Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”

“Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”

“Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí”.—MAT 22:37.

1. Tại sao tình yêu thương nảy nở giữa Đức Chúa Trời và Con ngài?

Con của Đức Giê-hô-va là Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Tôi yêu thương Cha” (Giăng 14:31). Chúa Giê-su cũng nói: “Cha yêu Con” (Giăng 5:20). Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này. Suy cho cùng từ rất lâu, trước khi Chúa Giê-su xuống trái đất làm người, ngài là “thợ cái” của Đức Chúa Trời (Châm 8:30). Khi cùng làm việc với Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su đã biết nhiều về các đức tính của Cha và có vô số lý do để yêu thương Cha. Thật vậy, mối quan hệ mật thiết làm cho tình yêu thương nảy nở giữa hai cha con.

2. (a) Tình yêu thương bao hàm điều gì? (b) Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào?

2 Tình yêu thương bao hàm lòng yêu mến một người cách sâu xa. Người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là năng-lực tôi, tôi yêu-mến Ngài” (Thi 18:1). Đó là cảm xúc mà chúng ta nên có về Đức Chúa Trời, vì ngài yêu mến chúng ta. Nếu chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va, ngài sẽ yêu thương chúng ta. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:12, 13). Nhưng vì không thấy Đức Chúa Trời, có thể nào chúng ta thật sự yêu thương ngài không? Yêu thương Đức Giê-hô-va có nghĩa gì? Tại sao chúng ta nên yêu thương ngài? Và làm sao chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương với Đức Chúa Trời?

 TẠI SAO CHÚNG TA CÓ THỂ YÊU THƯƠNG ĐỨC CHÚA TRỜI?

3, 4. Tại sao chúng ta có thể yêu thương Đức Giê-hô-va?

3 “Đức Chúa Trời là thần linh” nên chúng ta không thể thấy ngài (Giăng 4:24). Nhưng việc yêu thương Đức Giê-hô-va là điều có thể, và theo Kinh Thánh chúng ta được lệnh là phải thể hiện tình yêu thương ấy. Chẳng hạn, Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”.—Phục 6:5.

4 Tại sao chúng ta có thể yêu thương Đức Giê-hô-va cách sâu đậm? Vì ngài tạo ra chúng ta với nhu cầu tâm linh và ban cho chúng ta khả năng biểu lộ tình yêu thương. Khi nhu cầu tâm linh của chúng ta được đáp ứng thỏa đáng, thì tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va nảy nở và chúng ta có cơ sở vững chắc để có được hạnh phúc. Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc thay những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, vì Nước Trời thuộc về họ” (Mat 5:3). Liên quan đến điều mà một số người gọi là ước muốn tự nhiên về việc thờ phượng của con người, một sách do A. C. Morrison viết có nói về niềm tin của con người nơi Đức Chúa Trời (Man Does Not Stand Alone): “Khi thấy tính phổ biến của việc con người tìm kiếm và tin tưởng nơi một đấng tối thượng, điều đó nên khiến chúng ta kính sợ, kinh ngạc và sùng kính”.

5. Làm sao chúng ta biết việc tìm kiếm Đức Chúa Trời là điều không vô ích?

5 Tìm kiếm Đức Giê-hô-va có phải là điều vô ích không? Không, vì ngài muốn chúng ta tìm kiếm ngài. Sứ đồ Phao-lô nói rõ điều này khi ông làm chứng cho một nhóm người ở A-rê-ô-ba, nơi có thể thấy đền Parthenon—đền thờ thần Athena, nữ thần hộ mệnh của thành A-thên xưa. Hãy hình dung bạn có mặt ở đấy khi Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ và mọi vật trong đó”, rồi ông giải thích rằng ngài “không ở trong đền thờ do tay người làm nên”. Sứ đồ cho biết thêm: “Từ một người, ngài làm nên muôn dân để họ sống trên khắp mặt đất; ngài ấn định các thời kỳ và đặt ranh giới nơi loài người ở, để họ tìm kiếm, mò mẫm và thật sự tìm được ngài, dù ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công 17:24-27). Thật thế, con người có thể tìm kiếm Đức Chúa Trời. Hơn bảy triệu rưỡi Nhân Chứng Giê-hô-va đã “thật sự tìm được ngài” và thật lòng yêu thương ngài.

YÊU THƯƠNG ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ NGHĨA GÌ?

6. Chúa Giê-su cho biết “điều răn đầu tiên và quan trọng nhất” là gì?

6 Tình yêu thương của chúng ta với Đức Giê-hô-va nên xuất phát từ lòng. Chúa Giê-su cho biết rõ điều này khi một người Pha-ri-si hỏi: “Thưa thầy, trong Luật pháp, điều răn nào là quan trọng nhất?”. Ngài đáp: “‘Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí’. Đây là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất”.—Mat 22:34-38.

