Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có quý trọng những điều mình nhận được không?

Bạn có quý trọng những điều mình nhận được không?

‘Chúng ta đã tiếp nhận thần khí từ Đức Chúa Trời, hầu hiểu được những điều ngài nhân từ ban cho chúng ta’.—1 CÔ 2:12.

1. Đôi khi chúng ta nghe một quan điểm phổ biến nào?

Bạn đã bao giờ nghe người ta nói: “Cái gì mất đi thì mới thấy quý giá”. Có lẽ đôi khi bạn cũng cảm thấy như thế. Khi được hưởng thụ mọi điều từ lúc còn thơ ấu, một người có khuynh hướng không biết quý trọng những điều ấy cách sâu xa. Chẳng hạn, một người trưởng thành trong gia đình giàu sang có lẽ xem thường nhiều điều mình có. Đây có thể là trường hợp của những người trẻ. Vì thiếu kinh nghiệm, có lẽ họ chưa nhận ra điều gì thật sự quan trọng trong cuộc sống.

2, 3. (a) Tín đồ trẻ nên cẩn thận tránh điều gì? (b) Điều gì có thể giúp chúng ta quý trọng điều mình nhận được?

2 Nếu bạn là người trẻ, có thể ở tuổi thanh thiếu niên hoặc ở tuổi đôi mươi, điều gì là quan trọng với bạn? Đối với nhiều người trên thế giới, đời sống xoay quanh của cải vật chất, lương cao, nhà đẹp hoặc những thiết bị tân tiến nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ chú tâm đến những điều này, chúng ta sẽ bỏ lỡ điều quan trọng, đó là sự giàu có về thiêng liêng. Đáng buồn thay, hàng triệu người ngày nay đã không có ước muốn tìm kiếm những điều này. Các bạn trẻ lớn lên trong gia đình đạo Đấng Ki-tô phải cẩn thận để không đánh mất giá trị của điều mình nhận được, đó là di sản thiêng liêng (Mat 5:3). Việc thiếu lòng quý trọng có thể dẫn đến hậu quả đau buồn, và điều này có lẽ ảnh hưởng đến quãng đời còn lại của bạn.

3 Nhưng bạn có thể tránh được thái độ này. Điều gì sẽ giúp bạn quý trọng di sản thiêng liêng? Xem xét vài gương trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta nhận ra tại sao việc quý trọng di sản thiêng liêng là khôn ngoan. Những gương này không chỉ giúp tín đồ trẻ mà còn giúp mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô quý trọng những điều thiêng liêng mình nhận được.

HỌ THIẾU LÒNG QUÝ TRỌNG

4. Sách 1 Sa-mu-ên 8:1-5 cho biết gì về các con trai của Sa-mu-ên?

4 Kinh Thánh ghi lại lời tường thuật về một số người đã nhận di sản thiêng liêng phong phú nhưng lại thiếu lòng quý trọng di sản ấy. Điều này đã xảy ra trong gia đình của nhà tiên tri Sa-mu-ên, một người phụng sự Đức Giê-hô-va từ thời thơ ấu và có tiếng tốt trước mặt ngài (1 Sa 12:1-5). Sa-mu-ên đã nêu gương cho các con trai là Giô-ên và A-bi-gia. Thật tốt nếu họ noi gương ông. Tuy nhiên, họ đã không quý trọng di sản này và trở nên bại hoại. Kinh Thánh cho biết khác với cha của mình, họ “trái-lệch sự công bình”.—Đọc 1 Sa-mu-ên 8:1-5.

5, 6. Sự việc đã xảy ra thế nào với các con trai và cháu nội của Giô-si-a?

5 Điều này cũng xảy ra với các con trai của vua Giô-si-a. Giô-si-a đã nêu gương xuất sắc trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khi người ta tìm thấy quyển sách Luật pháp của Đức Chúa Trời và đọc cho Giô-si-a nghe, ông đã nỗ lực làm theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Ông loại bỏ hình tượng và ma thuật khỏi xứ. Ông cũng khuyến khích dân chúng vâng lời Đức Giê-hô-va (2 Vua 22:8; 23:2, 3, 12-15, 24, 25). Các con trai của Giô-si-a đã nhận một di sản thiêng liêng phong phú biết bao! Với thời gian, ba con trai và một cháu nội của ông lên làm vua, nhưng không ai biểu lộ lòng quý trọng di sản mà họ nhận được.

