Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao chúng ta phải nên thánh?

Tại sao chúng ta phải nên thánh?

“Các ngươi phải nên thánh”.LÊ 11:45.

1. Sách Lê-vi Ký có thể giúp chúng ta như thế nào?

Trong sách Lê-vi Ký, sự thánh khiết được nhắc đến nhiều hơn so với các sách khác trong Kinh Thánh. Vì tất cả những người thờ phượng chân chính của Đức Giê-hô-va phải nên thánh, nên việc hiểu và quý trọng sách Lê-vi Ký sẽ giúp chúng ta biết cách thể hiện phẩm chất này.

2. Sách Lê-vi Ký có một số đặc điểm nào?

2 Sách Lê-vi Ký, do nhà tiên tri Môi-se viết, là một phần của Kinh Thánh và “cả Kinh Thánh” hữu ích cho việc dạy dỗ (2 Ti 3:16). Danh Đức Giê-hô-va xuất hiện trung bình mười lần trong mỗi chương của sách Lê-vi Ký. Hiểu ý nghĩa của sách này sẽ củng cố quyết tâm của chúng ta hầu tránh làm bất cứ điều gì khiến danh Đức Chúa Trời bị sỉ nhục (Lê 22:32). Việc sách thường dùng cụm từ “Ta là Đức Giê-hô-va” nhắc chúng ta nên vâng lời ngài. Bài này và bài sau sẽ xem xét vài viên ngọc quý trong sách Lê-vi Ký, một món quà từ Đức Chúa Trời giúp chúng ta nên thánh trong sự thờ phượng.

DÂN ĐỨC CHÚA TRỜI PHẢI NÊN THÁNH

3, 4. Việc A-rôn và các con trai ông được tẩy sạch tượng trưng cho điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Đọc Lê-vi Ký 8:5, 6. Đức Giê-hô-va chọn A-rôn làm thầy tế  lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên, và các con trai ông làm thầy tế lễ để đại diện cho dân sự. A-rôn tượng trưng cho Chúa Giê-su và các con trai của A-rôn tượng trưng cho những môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su. Vậy, việc A-rôn được tẩy sạch có tượng trưng cho việc Chúa Giê-su được tẩy sạch không? Không, vì Chúa Giê-su vô tội và “không tì vết” nên ngài không cần được tẩy sạch (Hê 7:26; 9:14). Nhưng sau khi được tẩy sạch, A-rôn tượng trưng cho Chúa Giê-su, đấng thanh sạch và công chính. Còn việc các con trai của A-rôn được tẩy sạch tượng trưng cho điều gì?

4 Việc các con trai của A-rôn được tẩy sạch tượng trưng cho việc tẩy sạch những người được chọn để làm thầy tế lễ ở trên trời. Việc làm báp-têm của những tín đồ được xức dầu có liên hệ với việc các con trai của A-rôn được tẩy sạch không? Không. Báp-têm không tẩy sạch tội lỗi. Thay vì thế, báp-têm tượng trưng việc một người dâng mình vô điều kiện cho Đức Giê-hô-va. Việc tẩy sạch những tín đồ được xức dầu được thực hiện bằng “lời Đức Chúa Trời”, và điều này đòi hỏi họ phải hết lòng áp dụng những dạy dỗ của Đấng Ki-tô vào đời sống (Ê-phê 5:25-27). Nhờ thế, họ được tẩy sạch và trở nên thánh. Còn về “các chiên khác” thì sao?—Giăng 10:16.

5. Tại sao có thể nói các chiên khác được tẩy sạch bằng Lời Đức Chúa Trời?

5 Các con trai của A-rôn không tượng trưng cho “đám đông” thuộc chiên khác của Chúa Giê-su (Khải 7:9). Vậy, những người làm báp-têm có được nên thánh và được tẩy sạch bằng Lời Đức Chúa Trời không? Có! Khi những người có hy vọng sống trên đất đọc những gì Kinh Thánh nói về tầm quan trọng và giá trị của huyết Chúa Giê-su, họ tin những lời này và “ngày đêm phụng sự” Đức Chúa Trời (Khải 7:13-15). Những tín đồ được xức dầu và các chiên khác vẫn tiếp tục được tẩy sạch. Kết quả là họ “giữ gìn cách ăn ở tốt” (1 Phi 2:12). Hẳn Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao khi thấy sự tinh sạch và hợp nhất của những tín đồ được xức dầu và các chiên khác, những người lắng nghe và trung thành với Chúa Giê-su, Đấng Chăn Chiên!

