Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có “đang vươn tới trách nhiệm” không?

Bạn có “đang vươn tới trách nhiệm” không?

Anh Fernando * hồi hộp lo lắng vì hai trưởng lão xin nói chuyện riêng với anh. Sau vài lần giám thị vòng quanh viếng thăm gần đây, các trưởng lão đã cho Fernando biết anh cần làm gì để hội đủ điều kiện nhận thêm đặc ân trong hội thánh. Thời gian dần trôi, anh bắt đầu băn khoăn không biết đến bao giờ mình sẽ được bổ nhiệm làm trưởng lão. Giám thị vòng quanh vừa mới viếng thăm hội thánh lần nữa. Lần này các trưởng lão sẽ nói gì?

Fernando chăm chú lắng nghe anh trưởng lão nói. Anh trưởng lão nhắc đến 1 Ti-mô-thê 3:1 và cho biết họ đã nhận được thư bổ nhiệm Fernando làm trưởng lão. Fernando giật mình ngồi thẳng lên và hỏi: “Anh vừa nói gì?”. Anh trưởng lão lặp lại lời mình vừa nói thì một nụ cười xuất hiện trên gương mặt Fernando. Sau đó, khi nghe thông báo anh được bổ nhiệm, cả hội thánh đều tươi cười.

Mong muốn nhận được đặc ân trong hội thánh có gì sai không? Hoàn toàn không. Câu 1 Ti-mô-thê 3:1 cho biết: “Ai đang vươn tới trách nhiệm giám thị là mong muốn một việc tốt lành”. Nhiều nam tín đồ đạo Đấng Ki-tô áp dụng lời khích lệ đó và cố gắng tiến bộ để hội đủ điều kiện nhận các đặc ân trong hội thánh. Nhờ thế, dân Đức Chúa Trời được ban phước với hàng chục ngàn trưởng lão và phụ tá có năng lực. Tuy nhiên, sự gia tăng rõ rệt trong các hội thánh cho thấy rất cần thêm các anh vươn tới trách nhiệm. Làm thế nào để vươn tới đúng cách? Những người mong muốn làm giám thị có nên lo lắng về vấn đề này như anh Fernando không?

“VƯƠN TỚI” CÓ NGHĨA GÌ?

Cụm từ “vươn tới” trong Kinh Thánh được dịch từ động từ Hy Lạp có nghĩa là tha thiết mong muốn, căng người ra. Từ này có lẽ khiến bạn nghĩ đến một người cố rướn lên để hái một trái đẹp mắt đang lơ lửng trên cây. Tuy nhiên, vươn tới đặc ân làm “giám thị” không có nghĩa là cố đạt bằng được vì tham vọng. Tại sao? Vì mục tiêu của những người thật lòng muốn làm trưởng lão là để làm “một việc tốt lành” chứ không phải để có địa vị.

Việc tốt lành này đòi hỏi những điều kiện được liệt kê trong 1 Ti-mô-thê 3:2-7 và Tít 1:5-9. Về các tiêu chuẩn ấy, một trưởng lão lâu năm tên Raymond nói: “Đối với tôi, điều quan trọng nhất là chúng ta thuộc loại người nào. Khả năng ăn nói và dạy dỗ cũng quan trọng nhưng không thể bỏ qua những điều kiện thiết yếu như không chỗ trách được, biết điều độ trong mọi sự, biết suy xét, sống nề nếp, hiếu khách và phải lẽ”.

Hãy “vươn tới trách nhiệm” khi cùng hội thánh phụng sự theo nhiều cách khác nhau

Một anh thật sự muốn vươn tới trách nhiệm sẽ chứng tỏ mình là người không chỗ trách được bằng cách tránh mọi hình thức của sự bất lương và ô uế. Anh phải điều độ trong mọi sự, biết suy xét, sống nề nếp và phải lẽ. Nhờ vậy, anh em đồng đạo sẽ tin cậy khi anh hướng dẫn hội thánh và giúp họ đương đầu với vấn đề cá nhân. Vì là người hiếu khách nên anh trở thành nguồn khích lệ cho người trẻ và người mới trong sự thật. Vì yêu chuộng điều nhân đức, anh luôn an ủi và giúp đỡ người bệnh cũng như người lớn tuổi. Anh vun trồng những đức tính này để mang lại lợi ích cho người khác, chứ không phải để có thêm cơ hội được bổ nhiệm. *

