Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy noi theo đức tin của Môi-se

Hãy noi theo đức tin của Môi-se

“Bởi đức tin, Môi-se lúc trưởng thành đã từ chối được gọi là con của con gái vua Pha-ra-ôn”.—HÊ 11:24.

1, 2. (a) Khi 40 tuổi, Môi-se đã quyết định điều gì? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao Môi-se chọn bị ngược đãi chung với dân Đức Chúa Trời?

Môi-se biết mình có thể đạt được những gì tại Ai Cập. Ông đã thấy các ngôi nhà đồ sộ của những người giàu có. Ông thuộc về hoàng gia. Ông “được dạy dỗ tất cả sự khôn ngoan của dân Ai Cập”, dường như bao gồm nghệ thuật, thiên văn học, toán học và những môn khoa học khác (Công 7:22). Sự giàu có, thế lực và đặc quyền mà một người Ai Cập bình thường chỉ dám mơ tới đều nằm trong tầm tay ông!

2 Nhưng khi 40 tuổi, Môi-se đã quyết định một điều hẳn khiến hoàng gia Ai Cập, là những người nhận nuôi ông, phải bối rối. Ông thậm chí không chọn cuộc đời của một thường dân Ai Cập, mà chọn sống giữa những nô lệ! Tại sao? Vì Môi-se có đức tin. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:24-26). Nhờ đức tin, Môi-se nhìn xa hơn thế gian vật chất xung quanh. Là người có thiêng liêng tính, Môi-se đặt đức tin nơi “đấng vô hình”, tức Đức Giê-hô-va, cùng những lời hứa của ngài.—Hê 11:27.

3. Bài này sẽ trả lời ba câu hỏi nào?

3 Chúng ta cũng cần nhìn xa hơn những gì đôi mắt xác thịt nhìn thấy. Chúng ta phải là “loại người có đức tin” (Hê 10:38, 39). Để củng cố đức tin, chúng ta hãy xem xét gương của Môi-se được ghi nơi Hê-bơ-rơ 11:24-26. Khi làm thế, hãy tìm lời giải đáp cho ba câu hỏi sau: “Đức tin đã thúc đẩy Môi-se kháng cự các ham muốn  xác thịt như thế nào? Khi bị sỉ nhục, làm sao đức tin giúp Môi-se quý trọng đặc ân phụng sự? Và tại sao Môi-se ‘tha thiết trông mong nhận được phần thưởng’?”.

ÔNG KHÁNG CỰ HAM MUỐN XÁC THỊT

4. Môi-se đã nhận ra điều gì về việc ‘vui hưởng lạc thú của tội lỗi’?

4 Bằng đôi mắt đức tin, Môi-se nhận ra việc ‘vui hưởng lạc thú của tội lỗi’ chỉ chóng qua. Một số người thời đó có thể lý luận rằng dù chìm ngập trong việc thờ hình tượng và tà thuật nhưng Ai Cập đã trở thành một cường quốc thế giới, trong khi dân của Đức Giê-hô-va lại phải chịu cảnh nô lệ! Tuy nhiên, Môi-se biết Đức Chúa Trời có thể thay đổi tình thế. Dù những người sống theo ý mình có vẻ thành công nhưng Môi-se tin chắc kẻ ác sẽ hư mất. Nhờ thế, ông không bị cám dỗ “vui hưởng lạc thú chóng qua của tội lỗi”.

5. Điều gì sẽ giúp chúng ta kháng cự việc “vui hưởng lạc thú chóng qua của tội lỗi”?

5 Làm thế nào bạn có thể kháng cự việc “vui hưởng lạc thú chóng qua của tội lỗi”? Đừng bao giờ quên rằng lạc thú của tội lỗi chỉ là phù du. Bằng đôi mắt đức tin, hãy nhận ra “thế gian cùng những ham muốn của nó đang qua đi” (1 Giăng 2:15-17). Hãy ngẫm nghĩ về tương lai của những người phạm tội không ăn năn. Họ đang ở “nơi trơn-trợt... phải tiêu-hao hết trọi” (Thi 73:18, 19). Khi bị cám dỗ phạm tội, hãy tự hỏi: “Tôi muốn tương lai mình sẽ ra sao?”.

