Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm theo Luật Vàng trong thánh chức

Làm theo Luật Vàng trong thánh chức

“Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ”.—MAT 7:12.

1. Trong thánh chức, cách cư xử của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến người ta? Cho thí dụ. (Xem hình nơi đầu bài).

Cách đây vài năm, một cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô ở Fiji tham gia đợt mời người ta đến dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su. Khi họ đang nói chuyện với một phụ nữ ở trước nhà thì trời mưa. Người chồng trao cho phụ nữ ấy cây dù, còn anh thì che chung dù với vợ. Cặp vợ chồng rất vui khi thấy phụ nữ ấy có mặt tại Lễ Tưởng Niệm. Bà thừa nhận rằng mình không nhớ gì nhiều về điều hai Nhân Chứng đã nói, nhưng ấn tượng trước cách cư xử của họ đến nỗi bà phải dự Lễ Tưởng Niệm. Điều gì khiến bà phản ứng tích cực như thế? Cặp vợ chồng này đã làm theo điều thường được gọi là Luật Vàng.

2. Luật Vàng là gì, và chúng ta có thể áp dụng luật này thế nào?

2 Luật Vàng là gì? Đó là lời khuyên của Chúa Giê-su: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ” (Mat 7:12). Chúng ta có thể áp dụng luật này như thế nào? Về cơ bản, chúng ta cần thực hiện hai bước. Thứ nhất, hãy tự hỏi: “Nếu đặt mình vào hoàn cảnh người khác, liệu chúng ta muốn được đối xử thế nào?”. Rồi chúng ta cần hành động, cố gắng chiều theo ý người đó nếu có thể được.—1 Cô 10:24.

3, 4. (a) Hãy giải thích tại sao chúng ta không chỉ áp dụng Luật Vàng đối với anh em đồng đạo. (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

 3 Chúng ta thường áp dụng Luật Vàng khi đối xử với anh em đồng đạo. Tuy nhiên Chúa Giê-su không hàm ý là chúng ta chỉ nên áp dụng điều này với anh em đồng đức tin. Thật ra, ngài đề cập đến Luật Vàng khi đang thảo luận cách chúng ta nên đối xử với người ta nói chung, ngay cả với kẻ thù. (Đọc Lu-ca 6:27, 28, 31, 35). Nếu phải áp dụng Luật Vàng với kẻ thù, thì chúng ta càng phải theo luật này khi làm chứng cho người ta biết bao!—có lẽ nhiều người trong số đó “có thái độ đúng để hưởng sự sống vĩnh cửu”.—Công 13:48.

4 Giờ đây chúng ta sẽ thảo luận bốn câu hỏi mà chúng ta cần ghi nhớ khi đi rao giảng: “Người mình đến gặp là ai? Mình đến gặp họ ở đâu? Thời gian thuận tiện nhất để gặp họ là khi nào? Mình nên tiếp cận họ như thế nào?”. Như chúng ta sẽ thấy, những câu hỏi này có thể giúp chúng ta hiểu cảm xúc của những người mình rao giảng và điều chỉnh phương pháp tiếp cận phù hợp.—1 Cô 9:19-23.

NGƯỜI MÌNH ĐẾN GẶP LÀ AI?

5. Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?

5 Trong thánh chức, chúng ta thường nói chuyện với từng người. Mỗi người có gốc gác và vấn đề riêng (2 Sử 6:29). Khi cố gắng chia sẻ tin mừng với người nào đó, hãy tự hỏi: “Nếu đổi vị trí, mình muốn người này xem mình như thế nào? Liệu mình có vui nếu người ấy vội kết luận hoặc đoán xét trước khi biết về mình? Hoặc mình sẽ thích hơn nếu người đó biết mình là người như thế nào?”. Việc xem xét những câu hỏi này nhắc chúng ta biết cách đối xử với mỗi chủ nhà.

6, 7. Trong thánh chức, nếu gặp một người có vẻ hung hăng thì chúng ta nên làm gì?