Hội đồng trưởng lão sẵn sàng khuyên bảo và khích lệ, nhưng đạt được điều kiện trong Kinh Thánh là trách nhiệm của người muốn vươn tới đặc ân. Anh Henry, một giám thị kinh nghiệm, chia sẻ: “Nếu đang vươn tới trách nhiệm, hãy nỗ lực chứng tỏ mình hội đủ điều kiện”. Anh ám chỉ Truyền-đạo 9:10 khi nói: “‘Mọi việc tay bạn làm được, hãy làm hết sức mình’. Nếu được trưởng lão giao bất cứ nhiệm vụ nào, hãy cố gắng hết sức. Hãy yêu thích mọi công việc được giao trong hội thánh, kể cả việc quét dọn. Với thời gian, công việc và nỗ lực của bạn sẽ được để ý”. Nếu mong muốn làm trưởng lão sau này, hãy siêng năng và tỏ ra đáng tin cậy trong mọi khía cạnh của công việc thánh. Đặc điểm chính của bạn nên là tính khiêm nhường, chứ không phải sự tham vọng đầy kiêu ngạo.—Mat 23:8-12.

BÁC BỎ LỐI SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG SAI TRÁI

Một số người mong muốn nhận đặc ân có thể có khuynh hướng gợi ý hoặc cố gắng tạo ấn tượng với hội đồng trưởng lão. Số khác thì không vui khi được các trưởng lão khuyên bảo. Những người ấy cần tự hỏi: “Tôi muốn thăng tiến hay muốn khiêm nhường chăm sóc bầy của Đức Giê-hô-va?”.

Những người vươn tới trách nhiệm cần nhớ một điều kiện khác để được làm trưởng lão, đó là “nêu gương cho cả bầy” (1 Phi 5:1-3). Một người nêu gương cho cả hội thánh phải tránh lối suy nghĩ và hành động gian xảo. Anh vun trồng tính chịu đựng và kiên nhẫn, dù hiện có đặc ân nào hay không. Những khuyết điểm của con người không tự nhiên biến mất khi họ trở thành trưởng lão (Dân 12:3; Thi 106:32, 33). Ngoài ra, một anh có thể “nhận thấy mình chẳng làm gì sai trái”, nhưng người khác có lẽ có lý do để nhận xét tiêu cực về anh (1 Cô 4:4). Vì vậy, nếu được trưởng lão thành thật khuyên bảo dựa trên Kinh Thánh, hãy cố gắng lắng nghe và đừng tỏ ra khó chịu. Sau đó, hãy nỗ lực áp dụng lời khuyên ấy.

NẾU PHẢI CHỜ LÂU THÌ SAO?

Một số anh cảm thấy thời gian chờ được bổ nhiệm có vẻ quá lâu. Nếu đã cố gắng “vươn tới trách nhiệm giám thị” nhiều năm rồi, đôi khi bạn có cảm thấy nôn nóng không? Nếu thế, hãy để ý những lời sau: “Sự trông-cậy trì-hoãn khiến lòng bị đau-đớn; nhưng khi sự ước-ao được thành, thì giống như một cây sự sống”.—Châm 13:12.

Một người có thể cảm thấy đau lòng khi mục tiêu hằng ấp ủ dường như không đạt được. Áp-ra-ham từng cảm thấy như thế. Đức Giê-hô-va hứa ban cho ông một con trai, nhưng nhiều năm trôi qua mà ông và Sa-ra vẫn chưa có con (Sáng 12:1-3, 7). Khi tuổi đã cao, Áp-ra-ham than vãn: “Lạy Chúa Giê-hô-va, Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết không con... Chúa làm cho tôi tuyệt-tự”. Đức Giê-hô-va trấn an ông rằng lời hứa của ngài sẽ thành sự thật. Nhưng ông phải đợi thêm ít nhất 14 năm trước khi Đức Chúa Trời thực hiện lời ngài.—Sáng 15:2-4; 16:16; 21:5.

Trong khi chờ đợi, Áp-ra-ham có mất niềm vui phụng sự Đức Giê-hô-va không? Không. Ông không bao giờ nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời mà tiếp tục trông mong kết quả tốt đẹp. Sứ đồ Phao-lô viết: “Sau khi đã thể hiện lòng kiên nhẫn thì Áp-ra-ham nhận được lời hứa ấy” (Hê 6:15). Cuối cùng, Đức Chúa Trời Toàn Năng đã ban phước cho người trung thành ấy nhiều hơn những gì ông mong đợi. Bạn học được gì từ Áp-ra-ham?

