Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vai trò phụ nữ trong ý định của Đức Giê-hô-va là gì?

Vai trò phụ nữ trong ý định của Đức Giê-hô-va là gì?

“Các người đàn-bà báo tin thật một đoàn đông lắm”.THI 68:11.

1, 2. (a) Đức Chúa Trời ban cho A-đam các món quà nào? (b) Tại sao Đức Chúa Trời cho A-đam một người vợ? (Xem hình nơi đầu bài).

Đức Giê-hô-va tạo ra trái đất với một ý định. Ngài “đã làm nên để dân ở” (Ê-sai 45:18). Tạo vật loài người đầu tiên, A-đam, là hoàn hảo, và Đức Chúa Trời đã cho ông một căn nhà tuyệt diệu—vườn Ê-đen. A-đam vui thích trước những cây cổ thụ cao ngất, dòng suối chảy róc rách, những con thú nô đùa! Nhưng ông thiếu một điều rất quan trọng. Đức Giê-hô-va cho biết điều này khi phán: “Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó”. Rồi Đức Chúa Trời khiến A-đam ngủ mê, lấy một xương sườn, và “dùng xương sườn... làm nên một người nữ”. Khi thức dậy, A-đam hạnh phúc biết bao! Ông thốt lên: “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ vì nó do nơi người nam mà có”.—Sáng 2:18-23.

2 Món quà dưới hình thức người nữ mà Đức Chúa Trời tặng là độc đáo vì nàng trở thành người giúp đỡ hoàn hảo cho người nam. Nàng cũng có đặc ân sinh con cái. Thật thế, “A-đam gọi vợ là Ê-va, vì là mẹ của cả loài người” (Sáng 3:20). Quả là một món quà tuyệt diệu mà Đức Chúa Trời tặng cho cặp vợ chồng loài người đầu tiên! Họ có khả năng sinh ra những người hoàn hảo. Nhờ vậy, cuối cùng trái đất sẽ thành địa đàng đầy dẫy  những người hoàn hảo quản trị mọi vật sống khác.—Sáng 1:27, 28.

3. (a) Để được Đức Chúa Trời ban phước, A-đam và Ê-va cần làm gì, nhưng điều gì đã xảy ra? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Để nhận những ân phước trước mắt, A-đam và Ê-va phải vâng lời Đức Giê-hô-va và công nhận quyền cai trị của ngài (Sáng 2:15-17). Nếu làm thế, họ mới có thể hoàn thành ý định mà Đức Chúa Trời dành cho họ. Nhưng đáng buồn thay, họ đã bị ảnh hưởng bởi “con rắn xưa kia”, Sa-tan, và phạm tội cùng Đức Chúa Trời (Khải 12:9; Sáng 3:1-6). Cuộc phản nghịch này ảnh hưởng thế nào đến người nữ? Người nữ tin kính thời xưa đã thực hiện được điều gì? Tại sao các nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay được gọi là “một đoàn đông”?—Thi 68:11.

HẬU QUẢ CỦA SỰ PHẢN NGHỊCH

4. Ai phải chịu trách nhiệm trước tội lỗi của cặp vợ chồng đầu tiên?

4 Khi Đức Giê-hô-va buộc A-đam giải thích lý do ông không vâng lời, A-đam đưa ra lời biện hộ không có sức thuyết phục: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi” (Sáng 3:12). A-đam không những không thừa nhận lỗi lầm của mình mà còn cố đổ thừa cho người nữ mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông, cũng như đổ thừa cho Đấng Ban Cho đầy yêu thương. Cả A-đam và Ê-va đều phạm tội, nhưng Đức Giê-hô-va buộc A-đam phải chịu trách nhiệm về hành động sai trái của họ. Do đó, sứ đồ Phao-lô viết rằng “bởi một người [A-đam] mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết”.—Rô 5:12.

5. Việc con người tự cai trị mang lại hậu quả gì? Việc Đức Chúa Trời để con người tự cai trị một thời gian đã chứng minh điều gì?

5 Sa-tan đã thuyết phục A-đam và Ê-va nghĩ rằng họ không cần Đức Giê-hô-va làm Đấng Cai Trị. Điều này phát sinh một câu hỏi trọng yếu về quyền tối thượng: Ai có quyền cai trị? Để trả lời câu hỏi này, Đức Chúa Trời cho phép loài người tự cai trị trong một thời gian. Hậu quả là gì? Qua nhiều thế kỷ, những sự cai trị ấy chỉ gây khốn đốn cho xã hội loài người hết thảm họa này đến thảm họa khác. Chỉ riêng thế kỷ qua, khoảng 100.000.000 người thiệt mạng vì chiến tranh, trong đó có hàng triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em vô tội. Thế nên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy “người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê 10:23). Nhận ra sự thật này, chúng ta công nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị.—Đọc Châm-ngôn 3:5, 6.