6. (a) Tại sao Môi-se từ chối “được gọi là con của con gái vua Pha-ra-ôn”? (b) Theo bạn, tại sao quyết định của Môi-se là đúng đắn?

6 Đức tin cũng tác động đến cách Môi-se chọn lựa sự nghiệp. “Bởi đức tin, Môi-se lúc trưởng thành đã từ chối được gọi là con của con gái vua Pha-ra-ôn” (Hê 11:24). Môi-se không lý luận rằng mình có thể phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách là một thành viên của triều đình, rồi dùng tài sản và những đặc quyền để giúp các anh em người Y-sơ-ra-ên. Thay vì thế, Môi-se quyết tâm yêu mến Đức Giê-hô-va hết lòng, hết ý hết sức (Phục 6:5). Quyết định của Môi-se đã giúp ông tránh được nhiều chuyện đau lòng. Không lâu sau, chính người Y-sơ-ra-ên đã đoạt lấy nhiều thứ quý giá của Ai Cập, là những thứ mà ông từ bỏ! (Xuất 12:35, 36). Còn Pha-ra-ôn thì bị hạ nhục và mất mạng (Thi 136:15). Ngược lại, Môi-se sống sót và được Đức Chúa Trời dùng để dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến nơi an toàn. Đời sống của ông có ý nghĩa thật sự.

7. (a) Theo Ma-thi-ơ 6:19-21, tại sao chúng ta nên hoạch định cho tương lai vĩnh cửu? (b) Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy sự khác biệt giữa những gì của cải vật chất và những điều quý báu về thiêng liêng mang lại.

7 Nếu là một người trẻ đang phụng sự Đức Giê-hô-va, đức tin có thể giúp bạn như thế nào trong việc chọn sự nghiệp? Hoạch định trước cho tương lai là điều khôn ngoan. Nhưng đức tin nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời thúc đẩy bạn đầu tư cho tương lai nào? Tương lai chóng qua hay tương lai vĩnh cửu? (Đọc Ma-thi-ơ 6:19-21). Một vũ công ba-lê tài năng là chị Sophie đã đối mặt với câu hỏi ấy. Chị được mời nhận vài học bổng và được các đoàn ba-lê khắp Hoa Kỳ săn đón. Chị thừa nhận: “Tôi rất thích cảm giác được hâm mộ. Thú thật, tôi cảm thấy mình nổi trội hơn các bạn đồng lứa. Nhưng tôi không hạnh phúc”. Sau đó, chị Sophie xem video Giới trẻ thắc mắc—Tôi đặt mục tiêu nào cho đời mình? (Young People Ask—What Will I Do With My Life?). Chị cho biết: “Tôi nhận ra cái giá phải trả để có được sự thành công và hâm mộ từ thế gian là không còn phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Tôi đã tha thiết cầu nguyện với ngài, rồi từ bỏ sự nghiệp vũ công”. Chị Sophie cảm thấy thế nào về quyết định của mình? Chị nói: “Tôi không lưu luyến đời sống trước đây. Hiện nay, tôi thật sự hạnh phúc. Tôi đang cùng chồng làm tiên phong. Chúng tôi không nổi tiếng và có đời sống rất khiêm tốn. Nhưng chúng tôi có Đức Giê-hô-va, có các học hỏi Kinh Thánh và những mục tiêu thiêng liêng. Tôi không nuối tiếc bất cứ điều gì”.

8. Lời khuyên nào trong Kinh Thánh có thể giúp người trẻ quyết định về đời mình?

 8 Đức Giê-hô-va biết điều gì tốt nhất cho bạn. Môi-se nói: “Bây giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đòi ngươi điều chi? há chẳng phải đòi ngươi kính-sợ Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, đi theo các đạo Ngài, hết lòng hết ý kính-mến và phục-sự Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, giữ các điều-răn và luật-lệ của Đức Giê-hô-va, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, để ngươi được phước?” (Phục 10:12, 13). Khi còn trẻ, hãy chọn sự nghiệp giúp bạn yêu mến Đức Giê-hô-va và “hết lòng hết ý” phụng sự ngài. Bạn có thể tin chắc rằng mình sẽ “được phước” nhờ lối sống đó.

