin mình có lương tâm thật thà và muốn sống lương thiện trong mọi việc” (Hê 13:18). Vì quyết tâm “sống lương thiện trong mọi việc”, chúng ta tránh lợi dụng anh em đồng đạo. Chẳng hạn, nếu thuê anh em làm việc, chúng ta cần đảm bảo là họ được đối xử công bằng và nhận lương theo đúng thỏa thuận. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta đối xử chân thật với nhân viên và mọi người khác. Nếu làm việc cho anh em đồng đạo, chúng ta hãy cẩn thận để không lợi dụng mối quan hệ này nhằm đòi hỏi sự ưu đãi.

13 Chúng ta thường nghe nhiều người bên ngoài khen tính chân thật của Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng hạn, giám đốc một công ty xây dựng nhận thấy Nhân Chứng Giê-hô-va luôn giữ chữ tín. Ông nói: “Các bạn luôn làm đúng những gì đã cam kết” (Thi 15:4). Hạnh kiểm ấy giúp chúng ta gìn giữ tình bạn với Cha yêu thương trên trời và mang lại sự ngợi khen cho ngài.

GIÚP NGƯỜI KHÁC TRỞ THÀNH BẠN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Chúng ta giúp người khác trở thành bạn Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 14, 15)

14, 15. Trong thánh chức, làm thế nào chúng ta có thể giúp người khác trở thành bạn Đức Giê-hô-va?

14 Trong thánh chức, có lẽ chúng ta gặp nhiều người tin có Đức Chúa Trời nhưng không xem ngài là Bạn tốt nhất. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ? Hãy xem lời chỉ dẫn mà Chúa Giê-su ban cho 70 môn đồ khi phái họ đi rao giảng từng đôi một: “Khi vào nhà nào, trước hết hãy nói: ‘Chúc nhà này được bình an’. Nếu ở  đó có người yêu chuộng sự bình an, sự bình an của anh em sẽ đến với người ấy; nếu không, anh em sẽ giữ sự bình an ấy cho mình” (Lu 10:5, 6). Chúng ta có thể thu hút người ta đến với sự thật qua thái độ thân thiện. Trong trường hợp chủ nhà chống đối, thái độ thân thiện của chúng ta có thể xua tan phản ứng tiêu cực của họ và giúp họ sẵn sàng lắng nghe vào lần khác.

15 Khi gặp những người gắn bó với tôn giáo sai lầm hoặc theo các truyền thống trái với Kinh Thánh, chúng ta tiếp tục tỏ ra thân thiện và ôn hòa. Tại các buổi nhóm họp, chúng ta vui mừng chào đón mọi người, nhất là những người bất mãn trước sự xuống dốc của xã hội, nhờ thế họ được thôi thúc để tìm hiểu thêm về đấng mà chúng ta thờ phượng. Nhiều kinh nghiệm trong mục “Kinh Thánh thay đổi đời sống” cho thấy điều này.

CÙNG LÀM VIỆC VỚI BẠN TỐT NHẤT CỦA CHÚNG TA

16. Tại sao có thể nói chúng ta không những là bạn của Đức Giê-hô-va mà còn là “bạn cùng làm việc” với ngài?

16 Những người làm việc cùng nhau thường trở nên thân thiết. Tất cả những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va không những là bạn của ngài mà còn là “bạn cùng làm việc” với ngài. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:9). Khi tham gia công việc rao giảng, chúng ta hiểu rõ hơn về những đức tính tuyệt vời của Cha trên trời. Chúng ta thấy cách thần khí của ngài giúp mình thi hành sứ mạng rao truyền tin mừng.

17. Đức Giê-hô-va chứng tỏ là Bạn của chúng ta như thế nào qua việc cung cấp thức ăn thiêng liêng trong các hội nghị?

