Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 KINH NGHIỆM

Đức Giê-hô-va đã thật sự giúp tôi

Đức Giê-hô-va đã thật sự giúp tôi

Tôi cùng vợ mới cưới là Evelyn bước xuống xe lửa ở thị trấn Hornepayne, vùng rừng rú phía bắc Ontario, Canada. Đó là một buổi sáng giá rét. Một anh địa phương đến đón chúng tôi, và chúng tôi dùng bữa điểm tâm thịnh soạn cùng với vợ chồng anh và con trai họ. Sau đó, chúng tôi bước đi trên tuyết và làm chứng từng nhà. Trưa hôm ấy, tôi làm bài giảng công cộng lần đầu với tư cách là giám thị vòng quanh. Chỉ có năm người chúng tôi tham dự, không có ai đến.

Quả thật là vào năm 1957, tôi không bối rối khi nói bài giảng trước vài cử tọa. Thật ra, tôi luôn cực kỳ nhút nhát. Lúc còn nhỏ, tôi từng chạy trốn khi khách đến nhà chơi, dù là người quen.

Có lẽ bạn ngạc nhiên khi biết là hầu hết nhiệm sở của tôi trong tổ chức Đức Giê-hô-va buộc tôi phải tiếp xúc với nhiều người, cả bạn bè lẫn người lạ. Tuy nhiên, tôi tiếp tục phấn đấu với tính nhút nhát và thiếu tự tin, nên không tự hào về bất cứ thành quả nào mình đạt được trong các nhiệm sở của mình. Thay vì thế, tôi cảm nghiệm lời hứa của Đức Giê-hô-va là thật: “Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi, lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi” (Ê-sai 41:10). Một trong những cách chính yếu mà Đức Giê-hô-va giúp tôi là qua sự hỗ trợ của anh em đồng đạo. Hãy để tôi kể về vài người bạn như thế, bắt đầu lúc tôi còn bé.

CHỊ DÙNG CUỐN KINH THÁNH VÀ SỔ TAY MÀU ĐEN

Tại nông trại chúng tôi ở tây nam Ontario

Sáng chủ nhật đẹp trời vào thập niên 1940, chị Elsie Huntingford đến truyền giáo tại nông trại gia đình chúng tôi ở tây nam Ontario. Mẹ tôi ra mở cửa, còn cha, cũng mắc cỡ như tôi, ngồi với tôi bên trong và lắng nghe. Nghĩ rằng chị Huntingford  là nhân viên bán hàng và mẹ sẽ mua thứ mà gia đình không cần, nên cha bước ra cửa và nói là chúng tôi không thích. Chị Huntingford hỏi: “Ông bà không thích tìm hiểu Kinh Thánh sao?”. Cha đáp: “Tất nhiên là ”.

Chị Huntingford đến thật đúng lúc. Cha mẹ tôi là tín đồ sùng đạo của Nhà Thờ Thống Nhất Canada, nhưng gần đây họ quyết định bỏ nhà thờ. Tại sao? Vì ngay trong tiền sảnh nhà thờ, mục sư đính danh sách tất cả những người đóng góp trên bảng, sắp theo thứ tự từ nhiều đến ít. Cha mẹ tôi, thuộc dạng nghèo, thường nằm gần cuối danh sách, và giới chức sắc nhà thờ gây áp lực để cha mẹ tôi đóng góp thêm. Vì muốn giữ chức vụ nên một mục sư khác thừa nhận rằng ông không dạy những điều mình thật sự tin. Thế nên, chúng tôi bỏ nhà thờ nhưng vẫn tìm cách thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Lúc đó, công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán ở Canada, chị Huntingford giúp gia đình tôi tìm hiểu Kinh Thánh, dùng cuốn Kinh Thánh và vài ghi chú trong quyển sổ tay màu đen. Rồi sau khi nhận ra rằng chúng tôi không tố cáo với chính quyền, chị mới giới thiệu các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Chúng tôi cẩn thận giấu ấn phẩm sau mỗi buổi học. *