6. Tra xét điều gì sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta?

6 Việc đòi hỏi những thầy tế lễ phải sạch sẽ về thể chất có ý nghĩa sâu xa đối với dân Đức Giê-hô-va ngày nay. Những người chúng ta giúp tìm hiểu Kinh Thánh thường để ý đến sự sạch sẽ của nơi thờ phượng và cách ăn mặc tươm tất của chúng ta. Tuy nhiên, sự thanh sạch của các thầy tế lễ giúp chúng ta ý thức rằng bất cứ ai lên núi của Đức Giê-hô-va để thờ phượng phải có “lòng thanh-khiết”. (Đọc Thi-thiên 24:3, 4; Ê-sai 2:2, 3). Sự thờ phượng của chúng ta phải được phản ánh qua sự thanh sạch về tâm trí lẫn thể chất. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên tra xét mình, và sau đó có lẽ một số người cần thực hiện những thay đổi lớn để được nên thánh (2 Cô 13:5). Chẳng hạn, một tín đồ đã báp-têm cố tình xem tài liệu khiêu dâm nên tự hỏi: “Việc mình đang làm có cho thấy mình nên thánh không?”. Rồi người đó cần tìm sự giúp đỡ để từ bỏ thực hành xấu xa ấy.—Gia 5:14.

CHỨNG TỎ MÌNH NÊN THÁNH QUA VIỆC VÂNG LỜI

7. Phù hợp với Lê-vi Ký 8:22-24, Chúa Giê-su đã nêu gương nào?

7 Trong sắp đặt về chức vụ thầy tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên, huyết của con chiên đực được bôi lên tai hữu, ngón cái bàn tay và ngón cái bàn chân của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-rôn và các con trai ông. (Đọc Lê-vi Ký 8:22-24). Việc dùng huyết theo cách này cho thấy các thầy tế lễ sẽ  vâng lời và gắng sức chu toàn nhiệm vụ của mình. Tương tự, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Giê-su nêu gương hoàn hảo cho những tín đồ được xức dầu và các chiên khác. Tai của ngài lắng nghe sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời. Tay của Chúa Giê-su thi hành ý muốn của Đức Giê-hô-va, và chân ngài không bao giờ đi trệch khỏi đường lối thánh.—Giăng 4:31-34.

8. Tất cả những người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải làm gì?

8 Những tín đồ được xức dầu và các chiên khác phải đi theo đường lối trung kiên của Chúa Giê-su, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Tất cả những người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải làm theo sự hướng dẫn trong Lời ngài, nhờ thế tránh làm buồn thần khí (Ê-phê 4:30). Họ phải ‘làm cho thẳng con đường dưới chân mình’.—Hê 12:13.

9. Ba anh làm việc gần gũi với các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo đã phát biểu điều gì, và làm thế nào những lời ấy giúp bạn tiếp tục nên thánh?

9 Hãy xem những lời chân thành của ba anh có hy vọng sống trên đất và làm việc gần gũi với những thành viên của Hội đồng Lãnh đạo trong nhiều thập kỷ. Một anh nhận xét: “Đó quả là đặc ân có một không hai. Nhưng làm việc gần gũi với các anh đôi khi cho thấy dù được xức dầu bằng thần khí, các anh vẫn là người bất toàn. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của tôi trong những năm qua là vâng phục các anh dẫn đầu”. Anh thứ hai nói: “Những câu Kinh Thánh như 2 Cô-rinh-tô 10:5 nói về việc “vâng theo Đấng Ki-tô” đã giúp tôi vâng phục và hợp tác với những anh dẫn đầu. Sự vâng phục ấy xuất phát từ lòng”. Anh thứ ba cho biết: “Yêu những gì Đức Giê-hô-va yêu, ghét những gì ngài ghét, thường xuyên tìm kiếm sự hướng dẫn của ngài và làm điều ngài vui lòng, có nghĩa là vâng phục tổ chức của ngài và những anh được ngài dùng để đẩy mạnh ý định của ngài trên đất”. Anh này học được một điều về anh Nathan Knorr, người sau này là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo. Anh Knorr đã sẵn sàng chấp nhận những điểm trong bài “Sự ra đời của một Nước” nơi Tháp Canh năm 1925 (Anh ngữ), dù một số người nghi ngờ về các điểm đó. Sự vâng phục của anh Knorr gây ấn tượng sâu sắc với anh ấy. Suy ngẫm về những lời phát biểu trên có thể giúp chúng ta nên thánh bằng cách vâng phục.

