‘Trở lại và làm vững mạnh anh em mình’
Phi-e-rơ khóc lóc cay đắng sau khi phủ nhận việc biết Chúa Giê-su. Dù sứ đồ này phấn đấu để lấy lại thăng bằng về thiêng liêng, nhưng Chúa Giê-su muốn dùng ông để giúp người khác. Vì vậy, Chúa Giê-su nói với ông: “Khi anh trở lại, hãy làm vững mạnh anh em mình” (Lu 22:32, 54-62). Sau này Phi-e-rơ trở thành một trong những cột trụ của hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất (Ga 2:9). Tương tự thế, một anh từng làm trưởng lão có thể gánh vác lại trách nhiệm và tìm được niềm vui trong việc làm vững mạnh anh em mình về thiêng liêng.
Vài anh từng làm giám thị bị mất đặc ân, và có thể điều ấy làm các anh mang mặc cảm bị thất bại. Anh Julio *, từng làm trưởng lão ở Nam Mỹ hơn 20 năm, cho biết: “Việc soạn bài giảng, thăm anh em và chăm sóc các thành viên của hội thánh đã làm cho đời sống tôi bận rộn! Thình lình điều này biến mất, để lại khoảng trống trong đời tôi. Có thể nói đó là giai đoạn đau buồn”. Hiện nay, anh Julio phụng sự trở lại với tư cách là trưởng lão.
“HÃY VUI MỪNG”
Môn đồ Gia-cơ viết: “Hỡi anh em của tôi, hãy vui mừng khi đương đầu với mọi loại thử thách” (Gia 1:2). Gia-cơ đang nói về những thử thách đến từ sự bắt bớ và sự bất toàn của chúng ta. Ông đề cập đến những ham muốn ích kỷ, sự thiên vị, v.v. (Gia 1:14; 2:1; 4:1, 2, 11). Khi bị Đức Giê-hô-va sửa phạt, trải nghiệm ấy có thể làm chúng ta đau đớn (Hê 12:11). Nhưng không nên để những thử thách như thế khiến chúng ta mất niềm vui.
Dù đã mất đặc ân trong hội thánh, chúng ta vẫn có cơ hội xem xét mức độ đức tin của mình và thể hiện tình yêu thương với Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng có thể suy ngẫm lý do mình từng đảm nhiệm công việc ấy. Đó có phải vì lợi ích riêng, hoặc chúng ta muốn vươn tới đặc ân ấy vì yêu thương Đức Chúa Trời, tin chắc rằng hội thánh thuộc về ngài và xứng đáng được chăm sóc dịu dàng? (Công 20:28-30). Dù không làm trưởng lão nữa, nhưng việc các anh tiếp tục vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ chứng tỏ cho mọi người, kể cả Sa-tan, thấy họ yêu thương Đức Giê-hô-va thật lòng.
Khi bị sửa phạt vì phạm tội trọng, vua Đa-vít đã chấp nhận lời khiển trách và được tha thứ. Ông hát: “Phước thay cho người nào được tha sự vi-phạm mình, được khỏa-lấp tội-lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian-ác cho, và trong lòng không có sự giả-dối!” (Thi 32:1, 2). Sự sửa phạt đã rèn luyện Đa-vít và điều đó chắc chắn giúp ông trở thành người chăm sóc dân của Đức Chúa Trời cách tốt hơn.
Thường thì các anh làm trưởng lão trở lại thì chăn bầy tốt hơn trước kia. Một anh cho biết: “Giờ đây tôi hiểu rõ hơn cách chăm sóc những người phạm lỗi”. Anh khác thì nói: “Bây giờ tôi quý trọng đặc ân được phục vụ anh em hơn”.
BẠN CÓ THỂ TRỞ LẠI?
