Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy nhớ những anh chị phụng sự trọn thời gian

Hãy nhớ những anh chị phụng sự trọn thời gian

“Chúng tôi không bao giờ quên công việc anh em thực hiện bởi đức tin, công sức anh em bỏ ra vì tình yêu thương”.1 TÊ 1:3.

1. Phao-lô cảm thấy thế nào về các anh chị siêng năng phụng sự Đức Giê-hô-va?

Sứ đồ Phao-lô không bao giờ quên những người siêng năng làm việc vì tin mừng. Ông viết: “Trước mặt Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, chúng tôi không bao giờ quên công việc anh em thực hiện bởi đức tin, công sức anh em bỏ ra vì tình yêu thương, và sự chịu đựng của anh em nhờ niềm hy vọng nơi Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta” (1 Tê 1:3). Thật thế, chính Đức Giê-hô-va cũng nhớ công sức của tất cả những người trung thành phụng sự ngài, dù hoàn cảnh cho phép họ làm nhiều hay ít.—Hê 6:10.

2. Chúng ta sẽ xem xét những gì trong bài này?

2 Nhiều anh em đồng đạo của chúng ta, xưa lẫn nay, đã hy sinh rất nhiều để phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Hãy xem một số tín đồ thời thế kỷ thứ nhất đã phụng sự thế nào. Chúng ta cũng xem một số hình thức phụng sự trọn thời gian trong thời hiện đại và làm sao để nhớ những anh chị thân yêu đã sẵn sàng phụng sự theo những cách đặc biệt.

CÁC TÍN ĐỒ THỜI THẾ KỶ THỨ NHẤT

3, 4. (a) Một số tín đồ thời thế kỷ thứ nhất đã phụng sự theo cách nào? (b) Họ được đáp ứng như thế nào về nhu cầu vật chất?

3 Không lâu sau khi chịu phép báp-têm, Chúa Giê-su khởi xướng một công việc sẽ lan rộng khắp đất (Lu 3:21-23; 4:14, 15, 43). Sau khi ngài chết, các sứ đồ đã dẫn đầu trong việc nới rộng công việc rao giảng (Công 5:42; 6:7). Có những tín đồ làm người truyền giảng tin mừng và giáo sĩ ở nước Do Thái, trong đó có Phi-líp (Công 8:5, 40; 21:8). Phao-lô và những người khác đi đến những vùng xa hơn (Công 13:2-4; 14:26; 2 Cô 1:19). Một số người, chẳng hạn như Sin-vanh (Si-la), Mác và Lu-ca, đã làm công việc sao chép hoặc viết Kinh Thánh (1 Phi 5:12). Còn các nữ tín đồ thì cùng làm việc với những anh trung thành này (Công 18:26; Rô 16:1, 2). Chúng ta có thể đọc những kinh nghiệm thú vị của họ trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Những kinh nghiệm đó cho thấy Đức Giê-hô-va luôn nhớ các tôi tớ ngài.

4 Những tôi tớ phụng sự trọn thời gian thời ban đầu được hỗ trợ thế nào về vật chất? Đôi khi họ được anh em đồng đạo biểu lộ lòng hiếu khách hoặc giúp đỡ bằng nhiều cách khác, nhưng họ không đòi hỏi anh em làm điều đó (1 Cô 9:11-15). Có những cá nhân và hội thánh sẵn sàng trợ giúp họ. (Đọc Công vụ 16:14, 15; Phi-líp 4:15-18). Phao-lô và các bạn đồng hành cũng làm việc bán thời gian để trang trải chi phí cá nhân.

CÁC TÔI TỚ PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN VÀO THỜI HIỆN ĐẠI

