Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp người khác phát huy tiềm năng

Giúp người khác phát huy tiềm năng

“Mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”.—THI 32:8.

1, 2. Đức Giê-hô-va xem các tôi tớ trên đất của ngài như thế nào?

Khi quan sát con trẻ đang chơi đùa, cha mẹ thường kinh ngạc trước năng khiếu bẩm sinh của con. Bạn có công nhận điều ấy từ kinh nghiệm riêng không? Một đứa bé dường như linh động hoặc có năng khiếu thể thao, còn anh em khác thì thích vẽ hoặc làm thủ công. Dù con cái có khả năng nào đi nữa, cha mẹ cảm thấy vui khi khám phá ra tiềm năng của chúng.

2 Đức Giê-hô-va cũng rất quan tâm đến con cái trên đất của ngài. Ngài xem các tôi tớ thời hiện đại như “những sự ao-ước của các nước” (A-ghê 2:7). Họ được xem là sự ao ước, tức quý giá, vì đặc biệt có đức tin và lòng sùng kính. Có lẽ bạn cũng nhận thấy có nhiều tài năng trong vòng anh em Nhân Chứng ngày nay. Một số anh có khả năng nói trước công chúng, còn các anh khác thì giỏi sắp xếp mọi việc. Nhiều chị giỏi ngoại ngữ và dùng trong thánh chức, còn các chị khác thì nêu gương tốt trong việc giúp đỡ những người cần khích lệ hoặc chăm sóc người bệnh (Rô 16:1, 12). Chẳng phải chúng ta vô cùng biết ơn khi được ở trong hội thánh có các anh chị như thế sao?

3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

3 Tuy nhiên, một số anh em đồng đạo, kể cả các anh trẻ  hoặc các anh mới làm báp-têm, dường như chưa nhận thấy mình có vị trí nào trong hội thánh. Làm sao chúng ta có thể giúp họ phát huy hết tiềm năng? Tại sao chúng ta nên cố gắng noi gương Đức Giê-hô-va là tìm điểm tốt nơi họ?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA THẤY ĐIỂM TỐT NƠI TÔI TỚ NGÀI

4, 5. Làm thế nào lời tường thuật nơi Các Quan Xét 6:11-16 cho thấy Đức Giê-hô-va nhận ra tiềm năng của tôi tớ ngài?

4 Một số lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy rõ Đức Giê-hô-va không chỉ nhìn thấy điểm tốt nơi tôi tớ ngài, mà còn thấy tiềm năng của họ. Chẳng hạn, Ghê-đê-ôn được Đức Chúa Trời chọn để giải phóng dân ngài khỏi ách áp bức của dân Ma-đi-an. Vì cảm thấy mình không quan trọng nên hẳn ông sửng sốt trước lời chào của thiên sứ: “Hỡi người dõng-sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi”. Rõ ràng lúc đó Ghê-đê-ôn không nghĩ mình là “dõng-sĩ” chút nào và cảm thấy mình không thể cứu dân Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Giê-hô-va thì khác. Ngài thấy ông có khả năng và biết có thể dùng ông để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên.—Đọc Các Quan Xét 6:11-16.

5 Đức Giê-hô-va tin chắc là Ghê-đê-ôn sẽ giải cứu dân Y-sơ-ra-ên vì ngài đã quan sát kỹ năng của ông. Một điều là, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã chú ý cách Ghê-đê-ôn dùng hết sức để đập lúa mì. Thiên sứ còn chú ý đến một điểm khác nữa. Vào thời Kinh Thánh, nông dân thường đập lúa ở nơi trống trải, tận dụng hướng gió để trấu bay đi. Ngạc nhiên thay, Ghê-đê-ôn lén đập lúa nơi bồn ép rượu đặng giấu dân Ma-đi-an vụ thu hoạch ít ỏi của mình. Thật là thông minh! Chẳng ngạc nhiên gì, trong mắt Đức Giê-hô-va, Ghê-đê-ôn không chỉ là một nông dân thận trọng mà còn là người khôn khéo. Đúng là Đức Giê-hô-va thấy tiềm năng của ông và huấn luyện ông.

6, 7. (a) Quan điểm của Đức Giê-hô-va về nhà tiên tri A-mốt khác thế nào so với một số người Y-sơ-ra-ên? (b) Điều gì cho thấy A-mốt không phải là người không có học thức?

