Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta nên “đối đáp với mỗi người” như thế nào?

Chúng ta nên “đối đáp với mỗi người” như thế nào?

“Lời nói anh em phải luôn tử tế,... hầu anh em biết nên đối đáp với mỗi người như thế nào”.—CÔ 4:6.

1, 2. (a) Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy giá trị của việc đặt câu hỏi có chọn lọc. (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao chúng ta không nên sợ những đề tài khó?

Nhiều năm trước, một chị Nhân Chứng đã thảo luận Kinh Thánh với chồng chưa tin đạo. Trong cuộc thảo luận, người chồng nói ông tin Chúa Ba Ngôi. Nhận ra chồng mình có thể chưa hiểu rõ giáo lý Chúa Ba Ngôi thật sự có nghĩa gì, chị Nhân Chứng khéo léo hỏi: “Anh có tin rằng Chúa Cha là Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời và thánh linh là Đức Chúa Trời, nhưng không có ba Đức Chúa Trời mà chỉ có một?”. Thật ngạc nhiên, người chồng trả lời: “Không, anh không tin điều đó!”. Rồi họ thảo luận sôi nổi Đức Chúa Trời thật sự là đấng như thế nào.

2 Kinh nghiệm trên cho thấy giá trị của việc hỏi một cách khéo léo và có chọn lọc. Kinh nghiệm ấy cũng nêu bật một điểm quan trọng: Chúng ta không nên sợ những đề tài khó, chẳng hạn như Chúa Ba Ngôi, lửa địa ngục hoặc sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Nếu nương cậy Đức Giê-hô-va và sự huấn luyện mà ngài cung cấp, chúng ta có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục, động đến lòng người nghe (Cô 4:6). Hãy xem những người truyền giáo hữu hiệu đã làm gì khi thảo  luận các đề tài ấy. Chúng ta sẽ xem xét cách (1) đặt câu hỏi để biết người khác nghĩ gì, (2) lý luận dựa trên Kinh Thánh và (3) dùng minh họa để đưa vào điểm chính.

HỎI ĐỂ BIẾT NGƯỜI KHÁC NGHĨ GÌ

3, 4. Tại sao dùng câu hỏi để xác định niềm tin của người khác là điều quan trọng? Hãy cho thí dụ.

3 Câu hỏi có thể giúp chúng ta xác định niềm tin của người khác. Tại sao điều này quan trọng? Châm-ngôn 18:13 nói: “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy”. Thật thế, trước khi thảo luận quan điểm của Kinh Thánh về một đề tài nào đó, chúng ta cần cố gắng xác định người nghe thật sự tin gì. Nếu không, chúng ta có thể mất nhiều thời gian bác bỏ một ý tưởng mà người nghe chưa bao giờ tin!—1 Cô 9:26.

4 Giả sử chúng ta đang thảo luận với một người về địa ngục. Không phải ai cũng tin rằng địa ngục là một nơi có thật để hành hạ người ác trong lửa. Nhiều người tin rằng địa ngục chỉ là một trạng thái bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Vì thế, chúng ta có thể hỏi: “Nhiều người có quan điểm khác nhau về địa ngục, xin hỏi ông/bà nghĩ gì về địa ngục?”. Sau khi nghe câu trả lời, chúng ta sẽ hữu hiệu hơn trong việc giúp người đó hiểu Kinh Thánh nói gì về đề tài này.

5. Làm thế nào câu hỏi có thể giúp chúng ta hiểu lý do một người tin một thuyết nào đó?

5 Khéo đặt câu hỏi cũng giúp chúng ta hiểu tại sao họ tin như thế. Để minh họa, nếu chúng ta đi rao giảng và gặp một người không tin có Đức Chúa Trời thì sao? Có thể chúng ta kết luận rằng người ấy bị ảnh hưởng bởi các quan điểm của thế gian, chẳng hạn như thuyết tiến hóa (Thi 10:4). Tuy nhiên, một số người mất niềm tin nơi Đức Chúa Trời vì những đau khổ cùng cực mà cá nhân họ nhìn thấy hoặc trải qua. Những đau khổ ấy khiến họ khó tin có một Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương. Vì vậy, nếu chủ nhà nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể hỏi: “Có phải trước giờ ông/bà luôn nghĩ như thế không?”. Nếu họ nói không, chúng ta có thể hỏi điều gì khiến họ nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Câu trả lời sẽ giúp chúng ta biết cách tốt nhất để giúp họ.—Đọc Châm-ngôn 20:5.

