Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cách Đức Giê-hô-va đến gần chúng ta

Cách Đức Giê-hô-va đến gần chúng ta

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em”.—GIA 4:8.

1. Con người có nhu cầu gì, và ai có thể thỏa mãn nhu cầu ấy?

Cảm giác được gần gũi với người khác là nhu cầu mạnh mẽ của con người. Con người được cho là “gần nhau khi họ rất thích và hiểu rõ về nhau”. Chúng ta hạnh phúc khi được gia đình, bạn bè yêu thương, quý trọng và hiểu chúng ta. Tuy nhiên, đấng mà chúng ta cần vun đắp mối quan hệ mật thiết nhất chính là Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại.—Truyền 12:1.

2. Đức Giê-hô-va hứa điều gì với chúng ta, nhưng tại sao nhiều người không tin lời hứa ấy?

2 Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta qua Lời ngài là “hãy đến gần” ngài, và ngài hứa nếu chúng ta làm thế, “ngài sẽ đến gần” chúng ta (Gia 4:8). Quả là điều khích lệ biết bao! Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng thật không thực tế để tin Đức Chúa Trời muốn đến gần họ; họ cảm thấy mình không xứng đáng để đến gần ngài hoặc ngài ở quá xa để họ đến gần. Vậy, chúng ta có thể thật sự đến gần Đức Giê-hô-va không?

3. Chúng ta phải nhận ra sự thật nào về Đức Giê-hô-va?

3 Sự thật là Đức Giê-hô-va “không ở xa mỗi người” muốn tìm kiếm ngài, nên việc biết ngài là điều có thể được. (Đọc Công vụ 17:26, 27; Thi-thiên 145:18). Ý định của Đức Chúa Trời là con người có thể đến gần ngài dù bất toàn và ngài sẵn lòng ban cho họ ân huệ được làm bạn thân của ngài (Ê-sai 41:8; 55:6). Qua kinh nghiệm cá nhân, người viết Thi-thiên có thể nói về Đức Giê-hô-va:  “Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài. Phước thay cho người mà Chúa đã chọn và khiến đến gần” (Thi 65:2, 4). Lời tường thuật trong Kinh Thánh về vua A-sa của Giu-đa cho thấy trường hợp của một người đến gần Đức Giê-hô-va, và được ngài đáp lại thế nào *.

HỌC TỪ MỘT GƯƠNG VÀO THỜI XƯA

4. Vua A-sa đã nêu gương nào cho dân Giu-đa?

4 Vua A-sa chứng tỏ lòng sốt sắng tuyệt vời về sự thờ phượng thanh sạch, ông đã loại bỏ sự mãi dâm và thờ hình tượng ở đền thờ, là việc phổ biến khắp xứ (1 Vua 15:9-13). Ông mạnh dạn khuyến khích người dân ‘tìm-cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ-phụ họ, cùng làm theo luật-pháp và điều-răn của Ngài’. Đức Giê-hô-va ban sự bình an trong mười năm đầu của triều đại A-sa. Vua A-sa biết nhờ đâu mà xứ được an ổn? Ông nói với dân: “Đương lúc xứ hãy còn thuộc về chúng ta; vì chúng ta có tìm-kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta; chúng ta có tìm được Ngài, Ngài đã ban cho chúng ta bình-an bốn phía” (2 Sử 14:1-7). Hãy xem điều gì xảy ra kế tiếp.

5. Lòng nương cậy của A-sa nơi Đức Giê-hô-va đã bị thử thách ra sao, và kết cuộc là gì?

5 Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của A-sa. Xê-rách người Ê-thi-ô-bi dùng 1.000.000 người và 300 cỗ xe để tấn công Giu-đa (2 Sử 14:8-10). Bạn sẽ phản ứng thế nào khi thấy đội quân hùng hậu như thế đang tiến vào nước của mình? Đạo binh của bạn chỉ gồm 580.000 người! Bị áp đảo về số lượng quân thù đông gấp đôi, bạn có nghĩ tại sao Đức Chúa Trời để cho việc xâm lăng như thế xảy ra không? Đứng trước tình huống khẩn cấp như thế, liệu bạn có cố gắng giải quyết vấn đề theo sự khôn ngoan của mình không? Phản ứng của A-sa cho thấy ông có mối quan hệ gần gũi và tin cậy Đức Giê-hô-va. Ông tha thiết khẩn cầu: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! Xin hãy giúp-đỡ chúng tôi, vì chúng tôi nương-cậy nơi Chúa; ấy là nhân danh Chúa mà chúng tôi đến đối-địch cùng đoàn quân nầy. Đức Giê-hô-va ôi! Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi; chớ để loài người thắng hơn Chúa!”. Đức Chúa Trời đáp lời cầu khẩn tha thiết ấy thế nào? “CHÚA đánh tan quân Ê-thi-ô-bi” (Bản Dịch Mới). Không kẻ thù nào sống sót!—2 Sử 14:11-13.