ÔNG QUÝ TRỌNG ĐẶC ÂN PHỤNG SỰ

9. Hãy giải thích tại sao Môi-se có lẽ cảm thấy khó thi hành nhiệm vụ của mình.

9 Môi-se “xem sự sỉ nhục mà ông chịu với tư cách người được bổ nhiệm là điều quý giá hơn những châu báu của xứ Ai Cập” (Hê 11:26). Môi-se là “người được bổ nhiệm” theo nghĩa ông được Đức Giê-hô-va chọn để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. Môi-se biết đó sẽ là nhiệm vụ khó khăn, thậm chí khiến ông bị “sỉ nhục”. Trước đó, một người Y-sơ-ra-ên đã chế nhạo ông: “Ai đặt ngươi làm vua, làm quan án cho chúng ta?” (Xuất 2:13, 14). Sau này, chính Môi-se đã hỏi Đức Giê-hô-va: “Pha-ra-ôn há sẽ khứng nghe lời tôi sao?” (Xuất 6:12). Để chuẩn bị tinh thần và đương đầu với sự sỉ nhục, Môi-se đã giãi bày cùng Đức Giê-hô-va những nỗi sợ hãi và lo âu của mình. Đức Giê-hô-va đã giúp Môi-se thi hành nhiệm vụ khó khăn ấy như thế nào?

10. Đức Giê-hô-va trang bị cho Môi-se thế nào để thi hành nhiệm vụ?

10 Đầu tiên, Đức Giê-hô-va trấn an Môi-se rằng: “Ta sẽ ở cùng ngươi” (Xuất 3:12). Thứ hai, Đức Giê-hô-va truyền sự can đảm cho Môi-se bằng cách giải thích một khía cạnh trong ý nghĩa danh ngài: “Ta Sẽ Trở Thành Đấng Ta Chọn Trở Thành” * (Xuất 3:14, NW). Thứ ba, ngài ban cho Môi-se khả năng làm phép lạ, đó là bằng chứng cho thấy ông thật sự được Đức Chúa Trời phái đến (Xuất 4:2-5). Thứ tư, Đức Giê-hô-va ban cho Môi-se một cộng sự kiêm phát ngôn viên là A-rôn để giúp Môi-se thực thi nhiệm vụ (Xuất 4:14-16). Cuối cuộc đời, Môi-se hoàn toàn tin tưởng rằng Đức Chúa Trời luôn trang bị cho các tôi tớ để họ hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào ngài giao. Niềm tin ấy mạnh đến mức ông đoan chắc với người kế nhiệm mình là Giô-suê như sau: “Chánh Đức Giê-hô-va sẽ đi trước ngươi, Ngài sẽ ở cùng ngươi, chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ-bỏ ngươi đâu. Chớ sợ, và chớ kinh-khủng”.—Phục 31:8.

11. Tại sao Môi-se quý trọng sâu xa sứ mạng của mình?

11 Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, Môi-se quý trọng sâu xa sứ mạng đầy gian nan của mình, xem điều đó “quý giá hơn những châu báu của xứ Ai Cập”. Suy cho cùng, phục vụ Pha-ra-ôn có là gì so với phụng sự Đức Chúa Trời Toàn Năng? Làm hoàng tử ở Ai Cập có đáng gì so với làm “người được bổ nhiệm” của Đức Giê-hô-va? Môi-se được tưởng thưởng nhờ có thái độ quý trọng đặc ân. Ông được vui hưởng mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va, đấng ban cho ông khả năng thực hiện những “công-việc lớn-lao và đáng sợ” khi ông dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa.—Phục 34:10-12.