6 Con trai của Giô-si-a là Giô-a-cha lên ngôi, nhưng ông “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va”. Ông chỉ cai trị được ba tháng thì bị Pha-ra-ôn xứ Ai Cập bắt làm phu tù và qua đời ở đấy (2 Vua 23:31-34). Sau đó, anh trai ông là Giê-hô-gia-kim cai trị 11 năm. Vị vua này cũng thiếu lòng quý trọng về điều ông đã nhận được từ cha. Vì Giê-hô-gia-kim làm những việc xấu xa nên Giê-rê-mi báo trước rằng ông “sẽ bị chôn như chôn con lừa” (Giê 22:17-19). Những người thừa kế khác của Giô-si-a là con trai ông tên Sê-đê-kia và cháu nội ông là Giê-hô-gia-kin. Họ cũng không tốt hơn, không người nào chọn theo đường lối ngay thẳng của Giô-si-a.—2 Vua 24:8, 9, 18, 19.

7, 8. (a) Sa-lô-môn đã lãng phí di sản thiêng liêng qua cách nào? (b) Qua Kinh Thánh, chúng ta có thể rút ra bài học nào từ những người lãng phí di sản thiêng liêng?

7 Vua Sa-lô-môn nhận được nhiều điều từ cha là Đa-vít. Dù xuất thân trong gia đình có nền tảng thiêng liêng nổi bật và có sự khởi đầu tốt, nhưng sau này Sa-lô-môn đánh mất lòng quý trọng với di sản ấy. Kinh Thánh cho biết: “Trong buổi già-yếu, các hoàng-hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn-lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người” (1 Vua 11:4). Hậu quả là Sa-lô-môn mất ân huệ của Đức Giê-hô-va.

8 Thật đáng buồn khi những người đàn ông này đã đánh mất di sản thiêng liêng và cơ hội làm điều đúng! Nhưng không phải tất cả những tín đồ trẻ vào thời Kinh Thánh cũng như thời nay đều đánh mất di sản thiêng liêng. Hãy xem vài gương của tín đồ trẻ mà chúng ta có thể noi theo.

HỌ QUÝ TRỌNG ĐIỀU NHẬN ĐƯỢC

9. Các con trai của Nô-ê đã nêu gương nổi bật nào? (Xem hình nơi đầu bài).

9 Hãy xem gương nổi bật của các con trai Nô-ê. Cha họ nhận được lệnh đóng một con tàu và đưa cả gia đình vào đó. Rõ ràng các con trai của Nô-ê biết mình phải làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va. Hẳn họ đã hợp tác với cha. Với thời gian, họ giúp cha đóng tàu, và sau đó một thời gian họ vào tàu (Sáng 7:1, 7). Với mục đích gì? Sáng-thế Ký 7:3 cho biết họ mang súc vật vào tàu “để giữ giống ở trên khắp mặt đất”. Con người cũng được cứu. Vì quý trọng điều nhận được nơi cha, các con trai của Nô-ê có đặc ân giúp bảo tồn dòng giống loài người và tái lập sự thờ phượng thật trên đất.—Sáng 8:20; 9:18, 19.

10. Bốn chàng trai người Hê-bơ-rơ ở Ba-by-lôn thể hiện lòng quý trọng như thế nào về sự thật mà họ đã hấp thu?

10 Nhiều thế kỷ sau, bốn chàng trai người Hê-bơ-rơ cho thấy họ biết phân biệt điều gì là thật sự quan trọng. Ha-na-nia, Mi-sa-ên, A-xa-ria và Đa-ni-ên bị bắt làm phu tù ở Ba-by-lôn vào năm 617 TCN. Họ là những chàng trai ưa nhìn, thông minh và có thể có cuộc sống như bao người Ba-by-lôn. Nhưng họ đã không làm thế. Qua hành động, bốn chàng trai chứng tỏ họ nhớ đến di sản thiêng liêng, điều mà họ đã được dạy. Bốn chàng trai đã được ban phước dồi dào khi gìn giữ những bài học thiêng liêng mà họ hấp thu từ khi còn trẻ.—Đọc Đa-ni-ên 1:8, 11-15, 20.

11. Người khác nhận được lợi ích nào từ di sản thiêng liêng của Chúa Giê-su?

11 Việc xem xét những gương trong Kinh Thánh sẽ không trọn vẹn nếu bỏ qua gương của Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời. Ngài nhận nhiều điều từ Cha, và ngài thật sự quý trọng những điều đó. Lòng quý trọng này được thể hiện rõ khi ngài nói: ‘Tôi nói những điều Cha đã dạy’ (Giăng 8:28). Ngài cũng mong muốn người khác nhận lợi ích từ những gì ngài đã nhận. Ngài nói với đám đông: “Tôi phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ở các thành khác nữa, vì tôi được phái đến để làm việc đó” (Lu 4:18, 43). Thế gian nói chung không quý trọng điều thiêng liêng. Vì thế, Chúa Giê-su giúp người nghe thấy tầm quan trọng của việc “không thuộc về thế gian”.—Giăng 15:19.