6. Chúng ta nên noi theo gương nào của A-sa?

6 Điều gì đã giúp A-sa hoàn toàn tin cậy nơi sự hướng dẫn và che chở của Đức Chúa Trời? Kinh Thánh cho biết: “A-sa làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va” và “đối với Đức Giê-hô-va, lòng A-sa trọn-lành” (1 Vua 15:11, 14). Nếu muốn hưởng mối quan hệ mật thiết với ngài ngay bây giờ và trong tương lai, chúng ta cũng cần phụng sự Đức Chúa Trời với tấm lòng trọn vẹn. Điều này vô cùng quan trọng. Chúng ta thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va chủ động kéo chúng ta đến gần ngài và giúp chúng ta hình thành và duy trì mối quan hệ mật thiết với ngài! Hãy xem hai cách Đức Chúa Trời đã làm.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DÙNG GIÁ CHUỘC ĐỂ KÉO CHÚNG TA ĐẾN GẦN

7. (a) Đức Giê-hô-va đã làm gì để kéo chúng ta đến gần ngài? (b) Cách cao cả nhất mà Đức Chúa Trời kéo chúng ta đến với ngài là gì?

7 Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với gia đình nhân loại qua việc tạo ra ngôi nhà xinh đẹp trên đất. Ngài vẫn biểu hiện tình yêu thương qua việc cung cấp nhu cầu vật chất thật tuyệt diệu để chúng ta duy trì sự sống (Công 17:28; Khải 4:11). Quan trọng hơn nữa, Đức Giê-hô-va chăm sóc nhu cầu tâm linh của chúng ta (Lu 12:42). Ngài cũng đảm bảo rằng khi chúng ta cầu nguyện, chính ngài sẽ lắng nghe (1 Giăng 5:14). Tuy nhiên, cách cao cả  nhất mà Đức Chúa Trời kéo chúng ta đến với ngài là tình yêu thương được thể hiện qua giá chuộc. Về phần chúng ta, chúng ta được thu hút đến với ngài là vì tình yêu thương ấy. (Đọc 1 Giăng 4:9, 10, 19). Đức Giê-hô-va phái “Con một” của ngài xuống trái đất để chúng ta có thể được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết.—Giăng 3:16.

8, 9. Chúa Giê-su đóng vai trò nào trong ý định của Đức Giê-hô-va?

8 Đức Giê-hô-va có sự sắp đặt để những người sống trước thời Đấng Ki-tô cũng nhận được lợi ích của giá chuộc. Từ lúc Đức Giê-hô-va tiên tri về một Đấng Cứu Rỗi tương lai cho nhân loại, ngài xem như giá chuộc đã được trả, vì ngài biết ý định của ngài sẽ không thất bại (Sáng 3:15). Nhiều thế kỷ sau, sứ đồ Phao-lô bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời về sự ‘giải thoát khỏi tội lỗi qua giá chuộc của Đấng Ki-tô Giê-su’. Phao-lô nói thêm: “[Đức Chúa Trời] đã tỏ lòng kiên nhẫn và tha thứ tội lỗi người ta phạm trong quá khứ” (Rô 3:21-26). Quả thật, Chúa Giê-su đóng vai trò trọng yếu trong việc giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời!

9 Chỉ qua Chúa Giê-su, những người khiêm nhường có thể biết về Đức Giê-hô-va và hưởng mối quan hệ gần gũi, mật thiết với ngài. Kinh Thánh cho biết rõ sự thật này như thế nào? Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương với chúng ta qua cách này: Trong khi chúng ta vẫn còn là người tội lỗi, Đấng Ki-tô đã chết cho chúng ta” (Rô 5:6-8). Giá chuộc của Chúa Giê-su được cung cấp, không phải vì chúng ta xứng đáng nhưng vì chúng ta được yêu thương. Chúa Giê-su nói: “Không ai có thể đến với tôi trừ khi Cha, là đấng phái tôi, kéo người ấy đến”. Vào dịp khác, ngài tuyên bố: “Không ai đến được với Cha nếu không qua tôi” (Giăng 6:44; 14:6). Đức Giê-hô-va dùng thần khí để kéo người ta đến với ngài qua Chúa Giê-su và giúp họ ở trong tình yêu thương của ngài với hy vọng được sống đời đời. (Đọc Giu-đe 20, 21). Chúng ta hãy xem một cách khác mà Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến gần ngài.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DÙNG LỜI NGÀI ĐỂ KÉO CHÚNG TA ĐẾN GẦN