12. Chúng ta nên quý trọng những đặc ân nào từ Đức Giê-hô-va?

12 Tương tự thế, chúng ta cũng có một sứ mạng. Qua Con ngài, Đức Giê-hô-va giao thánh chức cho chúng ta như đã giao cho sứ đồ Phao-lô và những người khác. (Đọc 1 Ti-mô-thê 1:12-14). Tất cả chúng ta đều có đặc ân rao báo tin mừng (Mat 24:14;  28:19, 20). Một số anh chị phụng sự trọn thời gian. Nhiều anh thành thục phục vụ hội thánh với tư cách phụ tá hoặc trưởng lão. Tuy nhiên, người thân không tin đạo và những người khác có thể nghi ngờ giá trị của các đặc ân ấy hoặc thậm chí chỉ trích sự hy sinh của bạn (Mat 10:34-37). Nếu để họ làm mình nản lòng, có thể bạn bắt đầu tự hỏi liệu những hy sinh của mình có đáng không, hoặc mình có thật sự đủ khả năng để thi hành sứ mạng được giao không. Khi rơi vào hoàn cảnh đó, làm sao đức tin có thể giúp bạn bền chí?

13. Đức Giê-hô-va trang bị cho chúng ta để thực hiện những sứ mạng thần quyền như thế nào?

13 Bằng đức tin, hãy nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Hãy giãi bày với ngài những nỗi sợ hãi và lo âu của bạn. Vì chính Đức Giê-hô-va là đấng giao sứ mạng cho bạn nên ngài sẽ giúp bạn thành công. Qua những cách nào? Bằng những cách ngài đã giúp Môi-se. Đầu tiên, Đức Giê-hô-va trấn an bạn rằng: “Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi, lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi” (Ê-sai 41:10). Thứ hai, ngài nhắc bạn nhớ rằng những lời hứa của ngài là đáng tin cậy: “Điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn-thành, điều ta đã định, ta cũng sẽ làm” (Ê-sai 46:11). Thứ ba, Đức Giê-hô-va ban cho bạn “sức lực hơn mức bình thường” để hoàn tất thánh chức (2 Cô 4:7). Thứ tư, nhằm giúp bạn bền chí thi hành sứ mạng, Cha yêu thương ban cho bạn một đoàn thể anh em quốc tế gồm những người thờ phượng chân chính, những người “tiếp tục khích lệ và giúp nhau vững mạnh” (1 Tê 5:11). Khi được Đức Giê-hô-va trang bị để hoàn thành sứ mạng, đức tin bạn sẽ lớn mạnh và bạn sẽ quý trọng những đặc ân mình nhận, xem điều đó quý giá hơn mọi châu báu trên đất.

“ÔNG THA THIẾT TRÔNG MONG NHẬN ĐƯỢC PHẦN THƯỞNG”

14. Tại sao Môi-se chắc chắn mình sẽ nhận được phần thưởng?

14 Môi-se “tha thiết trông mong nhận được phần thưởng” (Hê 11:26). Thật thế, sự hiểu biết về tương lai đã tác động đến cái nhìn của Môi-se, dù sự hiểu biết lúc ấy còn giới hạn. Như tổ phụ là Áp-ra-ham, Môi-se tin chắc Đức Giê-hô-va có thể làm người chết sống lại (Lu 20:37, 38; Hê 11:17-19). Triển vọng về những ân phước trong tương lai giúp Môi-se không xem 40 năm trốn chạy và 40 năm trong đồng vắng là quãng thời gian uổng phí. Dù không biết rõ các lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ ứng nghiệm thế nào, đôi mắt đức tin của  Môi-se nhìn thấy phần thưởng không thấy được. 

15, 16. (a) Tại sao chúng ta cần tập trung vào phần thưởng của mình? (b) Bạn háo hức mong chờ những ân phước nào dưới sự cai trị của Nước Trời?

15 Bạn có “tha thiết trông mong nhận được phần thưởng” của mình không? Như Môi-se, chúng ta vẫn chưa biết mọi chi tiết liên quan đến những lời hứa của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, chúng ta “không biết thời điểm đã định” cho hoạn nạn lớn là khi nào (Mác 13:32, 33). Nhưng chúng ta biết nhiều hơn Môi-se về địa đàng tương lai. Dù không biết mọi chi tiết, chúng ta đã có đủ lời hứa về cuộc sống dưới sự cai trị của Nước Trời để “tha thiết trông mong”. Hình ảnh rõ ràng trong trí về thế giới mới sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Nước Trời trước hết. Như thế nào? Hãy xem xét điều này: Bạn có mua một căn nhà nếu chỉ biết rất ít về nó không? Dĩ nhiên không! Tương tự thế, chúng ta sẽ không đầu tư cuộc sống để theo đuổi một hy vọng mơ hồ. Bằng đức tin, chúng ta phải nhìn thấy một hình ảnh rõ ràng về cuộc sống dưới sự cai trị của Nước Trời.