VÂNG THEO LUẬT PHÁP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỀ HUYẾT

10. Vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời về huyết quan trọng như thế nào?

10 Đọc Lê-vi Ký 17:10. Đức Giê-hô-va lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên không được ăn bất cứ loại huyết nào. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng được lệnh kiêng huyết, kể cả huyết của thú vật hay của con người (Công 15:28, 29). Chúng ta rất sợ làm điều gì đó khiến Đức Chúa Trời “nổi giận” và bị khai trừ khỏi hội thánh. Chúng ta yêu thương ngài và muốn vâng lời ngài. Ngay cả khi đối mặt với tình huống đe dọa mạng sống, chúng ta quyết tâm không nhượng bộ trước những yêu cầu và đòi hỏi của những người không biết Đức Giê-hô-va hoặc không màng đến việc vâng lời ngài. Thật vậy, chúng ta biết trước mình sẽ bị chế giễu về lập trường kiêng huyết, nhưng chúng ta chọn vâng lời Đức Chúa Trời (Giu 17, 18). Điều gì sẽ củng cố lòng quyết tâm của chúng ta để không ăn huyết hoặc truyền máu?—Phục 12:23.

11. Tại sao có thể nói rằng ngày Lễ Chuộc Tội hằng năm không chỉ là nghi thức?

11 Việc thầy tế lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên dùng huyết thú vật vào ngày Lễ Chuộc Tội hằng năm giúp chúng ta hiểu quan điểm của Đức Chúa Trời về huyết. Huyết chỉ được dùng vào mục  đích đặc biệt. Đó là để chuộc tội cho những người đang tìm kiếm sự tha thứ của Đức Giê-hô-va. Huyết của bò và dê được rảy trên nắp thi ân và trước nắp thi ân (Lê 16:14, 15, 19). Sắp đặt này mở đường cho việc Đức Giê-hô-va tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va chỉ thị rằng nếu một người giết thú vật để ăn thịt thì phải đổ huyết nó ra và lấy bụi đất lấp lại, “vì sanh-mạng của mọi xác-thịt, ấy là huyết nó” (Lê 17:11-14). Nghi thức này có quan trọng không? Có. Việc dùng huyết vào ngày Lễ Chuộc Tội và mệnh lệnh đổ huyết xuống đất phù hợp với mệnh lệnh về huyết mà trước đó Đức Giê-hô-va đã ban cho Nô-ê và con cháu ông (Sáng 9:3-6). Đức Giê-hô-va cấm ăn hoặc uống huyết để duy trì sự sống. Điều này có nghĩa gì với tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

12. Thư của Phao-lô gửi các tín đồ người Hê-bơ-rơ cho thấy huyết và việc tha tội liên hệ với nhau như thế nào?

12 Khi sứ đồ Phao-lô viết thư cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ về tác dụng tẩy sạch của huyết, ông giải thích: “Theo Luật pháp, hầu như tất cả đều được tẩy sạch bằng huyết, và nếu huyết không đổ ra thì tội lỗi không được tha” (Hê 9:22). Phao-lô cũng cho thấy những con sinh tế, dù có giá trị tạm thời, nhưng nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ rằng họ là người tội lỗi và cần một sắp đặt có giá trị hơn để được xóa tội hoàn toàn. Thật vậy, Luật pháp là “bóng của những điều tốt lành sẽ đến, chứ không phải chính những điều đó” (Hê 10:1-4). Làm thế nào việc xóa tội có thể thực hiện được?