5. Một cặp vợ chồng bày tỏ cảm nghĩ thế nào về đời sống phụng sự trọn thời gian?

5 Ngày nay, nhiều anh chị cũng đang hết lòng phụng sự trọn thời gian trong những khía cạnh khác nhau. (Xem khung “ Các hình thức phụng sự trọn thời gian”). Họ cảm thấy thế nào về sự nghiệp đã chọn? Hãy hỏi họ, rất có thể bạn sẽ nhận được sự khích lệ. Hãy xem kinh nghiệm của một anh từng là tiên phong đều đều, tiên phong đặc biệt, giáo sĩ và thành viên Bê-tên ở nước ngoài. Anh nói: “Khi đã chọn phụng sự trọn thời gian, tôi cảm thấy đó là một trong những quyết định khôn ngoan nhất của mình. Năm 18 tuổi, tôi phải vật lộn với quyết định nhận lời mời đi học đại học, làm việc ngoài đời trọn thời gian hay làm tiên phong. Qua kinh nghiệm, tôi nhận thấy Đức Giê-hô-va không quên những gì bạn đã hy sinh để phụng sự ngài trọn thời gian. Với tài năng và khả năng Đức Giê-hô-va ban cho, tôi có thể dùng chúng theo cách mình không bao giờ làm được nếu chọn sự nghiệp ngoài đời”. Vợ anh cho biết: “Mỗi nhiệm sở đều giúp tôi trưởng thành hơn. Chúng tôi cảm thấy được Đức Giê-hô-va che chở và hướng dẫn hết lần này đến lần khác. Nếu cứ ở trong môi trường thoải mái của mình, chúng tôi sẽ không bao giờ có những kinh nghiệm như thế. Mỗi ngày tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va về đời sống phụng sự trọn thời gian”. Bạn muốn có cái nhìn như thế về cuộc đời mình không?

6. Về cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

6 Dĩ nhiên, một số anh chị không thể tham gia thánh chức trọn thời gian vào thời điểm này vì hoàn cảnh không cho phép. Chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va cũng quý trọng nỗ lực hết lòng của họ. Hãy nghĩ đến những người được Phao-lô nhắc đến nơi Phi-lê-môn 1-3, gồm cả mọi tín đồ thuộc hội thánh Cô-lô-se. (Đọc). Phao-lô quý trọng họ và Đức Giê-hô-va cũng vậy. Tương tự thế, Cha trên trời quý trọng việc phụng sự của bạn. Vậy làm thế nào bạn có thể trợ giúp những anh chị hiện đang phụng sự trọn thời gian?

TRỢ GIÚP TIÊN PHONG

7, 8. Công việc tiên phong bao hàm điều gì, và những người khác trong hội thánh có thể giúp đỡ các tiên phong như thế nào?

7 Như những người truyền giảng tin mừng vào thế kỷ thứ nhất, các tiên phong sốt sắng là nguồn khích lệ dồi dào cho hội thánh. Nhiều tiên phong cố gắng dành 70 giờ mỗi tháng cho thánh chức. Làm sao bạn có thể giúp họ?

8 Một chị tiên phong tên Shari nhận xét: “Các tiên phong có vẻ vững mạnh vì tham gia thánh chức mỗi ngày. Tuy nhiên, họ vẫn cần sự khích lệ” (Rô 1:11, 12). Một chị từng làm tiên phong một số năm đã nói về các tiên phong trong hội thánh mình: “Họ làm việc siêng năng và không ngừng. Họ rất biết ơn khi được người khác cho đi chung xe, mời dùng bữa, tặng một chút tiền để đổ xăng hoặc chi trả những khoản khác. Điều đó chứng tỏ bạn thật sự quan tâm đến họ”.

9, 10. Một số anh chị đã làm gì để giúp các tiên phong trong hội thánh?

9 Bạn có muốn giúp các tiên phong về thánh chức không? Một tiên phong tên Bobbi nài nỉ: “Chúng tôi cần người đi chung trong tuần”. Một tiên phong khác trong cùng hội thánh ấy nói thêm: “Tìm được người đi chung vào buổi chiều là cả một vấn đề”. Một chị hiện đang phụng sự tại Bê-tên ở Brooklyn thích thú kể về công việc tiên phong trước kia của mình: “Một chị có xe nói với tôi: ‘Bất cứ khi nào không có người đi rao giảng chung, hãy gọi chị, chị sẽ đi với em’. Chị ấy đã thật sự ‘cứu’ công việc tiên phong của tôi”. Chị Shari nêu một điểm tinh tế: “Sau khi làm thánh chức, các tiên phong độc thân thường chỉ có một mình. Thỉnh thoảng bạn có thể mời các anh chị ấy đến nhà tham dự buổi thờ phượng của gia đình. Mời họ tham gia các hoạt động khác cũng là cách để giúp họ vững mạnh”.

10 Nhớ lại thời gian cùng làm tiên phong với các chị độc thân, một chị phụng sự trọn thời gian gần 50 năm kể: “Cứ vài tháng, các trưởng lão đến thăm các tiên phong. Các anh hỏi thăm sức khỏe cũng như công việc ngoài đời của chúng tôi và xem chúng tôi có gì lo lắng không. Họ thật lòng quan tâm đến chúng tôi. Họ đến nhà để xem chúng tôi có cần hỗ trợ hay không”. Những lời ấy có thể khiến bạn nhớ đến lòng biết ơn của Phao-lô đối với một người ở Ê-phê-sô. Dù phải chăm sóc gia đình nhưng ông cũng trợ giúp Phao-lô (2 Ti 1:18).

