Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta phải nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình

Chúng ta phải nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình

“Hãy nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình”.—1 PHI 1:15.

1, 2. (a) Về hạnh kiểm, Đức Chúa Trời đòi hỏi điều gì nơi dân ngài? (b) Bài này giải đáp những câu hỏi nào?

Đức Giê-hô-va soi dẫn sứ đồ Phi-e-rơ viết về mối liên hệ giữa sự thánh khiết được nhấn mạnh trong sách Lê-vi Ký với việc tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải nên thánh trong cách ăn ở. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:14-16). “Đấng Thánh”, Đức Giê-hô-va, đòi hỏi những người được xức dầu và “các chiên khác” gắng hết sức để nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình, chứ không chỉ trong một số khía cạnh.—Giăng 10:16.

2 Xem xét thêm những viên ngọc thiêng liêng trong sách Lê-vi Ký sẽ mang lại nhiều lợi ích, và áp dụng những điều mình học sẽ giúp chúng ta nên thánh trong mọi cách ăn ở. Bài này sẽ thảo luận những câu hỏi như: “Chúng ta nên có quan điểm nào về việc thỏa hiệp? Sách Lê-vi Ký dạy chúng ta điều gì về việc ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va? Chúng ta học được gì từ việc dâng lễ vật của dân Y-sơ-ra-ên?”.

TRÁNH THỎA HIỆP

3, 4. (a) Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tránh thỏa hiệp luật pháp và các nguyên tắc Kinh Thánh? (b) Tại sao chúng ta nên tránh trả thù hoặc cưu mang hờn giận?

3 Nếu muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta phải theo sát luật pháp và các nguyên tắc của ngài, không bao giờ chấp  nhận thái độ không tin kính hoặc thỏa hiệp. Dù không ở dưới Luật pháp Môi-se, nhưng những đòi hỏi của Luật ấy giúp chúng ta hiểu rõ quan điểm của Đức Chúa Trời về những điều ngài chấp nhận và không chấp nhận. Chẳng hạn, dân Y-sơ-ra-ên được lệnh: “Chớ toan báo-thù, chớ giữ sự báo-thù cùng con cháu dân-sự mình; nhưng hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-hô-va”.—Lê 19:18.

4 Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta trả thù hoặc cưu mang hờn giận (Rô 12:19). Nếu chúng ta lờ đi những điều luật và các nguyên tắc của Đức Chúa Trời, Kẻ Quỷ Quyệt sẽ vui mừng và có thể chúng ta sẽ khiến danh Đức Giê-hô-va bị sỉ nhục. Ngay cả khi bị một người cố tình gây tổn thương, chúng ta đừng làm mình trở thành cái bình chứa sự oán giận. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta đặc ân là “bình bằng đất” chứa của báu là thánh chức rao giảng (2 Cô 4:1, 7). Sự oán giận được ví như a-xít. Trong một bình, không thể vừa chứa a-xít, vừa chứa của báu!

5. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật về A-rôn và cái chết của các con trai ông? (Xem hình nơi đầu bài).

5 Hãy xem kinh nghiệm đau thương của gia đình A-rôn được ghi lại trong sách Lê-vi Ký 10:1-11. Hẳn họ vô cùng đau lòng khi thấy lửa từ trời thiêu đốt hai con trai của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu tại đền tạm. Quả là một thử thách về đức tin cho A-rôn và gia đình ông khi không được than khóc trước cái chết của người thân! Bạn có cho thấy mình nên thánh qua việc tránh kết hợp với những người bị khai trừ, kể cả thành viên trong gia đình không?—Đọc 1 Cô-rinh-tô 5:11.

6, 7. (a) Chúng ta cần xem xét những điểm quan trọng nào khi quyết định có nên dự lễ cưới tại nhà thờ hay không? (Xem chú thích). (b) Chúng ta có thể giải thích thế nào về lý do mình không dự lễ cưới tại nhà thờ?