17 Càng tích cực tham gia công việc đào tạo môn đồ, chúng ta càng đến gần Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, chúng ta thấy cách ngài cản trở những kẻ chống đối. Hãy suy nghĩ về những năm vừa qua. Chẳng phải chúng ta thấy rõ cách Đức Chúa Trời đang hướng dẫn dân ngài sao? Thật kinh ngạc khi thấy thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng luôn được cung cấp đều đặn. Những chương trình hội nghị cho thấy Cha yêu thương hiểu rõ nhu cầu và vấn đề của chúng ta. Một gia đình đã viết thư bày tỏ lòng cảm kích về một hội nghị: “Chương trình đã thật sự tác động đến lòng chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận Đức Giê-hô-va yêu thương mỗi chúng tôi rất nhiều và muốn chúng tôi thành công”. Sau khi tham dự một hội nghị ở Dublin, Ai Len, một cặp vợ chồng từ Đức đã viết thư cho văn phòng chi nhánh để tỏ lòng biết ơn về cách họ được chào đón và chăm sóc. Trong thư còn nói: “Trên hết, chúng tôi muốn cảm tạ Đức Giê-hô-va và Vua được ngài bổ nhiệm là Chúa Giê-su Ki-tô. Hai đấng ấy đã mời chúng tôi thuộc về dân tộc hợp nhất này. Dân của Đức  Chúa Trời không chỉ nói về sự hợp nhất nhưng cảm nghiệm điều đó mỗi ngày. Những kinh nghiệm chúng tôi có tại hội nghị ở Dublin sẽ luôn nhắc chúng tôi về đặc ân quý giá mình có, đó là được phụng sự Đức Chúa Trời vĩ đại cùng với tất cả các anh chị”.

BẠN BÈ TRÒ CHUYỆN VỚI NHAU

18. Về mối liên lạc với Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tự hỏi điều gì?

18 Tình bạn giữa hai người ngày càng thân thiết khi dành thời gian trò chuyện với nhau. Trong thời đại công nghệ hiện nay, nhiều người thích liên lạc với nhau qua mạng xã hội và tin nhắn. Còn mối liên lạc của chúng ta với Bạn tốt nhất là Đức Giê-hô-va thì sao? Ngài là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi 65:2). Chúng ta có thường xuyên dành thời gian để nói chuyện với ngài không?

19. Chúng ta có sự trợ giúp nào khi cảm thấy khó bộc lộ nỗi lòng với Cha trên trời?

19 Một số tôi tớ của Đức Chúa Trời không dễ bộc lộ nỗi lòng. Nhưng Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm thế khi cầu nguyện với ngài (Thi 119:145; Ca 3:41). Khi thấy khó diễn đạt cảm xúc, chúng ta có sự trợ giúp. Phao-lô viết cho các tín đồ ở Rô-ma: “Có khi chúng ta cần cầu nguyện nhưng không biết phải cầu xin gì. Lúc ấy, dù chúng ta không có lời nào để giãi bày nỗi niềm nhưng có thần khí cầu thay cho chúng ta. Đấng dò xét tấm lòng hiểu những gì thần khí nói, vì thần khí theo ý Đức Chúa Trời mà cầu thay cho những người thánh” (Rô 8:26, 27). Suy ngẫm về những lời nơi sách Gióp, Thi-thiên và Châm-ngôn sẽ giúp chúng ta bày tỏ cảm xúc thầm kín với Đức Giê-hô-va.

20, 21. Những lời của Phao-lô nơi Phi-líp 4:6, 7 mang lại niềm an ủi nào cho chúng ta?

20 Khi đương đầu với khó khăn, hãy làm theo lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô dành cho anh em ở thành Phi-líp: “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời”. Dốc đổ lòng với Bạn tốt nhất chắc chắn mang lại niềm an ủi cho chúng ta, vì Phao-lô nói thêm: “Sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su” (Phi-líp 4:6, 7). Mong sao chúng ta luôn quý trọng “sự bình an của Đức Chúa Trời”, điều thật sự bảo vệ lòng và trí của mình.

Cầu nguyện củng cố tình bạn của chúng ta với Đức Chúa Trời như thế nào? (Xem đoạn 21)

21 Cầu nguyện giúp chúng ta vun đắp tình bạn với Đức Giê-hô-va. Vì vậy, hãy “không ngừng cầu nguyện” (1 Tê 5:17). Mong sao bài này giúp chúng ta củng cố tình bạn cao quý với Đức Chúa Trời và càng quyết tâm làm theo những đòi hỏi công chính của ngài. Hãy dành thời gian suy ngẫm về những ân phước chúng ta được hưởng vì Đức Giê-hô-va thật sự là Cha, Đức Chúa Trời và Bạn của chúng ta.