6. Chúng ta nên làm gì sau khi đặt câu hỏi?

6 Sau khi đặt câu hỏi, chúng ta cần lắng nghe kỹ câu trả lời và nhận ra cảm xúc của người khác. Thí dụ, một người cho biết một thảm kịch đã khiến mình nghi ngờ sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương. Trước khi đưa ra bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời có thật, chúng ta nên bày tỏ sự đồng cảm và nói rằng không có gì sai khi tự hỏi tại sao mình phải chịu đau khổ (Ha 1:2, 3). Lòng kiên nhẫn và yêu thương của chúng ta có thể thúc đẩy người đó muốn biết nhiều hơn *.

LÝ LUẬN DỰA TRÊN KINH THÁNH

Điều gì đặc biệt giúp chúng ta hiệu quả trong thánh chức? (Xem đoạn 7)

7. Phần lớn hiệu quả trong thánh chức phụ thuộc vào điều gì?

7 Chúng ta hãy xem xét cách lý luận dựa trên Kinh Thánh. Kinh Thánh đương nhiên là công cụ chính trong thánh chức, giúp chúng ta “có đủ khả năng, được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Ti 3:16, 17). Phần lớn hiệu quả trong thánh chức không phụ thuộc vào số câu Kinh Thánh chúng ta đọc mà phụ thuộc vào cách chúng ta lý luận và giải thích các câu Kinh Thánh. (Đọc  Công vụ 17:2, 3). Để minh họa, hãy xem ba trường hợp sau.

8, 9. (a) Một cách để lý luận với người tin rằng Chúa Giê-su ngang hàng với Đức Chúa Trời là gì? (b) Có những cách lý luận nào khác mà bạn thấy hữu hiệu?

8 Trường hợp 1: Khi làm thánh chức, chúng ta gặp người tin rằng Chúa Giê-su ngang hàng với Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ dùng những câu Kinh Thánh nào để lý luận? Chúng ta có thể mời người đó đọc lời Chúa Giê-su nói nơi Giăng 6:38: “Tôi từ trời xuống, không phải để làm theo ý tôi mà theo ý đấng phái tôi đến”. Sau khi đọc xong, chúng ta có thể hỏi: “Nếu Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời thì ai đã phái ngài từ trời xuống? Chẳng phải đấng đó lớn hơn Chúa Giê-su sao? Suy cho cùng, người phái có địa vị cao hơn người được phái”.

9 Tương tự thế, chúng ta cũng có thể đọc Phi-líp 2:9. Trong câu này, sứ đồ Phao-lô cho biết Đức Chúa Trời đã làm gì sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại: “Đức Chúa Trời đã nâng ngài [Chúa Giê-su] lên địa vị cao hơn và nhân từ ban cho ngài danh trên hết mọi danh”. Để giúp người đó lý luận dựa trên câu Kinh Thánh này, hãy hỏi họ: “Nếu Chúa Giê-su ngang hàng với Đức Chúa Trời trước khi ngài chết và sau đó Đức Chúa Trời nâng ngài lên một địa vị cao hơn thì chẳng phải Chúa Giê-su trở nên cao trọng hơn Đức Chúa Trời sao? Nhưng ai có thể trở nên cao trọng hơn Đức Chúa Trời?”. Nếu người đó tôn trọng Lời Đức Chúa Trời và có lòng thành, có lẽ cách lý luận này sẽ thôi thúc họ xem xét kỹ hơn.—Công 17:11.

10. (a) Làm thế nào chúng ta có thể lý luận với người tin có lửa địa ngục? (b) Bạn thấy cách lý luận nào hữu hiệu khi nói về lửa địa ngục?