6 Tương tự thế, chúng ta thấy trong trường hợp của nhà tiên tri A-mốt, Đức Giê-hô-va để ý đến tiềm năng của tôi tớ ngài, dù trước mặt nhiều người, dường như ông có vẻ tầm thường hoặc khiêm tốn. A-mốt tự cho mình là người chăn cừu và chăm sóc cây vả rừng—loại cây được xem là thức ăn cho người nghèo. Khi Đức Giê-hô-va chỉ định A-mốt lên án mười chi phái thờ hình tượng của vương quốc Y-sơ-ra-ên, một số người Y-sơ-ra-ên có lẽ nghĩ ngài đã sai lầm.—Đọc A-mốt 7:14, 15.

7 A-mốt xuất thân từ một ngôi làng hẻo lánh, nhưng sự hiểu biết của ông về phong tục và nhà cầm quyền thời đó cho thấy ông không phải là người ngu dốt. Rất có thể ông biết rõ tình trạng ở Y-sơ-ra-ên, và có lẽ ông hiểu về các dân láng giềng qua việc giao thiệp với những nhà buôn (A-mốt 1:6, 9, 11, 13; 2:8; 6:4-6). Một số học giả Kinh Thánh ngày nay cho rằng A-mốt có tài viết văn. Nhà tiên tri này không những chọn những từ đơn giản, mạnh mẽ, mà còn tận dụng lối chơi chữ và lối nói so sánh. Thật vậy, phản ứng dạn dĩ của A-mốt trước thầy tế lễ A-ma-xia bại hoại cho thấy Đức Giê-hô-va đã chọn đúng người và có thể dùng khả năng mà có lẽ lúc đầu không ai nhận ra.—A-mốt 7:12, 13, 16, 17.

8. (a) Đức Giê-hô-va đảm bảo điều gì với Đa-vít? (b) Tại sao những lời nơi Thi-thiên 32:8 trấn an những người có lẽ thiếu tự tin hoặc thiếu kỹ năng?

8 Quả thật Đức Giê-hô-va để ý đến tiềm năng của mỗi tôi tớ ngài. Ngài đảm bảo với vua Đa-vít rằng ngài sẽ luôn hướng dẫn ông, ‘mắt ngài sẽ chăm-chú  ông’. (Đọc Thi-thiên 32:8). Bạn có thấy tại sao điều này khích lệ chúng ta không? Dù có lẽ chúng ta thiếu tự tin, Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta làm nhiều hơn những điều mình không ngờ. Như một huấn luyện viên chăm chú quan sát một người leo núi chưa có kinh nghiệm hầu giúp người này tìm được chỗ tốt nhất để bíu tay vào, Đức Giê-hô-va sẵn sàng hướng dẫn khi chúng ta tiến bộ về thiêng liêng. Đức Giê-hô-va cũng có thể dùng anh em đồng đạo để giúp chúng ta phát huy hết tiềm năng của mình. Bằng cách nào?

TÌM ĐIỂM TỐT NƠI NGƯỜI KHÁC

9. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Phao-lô trong việc “quan tâm” đến lợi ích của người khác?

9 Phao-lô khuyến khích tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô “quan tâm” đến lợi ích của anh em. (Đọc Phi-líp 2:3, 4). Điểm cốt lõi trong lời khuyên của Phao-lô là chúng ta nên nhận ra tài năng mà người khác có và thừa nhận tài năng ấy. Chúng ta cảm thấy thế nào khi một người chú ý đến sự tiến bộ của mình? Thường thì điều ấy thôi thúc chúng ta tiếp tục tiến bộ, phát huy tối đa tiềm năng của mình. Tương tự thế, khi công nhận giá trị của anh em đồng đạo, chúng ta giúp họ tấn tới và tiến bộ về thiêng liêng.

10. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến ai?

10 Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến ai? Dĩ nhiên, đôi khi tất cả chúng ta đều cần được quan tâm đặc biệt. Dù vậy, các anh trẻ hoặc các anh mới làm báp-têm cần cảm thấy mình có phần trong các hoạt động của hội thánh. Điều này sẽ giúp họ hiểu rằng mình cũng có một vị trí trong vòng dân sự Đức Chúa Trời. Mặt khác, việc không thừa nhận tiềm năng của các anh có thể dập tắt ước muốn của họ là vươn tới nhiều trách nhiệm hơn, điều mà Lời Đức Chúa Trời khuyến khích họ làm.—1 Ti 3:1.

11. (a) Một trưởng lão đã giúp một anh trẻ vượt qua tính nhút nhát như thế nào? (b) Bạn rút ra bài học gì qua kinh nghiệm của anh Julien?