6. Phụ nữ bị đối xử thế nào trong nhiều nước?

6 Vì thế gian nằm dưới quyền cai trị của Sa-tan, nên cả nam lẫn nữ đều chịu sự ngược đãi (Truyền 8:9; 1 Giăng 5:19). Một số vụ tàn bạo nhất liên quan đến nạn ngược đãi phụ nữ. Trên toàn thế giới, khoảng 30% phụ nữ cho biết họ đã bị người hôn phối, bạn trai đánh đập hoặc bạo hành tình dục. Một số xã hội coi trọng bé trai vì người ta cho rằng khi lớn lên, chúng có thể nối dõi tông đường và chăm sóc ông bà, cha mẹ già. Tại một số nước, phụ nữ bị xem là những đứa con không mong đợi và thai nhi nữ bị phá nhiều hơn thai nhi nam.

7. Đức Chúa Trời cho người nam, người nữ sự khởi đầu nào?

7 Chắc chắn Đức Chúa Trời không hài lòng về việc ngược đãi phụ nữ. Ngài đối xử công bằng và tôn trọng phụ nữ. Điều này được thấy rõ qua sự kiện Ê-va được tạo ra cách hoàn hảo với các đặc tính là một người bổ trợ tuyệt vời của A-đam, chứ không phải một nô lệ. Đó là một lý do mà vào cuối ngày sáng tạo thứ sáu, Đức Chúa Trời “thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành” (Sáng 1:31). Quả đúng là “các việc” mà Đức Giê-hô-va đã làm “rất tốt-lành”. Ngài cho người nam, người nữ sự khởi đầu thật tốt đẹp!

 NGƯỜI NỮ ĐƯỢC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HỖ TRỢ

8. (a) Hãy miêu tả hành vi của con người nói chung. (b) Trong suốt lịch sử, Đức Chúa Trời giúp đỡ và hỗ trợ ai?

8 Hành vi của người nam, nữ nói chung ngày càng tệ hơn sau cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen, và trong thế kỷ vừa qua, điều này còn tệ hại hơn bao giờ hết. Chắc chắn như Kinh Thánh đã tiên tri đây là “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1-5). Tuy nhiên, trong suốt lịch sử nhân loại, “Chúa Giê-hô-va” chứng tỏ ngài đã giúp đỡ và hỗ trợ những người nam, người nữ tin cậy ngài, vâng theo luật pháp của ngài, và chấp nhận ngài là Đấng Cai Trị của mình.—Đọc Thi-thiên 71:5.

9. Bao nhiêu người sống sót qua trận Nước Lụt, và tại sao?

9 Khi Đức Chúa Trời hủy diệt thế gian hung bạo thời xưa qua trận Nước Lụt vào thời Nô-ê, rất ít người được sống sót. Nếu anh chị em của Nô-ê vẫn còn sống lúc đó thì họ cũng bị nhận chìm trong nước lụt (Sáng 5:30). Nhưng trong trận Nước Lụt ấy, số phụ nữ sống sót cũng bằng với số người nam sống sót. Đó là Nô-ê, vợ ông, ba con trai và con dâu của ông. Họ được cứu vì đã kính sợ Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn ngài. Hàng tỉ người ngày nay là con cháu của tám người này, những người được Đức Giê-hô-va hỗ trợ.—Sáng 7:7; 1 Phi 3:20.

10. Tại sao những người vợ tin kính của các tộc trưởng trung thành được Đức Giê-hô-va hỗ trợ?

10 Nhiều năm sau đó, những người vợ tin kính của các tộc trưởng trung thành cũng được Đức Chúa Trời hỗ trợ. Họ không phàn nàn về đời mình và Đức Giê-hô-va ban phước cho họ (Giu 16). Chẳng hạn như Sa-ra, khi được bảo phải rời khỏi căn nhà tiện nghi ở xứ U-rơ để sống tạm cư trong lều, bà không than vãn gì cả. Thay vì thế, “Sa-ra vâng lời Áp-ra-ham, gọi người là ‘chúa’” (1 Phi 3:6). Cũng hãy xem Rê-bê-ca, là món quà tuyệt vời đến từ Đức Giê-hô-va và trở thành người vợ đoan chính. Không ngạc nhiên khi chồng nàng, Y-sác, “yêu-mến nàng... được giải phiền sau khi mẹ mình qua đời” (Sáng 24:67). Ngày nay, chúng ta thật vui khi có các chị tin kính xung quanh mình, các chị giống Sa-ra và Rê-bê-ca.