Nếu muốn làm trưởng lão nhưng qua nhiều năm vẫn chưa được bổ nhiệm, hãy tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va. Đừng đánh mất niềm vui trong việc phụng sự. Warren, một anh từng giúp nhiều anh tiến bộ về thiêng liêng, giải thích: “Tiến trình hội đủ điều kiện được bổ nhiệm đòi hỏi một khoảng thời gian. Với thời gian, khả năng và thái độ của anh sẽ dần dần được thể hiện qua cách anh cư xử và chu toàn bổn phận được giao. Một số người nghĩ rằng họ chỉ thành công khi có đặc ân hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó. Lối suy nghĩ như thế thật sai lầm và ham muốn ấy có thể trở thành nỗi ám ảnh. Nếu trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va dù bạn ở bất cứ nơi đâu và làm gì đi nữa, thì bạn đã thành công”.

Một anh đã đợi hơn mười năm mới được bổ nhiệm làm trưởng lão. Đề cập đến lời tường thuật quen thuộc trong sách Ê-xê-chi-ên chương 1, anh cho biết mình đã học được điều này: “Đức Giê-hô-va điều khiển cỗ xe, tức tổ chức của ngài, chạy theo tốc độ ngài chọn. Điều quan trọng không phải là thời gian của chúng ta mà là của Đức Giê-hô-va. Trong việc vươn tới trách nhiệm làm trưởng lão, tôi muốn hay ước ao điều gì không quan trọng. Có lẽ tôi muốn một điều mà Đức Giê-hô-va biết tôi không cần”.

Nếu mong muốn một ngày nào đó được làm công việc tốt lành của giám thị đạo Đấng Ki-tô, hãy vươn tới trách nhiệm ấy bằng cách góp phần vào niềm vui của hội thánh. Nếu cảm thấy thời gian trôi qua lâu, hãy kháng cự khuynh hướng nôn nóng và thiếu kiên nhẫn. Anh Raymond được đề cập ở trên cho biết: “Tham vọng là kẻ thù của sự thỏa nguyện. Ai luôn nôn nóng sẽ mất niềm vui mà việc phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại”. Hãy vun trồng thêm bông trái của thần khí, đặc biệt là tính nhẫn nhịn hay kiên nhẫn. Hãy cố gắng tiến bộ về thiêng liêng qua việc học hỏi Kinh Thánh, tham gia nhiều hơn trong việc rao giảng tin mừng và giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh. Hãy dẫn đầu gia đình trong các hoạt động thiêng liêng và buổi thờ phượng của gia đình. Hãy vui hưởng mọi dịp kết hợp với anh em đồng đạo. Khi tiếp tục bước trên con đường tiến đến mục tiêu, bạn sẽ thích thú cuộc hành trình ấy.

Khi nỗ lực hội đủ điều kiện để nhận đặc ân trong hội thánh, hãy xem đó là cơ hội quý báu đến từ Đức Giê-hô-va. Ngài và tổ chức của ngài đều không muốn những người đang vươn tới trách nhiệm bị nản lòng và mất niềm vui trong việc phụng sự. Đức Chúa Trời hỗ trợ và ban phước cho tất cả những người phụng sự ngài với động cơ trong sạch. Giống như mọi ân phước của ngài, “ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”.—Châm 10:22.

Dù đã vươn tới các trách nhiệm trong một thời gian khá dài, bạn vẫn có thể tiến bộ rất nhiều về thiêng liêng. Trong khi nỗ lực vun trồng những đức tính cần thiết, siêng năng phục vụ hội thánh mà không bỏ bê gia đình, bạn sẽ đạt được thành quả mà Đức Giê-hô-va không bao giờ quên. Mong sao bạn luôn vui vẻ phụng sự Đức Giê-hô-va dù nhận được bất cứ nhiệm vụ nào.

^ đ. 2 Các tên trong bài này đã được thay đổi.

^ đ. 8 Các nguyên tắc trong bài này cũng áp dụng cho những người mong muốn làm phụ tá hội thánh. Họ phải hội đủ những điều kiện ghi nơi 1 Ti-mô-thê 3:8-10, 12, 13.