Cha mẹ hưởng ứng tin mừng được giảng từng nhà và làm báp-têm năm 1948

Dù bị chống đối và gặp những trở ngại khác, nhưng chị Huntingford vẫn sốt sắng rao truyền tin mừng. Tôi ấn tượng trước lòng hăng hái của chị, điều này thôi thúc tôi đứng về phía sự thật. Một năm sau khi cha mẹ tôi làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. Tôi làm báp-têm vào ngày 27-2-1949, trong một cái máng kim loại đựng nước uống cho gia súc. Lúc ấy tôi 17 tuổi. Sau đó tôi quyết tâm sẽ phụng sự trọn thời gian.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA GIÚP TÔI CAN ĐẢM

Tôi ngạc nhiên khi được mời vào Bê-tên năm 1952

Tôi chần chừ không làm tiên phong ngay. Trong một thời gian, tôi làm việc ở ngân hàng và văn phòng vì nghĩ rằng tôi cần có một ít tiền để làm tiên phong. Tuy nhiên, là người trẻ thiếu kinh nghiệm nên làm bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu. Thế nên một anh tên Ted Sargent khuyến  khích tôi hãy can đảm và đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va (1 Sử 28:10). Với lời khích lệ ân cần ấy, tôi bắt đầu làm tiên phong vào tháng 11 năm 1951. Tôi chỉ có 40 đô la, một xe đạp cũ và cặp táp mới. Nhưng Đức Giê-hô-va luôn cung cấp những gì tôi cần. Thật biết ơn làm sao khi anh Ted đã khuyến khích tôi bắt đầu công việc tiên phong! Nhờ vậy mà tôi nhận thêm nhiều ân phước.

Một buổi tối vào cuối tháng 8 năm 1952, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Toronto. Văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Canada mời tôi vào làm việc ở Bê-tên bắt đầu từ tháng chín. Dù nhút nhát và chưa bao giờ đến thăm nơi ấy, nhưng tôi rất hào hứng vì nghe các tiên phong khác kể những chuyện thú vị về Bê-tên. Tôi cảm thấy Bê-tên như là nhà của mình ngay từ khi mới vào.

“HÃY CHO ANH EM THẤY ANH QUAN TÂM ĐẾN HỌ”

Sau khi ở Bê-tên được hai năm, tôi kế nhiệm anh Bill Yacos, là tôi tớ hội thánh (hiện được gọi là giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão) thuộc một trong các hội thánh ở Toronto. Chỉ mới 23 tuổi, tôi thấy mình là chàng nông dân chất phác. Nhưng anh Yacos khiêm tốn, yêu thương cho biết tôi phải làm gì. Và Đức Giê-hô-va quả thật đã giúp tôi.

Anh Yacos—một người rắn chắc, luôn nở nụ cười trên môi—rất quan tâm đến người ta. Anh yêu thương anh em, và họ cũng yêu thương anh. Anh thường đến nhà thăm họ, không chỉ khi họ gặp vấn đề. Anh Bill Yacos khuyến khích tôi làm thế và cùng đi truyền giáo với các anh em. Anh nói: “Ken à, hãy cho anh em thấy anh quan tâm đến họ. Nhờ vậy, vô số thiếu sót sẽ được che lấp”.

VỢ TÔI THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG TRUNG TÍN

Kể từ tháng giêng năm 1957, Đức Giê-hô-va đã giúp tôi qua một cách rất đặc biệt. Tháng đó tôi kết hôn với Evelyn, đã tốt nghiệp khóa 14 của Trường Ga-la-át. Trước khi kết hôn, chị đã phụng sự ở Quebec, một tỉnh nói tiếng Pháp. Thời đó, Giáo hội Công giáo La Mã giám sát phần lớn địa phận Quebec. Thế nên, Evelyn có một nhiệm sở đầy thách đố, nhưng chị trung thành gắn bó với nhiệm sở và Đức Giê-hô-va.

