Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trung thành phụng sự Đức Chúa Trời, bất chấp “nhiều gian khổ”

Trung thành phụng sự Đức Chúa Trời, bất chấp “nhiều gian khổ”

“Chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Đức Chúa Trời”.—CÔNG 14:22.

1. Tại sao tôi tớ Đức Chúa Trời không ngạc nhiên khi gặp gian khổ?

Phải đương đầu với “nhiều gian khổ” mới đạt được giải thưởng sự sống vĩnh cửu. Bạn có ngạc nhiên khi biết điều đó không? Có lẽ không. Dù là người mới hoặc đã phụng sự Đức Giê-hô-va lâu năm, hẳn bạn biết rằng gian khổ là một phần của đời sống trong thế gian Sa-tan.—Khải 12:12.

2. (a) Ngoài những vấn đề mà con người bất toàn thường gặp, môn đồ của Chúa Giê-su phải đối mặt với loại gian khổ nào khác? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Ai đứng đằng sau những gian khổ của chúng ta, và làm sao chúng ta biết điều đó?

2 Ngoài những khó khăn mà con người bất toàn thường gặp, môn đồ của Chúa Giê-su phải đối mặt với một loại gian khổ khác (1 Cô 10:13). Đó là gì? Là sự chống đối dữ dội khi chúng ta quyết tâm vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ: “Đầy tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã ngược đãi tôi thì cũng sẽ ngược đãi anh em” (Giăng 15:20). Ai đứng đằng sau sự chống đối ấy? Dĩ nhiên, chính là Sa-tan, kẻ mà Kinh Thánh miêu tả là “sư tử gầm rống”. Hắn đang tìm cách “cắn nuốt” dân Đức Chúa Trời (1 Phi 5:8). Sa-tan sẽ dùng mọi cách để phá đổ lòng trung kiên của môn đồ Chúa Giê-su. Hãy xem điều gì đã xảy ra với sứ đồ Phao-lô.

GIAN KHỔ TẠI THÀNH LÍT-TRƠ

3-5. (a) Phao-lô đã đương đầu với gian khổ nào tại Lít-trơ? (b) Làm sao Phao-lô giúp các môn đồ vững lòng khi nói về những gian khổ tương lai?

3 Vì đức tin, Phao-lô đã nhiều lần bị ngược đãi (2 Cô 11:23-27). Một lần là tại thành Lít-trơ. Sau khi chữa lành một người bị què từ thuở lọt lòng, Phao-lô và Ba-na-ba được tôn sùng như những vị thần. Hai ông phải nài xin đám đông quá khích đừng thờ phượng mình! Tuy nhiên, không lâu sau, những người Do Thái chống đối từ nơi khác đi đến. Họ dùng lời vu khống để đầu độc tâm trí người dân trong thành. Gió liền đổi hướng! Dân thành giờ đây quay sang ném đá Phao-lô và bỏ đi vì tưởng ông đã chết.—Công 14:8-19.

4 Sau khi thăm thành Đẹt-bơ, Phao-lô và Ba-na-ba “quay lại Lít-trơ, Y-cô-ni và An-ti-ốt. Họ làm các môn đồ ở những nơi đó vững lòng, khuyến giục mọi người giữ vững đức tin và nói: ‘Chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Đức Chúa Trời’” (Công 14:21, 22). Khi mới đọc, có lẽ chúng ta cảm thấy câu này hơi lạ, vì ý nghĩ “phải trải qua nhiều gian khổ” dường như tạo cảm giác lo lắng chứ không mang lại sự khích lệ. Nhưng làm sao Phao-lô và Ba-na-ba giúp “các môn đồ ở những nơi đó vững lòng” khi nói rằng sẽ có thêm nhiều gian khổ?

5 Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời nếu đọc kỹ lời của Phao-lô. Ông không nói: “Chúng ta phải chịu đựng nhiều gian khổ”. Thay vì thế, ông nói: “Chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Đức Chúa Trời”. Phao-lô làm vững mạnh các môn đồ bằng cách nhấn mạnh kết quả tích cực của lối sống trung thành. Phần thưởng ấy không phải là ảo tưởng. Thật vậy, Chúa Giê-su phán: “Ai bền chí cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu”.—Mat 10:22.

6. Những người trung thành chịu đựng sẽ nhận được phần thưởng nào?

6 Nếu chịu đựng, chúng ta sẽ nhận phần thưởng. Đối với các tín đồ được xức dầu, phần thưởng là sự sống bất tử trên trời với tư cách những người đồng cai trị với Chúa Giê-su. Đối với “các chiên khác”, phần thưởng là sự sống vĩnh cửu trên đất, nơi “sự công chính sẽ tồn tại mãi mãi” (Giăng 10:16; 2 Phi 3:13). Dù vậy, như Phao-lô đã nói, chúng ta sẽ đương đầu với nhiều gian khổ vào thời nay. Hãy xem hai loại thử thách chúng ta có thể sẽ gặp.