10. Kinh Thánh dạy điều gì để giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn?

10 Cho đến đây, chúng ta đã trích dẫn hoặc viện dẫn nhiều câu Kinh Thánh trong 14 sách của Kinh Thánh. Nếu không có Kinh Thánh, làm sao chúng ta biết mình có thể đến gần Đấng Tạo Hóa? Nếu không có sách này, làm thế nào chúng ta có thể học về giá chuộc và về việc chúng ta được kéo đến với Đức Giê-hô-va qua Chúa Giê-su? Qua thần khí, Đức Giê-hô-va hướng dẫn con người để viết Kinh Thánh, tiết lộ cho chúng ta biết đặc tính thu hút cũng như các ý định cao cả của ngài. Chẳng hạn, nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7, Đức Giê-hô-va miêu tả chính mình với Môi-se: “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi”. Ai lại không muốn đến gần một đấng giống như thế? Đức Giê-hô-va biết rằng càng học biết về ngài qua Kinh Thánh thì chúng ta cảm thấy ngài trở nên có thật hơn và gần gũi với ngài hơn.

11. Tại sao chúng ta nên cố gắng học biết về các đức tính và cách cư xử của Đức Chúa Trời? (Xem hình nơi đầu bài).

11 Giải thích cách chúng ta có thể nỗ lực hầu có được mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, lời mở đầu của sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va cho biết: “Khi xây dựng tình bạn với một người, mối quan hệ keo sơn này dựa trên sự hiểu biết về người ấy, trên lòng cảm phục và trân trọng những nét tính độc đáo của người ấy. Do đó, những đức tính và cách cư xử của Đức Chúa Trời, như được ghi lại trong Kinh Thánh, là những đề tài nghiên cứu cốt yếu”. Vì thế, chúng ta thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va đã cho ghi lại Lời ngài theo cách con người như chúng ta có thể hiểu được!

12. Tại sao Đức Giê-hô-va dùng con người để viết Kinh Thánh?

 12 Đức Giê-hô-va hẳn có thể dùng thiên sứ để viết Kinh Thánh. Suy cho cùng, họ rất quan tâm đến chúng ta lẫn các hoạt động của chúng ta (1 Phi 1:12). Chắc chắn các thiên sứ có thể viết thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Nhưng liệu họ có thấy mọi việc theo góc nhìn của con người không? Liệu họ có cảm thông với những nhu cầu, khuyết điểm và nguyện vọng của chúng ta không? Không, Đức Giê-hô-va biết giới hạn của họ trong lĩnh vực này. Qua việc dùng con người để viết Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va muốn sách này động đến lòng chúng ta. Chúng ta có thể hiểu suy nghĩ lẫn cảm xúc của những người viết Kinh Thánh và những người khác được đề cập trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể thông cảm cho nỗi thất vọng, nghi ngờ, sợ hãi và bất toàn của họ, cũng như vui mừng khi họ có niềm vui và thành công. Như nhà tiên tri Ê-li, tất cả những người viết Kinh Thánh đều “có cảm xúc như chúng ta”.—Gia 5:17.

Làm sao cách đối xử của Đức Giê-hô-va với Giô-na và Phi-e-rơ kéo chúng ta đến gần ngài hơn? (Xem đoạn 13, 15)

13. Lời cầu nguyện của Giô-na động đến lòng bạn như thế nào?

13 Chẳng hạn hãy xem, một thiên sứ có thể nào chuyển tải hết cảm xúc của Giô-na khi nhà tiên tri trốn tránh nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao không? Thật tốt hơn biết bao khi Đức Giê-hô-va đã cho đích thân Giô-na viết ra lời tường thuật về chính ông, trong đó có lời cầu nguyện tha thiết mà ông đã dâng lên cho Đức Chúa Trời từ dưới đáy biển sâu thẳm! Giô-na nói: “Khi linh-hồn tôi mòn-mỏi trong tôi, thì tôi nhớ đến Đức Giê-hô-va”.—Giô-na 1:3, 10; 2:2-10.

14. Tại sao bạn có thể thông cảm trước những lời Ê-sai nói về mình?

14 Cũng hãy xem trường hợp của Ê-sai. Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn Ê-sai viết về ông. Sau khi chứng kiến sự hiện thấy đầy vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhà tiên tri này được thôi thúc để thốt lên tình trạng  tội lỗi của mình: “Khốn-nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ-dáy, ở giữa một dân có môi dơ-dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn-quân!” (Ê-sai 6:5). Thiên sứ nào có thể được thôi thúc để thốt lên những lời như thế? Nhưng Ê-sai thì có thể, chúng ta có thể thông cảm cho ông.