Kết hôn với Evelyn năm 1957

Evelyn cũng trung thành ủng hộ tôi (Ê-phê 5:31). Đôi khi điều này không phải dễ. Chẳng hạn, chỉ sau đám cưới một ngày, chi nhánh đề nghị tôi dự buổi họp dài một tuần ở Bê-tên Canada. Nhưng chúng tôi đã dự định hưởng tuần trăng mật ở bang Florida, Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, buổi họp này làm gián đoạn kế hoạch của chúng tôi, nhưng vợ chồng tôi muốn làm bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va muốn. Vì vậy, chúng tôi hủy tuần trăng mật. Trong tuần lễ đó, Evelyn đi truyền giáo gần chi nhánh. Dù khu vực ấy khác xa với Quebec, nhưng cô ấy vẫn kiên trì.

Cuối tuần lễ ấy, tôi đón nhận một điều bất ngờ—được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh ở phía bắc Ontario. Tôi là người chồng mới, chỉ 25  tuổi và rất ít kinh nghiệm, nhưng chúng tôi tin Đức Giê-hô-va sẽ hỗ trợ mình. Giữa mùa đông Canada, vợ chồng tôi đi chuyến tàu đêm cùng với một số giám thị lưu động có kinh nghiệm. Các anh này trở về nhiệm sở. Họ khích lệ chúng tôi rất nhiều! Thậm chí, một anh còn năn nỉ chúng tôi dùng toa có giường nằm mà anh đã đặt cho mình, để chúng tôi không phải ngồi suốt đêm trên băng ghế. Sáng hôm sau, chỉ 15 ngày sau đám cưới, chúng tôi đến thăm một nhóm nhỏ tại Hornepayne, như tôi đã nói ở trên.

Có nhiều thay đổi đang chờ đón vợ chồng tôi. Trong khi chúng tôi đang làm công việc địa hạt vào cuối năm 1960, tôi nhận lời mời tham dự khóa 36 của Trường Ga-la-át. Khóa học sẽ kéo dài mười tháng, bắt đầu vào đầu tháng 2 năm 1961 ở Brooklyn, New York. Dĩ nhiên, tôi rất háo hức nhưng niềm vui của tôi chợt lắng xuống vì Evelyn không được mời. Thay vì thế, giống như các chị khác trong tình cảnh tương tự, Evelyn phải viết một lá thư, cho biết cô ấy sẵn sàng xa tôi ít nhất mười tháng. Evelyn khóc, nhưng chúng tôi nhất trí là tôi sẽ dự khóa học, và vợ tôi rất vui vì tôi sẽ nhận được sự huấn luyện hữu ích ở Ga-la-át.

Trong thời gian đó, Evelyn phụng sự tại chi nhánh Canada. Vợ tôi có đặc ân ở chung phòng với một chị được xức dầu tên Margaret Lovell. Dĩ nhiên, vợ chồng tôi rất nhớ nhau. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng tôi thích nghi với nhiệm sở tạm thời này. Tôi rất cảm động trước việc Evelyn sẵn sàng hy sinh thời gian chúng tôi ở bên nhau để tôi có thể trở nên hữu dụng hơn cho Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài.

Sau khi học Trường Ga-la-át được khoảng ba tháng, anh Nathan Knorr, người dẫn đầu công việc toàn cầu lúc bấy giờ, đã cho tôi một lời mời đặc biệt. Anh hỏi tôi có muốn ngưng học Trường Ga-la-át, trở về Canada để tạm thời làm giảng viên của Trường thánh chức Nước Trời ở chi nhánh hay không. Anh Knorr cho biết là tôi không cần phải nhận lời mời này. Tôi có thể hoàn tất khóa học của Trường Ga-la-át nếu muốn, sau đó có lẽ được bổ nhiệm làm giáo sĩ. Anh cũng nói nếu quyết định trở về Canada, có lẽ tôi không bao giờ được mời tham dự Trường Ga-la-át lần nữa và với thời gian, có thể tôi sẽ được bổ nhiệm trở lại cánh đồng ở Canada. Anh để cho tôi quyết định sau khi bàn bạc với vợ tôi.