QUÝ TRỌNG ĐIỀU BẠN NHẬN ĐƯỢC

12. (a) Những câu nơi 2 Ti-mô-thê 3:14-17 áp dụng thế nào cho nhiều tín đồ trẻ ngày nay? (b) Tín đồ trẻ nên xem xét những câu hỏi nào?

12 Giống như các chàng trai mà chúng ta vừa thảo luận, có lẽ bạn cũng được nuôi dưỡng trong gia đình có cha mẹ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Nếu vậy, những câu Kinh Thánh nói về Ti-mô-thê có thể áp dụng cho bạn. (Đọc 2 Ti-mô-thê 3:14-17). Qua cha mẹ, bạn “học” về Đức Chúa Trời và cách làm ngài vui lòng. Hẳn bạn được cha mẹ dạy từ lúc tuổi còn thơ. Chắc chắn điều này giúp ích rất nhiều hầu bạn “có sự khôn ngoan để được cứu rỗi qua đức tin nơi Đấng Ki-tô Giê-su” và giúp bạn “được trang bị đầy đủ” để làm công việc của Đức Chúa Trời. Giờ đây một câu hỏi quan trọng được nêu lên là: “Bạn sẽ thể hiện lòng quý trọng đối với điều mình nhận được không?”. Điều này có lẽ đòi hỏi bạn phải tra xét mình. Hãy xem xét một số câu hỏi như: “Mình cảm thấy thế nào khi là một trong số nhiều nhân chứng trung thành? Mình cảm thấy ra sao khi ở trong số ít người trên đất ngày nay được Đức Chúa Trời biết đến? Mình có quý trọng đặc ân quý giá và có một không hai, đó là biết sự thật không?”.

Bạn cảm thấy thế nào khi là một trong số nhiều nhân chứng trung thành? (Xem đoạn 9, 10, 12)

13, 14. Một số tín đồ trẻ đối mặt với cám dỗ nào, nhưng tại sao chiều theo cám dỗ đó là thiếu khôn ngoan? Hãy cho ví dụ.

13 Một số tín đồ trẻ lớn lên trong gia đình đạo Đấng Ki-tô có lẽ không nhìn thấy sự tương phản hoàn toàn giữa địa đàng thiêng liêng hiện nay và thế gian tăm tối của Sa-tan. Một số tín đồ trẻ thậm chí còn bị cám dỗ để nếm thử cuộc sống trong thế gian. Nhưng liệu bạn có chạy trước một chiếc ô-tô đang chuyển động chỉ để biết cảm giác đau đớn khi bị xe tông, và có thể bị mất mạng không? Dĩ nhiên không! Tương tự, chúng ta không cần trải nghiệm “lối sống buông tuồng bại hoại” trong thế gian chỉ để khám phá nỗi đau khổ cùng cực mà thế gian này gây ra.—1 Phi 4:4.

14 Anh Gener, người sống ở châu Á, lớn lên trong gia đình đạo Đấng Ki-tô. Anh làm báp-têm lúc 12 tuổi. Nhưng khi ở tuổi thanh thiếu niên, anh bị lối sống của thế gian lôi cuốn. Anh nói: “Tôi muốn cảm nghiệm ‘sự tự do’ trong thế gian”. Gener bắt đầu có lối sống hai mặt. Khi lên 15 tuổi, anh bắt chước một phần lối sống của bạn bè xấu. Anh uống rượu và nói tục giống như họ. Anh thường về nhà muộn sau khi chơi bi-da và trò chơi điện tử hung bạo với bạn bè. Tuy nhiên, với thời gian, anh bắt đầu nhận ra những điều lôi cuốn anh vào thế gian không mang lại sự thỏa lòng. Đó là một cuộc sống trống rỗng. Sau này, khi trở lại hội thánh, anh cho biết: “Tôi vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách, nhưng đó chẳng là gì so với ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho tôi”.

15. Những tín đồ trẻ không lớn lên trong gia đình đạo Đấng Ki-tô cũng nên nghĩ đến điều gì?

15 Dĩ nhiên cũng có những tín đồ trẻ tuổi khác kết hợp với hội thánh dù không lớn lên trong gia đình đạo Đấng Ki-tô. Nếu thế, hãy nghĩ đến đặc ân vô cùng tuyệt vời mà bạn đang hưởng, đó là nhận biết và phụng sự Đấng Tạo Hóa! Trong số hàng tỉ người sống trên đất, nhưng bạn được Đức Giê-hô-va ân cần kéo đến và tiết lộ sự thật Kinh Thánh. Đó quả là một ân phước! (Giăng 6:44, 45). Ngày nay, chỉ khoảng 1 trên 1.000 người có sự hiểu biết chính xác về sự thật, và bạn là một trong số đó. Dù nhận sự thật qua cách nào, chẳng phải điều này mang lại niềm vui cho chúng ta sao? (Đọc 1 Cô-rinh-tô 2:12). Anh Gener nói: ‘Tôi vô cùng kinh ngạc khi nghĩ mình là ai mà được Đức Giê-hô-va, Chủ của vũ trụ, biết đến’ (Thi 8:4). Một chị Nhân Chứng sống gần khu vực của anh Gener cho biết: “Học sinh cảm thấy rất tự hào khi được thầy cô biết đến. Vậy quả là đặc ân quý giá hơn nhiều khi được Đức Giê-hô-va, Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, biết đến”.