7. Có nghĩa gì khi nói yêu thương Đức Chúa Trời (a) “hết lòng”? (b) “hết mình”? (c) “hết tâm trí”?

7 Chúa Giê-su có ý gì khi ngài nói chúng ta phải yêu thương Đức Chúa Trời “hết lòng”? Ngài hàm ý là tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va nên ảnh hưởng đến ước muốn, cảm xúc và tình cảm của chúng ta. Chúng ta cũng phải yêu thương ngài “hết mình”, tức tất cả đời sống của mình. Hơn nữa, chúng ta phải yêu thương Đức Chúa Trời “hết tâm trí”, tức hết trí tuệ. Thực chất, chúng ta phải hoàn toàn yêu thương Đức Chúa Trời, với tất cả những gì mình có.

8. Hết lòng yêu thương Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc chúng ta làm gì?

8 Nếu yêu thương Đức Chúa Trời hết lòng, hết mình và hết tâm trí, chúng ta sẽ là người siêng năng học Lời Ngài, hết lòng làm theo ý muốn ngài và sốt sắng rao truyền tin mừng về Nước Trời (Mat 24:14; Rô 12:1, 2). Tình yêu thương chân thật với Đức Giê-hô-va sẽ thu hút chúng ta đến gần ngài hơn (Gia 4:8). Dĩ nhiên, chúng ta không thể liệt kê mọi lý do tại sao chúng ta nên yêu thương Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta hãy xem xét vài lý do.

 TẠI SAO CHÚNG TA NÊN YÊU THƯƠNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

9. Tại sao bạn yêu thương Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cung Cấp?

9 Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cung Cấp của chúng ta. Phao-lô nói: “Nhờ ngài mà chúng ta có sự sống, hoạt động và tồn tại” (Công 17:28). Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta trái đất xinh đẹp để sống (Thi 115:16). Ngài cũng cung cấp thực phẩm và những thứ chúng ta cần để duy trì sự sống. Thế nên, Phao-lô có thể nói với những người thờ hình tượng ở thành Lít-trơ: “Đức Chúa Trời hằng sống... vẫn làm chứng về mình qua những việc tốt lành, ban cho anh em mưa từ trời, mùa màng bội thu, thực phẩm dồi dào và khiến lòng anh em tràn đầy vui mừng” (Công 14:15-17). Chẳng phải đó là lý do chúng ta yêu thương Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại và Đấng Cung Cấp đầy yêu thương hay sao?—Truyền 12:1.

10. Chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự cung cấp của Đức Chúa Trời để loại trừ tội lỗi và sự chết?

10 Đức Chúa Trời sẽ loại trừ tội lỗi và sự chết mà A-đam truyền lại cho chúng ta (Rô 5:12). Thật vậy, “Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương với chúng ta qua cách này: Trong khi chúng ta vẫn còn là người tội lỗi, Đấng Ki-tô đã chết cho chúng ta” (Rô 5:8). Chắc chắn, lòng chúng ta tràn ngập tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va vì ngài tạo cơ hội để chúng ta được tha thứ tội lỗi nếu ăn năn và thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su.—Giăng 3:16.

11, 12. Đức Giê-hô-va ban hy vọng cho chúng ta qua những cách nào?

11 Đức Giê-hô-va ‘ban hy vọng, làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui và sự bình an’ (Rô 15:13). Niềm hy vọng mà Đức Chúa Trời ban giúp chúng ta chịu đựng thử thách về đức tin. Những tín đồ được xức dầu chứng tỏ lòng trung thành cho đến chết sẽ nhận phần thưởng sự sống trên trời (Khải 2:10). Những người giữ lòng trung kiên có hy vọng sống trên đất sẽ nhận những ân phước vĩnh cửu trong địa đàng đã được hứa (Lu 23:43). Phản ứng tự nhiên của chúng ta trước những triển vọng như thế là gì? Chẳng phải chúng ta tràn đầy niềm vui, bình an và yêu thương đấng ban cho “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo” sao?—Gia 1:17.

12 Đức Chúa Trời ban cho chúng ta hy vọng ấm lòng về sự sống lại (Công 24:15). Dĩ nhiên chúng ta vô cùng đau buồn trước cái chết của người thân yêu, nhưng nhờ triển vọng về sự sống lại, nên chúng ta “không đau buồn như những người không có hy vọng” (1 Tê 4:13). Vì yêu thương, Giê-hô-va Đức Chúa Trời mong muốn làm người chết sống lại, đặc biệt là những người trung thành, như người ngay thẳng Gióp (Gióp 14:15). Hãy hình dung nỗi vui mừng khi gặp lại những người được sống lại trên đất. Lòng chúng ta tràn đầy tình yêu thương biết bao với Cha trên trời, đấng ban hy vọng tuyệt diệu về sự sống lại!