11 Anh Ludovic, một trưởng lão từng được anh em quan tâm lúc trẻ, cho biết: “Khi tôi chân thành quan tâm đến một anh thì anh ấy tiến bộ nhanh hơn”. Nói về anh Julien, một người trẻ hơi nhút nhát, anh Ludovic cho biết: “Vì thỉnh thoảng Julien quả quyết mình vụng về, nên cách cư xử không được tự nhiên. Nhưng tôi có thể thấy anh ấy rất tử tế và thật sự muốn giúp đỡ anh em trong hội thánh. Thế nên, thay vì nghi ngờ động cơ của anh ấy, tôi tập trung vào những tính tốt, cố gắng khích lệ anh ấy”. Theo thời gian, anh Julien hội đủ điều kiện làm phụ tá hội thánh, hiện nay anh là tiên phong đều đều.

GIÚP HỌ PHÁT HUY HẾT TIỀM NĂNG

12. Để giúp một người phát huy hết tiềm năng, phẩm chất nào là cần thiết? Xin cho thí dụ.

12 Điều dễ hiểu là, nếu muốn giúp người khác phát huy hết tiềm năng của họ, chúng ta cần biết suy xét. Như kinh nghiệm của anh Julien, thay vì nhìn vào khuyết điểm của một người, có lẽ chúng ta nên nhìn vào những tính tốt và kỹ năng tiềm tàng của người ấy. Chúa Giê-su cũng xem sứ đồ Phi-e-rơ như thế. Dù thỉnh thoảng Phi-e-rơ có vẻ không kiên định, nhưng Chúa Giê-su nói trước rằng ông sẽ trở nên bền vững và cứng như đá.—Giăng 1:42.

13, 14. (a) Ba-na-ba đã bày tỏ sự suy xét thế nào với chàng thanh niên tên Mác? (b) Anh Alexandre đã nhận được lợi ích nào nhờ sự giúp đỡ của một trưởng lão? (Xem hình nơi đầu bài).

13 Trong trường hợp của Giăng, tên La Mã là Mác, Ba-na-ba cũng bày tỏ  sự suy xét như thế (Công 12:25). Trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô và Ba-na-ba, Mác là người “phụ giúp”, có lẽ chăm lo nhu cầu vật chất cho họ. Tuy nhiên, khi đến Bam-phi-ly, Mác đột nhiên rời bỏ các bạn đồng hành trong lúc hoạn nạn. Phao-lô và Ba-na-ba phải tiếp tục đi lên hướng bắc, băng qua vùng nổi tiếng có nhiều băng cướp (Công 13:5, 13). Dù đã thấy cách cư xử không kiên định của Mác, nhưng sau đó Ba-na-ba vẫn nắm lấy cơ hội để huấn luyện Mác (Công 15:37-39). Điều này đã giúp thanh niên ấy trở thành một tôi tớ thành thục của Đức Giê-hô-va. Nhiều năm sau, Mác ở La Mã với Phao-lô, người đang bị giam. Họ cùng gửi lời chào thăm các tín đồ ở hội thánh Cô-lô-se, Phao-lô nói tốt về Mác (Cô 4:10). Hãy hình dung sự mãn nguyện của Ba-na-ba khi Phao-lô đề nghị Mác giúp đỡ.—2 Ti 4:11.

14 Anh Alexandre, một trưởng lão mới được bổ nhiệm, kể lại cách một anh đã khéo léo giúp mình: “Khi còn trẻ, cầu nguyện trước nhiều người là một thách đố đối với tôi. Một trưởng lão chỉ tôi cách chuẩn bị và làm sao để bình tĩnh hơn. Thay vì không đề nghị tôi cầu nguyện nữa, anh cho tôi cơ hội được cầu nguyện thường xuyên tại các buổi họp rao giảng. Từ từ tôi càng tự tin hơn”.

15. Phao-lô bày tỏ lòng cảm kích đối với anh em như thế nào?

15 Khi để ý đến một tính tốt của các tín đồ khác, chúng ta có cho thấy mình quý đức tính ấy đến mức nào không? Nơi Rô-ma chương 16, Phao-lô công nhận hơn 20 anh em có các đức tính làm ông yêu quý (Rô 16:3-7, 13). Chẳng hạn, Phao-lô thừa nhận An-rô-ni-cơ và Giu-ni-a đã phụng sự Đấng Ki-tô lâu hơn ông, nhấn mạnh đến sự chịu đựng của họ. Phao-lô cũng nồng ấm nói về mẹ của Ru-phu, có lẽ muốn nhắc đến việc trước đây bà đã yêu thương chăm sóc ông.