BẠN SẼ LÀM GÌ?

16. Tín đồ trẻ ngày nay nên có quyết định khôn ngoan nào?

16 Khi suy ngẫm đặc ân tuyệt vời mình có, bạn càng nên quyết tâm hơn để ở trong số ít người làm điều đúng. Qua đó, bạn có thể được kể vào số những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời. Điều này khôn ngoan hơn nhiều là chỉ hùa theo đa số người trẻ đang bước trên con đường của thế gian sắp lụi tàn.—2 Cô 4:3, 4.

17-19. Điều gì giúp bạn có quan điểm thăng bằng khi khác biệt với thế gian?

17 Dĩ nhiên, việc khác biệt với thế gian không luôn là điều dễ. Nhưng thật khôn ngoan khi làm thế. Để minh họa: Hãy nghĩ về một vận động viên tham gia Thế vận hội. Để hội đủ điều kiện, chắc chắn vận động viên ấy phải khác biệt với bạn bè. Rất có thể người đó phải hy sinh những điều chiếm nhiều thời gian, khiến mình mất tập trung và gây cản trở cho quá trình luyện tập. Mặt khác, sự sẵn sàng khác biệt với bạn bè đồng trang lứa sẽ giúp người đó rèn luyện nhiều hơn để đạt mục tiêu.

18 Quan điểm của thế gian về cuộc sống rất thiển cận. Nếu có tầm nhìn xa, khác biệt với thế gian và tránh những hành vi gây tổn hại về đạo đức và thiêng liêng, bạn sẽ “nắm chắc sự sống thật” (1 Ti 6:19). Chị Nhân Chứng được đề cập ở trên cho biết: “Nếu bênh vực điều mình tin, khi nhìn lại bạn sẽ thấy rất tuyệt. Điều này chứng tỏ bạn có sức mạnh đi ngược dòng chảy của thế gian Sa-tan. Trên hết, như thể bạn thấy Đức Giê-hô-va hãnh diện và mỉm cười hài lòng về mình! Khi ấy bạn cảm thấy vui vì mình đã khác biệt!”.

19 Cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu một người chỉ chú tâm đến những điều mình có thể đạt được ngày nay (Truyền 9:2, 10). Nếu bạn còn trẻ và suy nghĩ nghiêm túc về mục đích đời sống và cơ hội sống vĩnh cửu, chẳng phải là khôn ngoan khi tránh “bước đi như dân ngoại”, nhưng sống một cuộc đời thật sự ý nghĩa sao?—Ê-phê 4:17; Mal 3:18.

20, 21. Nếu đưa ra những quyết định đúng, chúng ta có triển vọng nào, nhưng Đức Chúa Trời đòi hỏi điều gì nơi chúng ta?

20 Nếu đưa ra những quyết định đúng, chúng ta có thể có đời sống thỏa nguyện ngay bây giờ và nằm trong số những người “thừa hưởng trái đất”, tức hưởng sự sống vĩnh cửu. Chúng ta không thể hình dung hết những ân phước tuyệt vời mà Đức Chúa Trời sẽ ban (Mat 5:5; 19:29; 25:34). Không phải ai cũng được Đức Chúa Trời ban những ân phước ấy, nhưng chỉ những người đáp ứng các đòi hỏi của ngài. (Đọc 1 Giăng 5:3, 4). Trung thành phụng sự ngài ngay bây giờ thật đáng công!

21 Thật là một đặc ân khi nhận được rất nhiều ân phước từ Đức Chúa Trời! Chúng ta có sự hiểu biết chính xác Lời ngài, sự thật về ngài và ý định của ngài. Chúng ta vui mừng có đặc ân mang danh ngài và làm Nhân Chứng của ngài. Đức Chúa Trời hứa rằng ngài luôn bên cạnh để hỗ trợ chúng ta (Thi 118:7). Mong sao tất cả chúng ta, dù trẻ hay cao niên, thể hiện lòng quý trọng di sản thiêng liêng bằng cách sống sao cho thấy mình có ước muốn “tôn vinh [Đức Giê-hô-va] mãi mãi”.—Rô 11:33-36; Thi 33:12.