6 Không ai muốn mang tiếng là “người không tử tế”. Thí dụ, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta cố gắng hết sức để áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh: “Lời nói anh em phải luôn tử tế” (Cô 4:6). Tuy nhiên, là người bất toàn, đôi khi chúng ta nói điều gì đó mà sau này phải hối tiếc (Gia 3:2). Nếu lỡ nói lời không tử tế với một người nào đó, có lẽ vì ngày hôm ấy chúng ta không vui, chúng ta không muốn bị mang tiếng “thô lỗ” hoặc “thiếu suy xét”. Chúng ta mong người ấy sẽ thông cảm. Chẳng phải chúng ta nên cư xử với người khác như vậy sao?

7 Nếu trong thánh chức gặp một người có vẻ hung hăng, bạn có thể thông cảm về hành động của người đó không? Phải chăng người đó đang bị áp lực tại sở làm hay trường học? Có phải người này đang đối phó với vấn đề sức khỏe? Trong nhiều trường hợp, những chủ nhà lúc đầu tỏ ra bực bội đã có thiện cảm khi dân của Đức Giê-hô-va đối xử với họ cách ôn hòa, kính trọng.—Châm 15:1; 1 Phi 3:15.

8. Tại sao chúng ta không nên ngần ngại chia sẻ thông điệp Nước Trời với “mọi loại người”?

8 Trong thánh chức, chúng ta rao giảng cho người thuộc mọi tầng lớp. Chẳng hạn, chỉ trong vài năm qua, hơn 60 kinh nghiệm được đăng ở loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” trong Tháp Canh. Một số người được nêu trong loạt bài này trước kia là trộm cắp, say sưa, băng đảng hoặc nghiện ma túy. Người khác là chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo hoặc những người tập trung vào sự nghiệp. Một số sống vô luân. Tuy nhiên, tất cả đều nghe tin mừng, đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh, thay đổi đời sống và theo sự thật. Vì vậy, chúng ta không nên  cho rằng một số người sẽ không bao giờ chấp nhận thông điệp Nước Trời. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 6:9-11). Thay vì thế, chúng ta biết rằng “mọi loại người” có thể hưởng ứng tin mừng.—1 Cô 9:22.

MÌNH ĐẾN GẶP HỌ Ở ĐÂU?

9. Tại sao chúng ta nên tôn trọng nhà người khác?

9 Trong thánh chức, chúng ta đến gặp người ta ở đâu? Thường thì chúng ta gặp họ ở nhà (Mat 10:11-13). Chúng ta cảm kích khi người khác tôn trọng nhà cửa và tài sản của mình. Suy cho cùng, nhà cửa là quan trọng đối với mình. Chúng ta muốn nhà cửa là chốn an toàn, riêng tư. Thế nên chúng ta hãy tỏ lòng tôn trọng như vậy đối với người khác. Do đó, trong thánh chức rao giảng từng nhà, chúng ta nên nghĩ đến cách tôn trọng nhà người khác.—Công 5:42.

10. Trong thánh chức, làm sao chúng ta có thể tránh làm người khác khó chịu?

10 Ngày nay, thế gian đầy dẫy tội ác nên nhiều chủ nhà nghi ngờ người lạ (2 Ti 3:1-5). Chúng ta muốn tránh việc làm họ nghi ngờ thêm. Chẳng hạn, khi đến một nhà và gõ cửa, nếu không ai trả lời, có thể chúng ta muốn nhìn qua cửa sổ hoặc đi quanh nhà để tìm chủ nhà. Trong khu vực của bạn, điều đó có thể khiến chủ nhà khó chịu không? Hàng xóm của người ấy sẽ nghĩ gì? Đúng là chúng ta nên làm chứng cặn kẽ (Công 10:42). Chúng ta có động lực tốt, nóng lòng muốn chia sẻ một thông điệp tích cực (Rô 1:14, 15). Tuy nhiên, chúng ta nên khôn ngoan, tránh bất cứ điều gì có thể khiến những người trong khu vực cảm thấy khó chịu. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng tôi chẳng làm điều gì gây cớ vấp ngã, hầu không tìm thấy bất cứ lỗi nào trong chức vụ của chúng tôi” (2 Cô 6:3). Khi tôn trọng nhà cửa và tài sản của những người trong khu vực, cách ăn ở của chúng ta có lẽ thu hút một số người đến với sự thật.—Đọc 1 Phi-e-rơ 2:12.

Chúng ta hãy luôn tôn trọng nhà cửa, tài sản và sự riêng tư của chủ nhà (Xem đoạn 10)

MÌNH ĐẾN GẶP HỌ KHI NÀO?