13. Bạn cảm thấy thế nào về việc Chúa Giê-su dâng giá trị huyết hy sinh của ngài lên Đức Giê-hô-va?

13 Đọc Ê-phê-sô 1:7. Sự hy sinh của Chúa Giê-su, đấng sẵn sàng ‘hy sinh cho chúng ta’, có ý nghĩa sâu xa với tất cả những ai yêu thương ngài và Cha ngài (Ga 2:20). Tuy nhiên, những gì Chúa Giê-su làm sau khi chết và được sống lại mới thật sự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giê-su làm ứng nghiệm những gì là hình bóng trong Luật pháp Môi-se vào ngày Lễ Chuộc Tội. Vào ngày ấy, thầy tế lễ thượng phẩm mang một phần huyết  của con sinh tế vào Nơi Chí Thánh của đền tạm, và sau này là đền thờ do Sa-lô-môn xây, để dâng lên Đức Chúa Trời, như thể dâng lên trước mặt ngài (Lê 16:11-15). Tương tự, Chúa Giê-su đã lên trời dâng giá trị huyết hy sinh của ngài cho Đức Giê-hô-va (Hê 9:6, 7, 11-14, 24-28). Chúng ta biết ơn xiết bao khi được tha tội và có lương tâm trong sạch nhờ thể hiện đức tin nơi huyết của Chúa Giê-su!

14, 15. Tại sao việc hiểu và vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va về huyết là quan trọng?

14 Có lẽ giờ đây bạn hiểu rõ hơn lý do Đức Giê-hô-va lệnh cho chúng ta không được ăn huyết dưới bất cứ hình thức nào (Lê 17:10). Bạn có hiểu rõ tại sao Đức Chúa Trời xem huyết là thánh khiết không? Ngài xem huyết có giá trị tương đương với sự sống (Sáng 9:4). Chẳng phải bạn đồng ý là chúng ta nên chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời về huyết và vâng theo mệnh lệnh kiêng huyết của ngài sao? Cách duy nhất để chúng ta hòa thuận với Đức Chúa Trời là tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và hiểu huyết ấy có ý nghĩa đặc biệt đối với Đấng Tạo Hóa.—Cô 1:19, 20.

15 Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể phải thình lình đối mặt với vấn đề về huyết. Hay một thành viên trong gia đình hoặc bạn thân có thể bất ngờ đứng trước tình huống chấp nhận tiếp máu hay không. Trong trường hợp gay go ấy, những quyết định liên quan đến các chiết xuất từ máu và các phương pháp trị liệu cũng cần được đưa ra. Vì vậy, tìm hiểu và chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp có thể xảy ra là điều rất quan trọng. Đi đôi với lời cầu nguyện, việc chuẩn bị như thế sẽ giúp chúng ta kiên quyết không thỏa hiệp trong vấn đề này. Chắc chắn chúng ta không muốn làm Đức Giê-hô-va buồn lòng bằng cách vi phạm Lời ngài! Nhiều chuyên gia y tế và những người ủng hộ việc tiếp máu kêu gọi người ta hiến máu với hy vọng cứu người. Tuy nhiên, dân thánh của Đức Giê-hô-va nhận biết rằng Đấng Tạo Hóa có quyền quyết định về cách dùng huyết. Đối với ngài, bất cứ huyết nào cũng là thánh. Chúng ta phải quyết tâm vâng theo luật của Đức Chúa Trời về huyết. Qua hạnh kiểm thánh sạch, chúng ta cần chứng tỏ mình quý trọng sâu xa giá trị huyết hy sinh của Chúa Giê-su, vì chỉ huyết ấy mới có thể tha tội và mang lại sự sống vĩnh cửu.—Giăng 3:16.

Bạn có quyết tâm vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va về huyết không? (Xem đoạn 14, 15)

TẠI SAO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MUỐN CHÚNG TA NÊN THÁNH?

16. Tại sao dân của Đức Giê-hô-va phải nên thánh?

16 Khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ ở xứ Ê-díp-tô, Đức Chúa Trời phán với họ: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô đặng làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi phải nên thánh, vì ta là thánh” (Lê 11:45). Đức Giê-hô-va muốn dân Y-sơ-ra-ên nên thánh vì ngài là thánh. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta cũng phải nên thánh. Sách Lê-vi Ký cho biết rõ điều này.

17. Giờ đây, bạn cảm nhận thế nào về sách Lê-vi Ký?

17 Chắc chắn, chúng ta nhận được nhiều lợi ích khi xem xét một số phần trong sách Lê-vi Ký. Hẳn việc nghiên cứu và suy ngẫm một số thông tin quý giá trong sách Lê-vi Ký giúp chúng ta ngày càng quý trọng sách này và hiểu rõ hơn tại sao phải nên thánh. Tuy nhiên, còn có những viên ngọc thiêng liêng quý giá nào khác đang chờ đợi chúng ta trong phần này của Kinh Thánh? Qua sách Lê-vi Ký, chúng ta cũng có thể học được gì về việc thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách thánh sạch? Những điều ấy sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.