Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của sự trật tự

Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của sự trật tự

“Đức Chúa Trời là Chúa của sự hòa bình chứ không phải Chúa của sự lộn xộn”.—1 CÔ 14:33.

1, 2. (a) Đức Giê-hô-va tạo ra ai đầu tiên và ngài dùng đấng ấy để làm gì? (b) Điều gì cho thấy các thiên sứ có sự trật tự?

Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, làm mọi điều cách trật tự. Trước tiên, ngài tạo ra Con một, được gọi là “Ngôi Lời” vì con ấy là phát ngôn viên chính của Đức Chúa Trời. Ngôi Lời đã phụng sự Đức Giê-hô-va từ rất lâu, vì Kinh Thánh nói: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời”. Sách này cũng cho biết: “Qua Ngôi Lời mà muôn vật được dựng nên, không qua ngài thì chẳng vật nào được dựng nên”. Cách đây hơn 2.000 năm, Đức Chúa Trời phái Ngôi Lời, Chúa Giê-su Ki-tô, xuống trái đất. Tại đây ngài trung thành làm theo ý muốn của Cha với tư cách là người hoàn hảo.—Giăng 1:1-3, 14.

2 Trước khi xuống trái đất, Con Đức Chúa Trời trung thành phụng sự Cha với tư cách là “thợ cái” (Châm 8:30). Qua Con ấy, Đức Giê-hô-va đã tạo ra hàng triệu tạo vật thần linh khác ở trên trời (Cô 1:16). Về các thiên sứ này, một lời tường thuật trong Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Ngàn ngàn hầu-hạ [Đức Giê-hô-va] và muôn muôn đứng trước mặt Ngài” (Đa 7:10). Vô số tạo vật thần linh của Đức Chúa Trời được biết đến là những “cơ-binh” rất trật tự của ngài.—Thi 103:21.

3. Số ngôi sao và hành tinh nhiều đến mức nào, và có trật tự ra sao?

 3 Có thể nói gì về vũ trụ do Đức Giê-hô-va tạo ra, như vô số ngôi sao và hành tinh? Về ngôi sao, tờ báo Chronicle ở Houston, Texas đăng tin về cuộc nghiên cứu gần đây, cho rằng có “300 nhân 10 lũy thừa 21 ngôi sao, hoặc gấp ba lần so với tính toán trước đây của các nhà khoa học”. Tờ báo cho biết thêm: “Nghĩa là sau số 3 có 23 số không. Hoặc 3 nghìn tỉ nhân với 100 tỉ”. Các ngôi sao nằm trật tự trong các dải thiên hà, mỗi thiên hà chứa nhiều hành tinh và hàng tỉ hoặc thậm chí hàng ngàn tỉ ngôi sao. Các dải thiên hà được xếp thành nhiều nhóm được gọi là quần thiên hà, các quần thiên hà này được xếp thành những nhóm lớn hơn gọi là siêu quần thiên hà.

4. Tại sao thật hợp lý để kết luận rằng Đức Giê-hô-va tổ chức các tôi tớ của ngài trên đất?

4 Như các tạo vật thần linh công chính ở trên trời, các ngôi sao và hành tinh trong vũ trụ có sự trật tự đáng kinh ngạc (Ê-sai 40:26). Vì thế, thật hợp lý để kết luận rằng Đức Giê-hô-va tổ chức các tôi tớ của ngài trên đất. Ngài muốn họ giữ sự trật tự tối ưu, và điều này vô cùng quan trọng vì họ có nhiều việc quan trọng để làm. Qua hàng ngàn năm, Đức Giê-hô-va đã tổ chức dân ngài để họ có thể trung thành thờ phượng ngài. Có nhiều bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời đã ở cùng họ và ngài là “Chúa của sự hòa bình chứ không phải Chúa của sự lộn xộn”.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 14:33, 40.

ĐỨC CHÚA TRỜI TỔ CHỨC DÂN NGÀI VÀO THỜI XƯA

5. Làm sao sự sắp đặt trật tự để gia đình nhân loại được đầy dẫy khắp đất đã bị gián đoạn?

5 Khi Đức Giê-hô-va tạo ra hai người đầu tiên, ngài bảo với họ: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất” (Sáng 1:28). Gia đình nhân loại lẽ ra phải sinh sôi nảy nở một cách có trật tự để con người đầy dẫy khắp đất và làm cho cả trái đất trở thành địa đàng. Nhưng vì sự bất tuân của A-đam và Ê-va mà sự sắp đặt cách trật tự này đã tạm thời bị gián đoạn (Sáng 3:1-6). Với thời gian, “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. Kết quả là “thế-gian bấy giờ đều bại-hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy-dẫy sự hung-ác”. Thế nên, Đức Chúa Trời có ý định hủy diệt những người không tin kính bằng trận Nước Lụt toàn cầu.—Sáng 6:5, 11-13, 17.