11. Công việc tiên phong đặc biệt bao hàm điều gì?

11 Thật ân phước cho một số hội thánh có các tiên phong đặc biệt cùng phụng sự. Trong số ấy, có nhiều người dành 130 giờ mỗi tháng cho thánh chức. Vì phải dành nhiều thời gian cho thánh chức và giúp đỡ trong những công việc khác nên họ không làm việc ngoài đời, hoặc làm rất ít. Hằng tháng, văn phòng chi nhánh hỗ trợ một khoản trợ cấp nhỏ để họ có thể tập trung vào thánh chức.

12. Các trưởng lão và anh chị khác có thể hỗ trợ tiên phong đặc biệt như thế nào?

12 Chúng ta có thể hỗ trợ các tiên phong đặc biệt như thế nào? Một trưởng lão văn phòng chi nhánh thường xuyên liên lạc với nhiều tiên phong đặc biệt cho biết: “Các trưởng lão nên nói chuyện với họ, tìm hiểu hoàn cảnh của họ và xem làm thế nào có thể trợ giúp họ. Một số Nhân Chứng cho rằng tiên phong đặc biệt được chăm sóc mọi mặt vì được nhận trợ cấp, nhưng các anh chị địa phương có thể hỗ trợ họ qua nhiều cách”. Cũng như tiên phong đều đều, các tiên phong đặc biệt rất biết ơn khi có người đi rao giảng chung. Bạn có thể giúp họ về mặt này không?

TRỢ GIÚP GIÁM THỊ LƯU ĐỘNG

13, 14. (a) Chúng ta nên nhớ điều gì về các giám thị vòng quanh? (b) Bạn có thể làm gì để hỗ trợ những người phụng sự trong công tác lưu động?

13 Các giám thị vòng quanh và vợ họ thường được xem là những người mạnh mẽ về thiêng liêng và kiên cường. Điều này đúng, nhưng họ cũng cần sự khích lệ, hỗ trợ trong thánh chức và kết hợp chừng mực trong giải trí. Nếu họ bị bệnh hoặc nhập viện, có lẽ cần giải phẫu hoặc điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu thì sao? Họ vô cùng ấm lòng khi được các anh chị địa phương hỗ trợ và quan tâm. Hãy hình dung lòng quan tâm của Lu-ca, “người thầy thuốc yêu dấu” và là người viết sách Công vụ, đối với Phao-lô và các bạn đồng hành.—Cô 4:14; Công 20:5–21:18.

14 Các giám thị lưu động và vợ rất cần và quý trọng những người bạn thân. Một giám thị vòng quanh viết: “Dường như bạn tôi biết khi nào tôi cần sự khích lệ. Họ hỏi khéo léo nên giúp tôi nói ra được mối lo âu của mình. Chỉ qua việc biết lắng nghe, họ đã giúp chúng tôi rất nhiều”. Các giám thị vòng quanh và vợ họ biết ơn sâu sắc lòng quan tâm của anh em đồng đạo.

TRỢ GIÚP THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH BÊ-TÊN

15, 16. Tại sao công việc của những anh chị phụng sự tại Bê-tên và các Phòng hội nghị là quan trọng, và làm thế nào chúng ta trợ giúp họ?

15 Trên khắp thế giới, những anh chị phụng sự tại Bê-tên và các Phòng hội nghị là nguồn trợ giúp quan trọng cho công việc Nước Trời tại những xứ dưới sự giám sát của văn phòng chi nhánh. Nếu trong hội thánh hoặc vòng quanh của bạn có thành viên Bê-tên, làm thế nào bạn cho thấy mình nhớ đến họ?

16 Lúc mới đến Bê-tên, có lẽ họ cảm thấy nhớ nhà vì phải xa gia đình và bạn bè thân thương. Họ rất biết ơn khi được các anh chị trong Bê-tên cũng như hội thánh kết bạn với mình! (Mác 10:29, 30). Dù làm việc mỗi ngày nhưng họ vẫn dự các buổi nhóm họp và tham gia thánh chức hằng tuần. Thỉnh thoảng, các thành viên Bê-tên có những bổn phận phải làm thêm. Khi hội thánh hiểu được điều này và biểu lộ lòng biết ơn các thành viên Bê-tên cùng công việc của họ, mọi người đều được lợi ích.—Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9.