SỰ TẤN CÔNG TRỰC DIỆN

7. Loại gian khổ nào có thể được gọi là sự tấn công trực diện?

7 Chúa Giê-su báo trước: “Anh em sẽ bị người ta nộp cho tòa án địa phương, bị đánh đập trong nhà hội, và bị giải đến trước mặt vua chúa quan quyền” (Mác 13:9). Những lời này cho thấy một số tín đồ sẽ đương đầu với gian khổ dưới hình thức ngược đãi về thể chất, có lẽ do sự xúi giục của các nhà lãnh đạo tôn giáo hoặc giới chính trị (Công 5:27, 28). Một lần nữa, hãy xem gương của Phao-lô. Ông có nhụt chí khi nghĩ đến việc bị ngược đãi như thế không? Chắc chắn không.—Đọc Công vụ 20:22, 23.

8, 9. Phao-lô thể hiện quyết tâm chịu đựng như thế nào, và một số anh chị thời nay đã thể hiện quyết tâm tương tự ra sao?

8 Phao-lô đã can đảm đương đầu với sự tấn công trực diện của Sa-tan. Ông nói: “Tôi không xem trọng mạng sống mình, miễn sao chạy xong cuộc đua và hoàn thành chức vụ đã nhận lãnh nơi Chúa Giê-su, đó là làm chứng cặn kẽ tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời” (Công 20:24). Rõ ràng, Phao-lô không hoảng sợ khi nghĩ đến việc bị ngược đãi. Trái lại, ông quyết tâm chịu đựng, dù có chuyện gì xảy ra. Mối quan tâm chính của ông là “làm chứng cặn kẽ”, bất chấp mọi gian khổ.

9 Ngày nay, nhiều anh chị của chúng ta cũng thể hiện quyết tâm tương tự. Chẳng hạn, tại một nước, một số Nhân Chứng đã phải chịu đựng cảnh tù đày trong gần 20 năm vì giữ vị thế trung lập. Trường hợp của họ chưa bao giờ được xét xử vì luật nước đó không cho phép từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Khi họ ở trong tù, ngay cả gia đình họ cũng không được đến thăm nuôi. Một số anh chị còn bị đánh đập và tra tấn nhiều cách khác nhau.

10. Tại sao chúng ta không nên sợ sự gian khổ bất ngờ xảy đến?

10 Anh em chúng ta ở những nơi khác thì chịu đựng sự gian khổ bất ngờ xảy đến. Nếu bạn ở trong trường hợp đó, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi. Hãy nghĩ đến gương của Giô-sép. Ông bị bán làm nô lệ nhưng được Đức Giê-hô-va ‘giải cứu khỏi mọi hoạn nạn’ (Công 7:9, 10). Ngài có thể làm thế với bạn. Đừng quên rằng “Đức Giê-hô-va biết cách giải cứu người có lòng sùng kính ra khỏi cơn thử thách” (2 Phi 2:9). Bạn sẽ tiếp tục nương cậy nơi Đức Giê-hô-va không? Bạn có tin chắc ngài có thể giải cứu bạn khỏi thế gian này và cho bạn hưởng sự sống vĩnh cửu dưới sự cai trị của Nước Trời không? Bạn có mọi lý do để làm thế và can đảm đương đầu với sự ngược đãi.—1 Phi 5:8, 9.

SỰ TẤN CÔNG NGẦM

11. Sự tấn công ngầm và sự tấn công trực diện của Sa-tan khác nhau như thế nào?

11 Một loại gian khổ khác mà chúng ta có thể gặp là sự tấn công ngầm. Nó khác với sự tấn công trực diện về thể chất như thế nào? Sự tấn công trực diện giống như cơn bão quét vào thành phố và hủy phá ngôi nhà của bạn ngay tức khắc. Sự tấn công ngầm thì giống như một đàn mối từ từ bò vào, ăn mòn ngôi nhà của bạn cho đến khi nó sụp đổ. Với sự tấn công ngầm, một người có thể không nhận ra mối nguy hiểm cho đến khi quá trễ.

12. (a) Một trong những thủ đoạn tinh vi của Sa-tan là gì, và tại sao nó rất hiệu quả? (b) Phao-lô bị sự nản lòng ảnh hưởng ra sao?

