Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp đỡ anh em đồng đạo đã ly hôn—Bằng cách nào?

Giúp đỡ anh em đồng đạo đã ly hôn—Bằng cách nào?

Rất có thể bạn biết người nào đó, hoặc có lẽ một số người, đã ly hôn. Đó là vì ly hôn đã trở nên phổ biến. Chẳng hạn, cuộc nghiên cứu ở Ba Lan cho biết người 30 tuổi đã kết hôn từ ba đến sáu năm hầu như có nguy cơ ly hôn; và việc ly hôn không chỉ giới hạn ở nhóm tuổi đó.

Thật vậy, báo cáo của Viện Chính sách Gia đình ở Tây Ban Nha cho biết, “thống kê cho thấy [tại châu Âu], phân nửa những người kết hôn sẽ ly hôn”. Ở các nước phát triển khác cũng như thế.

DỒN DẬP NHỮNG CẢM XÚC XÁO TRỘN

Vấn nạn phổ biến này bao hàm điều gì? Một chuyên gia tư vấn về hôn nhân có kinh nghiệm ở Đông Âu nhận xét: “Ly hôn là sự chính thức cho những gì đã xảy ra—chấm dứt mối quan hệ và hậu quả là ly thân, điều vô cùng đau buồn”. Bà nói thêm: “Một trận cuồng phong, cảm xúc dâng trào tột độ—nóng giận, nuối tiếc, thất vọng, tuyệt vọng và xấu hổ” thường xảy ra sau đó. Đôi khi điều này dẫn đến ý nghĩ tự tử. Bà cho biết thêm: “Khi tòa án đưa ra phán quyết về việc ly hôn, giai đoạn kế tiếp bắt đầu. Khi cảm giác trống rỗng, bị xa lánh dồn nén, có lẽ người ly hôn tự nhủ ‘mình đã ly hôn, mình thật sự là ai? Đời mình có mục đích gì?’”.

Hồi tưởng lại cảm xúc của mình cách đây vài năm, chị Ewa * thổ lộ: “Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, khi tòa đưa ra phán quyết, hàng xóm và đồng nghiệp chế giễu, đặt cho tôi biệt danh là người ‘ly hôn chồng’. Tôi tức điên lên. Tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi dạy hai con còn thơ dại”. Anh Adam, làm trưởng lão 12 năm và được kính trọng, cho biết: “Tôi mất lòng tự trọng đến mức đôi khi tôi rất tức tối, và muốn lánh xa mọi người”.

PHẤN ĐẤU ĐỂ LẤY LẠI THĂNG BẰNG

Trước nhiều lo lắng về tương lai, một số người phấn đấu để lấy lại thăng bằng, dù sau nhiều năm ly hôn. Có lẽ họ kết luận rằng người khác không quan tâm đến mình. Hơn nữa, một nhà báo trong lĩnh vực này cho biết là bây giờ họ phải “thay đổi thói quen và học cách tự đối phó với các vấn đề”.

Anh Stanisław nhớ lại: “Khi ly hôn, vợ cũ không cho tôi gặp hai con gái nhỏ. Vì thế tôi có cảm giác không ai quan tâm đến mình nữa, thậm chí nghĩ là Đức Giê-hô-va bỏ rơi tôi. Tôi không còn thiết sống. Với thời gian, tôi nhận  ra mình đã sai lầm biết bao”. Một chị đã ly hôn tên Wanda cũng cảm thấy lo lắng cho tương lai bấp bênh: “Tôi tin chắc là một thời gian sau, mọi người, kể cả anh em đồng đạo, sẽ không còn quan tâm đến mẹ con tôi. Tuy nhiên, giờ đây tôi có thể thấy sự hỗ trợ của nhiều anh em khi tôi cố gắng nuôi dạy các con trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va”.

Qua những lời bộc bạch ở trên, bạn có thể biết là sau khi ly hôn, một số người tràn ngập cảm xúc tiêu cực. Có lẽ họ phóng đại hình ảnh xấu về mình, nghĩ mình không có giá trị và không đáng để quan tâm. Đồng thời, họ có thể chỉ trích những người xung quanh. Thế nên họ bắt đầu nghĩ hội thánh là nơi lạnh lùng, vô cảm. Tuy nhiên, trường hợp của anh Stanisław và chị Wanda cho thấy những người ly hôn có thể dần nhận ra anh em thật sự quan tâm đến mình. Trên thực tế, anh em đồng đạo tận tình quan tâm nhau, dù lúc đầu người ly hôn không để ý đến sự giúp đỡ của họ.

KHI CẢM GIÁC BỊ HẮT HỦI, CÔ ĐƠN TRÀN VỀ

Hãy nhớ là dù đã cố gắng hết sức, có lẽ đôi khi anh em đồng đạo đã ly hôn nặng trĩu cảm giác cô đơn. Đặc biệt các chị đã ly hôn có lẽ nghĩ là ít người quan tâm đến mình. Chị Alicja thừa nhận: “Ly dị được tám năm rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi có cảm giác tự ti. Những lúc như thế, tôi có khuynh hướng tự cô lập, khóc và tủi thân”.

Trong khi cảm xúc được miêu tả ở đây là điều bình thường đối với những người đương đầu với việc ly hôn, Kinh Thánh khuyên tránh việc tự cô lập. Không làm theo lời khuyên này có thể dẫn đến việc phủ nhận “sự khôn-ngoan thật” (Châm 18:1). Tuy nhiên, những ai cảm thấy cô đơn nên hiểu rằng một bằng chứng của sự khôn ngoan thật là tránh việc liên tục tìm lời khuyên hoặc an ủi từ người khác phái. Vì thế, sẽ không động cơ gì để nảy sinh tình cảm lãng mạn sai trái.

Anh em đồng đạo đã ly hôn có thể bị những “cơn bão lòng” đánh tới tấp, trong đó có nỗi lo lắng về tương lai, cảm giác cô đơn hoặc ngay cả bị hắt hủi. Việc nhận ra cảm giác này là phổ biến cũng như khó vượt qua, chúng ta nên noi gương Đức Giê-hô-va, cố gắng hiểu cảm xúc của họ và làm hết sức để giúp đỡ họ (Thi 55:22; 1 Phi 5:6, 7). Chắc chắn họ sẽ rất biết ơn chúng ta, những người bạn thật, đã giúp đỡ họ.—Châm 17:17; 18:24.

^ đ. 6 Một số tên đã được thay đổi.