15, 16. (a) Tại sao chúng ta có thể hiểu rõ cảm xúc của người khác? Xin cho thí dụ. (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn?

15 Liệu các thiên sứ có thể nói mình “hèn-mọn”, như Gia-cốp đã nói, hoặc “là người tội lỗi”, như cảm xúc của Phi-e-rơ không? (Sáng 32:10; Lu 5:8). Liệu họ có “rất sợ hãi” như các môn đồ của Chúa Giê-su, hoặc liệu các thiên sứ công chính có cần “thu hết can đảm” trước sự chống đối để rao truyền tin mừng, như Phao-lô và những người khác không? (Giăng 6:19; 1 Tê 2:2). Không, các thiên sứ đều hoàn hảo trong mọi phương diện và cao siêu hơn con người. Tuy nhiên, khi con người bất toàn biểu lộ những cảm xúc như thế, chúng ta nhanh chóng hiểu cảm xúc của họ vì chúng ta cũng chỉ là con người nhỏ bé. Khi đọc Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thật sự “vui với người đang vui; khóc với người đang khóc”.—Rô 12:15.

16 Nếu suy ngẫm những điều Kinh Thánh tường thuật về cách cư xử của Đức Giê-hô-va với các tôi tớ trung thành của ngài trong quá khứ, chúng ta sẽ học vô số điều tuyệt diệu về Đức Chúa Trời. Ngài đã đến gần những người bất toàn ấy cách kiên nhẫn và yêu thương. Thế nên, chúng ta sẽ dần dần hiểu rõ về Đức Giê-hô-va và yêu thương ngài cách sâu đậm. Nhờ thế, chúng ta sẽ đến gần ngài hơn.—Đọc Thi-thiên 25:14.

THẮT CHẶT MỐI QUAN HỆ VỮNG BỀN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

17. (a) A-xa-ria đã cho A-sa lời khuyên hữu ích nào? (b) A-sa đã lờ đi lời khuyên của A-xa-ria như thế nào, và hậu quả ra sao?

17 Sau khi vua A-sa giành chiến thắng vẻ vang trước đội quân Ê-thi-ô-bi, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là A-xa-ria đã nói với vua và dân tộc những lời đầy khôn ngoan như sau: “Các ngươi theo Đức Giê-hô-va chừng nào, thì Đức Giê-hô-va ở với các ngươi chừng nấy; nếu các ngươi tìm Ngài, ắt sẽ gặp Ngài được; nếu các ngươi lìa-bỏ Ngài, thì Ngài sẽ lìa-bỏ các ngươi” (2 Sử 15:1, 2). Dù vậy, sau này A-sa đã không nghe theo lời khuyên hữu ích ấy. Khi bị vương quốc phía bắc là Y-sơ-ra-ên đe dọa, A-sa cầu viện người Sy-ri. Thay vì cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ như lần trước, ông đã cố tìm sự liên minh với người ngoại giáo. Thật thích hợp thay, A-sa bị khiển trách: “Trong việc nầy vua có cư-xử cách dại-dột, nên từ rày về sau vua sẽ có giặc-giã”. Quả đúng như thế, những năm trị vì còn lại của A-sa bị giặc giã liên tục (2 Sử 16:1-9). Chúng ta rút ra bài học gì?

18, 19. (a) Nếu đã để tình bạn giữa Đức Chúa Trời với chúng ta có khoảng cách, chúng ta nên làm gì? (b) Làm sao chúng ta có thể đến gần với Đức Giê-hô-va hơn?

18 Chúng ta đừng bao giờ rời xa Đức Giê-hô-va. Nếu đã để tình bạn giữa ngài với chúng ta có khoảng cách, chúng ta nên hành động hòa hợp với lời của Ô-sê 12:7: “Ngươi khá trở lại cùng Đức Chúa Trời ngươi; giữ sự nhân-từ và sự công-bình, luôn luôn trông-đợi Đức Chúa Trời ngươi”. Thế nên, chúng ta hãy tiếp tục đến gần Đức Giê-hô-va hơn bằng cách suy ngẫm với lòng biết ơn về giá chuộc, siêng năng học Lời ngài là Kinh Thánh.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 13:4.

19 Người viết Thi-thiên hát: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời” (Thi 73:28). Mong sao tất cả chúng ta tiếp tục học biết thêm những điều mới về Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta sẽ ngày càng yêu thương ngài hơn. Và mong sao Đức Giê-hô-va ngày càng đến gần chúng ta ngay bây giờ và mãi mãi!

^ đ. 3 Xem bài về A-sa có tựa đề “Việc các ngươi làm sẽ được phần thưởng”, trong Tháp Canh ngày 15-8-2012.