Người viết sách Thi-thiên hát: “[Đức Giê-hô-va] không bắt tội luôn luôn” (Thi 103:9). Vì thế, chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ tin cậy người nào phạm lỗi nặng. Anh Ricardo, một trưởng lão bị mất đặc ân sau khi đã phụng sự trong nhiều năm, cho biết: “Tôi vô cùng thất vọng về thất bại của mình. Suốt thời gian dài, việc có cảm giác thiếu khả năng đã ngăn cản tôi quay lại phục vụ anh em với tư cách là giám thị. Tôi không đủ tự tin để có thể chứng minh một lần nữa là tôi đáng tin cậy. Nhưng vì thích giúp đỡ người khác nên tôi có thể điều khiển học hỏi Kinh Thánh, khích lệ anh em ở Phòng Nước Trời, và hợp tác với họ trong thánh chức. Điều này giúp tôi lấy lại sự tự tin, hiện nay tôi đã làm trưởng lão trở lại”.
Việc nuôi lòng oán giận có thể cản trở một anh làm trưởng lão. Thật tốt hơn biết bao nếu noi gương tôi tớ của Đức Giê-hô-va là Đa-vít, người phải chạy trốn khỏi vị vua đố kỵ Sau-lơ! Đa-vít không trả thù Sau-lơ dù có nhiều cơ hội (1 Sa 24:5-8; 26:8-12). Khi Sau-lơ tử trận, Đa-vít đã than khóc, nhắc đến ông và con trai ông là Giô-na-than là những người “đáng yêu và đáng mến” (2 Sa 1:21-23, Đặng Ngọc Báu). Đa-vít đã không nuôi lòng oán giận.
Nếu cảm thấy bạn là nạn nhân của sự hiểu lầm hoặc bất công, đừng để sự oán giận chế ngự tư tưởng mình. Chẳng hạn, lúc mất đặc ân làm trưởng lão sau khi đã phụng sự khoảng 30 năm ở Anh Quốc, anh William cảm thấy giận một số trưởng lão. Điều gì đã giúp anh lấy lại thăng bằng? Anh cho biết: “Tôi được khích lệ khi đọc sách Gióp. Nếu Đức Giê-hô-va đã giúp Gióp làm hòa với ba người bạn thì ngài càng giúp tôi làm hòa với các trưởng lão đạo Đấng Ki-tô nhiều hơn biết bao!”—Gióp 42:7-9.
ĐỨC CHÚA TRỜI BAN PHƯỚC NHỮNG AI TRỞ LẠI CHĂN BẦY
Nếu đã quyết định ngưng công việc chăn bầy của Đức Chúa Trời, việc bạn xem xét lý do mình làm thế là điều hữu ích. Bạn từng choáng ngợp trước những vấn đề cá nhân không? Đời bạn đã có điều gì khác quan trọng hơn không? Bạn đã nản lòng trước sự bất toàn của người khác không? Dù trường hợp nào đi nữa, hãy nhớ rằng khi làm trưởng lão, bạn trong vị thế có thể giúp đỡ người khác qua nhiều cách hơn. Bài giảng của bạn đã củng cố họ, gương mẫu bạn khích lệ họ và việc thăm chiên giúp họ chịu đựng thử thách. Công việc của bạn với tư cách là một trưởng lão trung thành làm Đức Giê-hô-va vui lòng và bạn cũng có niềm vui.—Châm 27:11.
Đức Giê-hô-va đã giúp các anh lấy lại niềm vui và ước muốn dẫn đầu trong hội thánh. Nếu đã tự ngưng làm trưởng lão hoặc mất đặc ân, bạn có thể “vươn tới trách nhiệm giám thị” trở lại (1 Ti 3:1). Phao-lô “không ngừng cầu nguyện” rằng các tín đồ ở Cô-lô-se được đầy dẫy sự hiểu biết chính xác về ý muốn của Đức Chúa Trời “hầu sống xứng đáng với Đức Giê-hô-va để làm ngài vui lòng trọn vẹn” (Cô 1:9, 10). Nếu nhận lại đặc ân làm trưởng lão, hãy hướng đến Đức Giê-hô-va để được thêm sức, sự kiên nhẫn và niềm vui. Trong những ngày sau cùng này, dân của Đức Chúa Trời cần sự hỗ trợ về thiêng liêng của những người chăn yêu thương. Bạn có thể và sẵn sàng làm vững mạnh anh em mình không?
^ đ. 3 Một số tên đã được thay đổi.