13. Bằng chứng nào cho thấy Đức Chúa Trời thật sự quan tâm đến chúng ta?

13 Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm đến chúng ta. (Đọc Thi-thiên 34:6, 18, 19; 1 Phi-e-rơ 5:6, 7). Vì biết Đức Chúa Trời yêu thương luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai trung thành với ngài, nên chúng ta cảm thấy an toàn khi thuộc về ‘bầy chiên của đồng cỏ ngài’ (Thi 79:13). Hơn nữa, tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta được thể hiện qua những gì ngài sẽ thực hiện vì lợi ích chúng ta qua Nước của Đấng Mê-si. Sau khi Chúa Giê-su, vua được chọn, xóa bỏ bạo lực, áp bức và sự gian ác khỏi trái đất, nhân loại biết vâng lời sẽ hưởng sự bình an và thịnh vượng mãi mãi (Thi 72:7, 12-14, 16). Bạn có đồng ý rằng những triển vọng như thế cung cấp lý do để chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời hết lòng, hết mình, hết sức lực và hết tâm trí không?—Lu 10:27.

14. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đặc ân vô giá nào?

14 Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta đặc ân vô giá là làm Nhân Chứng của ngài (Ê-sai 43:10-12). Chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời vì đã ban cho chúng ta cơ hội ủng hộ quyền tối thượng của ngài và mang đến  hy vọng thật cho người ta trong thế giới hỗn loạn này. Ngoài ra, chúng ta có thể nói với đức tin và niềm tin chắc vì chúng ta đang công bố tin mừng dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Những lời hứa đầy hy vọng của ngài chắc chắn sẽ thành hiện thực. (Đọc Giô-suê 21:45; 23:14). Dĩ nhiên chúng ta không thể kể hết những ân phước và lý do để yêu thương Đức Giê-hô-va. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương với ngài?

LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ BIỂU LỘ TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI?

15. Làm sao việc học hỏi và áp dụng Lời Đức Chúa Trời giúp ích cho chúng ta?

15 Siêng năng học hỏi và áp dụng Lời Đức Chúa Trời. Làm thế cho thấy chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và thật sự muốn lời ngài là ‘ánh sáng cho đường-lối chúng ta’ (Thi 119:105). Nếu đang gặp gian nan, chúng ta có thể được an ủi từ những lời trấn an đầy yêu thương: “Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu”. “Hỡi Đức Giê-hô-va... sự nhân-từ Ngài nâng-đỡ tôi. Khi tư-tưởng bộn-bề trong lòng tôi, thì sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi” (Thi 51:17; 94:18, 19). Đức Giê-hô-va thương xót những người đau khổ, và Chúa Giê-su cũng cảm thương người ta như thế (Ê-sai 49:13; Mat 15:32). Việc học Kinh Thánh có thể giúp chúng ta càng ý thức được sự quan tâm đầy yêu thương mà Đức Giê-hô-va đã dành cho mình. Điều này thôi thúc chúng ta muốn yêu thương ngài cách sâu đậm.

16. Làm thế nào việc thường xuyên cầu nguyện khiến cho tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Chúa Trời ngày càng nảy nở?

16 Thường xuyên cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện kéo chúng ta đến gần hơn với “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi 65:2). Khi nhận ra rằng Đức Chúa Trời đang nhậm lời cầu nguyện của mình thì chúng ta càng yêu thương ngài sâu đậm hơn. Chẳng hạn, có lẽ chúng ta đã nhận thấy ngài không để chúng ta bị cám dỗ quá sức mình (1 Cô 10:13). Nếu lo lắng và tha thiết nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, chúng ta có thể cảm nghiệm “sự bình an của Đức Chúa Trời” là điều không gì sánh bằng (Phi-líp 4:6, 7). Thỉnh thoảng chúng ta có thể cầu nguyện thầm, như Nê-hê-mi, và sẽ nhận ra Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của mình (Nê 2:1-6). Khi “kiên trì cầu nguyện” và ý thức rằng Đức Giê-hô-va đang nhậm lời nài xin của chúng ta, thì tình yêu thương đối với ngài càng nảy nở, và chúng ta càng tin chắc ngài sẽ giúp mình đương đầu với các  thử thách về đức tin trong tương lai.—Rô 12:12.