11. Tại sao chúng ta cảm kích khi người khác tôn trọng thì giờ của mình?

11 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, hầu hết chúng ta đều có đời sống bận rộn. Để hoàn thành trách nhiệm, chúng ta sắp xếp những điều ưu tiên và cẩn thận lên thời gian biểu (Ê-phê 5:16; Phi-líp 1:10). Nếu có điều gì xen vào thời gian biểu, có thể chúng ta cảm thấy bực bội. Thế nên, chúng ta cảm kích khi người khác tôn trọng thì giờ của mình, tỏ ra phải lẽ khi đến gặp và không chiếm nhiều thời gian của chúng ta. Nhớ đến Luật Vàng, làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình tôn trọng những người mình rao giảng?  

12. Làm thế nào chúng ta có thể xác định giờ giấc thuận tiện nhất để đến gặp những người trong khu vực?

12 Chúng ta nên xác định giờ giấc thuận tiện nhất để đến gặp chủ nhà. Trong khu vực của chúng ta, người ta thường ở nhà lúc nào? Họ có thể sẵn lòng tiếp đón chúng ta lúc nào? Chúng ta nên tìm cách điều chỉnh thời gian biểu của mình cho phù hợp. Ở một số nơi trên thế giới, công việc rao giảng từng nhà thường có hiệu quả nhất vào lúc chiều tối. Nếu khu vực bạn cũng như thế, bạn có thể dành ra một chút thời gian để đi rao giảng từng nhà vào giờ đó không? (Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:24). Chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho chúng ta vì có tinh thần hy sinh, rao giảng vào những giờ thuận tiện nhất cho những người trong khu vực.

13. Làm thế nào chúng ta có thể tôn trọng chủ nhà?

13 Chúng ta có thể tôn trọng một người qua cách nào khác? Khi gặp một  người chịu lắng nghe, chúng ta nên làm chứng nhưng không nên ở quá lâu. Có lẽ chủ nhà dành thời gian này để làm việc gì đó mà họ xem là quan trọng. Nếu người ấy nói họ đang bận, có thể chúng ta cho biết mình sẽ nói ngắn gọn—và chúng ta nên giữ lời (Mat 5:37). Khi kết thúc cuộc nói chuyện, chúng ta nên hỏi lúc nào là thuận tiện để trở lại viếng thăm. Một số người công bố nhận thấy hiệu quả khi nói: “Tôi muốn trở lại thăm ông/bà. Nếu trước khi đến, tôi gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn có được không?”. Khi thích nghi với thời gian biểu của những người trong khu vực, chúng ta đang noi gương Phao-lô, là người “không mưu cầu lợi ích cho riêng mình nhưng cho nhiều người, để họ có thể được cứu”.—1 Cô 10:33.

MÌNH NÊN TIẾP CẬN HỌ NHƯ THẾ NÀO?

14-16. (a) Tại sao chúng ta nên cho chủ nhà biết rõ mục đích của cuộc viếng thăm? Hãy nêu ví dụ. (b) Một giám thị lưu động nhận ra cách tiếp cận nào mang lại kết quả?

14 Hình dung một ngày nọ, chúng ta nhận một cuộc điện thoại nhưng không nhận ra giọng của người gọi. Đó là người lạ, nhưng lại hỏi về loại thực phẩm mà chúng ta thích. Chúng ta thắc mắc người này là ai và muốn gì. Vì lịch sự, có lẽ chúng ta nói chuyện ít thôi, nhưng sau đó có ý cho người ấy biết chúng ta muốn kết thúc cuộc nói chuyện. Mặt khác, hãy tưởng tượng người gọi tự giới thiệu và cho biết ông làm trong ngành dinh dưỡng, ân cần nói ông có một số thông tin hữu ích. Có lẽ như thế chúng ta dễ tiếp nhận hơn. Suy  cho cùng, chúng ta cảm kích khi người ta nói thẳng vào vấn đề nhưng tế nhị khi tiếp xúc với chúng ta. Làm sao chúng ta có thể làm thế với những người mình gặp trong thánh chức?