6 Có lẽ chúng ta không gặp thử thách cam go như A-rôn và gia đình ông. Nhưng nói sao nếu chúng ta được mời tham dự lễ cưới tại nhà thờ của người bà con không phải là Nhân Chứng? Không có câu Kinh Thánh nào nói rõ chúng ta không được tham dự, nhưng có những nguyên tắc liên quan nhằm giúp chúng ta đưa ra quyết định trong trường hợp như thế. *

7 Việc chúng ta quyết tâm chứng tỏ mình nên thánh trước mắt Đức Giê-hô-va trong trường hợp kể trên có thể khiến những người thân không phải là Nhân Chứng khó hiểu (1 Phi 4:3, 4). Chúng ta cố gắng tránh xúc phạm họ. Vì thế, cách tốt nhất thường là chúng ta nói tử tế nhưng thẳng thắn. Nếu được, chúng ta nên nói trước với họ một thời gian. Chúng ta có thể cảm ơn họ và nói rằng mình rất vui khi được mời dự lễ cưới. Sau đó, chúng ta có thể giải thích rằng vì có những nghi lễ tôn giáo nên sự hiện diện của chúng ta có thể khiến ngày đặc biệt của họ mất vui và làm họ cũng như khách mời bối rối. Đây là một cách có thể giúp chúng ta tránh thỏa hiệp niềm tin của mình.

ỦNG HỘ QUYỀN CAI TRỊ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

8. Sách Lê-vi Ký nêu bật quyền cai trị của Đức Giê-hô-va như thế nào?

8 Sách Lê-vi Ký nêu bật quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Hơn 30 lần, sách Lê-vi Ký cho biết những luật lệ trong đó đều đến từ Đức Chúa Trời. Môi-se biết điều này và làm theo những gì Đức Giê-hô-va bảo ông làm (Lê 8:4, 5). Tương tự, chúng ta nên luôn làm điều mà Chúa Tối Thượng Giê-hô-va muốn chúng ta làm. Chúng ta có sự hỗ trợ của tổ chức Đức Chúa Trời để giúp mình làm thế. Nhưng đức tin của chúng ta có thể bị thử thách khi ở một mình, giống như điều đã xảy ra với Chúa  Giê-su khi ngài bị cám dỗ trong hoang mạc (Lu 4:1-13). Nếu chúng ta chú tâm vào quyền cai trị của Đức Chúa Trời và tin cậy ngài, không ai có thể khiến chúng ta thỏa hiệp và rơi vào bẫy sợ loài người.—Châm 29:25.

9. Tại sao dân của Đức Chúa Trời bị mọi dân thù ghét?

9 Là môn đồ của Đấng Ki-tô và là Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va, chúng ta bị ngược đãi trên khắp thế giới. Điều này không có gì lạ vì Chúa Giê-su từng nói với các môn đồ: “Người ta sẽ ngược đãi anh em và giết đi; anh em sẽ bị mọi dân thù ghét vì danh tôi” (Mat 24:9). Nhưng khi đối mặt với sự thù ghét như thế, chúng ta vẫn bền bỉ rao giảng về Nước Trời và tiếp tục chứng tỏ mình nên thánh trước mắt Đức Giê-hô-va. Dù sống lương thiện, đạo đức và tuân thủ luật pháp, vậy tại sao chúng ta bị thù ghét? (Rô 13:1-7). Vì chúng ta xem Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng! Chúng ta chỉ phụng sự “một mình ngài” cũng như không bao giờ thỏa hiệp các nguyên tắc và điều luật công chính của ngài.—Mat 4:10.