Anh Frédéric (trái) khuyến khích em Rico tiếp tục quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 16)

16. Lời khen dành cho một em trẻ có thể mang đến kết quả nào?

16 Có thể có kết quả tốt nếu chúng ta khen chân thành. Hãy xem trường hợp của Rico, một nam thiếu niên ở Pháp, bị nản lòng vì người cha không cùng niềm tin đã chống đối việc Rico làm báp-têm. Rico nghĩ em phải đợi đến khi đủ tuổi để có thể phụng sự Đức Giê-hô-va cách trọn vẹn. Em cũng buồn vì đối mặt với sự chế giễu ở trường. Anh Frédéric, một trưởng lão của hội thánh được đề nghị học với em, nhớ lại: “Tôi đã khen Rico vì sự chống đối như thế cho thấy em can đảm biểu lộ đức tin của mình”. Nhờ những lời khen này mà Rico đã quyết tâm tiếp tục tiến bộ và cải thiện mối quan hệ với cha mình. Rico đã làm báp-têm lúc 12 tuổi.

Anh Jérôme (phải) giúp em Ryan hội đủ điều kiện làm giáo sĩ (Xem đoạn 17)

17. (a) Làm thế nào chúng ta có thể giúp các anh tiến bộ? (b) Một giáo sĩ đã quan tâm thế nào đến các anh trẻ, và kết quả ra sao?

17 Mỗi lần bày tỏ sự cảm kích trước các trách nhiệm được làm tốt hoặc  những nỗ lực đáng khen, chúng ta khích lệ anh em đồng đạo để họ phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn. Chị Sylvie *, đã phụng sự nhiều năm ở Bê-tên Pháp, nói rằng các chị có thể khen các anh. Chị thấy phụ nữ có thể nhận ra những chi tiết hoặc nỗ lực của các anh, có lẽ các anh khác không nhận ra. Vì vậy, “lời khích lệ có thể bổ sung cho điều các anh có kinh nghiệm nói”. Chị cho biết thêm: “Đối với tôi, việc khen ngợi là một bổn phận” (Châm 3:27). Anh Jérôme, một giáo sĩ ở Guiana thuộc Pháp, đã giúp nhiều anh trẻ hội đủ điều kiện làm giáo sĩ. Anh nói: “Tôi nhận thấy rằng khi tôi khen các anh trẻ về các điểm cụ thể trong thánh chức của họ hoặc lời bình luận sâu sắc, thì họ tự tin hơn. Nhờ thế, họ càng phát huy khả năng của mình”.

18. Tại sao việc hợp tác với các anh trẻ mang lại lợi ích?

18 Chúng ta cũng có thể khích lệ anh em đồng đạo để giúp họ tiến bộ về thiêng liêng qua việc hợp tác với họ. Một trưởng lão có thể đề nghị một anh trẻ giỏi dùng máy vi tính in ra một số thông tin từ jw.org để khích lệ các anh chị lớn tuổi không có máy vi tính. Hoặc nếu bạn tham gia vào việc bảo trì Phòng Nước Trời, sao không mời một anh trẻ làm chung? Sự chủ động như thế sẽ cho bạn cơ hội để quan sát người trẻ, cho lời khen và thấy được kết quả.—Châm 15:23.

XÂY ĐẮP CHO TƯƠNG LAI

19, 20. Tại sao chúng ta nên giúp người khác tiến bộ?

19 Khi bổ nhiệm Giô-suê làm người hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va cũng khuyên Môi-se làm “vững lòng bền chí” Giô-suê. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:28). Ngày càng có nhiều người kết hợp với chúng ta trong hội thánh khắp thế giới. Tất cả những tín đồ có kinh nghiệm, không chỉ trưởng lão, có thể giúp những anh trẻ và các anh mới làm báp-têm phát huy hết tiềm năng của họ. Vì thế, ngày càng có nhiều người phụng sự trọn thời gian, và càng nhiều anh có “đủ tư cách dạy lại người khác”.—2 Ti 2:2.

20 Dù thuộc hội thánh được tổ chức quy củ hoặc một nhóm nhỏ có triển vọng thành hội thánh, chúng ta hãy xây đắp cho tương lai. Một bí quyết là noi gương Đức Giê-hô-va, đấng luôn tìm điểm tốt nơi các tôi tớ ngài.

^ đ. 17 Tên đã được thay đổi.