Được trò chuyện với những tôi tớ trung thành như Môi-se sẽ thật thích thú! (Xem đoạn 16)

16 Để làm hình ảnh về Nước Trời trong tâm trí được sắc nét hơn, hãy “tha thiết trông mong” cuộc sống của bạn trong địa đàng. Hãy vận dụng trí tưởng tượng. Thí dụ, khi học về các nhân vật Kinh Thánh sống trước thời Chúa Giê-su, hãy nghĩ xem mình sẽ hỏi họ điều gì khi họ sống lại. Hãy tưởng tượng họ sẽ hỏi bạn điều gì về đời sống trong những ngày sau cùng. Hãy hình dung bạn sẽ hân hoan đến mức nào khi gặp những bậc cha ông từ hàng thế kỷ trước và cho họ biết mọi điều Đức Chúa Trời đã làm cho họ. Hãy mường tượng niềm vui thích khi được quan sát và nghiên cứu về các loài thú hoang dã trong môi trường bình an. Hãy suy ngẫm về việc bạn sẽ cảm thấy gần gũi hơn với Đức Giê-hô-va đến mức nào khi dần tiến đến sự hoàn toàn.

17. Hình ảnh rõ ràng về phần thưởng không thấy được có thể giúp chúng ta như thế nào?

17 Hình ảnh rõ ràng về phần thưởng không thấy được sẽ giúp chúng ta bền chí, có niềm vui và đưa ra những quyết định dựa trên tương lai vĩnh cửu và chắc chắn. Phao-lô viết cho các tín đồ được xức dầu: “Nếu hy vọng điều mình chưa đạt được, chúng ta sẽ háo hức và kiên trì chờ đợi” (Rô 8:25). Về nguyên tắc, điều này áp dụng cho tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô có hy vọng sống vĩnh cửu. Dù chưa nhận được phần thưởng, nhưng đức tin mạnh sẽ giúp chúng ta kiên trì chờ đợi “nhận được phần thưởng”. Như Môi-se, chúng ta không xem những năm phụng sự Đức Giê-hô-va là quãng thời gian uổng phí. Thay vì thế, chúng ta tin rằng “những gì thấy được là tạm thời, còn những gì không thấy được thì tồn tại mãi”.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:16-18.

18, 19. (a) Tại sao chúng ta phải đấu tranh hầu giữ vững đức tin? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

18 Đức tin giúp chúng ta thấy “bằng chứng rõ ràng của những điều có thật, dù không nhìn thấy được” (Hê 11:1). Người có tính xác thịt không thấy được giá trị quý báu của việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ xem những điều quý báu về thiêng liêng “là ngu dại” (1 Cô 2:14). Tuy nhiên, chúng ta mong được vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu và chứng kiến sự sống lại của người đã qua đời, là những điều thế gian không thấy được. Các triết gia cùng thời gọi Phao-lô là “gã ba hoa”, đa số người ngày nay cũng nghĩ rằng niềm hy vọng mà chúng ta rao truyền là phi lý.—Công 17:18.

19 Vì sống trong một thế gian không tin kính nên chúng ta phải đấu tranh hầu giữ vững đức tin. Hãy tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va ‘để không mất đức tin’ (Lu 22:32). Hãy nhận ra hậu quả của tội lỗi và tập trung vào giá trị cao quý của việc phụng sự Đức Giê-hô-va cùng hy vọng sống vĩnh cửu. Nhưng đức tin còn giúp Môi-se nhìn xa hơn thế. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem làm sao đức tin giúp Môi-se nhìn thấy “đấng vô hình”.—Hê 11:27.

^ đ. 10 Một học giả Kinh Thánh bình luận như sau về lời phán của Đức Chúa Trời nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14: “Không gì có thể ngăn cản ngài thực hiện ý định... Danh ấy [Giê-hô-va] là tháp che chở cho dân Y-sơ-ra-ên, một nguồn hy vọng và an ủi vô tận”.