12 Sa-tan muốn hủy hoại mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va. Hắn có thể tấn công trực diện bằng sự ngược đãi hoặc làm xói mòn đức tin của bạn bằng sự tấn công ngầm. Một trong những thủ đoạn tinh vi và hiệu quả nhất của hắn là sự nản lòng. Sứ đồ Phao-lô thừa nhận đôi khi ông cũng có cảm giác nản lòng. (Đọc Rô-ma 7:21-24). Tại sao Phao-lô, một “người khổng lồ” về thiêng liêng và rất có thể là thành viên của hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất, lại tự gọi mình là người “khốn khổ”? Phao-lô nói rằng ông cảm thấy như thế vì sự bất toàn của chính mình. Ông thật sự muốn làm điều đúng, nhưng cảm thấy có một lực khác đang chống lại ông. Nếu có lúc bạn phải tranh đấu với cảm xúc như thế, hẳn bạn sẽ được an ủi khi biết rằng ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng đương đầu với thử thách tương tự.

13, 14. (a) Điều gì khiến một số tôi tớ của Đức Chúa Trời bị nản lòng? (b) Ai muốn thấy đức tin của chúng ta sụp đổ, và tại sao?

13 Thỉnh thoảng, nhiều anh chị bị nản lòng, lo âu và thậm chí cảm thấy vô dụng. Thí dụ, một chị tiên phong sốt sắng đã nói: “Hết lần này đến lần khác, tôi cứ nghĩ về lỗi lầm của mình, mỗi lần lại cảm thấy tệ hơn. Khi nhớ lại mọi điều sai trái mình đã làm, tôi cảm thấy không ai có thể yêu thương tôi, ngay cả Đức Giê-hô-va”.

14 Điều gì khiến một số tôi tớ sốt sắng của Đức Giê-hô-va bị nản lòng như thế? Có nhiều lý do. Có thể chỉ là do khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực về bản thân và về hoàn cảnh của mình (Châm 15:15). Đối với những người khác, cảm xúc tiêu cực có thể bắt nguồn từ sự rối loạn cơ thể, ảnh hưởng đến cảm xúc. Nhưng dù nguyên nhân là gì đi nữa, chúng ta phải nhớ ai là kẻ muốn lợi dụng những cảm xúc như thế. Thật vậy, ai muốn chúng ta nản lòng đến mức phải bỏ cuộc? Ai muốn bạn cũng bị kết án nặng nề giống như hắn? (Khải 20:10). Chính là Sa-tan. Sự thật là dù tấn công trực diện hoặc tấn công ngầm, mục tiêu của Sa-tan vẫn là khiến chúng ta lo lắng, giảm lòng sốt sắng và bỏ cuộc. Hãy thận trọng, dân Đức Chúa Trời đang ở trong một trận chiến thiêng liêng!

15. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quyết tâm không gục ngã trước sự nản lòng?

15 Hãy quyết tâm không bỏ cuộc. Hãy tập trung vào giải thưởng. Phao-lô viết cho các tín đồ ở thành Cô-rinh-tô như sau: “Chúng ta không bỏ cuộc, dù bề ngoài ngày càng suy yếu nhưng chắc chắn con người bề trong đang được thêm sức mỗi ngày. Vì hoạn nạn chúng ta chịu là tạm thời và nhẹ, nhưng giúp chúng ta có sự vinh hiển ngày càng lớn lao, tồn tại mãi”.—2 Cô 4:16, 17.

HÃY CHUẨN BỊ ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI GIAN KHỔ NGAY TỪ BÂY GIỜ

Cả tín đồ trẻ tuổi lẫn lớn tuổi đều luyện tập để bênh vực niềm tin (Xem đoạn 16)

16. Tại sao việc chuẩn bị để đương đầu với gian khổ ngay từ bây giờ là điều quan trọng?

16 Như chúng ta đã thấy, Sa-tan có nhiều “mưu kế” (Ê-phê 6:11). Mỗi chúng ta cần làm theo lời khuyên nơi 1 Phi-e-rơ 5:9: “Hãy chống lại hắn, hãy giữ vững đức tin”. Để làm thế, chúng ta cần chuẩn bị lòng và trí, luyện tập làm điều đúng ngay từ bây giờ. Để minh họa: Một người lính thường phải trải qua nhiều đợt huấn luyện gian khổ dù chưa có nguy cơ chiến tranh. Những người lính về thiêng liêng cũng như thế. Chúng ta không biết trận chiến thiêng liêng sẽ diễn ra thế nào trong tương lai. Do đó, chẳng phải luyện tập chăm chỉ vào thời bình là điều khôn ngoan sao? Phao-lô viết cho tín đồ ở thành Cô-rinh-tô: “Hãy luôn tra xét xem mình có sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô không, và cho thấy mình là loại người nào”.—2 Cô 13:5.