10 Trường hợp 2: Một chủ nhà sùng đạo thấy khó tin rằng người ác sẽ không bị hành hạ mãi mãi trong lửa địa ngục. Niềm tin đó có thể bắt nguồn từ việc muốn thấy người ác phải trả giá cho hành động của mình. Làm thế nào chúng ta có thể lý luận với những người cảm thấy như thế? Đầu tiên, hãy đảm bảo với họ rằng người ác sẽ bị trừng phạt (2 Tê 1:9). Sau đó, hãy mời họ đọc Sáng-thế Ký 2:16, 17 để thấy hình phạt dành cho tội lỗi là cái chết. Chúng ta có thể giải thích rằng vì tội của A-đam mà cả nhân loại sinh ra đều là người tội lỗi (Rô 5:12). Nhưng chúng ta có thể cho họ biết Đức Chúa Trời không nói gì về việc trừng phạt trong lửa địa ngục. Kế đến, hãy hỏi họ: “Nếu A-đam và Ê-va có nguy cơ bị hành hạ mãi mãi thì chẳng phải Đức Chúa Trời nên cảnh báo họ sao?”.  Tiếp theo, hãy đọc Sáng-thế Ký 3:19, câu Kinh Thánh này cho biết hình phạt sau khi A-đam và Ê-va phạm tội nhưng không nói gì về lửa địa ngục. Thay vì thế, Đức Chúa Trời bảo A-đam rằng ông sẽ trở về bụi đất. Chúng ta hãy hỏi tiếp: “Có công bằng không nếu Đức Chúa Trời bảo A-đam rằng ông sẽ trở về bụi đất trong khi sự thật là ông phải xuống một địa ngục nóng bỏng?”. Nếu là người cởi mở, có lẽ câu hỏi như thế sẽ khiến họ suy nghĩ sâu xa hơn về đề tài này.

11. (a) Một cách để lý luận với người tin rằng mọi người tốt đều lên thiên đàng là gì? (b) Bạn thấy cách lý luận nào hữu hiệu khi nói về hy vọng sống trên trời?

11 Trường hợp 3: Khi làm thánh chức, chúng ta gặp người tin rằng mọi người tốt đều lên thiên đàng. Niềm tin ấy có thể ảnh hưởng đến cách hiểu của họ về Kinh Thánh. Giả sử chúng ta cùng họ xem Khải huyền 21:4. (Đọc). Có thể người đó cho rằng những ân phước trong câu Kinh Thánh này áp dụng cho cuộc sống trên trời. Chúng ta nên lý luận thế nào? Thay vì dùng các câu Kinh Thánh khác để dẫn chứng, chúng ta có thể tập trung vào một chi tiết ngay trong câu Kinh Thánh ấy. Đó là “sẽ không còn sự chết”. Hãy hỏi chủ nhà có đồng ý không khi nói một điều không còn, nghĩa là trước đây nó phải có rồi. Hẳn người đó sẽ đồng ý. Sau đó, chúng ta có thể nói rằng trên trời chưa hề có sự chết, con người chỉ chết trên đất. Vậy thì hợp lý là Khải huyền 21:4 phải nói đến các ân phước tương lai trên đất.—Thi 37:29.

DÙNG MINH HỌA ĐỂ ĐƯA VÀO ĐIỂM CHÍNH

12. Tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa?

12 Ngoài việc đặt câu hỏi, Chúa Giê-su còn dùng minh họa khi thi hành thánh chức. (Đọc Ma-thi-ơ 13:34, 35). Các minh họa của Chúa Giê-su cho thấy rõ động lực trong lòng người nghe (Mat 13:10-15). Các minh họa cũng khiến sự dạy dỗ của Chúa Giê-su thu hút và dễ nhớ. Chúng ta có thể dùng minh họa để dạy dỗ như thế nào?

13. Chúng ta có thể dùng minh họa nào để cho thấy Đức Chúa Trời lớn hơn Chúa Giê-su?

13 Các minh họa đơn giản thường hiệu quả nhất. Thí dụ, khi giải thích Đức Chúa Trời lớn hơn Chúa Giê-su, có lẽ chúng ta nên thử phương pháp sau. Chúng ta có thể nói rằng cả Đức Chúa Trời lẫn Chúa Giê-su đều dùng vai trò trong gia đình để miêu tả mối quan hệ. Đức Chúa Trời gọi Chúa Giê-su là Con và Chúa Giê-su gọi Đức Chúa Trời là Cha (Lu 3:21, 22; Giăng 14:28). Tiếp theo, hãy hỏi chủ nhà: “Nếu muốn minh họa về hai người ngang hàng, ông/bà sẽ dùng mối quan hệ nào trong gia đình?”. Người ấy có thể nói đến anh em, thậm chí là anh em sinh đôi. Nếu thế, hãy đồng ý rằng đó là sự so sánh hợp lý. Rồi bạn có thể hỏi: “Nếu chúng ta dễ dàng nghĩ đến minh họa này thì chẳng lẽ Chúa Giê-su, vị Thầy Vĩ Đại, không nghĩ ra sự so sánh như thế sao? Nhưng Chúa Giê-su gọi Đức Chúa Trời là Cha. Vậy, Chúa Giê-su miêu tả Đức Chúa Trời hiện hữu lâu hơn và có nhiều quyền hành hơn ngài”.