6, 7. (a) Tại sao Nô-ê được ơn của Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Điều gì xảy ra cho tất cả những người không tin kính vào thời Nô-ê?

6 Tuy nhiên, “Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va” vì “là một người công-bình và trọn-vẹn” so với những người đồng thời với ông. Vì Nô-ê “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” nên ngài chỉ thị cho ông đóng một chiếc tàu khổng lồ (Sáng 6:8, 9, 14-16). Con tàu được thiết kế rất hợp lý để con người và thú vật được sống sót. “Nô-ê làm theo mọi điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn mình”, và cùng với sự hợp tác của gia đình, ông đã hoàn tất công việc đóng tàu một cách trật tự. Sau khi người và thú vật vào tàu, “Đức Giê-hô-va đóng cửa tàu lại”.—Sáng 7:5, 16.

7 Khi trận Nước Lụt đến vào năm 2370 TCN, Đức Giê-hô-va hủy diệt “mọi loài ở trên mặt đất”, nhưng gìn giữ người trung thành Nô-ê và gia đình ông an toàn trong tàu (Sáng 7:23). Nhân loại trên đất ngày nay là con cháu của Nô-ê, con trai và con dâu ông. Nhưng tất cả những người không tin kính bên ngoài tàu đều chết vì họ không nghe Nô-ê, “người rao giảng sự công chính”.—2 Phi 2:5.

Sự tổ chức có trật tự đã giúp tám người sống sót qua trận Nước Lụt (Xem đoạn 6, 7)

8. Khi Đức Chúa Trời chỉ thị cho dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa thì bằng chứng nào cho thấy dân ngài được tổ chức cách trật tự?

 8 Hơn tám thế kỷ sau trận Nước Lụt, Đức Chúa Trời tổ chức dân Y-sơ-ra-ên thành một nước. Việc tổ chức cách trật tự sẽ bao hàm mọi khía cạnh trong đời sống họ, nhất là sự thờ phượng. Chẳng hạn, bên cạnh nhiều thầy tế lễ và người Lê-vi trong dân Y-sơ-ra-ên, cũng có những “người đàn-bà hầu việc nơi cửa hội-mạc” (Xuất 38:8). Tuy nhiên, khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời chỉ thị cho dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an thì thế hệ ấy tỏ ra bất trung, và ngài phán là họ ‘chẳng hề được vào xứ mà ngài đã thề cho họ ở, ngoại trừ Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê, và Giô-suê, con trai của Nun’ vì sau khi đi do thám vùng Đất Hứa trở về, họ đã báo cáo tích cực (Dân 14:30, 37, 38). Làm đúng như chỉ thị của Đức Chúa Trời, sau này Môi-se đã ủy quyền cho Giô-suê làm người kế nhiệm mình (Dân 27:18-23). Khi Giô-suê sắp dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an, Đức Giê-hô-va nói: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run-sợ, chớ kinh-khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi”.—Giô-suê 1:9.

9. Ra-háp cảm thấy thế nào về Đức Giê-hô-va và dân sự của ngài?

9 Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật sự ở cùng Giô-suê mọi nơi ông đi. Chẳng hạn, hãy xem điều gì xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại gần thành Giê-ri-cô thuộc xứ Ca-na-an. Năm 1473 TCN, Giô-suê cử hai do thám đến Giê-ri-cô, và họ đã gặp kỹ nữ Ra-háp tại đây. Vua Giê-ri-cô sai người đi bắt hai do thám nhưng bà đã giấu họ trên mái nhà. Ra-háp nói với hai do thám của dân Y-sơ-ra-ên: ‘Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va đã ban cho các ông xứ nầy. Vì chúng tôi có hay khi Đức Giê-hô-va đã khiến nước Biển-đỏ bày khô trước mặt các ông, và điều các ông đã làm cho hai vua dân A-mô-rít’. Bà nói thêm: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ông là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp nầy” (Giô-suê 2:9-11). Vì Ra-háp đứng về phía tổ chức Đức Giê-hô-va thời bấy giờ nên chắc chắn ngài cho bà cùng người nhà được sống sót khi dân Y-sơ-ra-ên  chinh phục thành Giê-ri-cô (Giô-suê 6:25). Ra-háp thể hiện đức tin, sùng kính Đức Giê-hô-va và tôn trọng dân sự của ngài.