Vì Evelyn đã cho tôi biết quan điểm của cô ấy về các nhiệm sở trong tổ chức, ngay lập tức tôi nói với anh Knorr: “Cho dù tổ chức của Đức Giê-hô-va muốn chúng tôi làm bất cứ điều gì, chúng tôi đều sẵn lòng”. Chúng tôi luôn thấy, dù sở thích là thế nào, chúng tôi nên đi đến bất cứ nơi nào tổ chức Đức Giê-hô-va bổ nhiệm chúng tôi đi.

Vì vậy, vào tháng 4 năm 1961, tôi rời Brooklyn và trở về Canada để làm giảng viên cho Trường  thánh chức Nước Trời. Sau đó, chúng tôi bắt đầu phụng sự ở nhà Bê-tên. Rồi tôi ngạc nhiên khi nhận lời mời tham dự khóa 40 của Trường Ga-la-át, sẽ bắt đầu năm 1965. Một lần nữa, Evelyn phải viết thư chấp thuận việc chúng tôi xa nhau. Nhưng vài tuần sau, vợ chồng tôi vô cùng phấn khởi, vợ tôi cũng được mời tham dự trường cùng tôi.

Sau khi chúng tôi đến Trường Ga-la-át, anh Knorr cho biết học viên nào đã đăng ký vào lớp học tiếng Pháp, như chúng tôi lúc đó, sẽ được bổ nhiệm sang châu Phi. Tuy nhiên, vào ngày trao bằng tốt nghiệp, chúng tôi lại nhận nhiệm sở ở Canada! Tôi được bổ nhiệm làm giám thị chi nhánh (hiện là điều phối viên Ủy ban chi nhánh). Chỉ mới 34 tuổi, tôi nói với anh Knorr là “tôi còn khá trẻ”. Nhưng anh trấn an tôi. Và từ lúc đầu, trước khi quyết định điều hệ trọng nào, tôi cố gắng hỏi ý kiến các anh lớn tuổi hơn, có kinh nghiệm hơn ở Bê-tên.

BÊ-TÊN—NƠI HỌC HỎI VÀ DẠY DỖ

Phụng sự tại Bê-tên cho tôi cơ hội tuyệt vời để học hỏi từ người khác. Tôi tôn trọng và rất khâm phục các thành viên khác trong Ủy ban chi nhánh. Hàng trăm anh em gương mẫu, trẻ lẫn già, cũng tác động nhiều đến tôi, những người đã đi qua cuộc đời chúng tôi tại chi nhánh và nhiều hội thánh mà chúng tôi đến phục vụ.

Điều khiển thờ phượng buổi sáng tại gia đình Bê-tên Canada

Phụng sự tại Bê-tên cũng cho tôi cơ hội để dạy dỗ người khác và làm đức tin họ vững mạnh. Sứ đồ Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Hãy tiếp tục giữ những điều con đã học”. Ông cũng cho biết: “Về những điều con nghe nơi ta và đã được nhiều nhân chứng xác nhận, hãy truyền lại cho những người trung thành, nhờ thế họ sẽ có đủ tư cách dạy lại người khác” (2 Ti 2:2; 3:14). Đôi khi anh em đồng đạo hỏi, tôi đã học được điều gì trong suốt 57 năm phụng sự ở Bê-tên. Tôi chỉ đáp: “Sẵn sàng, nhanh chóng làm theo những gì tổ chức Đức Giê-hô-va muốn mình làm, nương cậy Cha để Cha giúp mình”.

Tôi vẫn nhớ rõ ngày mình mới đặt chân đến Bê-tên. Tôi là một thanh niên nhút nhát và thiếu kinh nghiệm. Dù vậy trong bao năm qua, Đức Giê-hô-va đã ‘nắm tay hữu tôi’. Đặc biệt là với sự giúp đỡ nhân từ và đúng lúc của anh em đồng đạo, ngài tiếp tục trấn an tôi: ‘Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ con’.—Ê-sai 41:13.

^ đ. 10 Ngày 22-5-1945, chính quyền Canada bãi bỏ lệnh cấm công việc của chúng ta.