15 Trong nhiều khu vực, chúng ta cần nói rõ cho chủ nhà biết mục đích của cuộc viếng thăm. Thật thế, chúng ta có thông tin hữu ích mà chủ nhà không có. Tuy nhiên, giả sử chúng ta không tự giới thiệu và mở đầu bằng một câu hỏi đột ngột: “Nếu có khả năng giải quyết bất cứ vấn đề nào trên thế giới thì ông/bà sẽ chọn vấn đề gì?”. Chúng ta đặt câu hỏi ấy để nhận ra người đó đang nghĩ gì, rồi hướng cuộc nói chuyện vào Kinh Thánh. Tuy nhiên, có lẽ chủ nhà thắc mắc: “Người lạ này là ai, sao lại hỏi mình như thế? Rốt cuộc đây là chuyện gì?”. Vì vậy, chúng ta cố gắng làm cho chủ nhà cảm thấy thoải mái (Phi-líp 2:3, 4). Chúng ta có thể làm điều ấy như thế nào?

16 Một giám thị lưu động nhận thấy cách tiếp cận dưới đây mang lại kết quả. Sau khi chào hỏi xã giao, anh đưa cho chủ nhà tờ chuyên đề Bạn có muốn biết sự thật không?, rồi nói: “Hôm nay, chúng tôi có tặng tờ chuyên đề này cho mọi người trong khu vực. Ở đây đề cập đến sáu câu hỏi mà nhiều người thường thắc mắc. Xin tặng ông/bà tờ này”. Anh cho biết một khi chủ nhà biết mục đích của cuộc viếng thăm thì dường như đa số cảm thấy thoải mái và dễ tiếp tục cuộc nói chuyện hơn. Sau đó, giám thị lưu động hỏi: “Có bao giờ ông/bà nghĩ đến những câu hỏi này không?”. Nếu chủ nhà chọn một câu hỏi, anh mở tờ chuyên đề ra và thảo luận những điều Kinh Thánh nói về câu hỏi ấy. Nếu chủ nhà không chọn đề tài nào, anh tự chọn một câu hỏi và tiếp tục thảo luận, không làm cho chủ nhà khó xử. Dĩ nhiên, có nhiều cách để mở đầu cuộc nói chuyện. Ở một số nơi, có thể chủ nhà muốn chúng ta xã giao theo thông lệ trước khi cho biết mục đích viếng thăm. Chúng ta cần hiểu là việc điều chỉnh lời trình bày để người ta muốn nghe thông điệp là điều quan trọng.

TIẾP TỤC LÀM THEO LUẬT VÀNG TRONG THÁNH CHỨC

17. Như được xem xét trong bài này, chúng ta có thể làm theo Luật Vàng qua một số cách nào?

17 Chúng ta làm theo Luật Vàng trong thánh chức qua một số cách nào? Đối với mỗi chủ nhà, chúng ta có cách cư xử khác nhau. Hãy tôn trọng nhà cửa và tài sản của chủ nhà. Chúng ta cố gắng đi rao giảng vào lúc có thể gặp được chủ nhà và họ chịu lắng nghe. Hãy giới thiệu thông điệp theo cách mà những người trong khu vực sẵn sàng tiếp nhận.

18. Việc đối xử với những người trong khu vực như cách chúng ta muốn họ đối xử với mình sẽ mang lại lợi ích nào?

18 Việc đối xử với những người trong khu vực như cách chúng ta muốn họ đối xử với mình sẽ mang lại nhiều lợi ích. Khi tỏ ra tử tế và nghĩ đến cảm xúc của người khác, chúng ta đang chiếu ánh sáng, nhấn mạnh giá trị của nguyên tắc Kinh Thánh và tôn vinh Cha trên trời (Mat 5:16). Nhiều người có thể được thu hút đến với sự thật qua cách chúng ta tiếp cận họ (1 Ti 4:16). Dù những người chúng ta rao giảng có hưởng ứng thông điệp Nước Trời hay không, chúng ta thỏa nguyện khi biết rằng mình đang cố gắng hết sức để hoàn thành chức vụ thánh (2 Ti 4:5). Mong sao mỗi chúng ta noi theo sứ đồ Phao-lô, người đã viết: “Tôi làm mọi điều vì tin mừng, để có thể chia sẻ tin mừng với người khác” (1 Cô 9:23). Thế nên, hãy luôn làm theo Luật Vàng trong thánh chức.