MỘT TỔ CHỨC NĂNG ĐỘNG VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT

10. Chúa Giê-su đã nói điều gì với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo vào thời đó, và tại sao ngài tuyên bố như thế?

10 Dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên chinh phục hết thành này đến thành khác và chiếm lấy xứ Ca-na-an. Nhưng chuyện gì xảy ra sau đó? Qua nhiều thế kỷ, hết lần này đến lần khác, dân Y-sơ-ra-ên vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Cho đến khi Đức Giê-hô-va phái Con ngài xuống đất, việc họ không vâng lời Đức Chúa Trời, không lắng nghe các nhà tiên tri của ngài quá rõ ràng đến nỗi Chúa Giê-su nói Giê-ru-sa-lem “đã giết các nhà tiên tri”. (Đọc Ma-thi-ơ 23:37, 38). Đức Chúa Trời từ bỏ các nhà lãnh đạo Do Thái giáo vì họ không trung thành với ngài. Thế nên, Chúa Giê-su nói với họ: “Nước Đức Chúa Trời sẽ bị cất khỏi các ông và ban cho một dân sinh hoa lợi cho nước ấy”.—Mat 21:43.

11, 12. (a) Điều gì chứng tỏ vào thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va ban phước cho một tổ chức khác, thay vì dân Do Thái? (b) Tổ chức mới được Đức Chúa Trời chấp thuận bao gồm những ai?

11 Vào thế kỷ thứ nhất CN, Đức Giê-hô-va đoạn tuyệt với dân Y-sơ-ra-ên bất trung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngài sẽ không có một tổ chức gồm các tôi tớ trung thành trên đất. Đức Giê-hô-va đã chuyển ân phước cho một tổ chức mới đầy năng động đặt trọng tâm nơi Chúa Giê-su Ki-tô và những dạy dỗ của ngài. Điều này khởi sự vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Lúc đó, khoảng 120 môn đồ của Chúa Giê-su tập hợp tại một nơi ở Giê-ru-sa-lem thì “thình lình, từ trời có tiếng động như tiếng gió thổi mạnh, ùa vào căn nhà”. Kế tiếp, “họ thấy có gì như các lưỡi lửa xuất hiện rồi tách ra từng cái đậu trên mỗi người. Tất cả đều được tràn đầy thần khí và bắt đầu nói những thứ tiếng khác, theo như thần khí cho họ nói” (Công 2:1-4). Biến cố đáng kinh ngạc ấy là bằng chứng không thể chối cãi được: Đức Giê-hô-va đang trợ giúp tổ chức mới, gồm các môn đồ của Đấng Ki-tô.

12 Vào ngày đầy hào hứng ấy, “có khoảng ba ngàn người được thêm vào số các môn đồ”. Hơn nữa, “mỗi ngày, Đức Giê-hô-va cũng thêm vào số họ những người được cứu” (Công 2:41, 47). Hoạt động rao giảng của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất hữu hiệu đến mức “lời Đức Chúa Trời ngày càng lan rộng, số môn đồ tại Giê-ru-sa-lem gia tăng nhanh chóng”. Thậm chí, “có rất nhiều thầy tế lễ tin đạo” (Công 6:7). Nhờ các thành viên của tổ chức mới này rao giảng mà nhiều người có lòng thành đã chấp nhận sự thật. Sau đó, Đức Giê-hô-va cũng cho thấy bằng chứng về sự hỗ trợ của ngài khi ngài bắt đầu đưa “dân ngoại” vào hội thánh đạo Đấng Ki-tô.—Đọc Công vụ 10:44, 45.

13. Công việc trong tổ chức mới của Đức Chúa Trời là gì?

13 Không thể nghi ngờ gì về công việc mà Đức Chúa Trời giao cho các môn đồ của Đấng Ki-tô. Chính Chúa Giê-su đã làm gương cho họ, không lâu sau khi làm báp-têm, ngài bắt đầu rao giảng về “Nước Trời” (Mat 4:17). Chúa Giê-su dạy các môn đồ làm cùng công việc. Ngài bảo: “Anh em sẽ làm chứng về tôi tại thành Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đa, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Chắc chắn các môn đồ thời ban đầu của Đấng Ki-tô hiểu điều mình cần phải làm. Chẳng hạn, tại thành An-ti-ốt thuộc xứ Bi-si-đi, Phao-lô và Ba-na-ba đã dạn dĩ nói với những người Do Thái chống đối: “Lời Đức Chúa Trời phải được rao truyền cho  anh em trước hết. Nhưng vì anh em gạt bỏ lời ấy và chứng tỏ mình không xứng đáng với sự sống vĩnh cửu, nên chúng tôi đến với dân ngoại. Đức Giê-hô-va đã ban mệnh lệnh cho chúng tôi qua những lời này: ‘Ta bổ nhiệm ngươi làm ánh sáng cho các dân để ngươi đem sự cứu rỗi đến tận cùng trái đất’” (Công 13:14, 45-47). Từ thế kỷ thứ nhất, phần tổ chức trên đất của Đức Chúa Trời đã tuyên bố sự sắp đặt của ngài cho sự cứu rỗi.