17. Nếu yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ xem việc tham dự nhóm họp như thế nào?

17 Duy trì nề nếp tham dự nhóm họp, hội nghị (Hê 10:24, 25). Dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại để lắng nghe và học biết về Đức Giê-hô-va để có thể tôn kính ngài và làm theo luật pháp ngài (Phục 31:12). Nếu thật sự yêu thương Đức Chúa Trời, việc chúng ta làm theo ý muốn ngài không phải là gánh nặng. (Đọc 1 Giăng 5:3). Thế nên, đừng bao giờ để bất cứ điều gì khiến chúng ta xem nhẹ việc tham dự các buổi nhóm họp. Chắc chắn chúng ta không muốn để điều gì khiến mình đánh mất tình yêu thương lúc ban đầu mà chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va.—Khải 2:4.

18. Liên quan đến tin mừng, tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta làm gì?

18 Sốt sắng chia sẻ “sự thật, tức tin mừng” cho người khác (Ga 2:5). Tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta nói về nước Đấng Mê-si của Con yêu dấu ngài. Người Con này sẽ ‘vì cớ sự chân-thật ngài cỡi xe lướt tới’ tại Ha-ma-ghê-đôn (Thi 45:4; Khải 16:14, 16). Thật vui mừng biết bao khi được tham gia vào việc đào tạo môn đồ bằng cách giúp người ta tìm hiểu về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và thế giới mới mà ngài đã hứa!—Mat 28:19, 20.

19. Tại sao chúng ta nên biết ơn các trưởng lão?

19 Thể hiện lòng biết ơn đối với các trưởng lão (Công 20:28). Các trưởng lão đạo Đấng Ki-tô là sự cung cấp đến từ Đức Giê-hô-va, đấng luôn luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho tôi tớ ngài. Các trưởng lão “như nơi núp gió và chỗ che bão-táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn-mỏi” (Ê-sai 32:1, 2). Chúng ta cảm kích biết bao vì có nơi ẩn náu để tránh cơn gió mạnh hoặc bão táp lạnh giá! Khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi trên chúng ta, chúng ta biết ơn vì được ở dưới bóng vầng đá. Những từ gợi hình này giúp chúng ta thấy trưởng lão cung cấp sự tươi tỉnh và sự giúp đỡ cần thiết về thiêng liêng. Khi vâng theo các anh dẫn đầu, chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với “những con người làm các món quà” cũng như là bằng chứng cho thấy chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô, đầu của hội thánh.—Ê-phê 4:8; 5:23; Hê 13:17.

Đức Giê-hô-va đã cung cấp người chăn quan tâm chân thành đến bầy (Xem đoạn 19)

TIẾP TỤC VUN ĐẮP TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

20. Nếu yêu thương Đức Chúa Trời, bạn sẽ phản ứng thế nào trước câu Gia-cơ 1:22-25?

20 Nếu có mối quan hệ đầy yêu thương với Đức Giê-hô-va, bạn sẽ là người ‘làm theo lời ngài, không chỉ nghe thôi’. (Đọc Gia-cơ 1:22-25). Người “làm theo” có đức tin sinh ra các việc làm như sốt sắng rao giảng và góp phần trong các buổi nhóm họp. Vì thật sự yêu thương Đức Chúa Trời nên bạn sẽ vâng theo “luật pháp hoàn hảo” của Đức Giê-hô-va, trong đó gồm tất cả những điều ngài đòi hỏi.—Thi 19:7-11.

21. Việc cầu nguyện chân thành của bạn được ví như điều gì?

21 Tình yêu thương với Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc bạn thường xuyên hướng đến ngài qua lời cầu nguyện chân thành. Ở Y-sơ-ra-ên, các thầy tế lễ dâng hương cho Đức Giê-hô-va mỗi ngày. Vua Đa-vít ví lời cầu nguyện của ông như hương khi hát: “Nguyện lời cầu-nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa [Đức Giê-hô-va] như hương, nguyện sự giơ tay tôi lên được giống như của-lễ buổi chiều!” (Thi 141:2; Xuất 30:7, 8). Mong sao lời cầu nguyện khiêm nhường, lời nài xin tha thiết, lời ca ngợi và lời cảm tạ chân thành của bạn dâng lên Đức Giê-hô-va như hương thơm tượng trưng cho lời cầu nguyện được chấp nhận.—Khải 5:8.

22. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét về tình yêu thương nào?

22 Chúa Giê-su nói rằng chúng ta phải yêu thương Đức Chúa Trời cũng như người lân cận (Mat 22:37-39). Như chúng ta sẽ xem thêm về đức tính này, tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và các nguyên tắc của ngài sẽ giúp chúng ta đối xử tốt với người ta và thể hiện tình yêu thương với người lân cận.