10. Một anh thỏa hiệp lập trường trung lập đã đối mặt với tình huống nào?

10 Chúng ta cũng “không thuộc về thế-gian”. Vì thế, chúng ta giữ trung lập trong các cuộc chiến trên thế giới và các vấn đề chính trị. (Đọc Giăng 15:18-21; Ê-sai 2:4). Một số người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời nhưng vẫn thỏa hiệp lập trường trung lập. Nhiều người trong số đó đã ăn năn và có lại mối quan hệ với Cha trên trời đầy lòng thương xót (Thi 51:17). Nhưng một số người khác thì không. Chẳng hạn trong Thế Chiến II, nhiều anh bị bỏ tù bất công trong khắp nước Hung-ga-ri. Các sĩ quan đã tập trung 160 anh dưới 45 tuổi vào một thị trấn và lệnh cho họ phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Những anh trung thành kiên quyết từ chối mệnh lệnh này, nhưng chín người trong số đó đã tuyên thệ với quân đội và đồng ý mặc quân phục. Hai năm sau, một trong chín người đó ở trong đội hành quyết được lệnh xử tử những Nhân Chứng trung thành. Trong số những người ấy có người anh em ruột của anh ta! Rốt cuộc việc hành hình này đã không xảy ra.

DÂNG CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐIỀU TỐT NHẤT

11, 12. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay học được gì về việc dâng lễ vật của dân Y-sơ-ra-ên thời xưa?

11 Luật pháp Môi-se quy định rõ dân Y-sơ-ra-ên phải dâng những lễ vật nào (Lê 9:1-4, 15-21). Những lễ vật ấy phải không tì vết vì là hình bóng cho sự hy sinh hoàn hảo của Chúa Giê-su. Hơn nữa, mỗi loại lễ vật phải được thực hiện theo các bước nhất định. Chẳng hạn, hãy xem đòi hỏi đối với người mẹ mới sinh con. Sách Lê-vi-Ký 12:6 cho biết: “Khi kỳ làm mình cho thanh-sạch về đứa trai hay gái đã trọn rồi, người đàn-bà phải dâng cho thầy tế-lễ tại cửa hội-mạc một chiên con một tuổi, đặng làm của-lễ thiêu, và một bồ-câu con hoặc một cu con đặng làm của-lễ chuộc tội”. Những đòi hỏi này rất cụ thể, nhưng tình yêu thương và sự phải lẽ của Đức Chúa Trời được thấy rõ trong Luật pháp. Nếu không có khả năng dâng một chiên con, người mẹ được phép dâng hai chim cu hoặc hai bồ câu con (Lê 12:8). Dù nghèo, bà vẫn được yêu thương và quý trọng như những người dâng lễ vật có giá trị hơn. Chúng ta có thể rút ra bài học nào?

12 Sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em đồng đạo dâng cho Đức Chúa Trời “lễ vật là lời ngợi khen” (Hê 13:15). Chúng ta nên dùng môi miệng để công bố danh thánh của Đức Giê-hô-va. Những anh chị khiếm thính dùng ngôn ngữ ký hiệu để ngợi khen Đức Chúa Trời. Những tín đồ bị bệnh không thể ra khỏi nhà ngợi khen ngài bằng cách viết thư, rao giảng qua điện thoại và làm chứng cho những người  chăm sóc hoặc đến thăm họ. Việc chúng ta dâng lễ vật là lời ngợi khen, tức ngợi khen Đức Giê-hô-va qua việc rao báo tin mừng và danh ngài, nên tùy thuộc vào sức khỏe và khả năng của mỗi người. Tuy nhiên, đó phải là điều tốt nhất.—Rô 12:1; 2 Ti 2:15.

13. Tại sao chúng ta nên báo cáo hoạt động rao giảng?

13 Chúng ta tự nguyện dâng cho Đức Chúa Trời lễ vật là lời ngợi khen vì yêu thương ngài (Mat 22:37, 38). Nhưng chúng ta được yêu cầu nộp báo cáo rao giảng. Vậy, chúng ta nên có thái độ nào về sự sắp đặt này? Báo cáo chúng ta nộp mỗi tháng liên quan đến lòng sùng kính của chúng ta (2 Phi 1:7). Dĩ nhiên, không ai trong chúng ta nên cảm thấy bị áp lực phải làm nhiều trong thánh chức chỉ để có một báo cáo nhiều giờ hơn. Đó là lý do chính đáng để một người công bố sống trong viện dưỡng lão, hoặc một anh chị bị hạn chế rất nhiều về sức khỏe và tuổi tác, có thể báo cáo từng 15 phút. Đức Giê-hô-va quý những giây phút mà các công bố dâng lễ vật tốt nhất cho ngài. Đây là cách họ bày tỏ tình yêu thương đối với ngài và biết ơn đặc ân vô giá là được làm Nhân Chứng của ngài. Giống như trường hợp của những người Y-sơ-ra-ên không có khả năng dâng lễ vật có nhiều giá trị, các tôi tớ yêu quý của Đức Giê-hô-va có một số mặt hạn chế nào đó vẫn có thể nộp báo cáo rao giảng. Báo cáo cá nhân là một phần của tổng số báo cáo trên toàn thế giới, giúp tổ chức vạch ra kế hoạch trong tương lai cho hoạt động rao giảng Nước Trời. Vậy, việc nộp báo cáo rao giảng có phải là đòi hỏi quá đáng không?