14. Minh họa nào cho thấy việc Đức Chúa Trời để Sa-tan hành hạ người ta trong địa ngục là điều rất vô lý?

14 Hãy xem một thí dụ khác. Nhiều người tin rằng Sa-tan cai quản địa ngục. Minh họa sau có thể giúp bậc cha mẹ hiểu việc Đức Chúa Trời để cho Sa-tan hành hạ người ta trong địa ngục là điều rất vô lý. Chúng ta có thể nói: “Hãy tưởng tượng con của ông/bà trở nên ngỗ nghịch và làm nhiều điều sai trái. Ông/Bà sẽ làm gì?”. Hẳn họ nói rằng  mình sẽ sửa trị con. Có lẽ họ sẽ cố gắng hết sức để giúp con từ bỏ đường xấu (Châm 22:15). Lúc này chúng ta có thể hỏi họ sẽ làm gì nếu con bác bỏ mọi nỗ lực của họ. Phần lớn cha mẹ sẽ trả lời rằng họ buộc phải trừng phạt nó. Tiếp theo, hãy hỏi: “Nếu ông/bà phát hiện ra con mình trở nên ngỗ nghịch vì bị ảnh hưởng bởi một kẻ ác thì sao?”. Dĩ nhiên, họ sẽ nổi giận với kẻ đó. Để đưa vào điểm chính, chúng ta có thể hỏi: “Nếu biết một kẻ ác đã ảnh hưởng đến con mình, ông/bà có nhờ kẻ đó trừng phạt con giùm mình không?”. Chắc chắn câu trả lời là không. Vậy thì rõ ràng Đức Chúa Trời không dùng Sa-tan để trừng phạt những người đã bị hắn ảnh hưởng!

GIỮ QUAN ĐIỂM THĂNG BẰNG

15, 16. (a) Tại sao chúng ta không nên mong đợi mọi người mình rao giảng sẽ hưởng ứng tin mừng về Nước Trời? (b) Phải chăng chúng ta cần có tài ăn nói mới dạy dỗ hữu hiệu? Hãy giải thích. (Cũng xem khung “ Một công cụ giúp chúng ta trả lời”).

15 Chúng ta hiểu rằng không phải mọi người mình rao giảng đều hưởng ứng tin mừng (Mat 10:11-14). Cho dù chúng ta đặt đúng câu hỏi, lý luận sắc sảo và dùng minh họa hay nhất thì cũng sẽ có người không chấp nhận tin mừng về Nước Trời. Suy cho cùng, khá ít người đã hưởng ứng sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, người Thầy Vĩ Đại nhất từng sống trên đất.—Giăng 6:66; 7:45-48.

16 Mặt khác, cho dù cảm thấy mình không có tài ăn nói nhưng chúng ta vẫn có thể hữu hiệu trong thánh chức. (Đọc Công vụ 4:13). Kinh Thánh cho chúng ta một lý do vững chắc để tin rằng “tất cả những ai có thái độ đúng để hưởng sự sống vĩnh cửu” sẽ chấp nhận tin mừng (Công 13:48). Vì thế, chúng ta hãy vun trồng và gìn giữ quan điểm thăng bằng về chính mình cũng như những người chúng ta rao giảng. Mong sao chúng ta tận dụng sự huấn luyện mà Đức Giê-hô-va cung cấp và tin chắc rằng cả chúng ta lẫn người nghe đều sẽ được lợi ích (1 Ti 4:16). Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta biết cách “đối đáp với mỗi người”. Một cách để thành công trong thánh chức là áp dụng điều mà người ta thường gọi là Luật Vàng. Bài tới sẽ xem xét điều này.

^ đ. 6 Xin xem bài “Có thể xây đắp đức tin nơi Đấng Tạo Hóa?” trong Tháp Canh ngày 1-10-2009.