17-19. (a) Chúng ta có thể tự xét mình như thế nào? (b) Làm sao những người trẻ có thể sẵn sàng bênh vực đức tin tại trường học?

17 Một cách để chúng ta có thể làm theo lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô là nghiêm túc tự xét bản thân. Hãy tự hỏi: “Tôi có kiên trì cầu nguyện không? Khi đương đầu với áp lực từ bạn đồng lứa, tôi vâng phục Đức Chúa Trời hay vâng phục loài người? Tôi có đều đặn tham dự nhóm họp không? Tôi có dạn dĩ nói về niềm tin của mình không? Tôi có thật sự cố gắng bỏ qua khuyết điểm của anh em, như họ đã bỏ qua khuyết điểm của tôi không? Tôi có vâng phục các anh dẫn đầu trong hội thánh và những anh có trách nhiệm trong tổ chức không?”.

18 Trong số những câu hỏi trên, hãy lưu ý đến hai câu hỏi liên quan đến việc dạn dĩ bênh vực niềm tin và đối phó với áp lực từ bạn đồng lứa. Nhiều người trẻ đã phải làm thế tại trường học. Thay vì rụt rè hoặc xấu hổ, họ dạn dĩ nói lên niềm tin của mình. Các tạp chí của chúng ta có những lời đề nghị hữu ích về vấn đề này. Thí dụ, Tỉnh Thức! tháng 1-3 năm 2010 có gợi ý về cách trả lời khi một bạn cùng lớp hỏi: “Tại sao bạn không tin thuyết tiến hóa?”. Khi ấy, bạn có thể trả lời đơn giản: “Tại sao chúng ta phải tin điều đó? Ngay cả các nhà khoa học là giới chuyên môn mà còn chưa thống nhất thì làm sao tin được!”. Hỡi các bậc cha mẹ, hãy thực tập với con để con sẵn sàng đối phó với áp lực từ bạn cùng trường.

19 Phải công nhận rằng không phải lúc nào cũng dễ để nói lên niềm tin hoặc làm những điều Đức Giê-hô-va mong muốn. Sau một ngày dài làm việc, có thể chúng ta phải ép mình để dự nhóm họp. Thức dậy vào buổi sáng để đi thánh chức có thể buộc chúng ta phải quên đi cảm giác êm đềm trên giường. Nhưng hãy nhớ rằng nếu đã vun trồng thói quen thiêng liêng tốt thì trong tương lai, khi những thử thách lớn hơn xuất hiện, bạn sẽ đối phó dễ dàng hơn.

20, 21. (a) Suy ngẫm về giá chuộc giúp chúng ta chống lại cảm xúc tiêu cực như thế nào? (b) Bất chấp những gian khổ, chúng ta quyết tâm làm gì?

20 Còn sự tấn công ngầm thì sao? Chẳng hạn, làm thế nào chúng ta có thể chống lại cảm giác nản lòng? Một trong những cách tốt nhất là suy ngẫm về giá chuộc. Đó là điều sứ đồ Phao-lô đã làm. Ông biết đôi khi ông nghĩ mình là người khốn khổ. Nhưng Phao-lô cũng nhận biết rằng Đấng Ki-tô đã chết, không phải cho người hoàn hảo mà cho người tội lỗi, trong đó có ông. Ông viết: “Đời sống mà tôi hiện đang sống là sống theo đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, đấng yêu thương tôi và hy sinh cho tôi” (Ga 2:20). Đúng thế, Phao-lô đã tiếp nhận giá chuộc. Ông nhận ra giá chuộc áp dụng cho chính mình.

21 Cũng vậy, việc xem giá chuộc là món quà Đức Giê-hô-va ban cho chính mình có thể giúp bạn rất nhiều. Điều này không có nghĩa là sự nản lòng sẽ biến mất ngay lập tức. Một số người trong chúng ta ít nhiều cũng phải tranh chiến với sự tấn công ngầm này của Sa-tan cho đến khi vào thế giới mới. Nhưng hãy nhớ rằng những người không bỏ cuộc sẽ nhận được phần thưởng. Chúng ta đang đến rất gần ngày vinh quang, khi Nước Đức Chúa Trời thiết lập hòa bình và khôi phục sự hoàn toàn cho cả nhân loại trung thành. Hãy quyết tâm tiến vào Nước Trời, dù phải trải qua nhiều gian khổ.