11. Hai bà mụ người Hê-bơ-rơ đã thể hiện lòng can đảm như thế nào?

11 Trong những năm làm nô lệ ở Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên gia tăng nhanh chóng, và Pha-ra-ôn ban sắc lệnh là phải giết tất cả các bé trai sơ sinh người Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, hãy xem trường hợp của Siếp-ra và Phu-a, hai người Hê-bơ-rơ dường như đứng đầu trong các bà mụ. Vì kính sợ Đức Giê-hô-va nên họ đã can đảm từ chối việc giết trẻ sơ sinh. Vì thế, ngài ban phước cho họ có gia đình riêng.—Xuất 1:15-21.

12. Có điều gì đáng chú ý về Đê-bô-ra và Gia-ên?

12 Vào thời các quan xét Y-sơ-ra-ên, một phụ nữ được Đức Giê-hô-va hỗ trợ là nữ tiên tri Đê-bô-ra. Bà khích lệ quan xét Ba-rác và tham gia vào việc giúp người Y-sơ-ra-ên thoát khỏi ách áp bức, nhưng bà đã tiên tri là sự vinh hiển của cuộc chiến thắng người Ca-na-an sẽ không thuộc về Ba-rác. Thay vì thế, Đức Chúa Trời khiến cho thống lãnh đạo binh người Ca-na-an là Si-sê-ra rơi “vào tay một người nữ”. Điều này xảy ra khi người nữ tên Gia-ên, không phải người Y-sơ-ra-ên, đã giết Si-sê-ra.—Quan 4:4-9, 17-22.

13. Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về A-bi-ga-in?

13 A-bi-ga-in là một phụ nữ đáng chú ý sống vào thế kỷ 11 TCN. Bà là người sáng suốt, còn Na-banh chồng bà thì cứng cỏi  hung ác và điên dại (1 Sa 25:2, 3, 25). Đa-vít và những người theo ông bảo vệ tài sản của Na-banh trong một thời gian, nhưng khi họ xin thực phẩm thì ông “gắt-gỏng cùng họ” và không cho họ thứ gì. Điều này khiến Đa-vít giận đến mức ông định đi giết Na-banh và tôi tớ hắn. Nghe được tin này, A-bi-ga-in đem thức ăn và nước uống đến cho Đa-vít và người của ông, nhờ thế cuộc đổ máu đã không xảy ra (1 Sa 25:8-18). Sau này Đa-vít nói với A-bi-ga-in: “Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay!” (1 Sa 25:32). Sau khi Na-banh qua đời, Đa-vít cưới A-bi-ga-in.—1 Sa 25:37-42.

14. Các con gái của Sa-lum tham gia vào công việc nào, và ngày nay người nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng làm thế ra sao?

14 Nhiều người nam, nữ và trẻ em thiệt mạng khi quân Ba-by-lôn tiêu hủy thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ năm 607 TCN. Tường thành được tái thiết năm 455 TCN dưới sự giám sát của Nê-hê-mi. Trong số những người giúp xây lại tường thành là các con gái của Sa-lum, người quản lý phân nửa quận Giê-ru-sa-lem (Nê 3:12). Họ sẵn sàng làm công việc thấp hèn. Chúng ta quý trọng nhiều nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay, những chị vui mừng hỗ trợ các dự án xây cất thần quyền qua nhiều cách.

NGƯỜI NỮ TIN KÍNH VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT

15. Đức Chúa Trời ban đặc ân nào cho một phụ nữ tên Ma-ri?

15 Một thời gian ngắn trước thế kỷ thứ nhất CN và trong thế kỷ này, Đức Giê-hô-va ban cho một số người nữ các đặc ân. Trong số đó có nữ đồng trinh Ma-ri. Trong khi đã hứa hôn với Giô-sép, bà được thụ thai bằng phép lạ qua thần khí. Tại sao Đức Chúa Trời đã chọn Ma-ri làm mẹ của Chúa Giê-su? Rõ ràng vì bà có tính thiêng liêng cần thiết để nuôi dưỡng bé trai hoàn hảo từ thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Quả là một đặc ân được làm mẹ của người vĩ đại nhất đã từng sống trên đất!—Mat 1:18-25.

16. Hãy nêu thí dụ cho thấy thái độ của Chúa Giê-su đối với phụ nữ.

16 Chúa Giê-su đối xử rất tử tế với phụ nữ. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp một phụ nữ bị rong huyết suốt 12 năm. Từ phía sau, bà chen vào giữa đám đông để đến gần Chúa Giê-su và sờ vào áo khoác của ngài. Thay vì khiển trách bà, Chúa Giê-su tử tế nói: “Con gái ơi, đức tin của con đã chữa lành con. Hãy ra về bình an và khỏe mạnh, không phải khổ sở vì căn bệnh này nữa”.—Mác 5:25-34.