NHIỀU NGƯỜI CHẾT, NHƯNG TÔI TỚ ĐỨC CHÚA TRỜI SỐNG SÓT

14. Điều gì xảy ra cho thành Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ nhất, nhưng ai được sống sót?

14 Dân Do Thái nói chung không chấp nhận tin mừng, và họ sẽ gặp tai họa, vì Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ: “Khi anh em thấy quân lính bao vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết rằng nó sắp bị tàn phá. Vậy ai ở xứ Giu-đa hãy chạy trốn lên núi, ai ở trong thành hãy ra khỏi đó, và ai ở vùng nông thôn thì đừng vào thành” (Lu 21:20, 21). Lời tiên tri của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm. Vì dân Do Thái có một cuộc nổi loạn, nên các đội quân La Mã do tướng Cestius Gallus lãnh đạo đã bao vây thành Giê-ru-sa-lem vào năm 66 CN. Nhưng đột nhiên lực lượng này rút lui, nhờ vậy các môn đồ của Chúa Giê-su có cơ hội rời khỏi Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Theo sử gia Eusebius, nhiều người băng qua sông Giô-đanh để đến thành Pella ở Phê-rê. Năm 70 CN, dưới chỉ huy của tướng Titus, các đội quân La Mã đã quay lại và phá hủy thành Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô trung thành vẫn sống sót vì họ nghe lời cảnh báo của Chúa Giê-su và hành động phù hợp.

15. Đạo Đấng Ki-tô nở rộ dù đã có điều gì xảy ra?

15 Dù môn đồ Chúa Giê-su gặp gian nan, bắt bớ và các thử thách khác về đức tin, nhưng đạo Đấng Ki-tô vẫn nở rộ vào thế kỷ thứ nhất (Công 11:19-21; 19:1, 19, 20). Các tín đồ thời ban đầu ấy thịnh vượng về thiêng liêng vì nhận được ân phước của Đức Chúa Trời.—Châm 10:22.

16. Để giữ sự hợp nhất và đức tin mạnh mẽ, mỗi tín đồ cần làm gì?

16 Để giữ sự hợp nhất và đức tin mạnh mẽ, mỗi tín đồ phải cố gắng hết sức. Việc siêng năng học Kinh Thánh, đều đặn tham dự nhóm họp và sốt sắng rao giảng về Nước Trời là điều cần thiết. Những hoạt động này giúp dân Đức Chúa Trời thời bấy giờ được hợp nhất và có sức khỏe về thiêng liêng, ngày nay cũng vậy. Tinh thần sẵn sàng giúp đỡ của các giám thị và phụ tá đã mang lại rất nhiều lợi ích cho những ai kết hợp với các hội thánh được tổ chức có trật tự vào thời ban đầu (Phi-líp 1:1; 1 Phi 5:1-4). Và hẳn vui mừng làm sao khi các giám thị lưu động, như Phao-lô, đến thăm hội thánh! (Công 15:36, 40, 41). Điều đáng chú ý là sự thờ phượng của chúng ta có nhiều điểm tương đồng với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất. Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va biết bao vì ngài đã tổ chức tôi tớ của ngài thời xưa lẫn thời nay! *

17. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

17 Khi thế gian của Sa-tan sắp chấm dứt trong những ngày sau cùng này, phần trên đất của tổ chức hoàn vũ của Đức Giê-hô-va đang chuyển động với tốc độ ngày càng nhanh. Bạn có đang theo kịp không? Bạn có đang tiến bộ về thiêng liêng không? Bài kế tiếp sẽ cho thấy bạn có thể làm thế bằng cách nào.

^ đ. 16 Xin xem bài “Tín đồ Đấng Christ thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật” và “Họ tiếp tục đi trong lẽ thật” trong Tháp Canh ngày 15-7-2002. Để biết thêm chi tiết về phần tổ chức trên đất của Đức Chúa Trời ngày nay, xem sách mỏng Ngày nay ai đang làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va?.