THÓI QUEN HỌC HỎI VÀ VIỆC DÂNG LỄ VẬT LÀ LỜI NGỢI KHEN

14. Hãy giải thích tại sao chúng ta nên xem xét thói quen học hỏi Kinh Thánh.

14 Sau khi xem xét một số điều quý báu từ sách Lê-vi Ký, có thể bạn nghĩ: “Giờ đây, mình hiểu rõ hơn tại sao sách này được Đức Chúa Trời hướng dẫn cho ghi lại trong Lời ngài” (2 Ti 3:16). Nay có thể bạn quyết tâm hơn để chứng tỏ mình nên thánh trước mắt Đức Giê-hô-va, không phải chỉ vì ngài đòi hỏi nhưng vì ngài xứng đáng để chúng ta nỗ lực làm ngài vui lòng. Có lẽ những gì học được trong sách Lê-vi Ký qua hai bài này đã giúp bạn gia tăng ước muốn đào sâu Kinh Thánh. (Đọc Châm-ngôn 2:1-5). Hãy cầu nguyện và xem xét thói quen học hỏi Kinh Thánh. Chắc chắn, bạn muốn lễ vật là lời ngợi khen của mình được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Bạn có nhận thấy các chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, hoạt động thể thao hoặc sở thích cá nhân khiến mình bị phân tâm và cản trở mình tiến bộ về thiêng liêng không? Nếu có, bạn có thể nhận được nhiều lợi ích khi suy ngẫm về một số lời khuyên của sứ đồ Phao-lô trong sách Hê-bơ-rơ.

Bạn có đặt việc học hỏi Kinh Thánh và Buổi thờ phượng của gia đình lên hàng đầu trong đời sống không? (Xem đoạn 14)

15, 16. Tại sao Phao-lô rất thẳng thắn khi viết thư cho tín đồ người Hê-bơ-rơ?

15 Phao-lô rất thẳng thắn khi viết thư cho những tín đồ người Hê-bơ-rơ. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:7, 11-14). Ông không nói quanh co! Ông nói rằng họ “chậm hiểu” trong việc nghe. Tại sao Phao-lô nói rất mạnh mẽ và thẳng thắn như vậy? Vì ông đang phản ánh tình yêu thương và lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va dành cho  những tín đồ đang cố gắng sống nhờ vào sữa thiêng liêng. Việc biết những giáo lý căn bản của đạo Đấng Ki-tô là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, “thức ăn đặc” là yếu tố cần thiết để giúp một tín đồ trở nên thành thục về thiêng liêng.

16 Lẽ ra, các tín đồ người Hê-bơ-rơ phải tiến bộ để dạy dỗ người khác, nhưng họ lại cần được người khác dạy dỗ. Tại sao? Vì họ đã không tiếp nhận “thức ăn đặc”. Vậy, mỗi chúng ta hãy tự hỏi: “Mình có quan điểm đúng về ‘thức ăn đặc’ không? Mình có đang hấp thu loại thức ăn này không? Hay mình cảm thấy ngại cầu nguyện và ngại đào sâu Kinh Thánh? Nếu đúng thế, chẳng phải thói quen học hỏi của mình có vấn đề sao?”. Chúng ta không chỉ có nhiệm vụ rao giảng cho người khác, mà còn dạy dỗ và giúp họ trở thành môn đồ của Chúa Giê-su.—Mat 28:19, 20.