TRỢ GIÚP ANH CHỊ PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN Ở NƯỚC NGOÀI

17, 18. Việc phụng sự ở nước ngoài bao gồm những hình thức nào?

17 Các anh chị nhận nhiệm sở ở nước ngoài có thể phải đương đầu với một số khó khăn, chẳng hạn như thức ăn, ngôn ngữ, phong tục và điều kiện sống rất khác với những gì mình quen thuộc. Họ có những nhiệm vụ nào?

18 Một số là giáo sĩ và phụng sự chủ yếu trong cánh đồng rao giảng. Nhờ nhận được sự huấn luyện đặc biệt nên họ có thể giúp ích cho nhiều người. Văn phòng chi nhánh cung cấp cho các giáo sĩ chỗ ở giản dị và một khoản trợ cấp đủ để họ trang trải những nhu cầu căn bản. Những anh chị khác thì được giao việc ở văn phòng chi nhánh hoặc giúp xây các chi nhánh, văn phòng dịch thuật đơn lẻ, Phòng hội nghị hoặc Phòng Nước Trời. Họ được cung cấp bữa ăn, chỗ ở giản dị và một số dịch vụ khác. Như các thành viên Bê-tên, họ đều đặn dự nhóm họp và tham gia thánh chức ở địa phương. Vì thế, họ là ân phước trong nhiều khía cạnh.

19. Chúng ta nên nhớ điều gì về những anh chị phụng sự ở nước ngoài?

19 Bạn có thể nhớ các anh chị này qua những cách nào? Đừng quên rằng họ có lẽ không quen với thức ăn của địa phương, đặc biệt là lúc đầu. Hãy nhớ điều này khi mời họ dùng bữa. Nếu được, hãy hỏi trước xem họ có thích hoặc muốn thử món nào đó không. Hãy kiên nhẫn khi họ học ngôn ngữ và phong tục địa phương. Có lẽ phải mất một thời gian họ mới hiểu mọi điều bạn nói, nhưng hãy tử tế giúp họ cách phát âm. Họ rất muốn học hỏi!

20. Chúng ta có thể nhớ những tôi tớ phụng sự trọn thời gian và cha mẹ họ bằng cách nào?

20 Các tôi tớ phụng sự trọn thời gian sẽ ngày càng lớn tuổi, và cha mẹ họ cũng thế. Nếu là Nhân Chứng, rất có thể cha mẹ họ mong muốn con cái tiếp tục ở lại nhiệm sở (3 Giăng 4). Dĩ nhiên, nếu cha mẹ cần được chăm sóc, các tôi tớ phụng sự trọn thời gian sẽ cố gắng hết sức để thường xuyên đến thăm và giúp đỡ họ. Tuy nhiên, các anh chị ở quê hương có thể giúp đỡ bằng cách sẵn sàng chăm sóc cha mẹ của họ khi cần. Hãy nhớ rằng những người phụng sự trọn thời gian đóng vai trò không nhỏ trong công việc quan trọng nhất từ trước đến nay (Mat 28:19, 20). Bạn và hội thánh có thể trợ giúp nếu cha mẹ họ cần được giúp đỡ không?

21. Những anh chị phụng sự trọn thời gian cảm thấy thế nào về sự hỗ trợ và khích lệ đến từ người khác?

21 Các tôi tớ phụng sự trọn thời gian tham gia công việc này không phải vì lợi nhuận nhưng vì muốn hy sinh cho Đức Giê-hô-va và người khác. Họ quý trọng sâu xa bất cứ sự trợ giúp nào từ bạn. Một chị phụng sự ở nước ngoài nói lên cảm nghĩ của nhiều người: “Chỉ một lời nhắn biểu lộ lòng biết ơn cũng đủ cho thấy người khác đang nghĩ đến bạn và vui về những việc bạn đang làm”.

22. Bạn cảm thấy thế nào về việc phụng sự trọn thời gian?

22 Phụng sự trọn thời gian quả là lối sống thỏa nguyện nhất, tuy có những thách thức nhưng lối sống ấy rất ý nghĩa và dạy chúng ta nhiều điều. Nó giúp chúng ta chuẩn bị cho công việc phụng sự lâu dài đầy vui mừng đang chờ đón mọi tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va dưới sự cai trị của Nước Trời. Mong sao tất cả chúng ta ‘không bao giờ quên công việc bởi đức tin và công sức vì tình yêu thương’ của những anh chị phụng sự trọn thời gian.—1 Tê 1:3.