17. Phép lạ nào diễn ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?

17 Một số người nữ, là môn đồ Chúa Giê-su, đã phục vụ ngài và các sứ đồ (Lu 8:1-3). Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khoảng 120 người nam lẫn nữ nhận được thần khí của Đức Chúa Trời qua cách đặc biệt. (Đọc Công vụ 2:1-4). Thần khí đổ ra như được báo trước: “Ta [Đức Giê-hô-va] sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác-thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên-tri... dầu những đầy-tớ trai và đầy-tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên” (Giô-ên 2:28, 29). Qua phép lạ vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Chúa Trời cho thấy ngài chuyển sự hỗ trợ khỏi dân Y-sơ-ra-ên bội đạo để ban cho “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, gồm cả nam lẫn nữ (Ga 3:28; 6:15, 16). Trong số những nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô chia sẻ tin mừng vào thế kỷ thứ nhất, có bốn con gái của người truyền giảng tin mừng tên là Phi-líp.—Công 21:8, 9.

“MỘT ĐOÀN ĐÔNG” PHỤ NỮ

18, 19. (a) Về sự thờ phượng thật, Đức Chúa Trời ban cho người nam lẫn nữ đặc ân nào? (b) Người viết Thi-thiên nói gì về người nữ rao truyền tin mừng?

18 Cuối thập niên 1800, một số người  nam, nữ tỏ ra rất chú ý đến sự thờ phượng thật. Họ là các bậc tiền bối của những người hiện đang góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su: “Tin mừng này về Nước Đức Chúa Trời sẽ được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ sẽ đến thời điểm kết thúc”.—Mat 24:14.

19 Nhóm nhỏ các Học viên Kinh Thánh đã gia tăng đến khoảng 8.000.000 Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay. Hơn 11.000.000 người khác tỏ ra chú ý đến Kinh Thánh và công việc của chúng ta qua việc tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su hằng năm. Trong hầu hết các quốc gia, phần lớn những người tham dự là phụ nữ. Trên khắp thế giới, có hơn 1.000.000 Nhân Chứng phụng sự trọn thời gian, phụ nữ chiếm đa số. Đức Chúa Trời thật sự đã ban cho người nữ trung thành đặc ân góp phần làm ứng nghiệm lời của người viết Thi-thiên: “Chúa truyền mạng-lịnh ra: Các người đàn-bà báo tin thật một đoàn đông lắm”.—Thi 68:11.

Người nữ rao truyền tin mừng thật sự là “một đoàn đông lắm” (Xem đoạn 18, 19)

ÂN PHƯỚC LỚN TRƯỚC MẮT CHO NGƯỜI NỮ TIN KÍNH

20. Các đề tài nào đáng để chúng ta xem xét?

20 Không thể kể hết về nhiều người nữ trung thành được ghi trong Kinh Thánh. Nhưng tất cả chúng ta có thể đọc về họ trong Lời Đức Chúa Trời và các bài được đăng trong ấn phẩm. Chẳng hạn, chúng ta có thể suy ngẫm về sự trung thành của Ru-tơ (Ru 1:16, 17). Đức tin của chúng ta cũng được củng cố khi đọc sách Kinh Thánh lấy theo tên hoàng hậu Ê-xơ-tê và các bài nói về bà. Chúng ta nhận được lợi ích qua việc học hỏi như thế và có thể lên kế hoạch để học trong Buổi thờ phượng của gia đình. Nếu sống một mình, chúng ta có thể xem những đề tài ấy trong buổi học cá nhân.

21. Trong giai đoạn cam go, người nữ tin kính thể hiện lòng trung thành với Đức Giê-hô-va như thế nào?

21 Rõ ràng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho công việc rao giảng của người nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô và hỗ trợ họ trong giai đoạn cam go. Chẳng hạn, nhờ sự hỗ trợ của ngài, người nữ tin kính giữ sự trung kiên dưới thời quốc xã và những chế độ độc tài khác, dù nhiều người chịu đựng đau khổ, thậm chí mất mạng vì vâng lời Đức Chúa Trời (Công 5:29). Ngày nay cũng thế, các chị của chúng ta và anh em đồng đạo của họ ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Như trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên xưa, như thể Đức Giê-hô-va nắm tay hữu họ và nói: “Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:10-13.

22. Chúng ta có thể mong chờ đặc ân nào trong tương lai?

22 Trong tương lai, những người nam và nữ tin kính sẽ làm cho trái đất thành địa đàng và giúp hàng triệu người được sống lại học biết về ý định của Đức Giê-hô-va. Từ đây cho đến đó, dù là nam hay nữ, chúng ta hãy quý trọng đặc ân “kề vai sát cánh” hầu việc ngài.—Sô 3:9, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.