17, 18. (a) Tại sao chúng ta nên đều đặn hấp thu “thức ăn đặc”? (b) Chúng ta nên có quan điểm nào về việc dùng thức uống có cồn trước khi tham dự các buổi nhóm họp?

17 Có lẽ việc học hỏi Kinh Thánh là điều không dễ đối với nhiều người trong chúng ta. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không cố thôi thúc dân ngài làm điều đó qua việc khiến họ cảm thấy mặc cảm tội lỗi. Nhưng dù đã phụng sự Đức Chúa Trời nhiều năm hay mới phụng sự ngài, chúng ta nên tiếp tục hấp thu “thức ăn đặc”. Điều này là cần thiết nếu chúng ta muốn theo đuổi đường lối thánh.

18 Để được nên thánh, chúng ta phải cẩn thận xem xét Kinh Thánh và làm điều Đức Chúa Trời đòi hỏi. Hãy xem trường hợp của hai con trai A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu bị xử tử vì dâng “một thứ lửa lạ”, có lẽ trong lúc họ say rượu (Lê 10:1, 2). Hãy chú ý điều mà sau đó Đức Chúa Trời phán với A-rôn. (Đọc Lê-vi Ký 10:8-11). Có phải những câu Kinh Thánh này có ý nói rằng chúng ta không được dùng bất cứ thức uống có cồn nào trước khi đến nhóm họp? Hãy suy nghĩ những điểm sau: Chúng ta không còn ở dưới Luật pháp nữa (Rô 10:4). Tại vài xứ, anh em chúng ta dùng thức uống có cồn một cách chừng mực trong bữa ăn trước khi đến nhóm họp. Bốn ly rượu đã được sử dụng trong Lễ Vượt Qua. Khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm, Chúa Giê-su bảo các sứ đồ hãy uống rượu—tượng trưng cho huyết của ngài (Mat 26:27). Kinh Thánh lên án việc uống rượu quá độ và say sưa (1 Cô 6:10; 1 Ti 3:8). Vì vấn đề lương tâm, nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô hoàn toàn không dùng thức uống có cồn trước khi tham gia những hoạt động thờ phượng. Tuy nhiên, hoàn cảnh ở mỗi nơi mỗi khác, điều quan trọng đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô là “phân-biệt điều thánh và điều chẳng thánh” để có hạnh kiểm thánh sạch và làm hài lòng Đức Chúa Trời.

19. (a) Điều gì có thể giúp buổi thờ phượng của gia đình và việc học hỏi cá nhân trở nên ý nghĩa? (b) Bạn quyết tâm làm gì để chứng tỏ mình nên thánh?

19 Nhiều viên ngọc quý trong Lời Đức Chúa Trời đang đợi bạn khám phá. Hãy dùng những công cụ tra cứu có sẵn để cải thiện buổi thờ phượng của gia đình và việc học hỏi cá nhân của bạn. Hãy gia tăng sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và ý định của ngài. Hãy đến gần ngài hơn (Gia 4:8). Cầu nguyện với Đức Chúa Trời như người viết Thi-thiên. Ông hát: “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ-lùng trong luật-pháp của Chúa” (Thi 119:18). Đừng bao giờ thỏa hiệp luật pháp và các nguyên tắc Kinh Thánh. Hãy sẵn sàng tuân theo luật pháp tối cao của “Đấng Thánh”, Đức Giê-hô-va, và sốt sắng tham gia “công việc thánh là rao truyền tin mừng của Đức Chúa Trời” (1 Phi 1:15; Rô 15:16). Hãy chứng tỏ mình nên thánh trong những ngày cuối cùng đầy xáo động này. Mong sao tất cả chúng ta nên thánh trong mọi cách ăn ở. Khi làm thế, chúng ta đang ủng hộ quyền cai trị của Đức Chúa Trời thánh khiết, Đức Giê-hô-va.

^ đ. 6 Xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-5-2002.