Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có nên thay đổi quan điểm không?

Bạn có nên thay đổi quan điểm không?

Một nhóm tín đồ trẻ quyết định đi xem phim. Họ nghe nói nhiều bạn cùng trường đã xem phim ấy và rất thích. Khi đến rạp chiếu phim, họ thấy những biển quảng cáo có hình ảnh các loại vũ khí gây sát thương và những cô gái ăn mặc thiếu vải. Họ sẽ làm gì? Họ sẽ vẫn vào rạp và xem bộ phim đó không?

Tình huống này minh họa cho việc chúng ta đứng trước nhiều quyết định, và những quyết định này có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến tình trạng thiêng liêng cũng như mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Đôi khi, có lẽ bạn dự định làm một điều gì đó, nhưng rồi bạn suy nghĩ lại và quyết định thay đổi quan điểm. Có phải bạn là người không có lập trường, hay bạn cảm thấy thay đổi quan điểm có thể là thích hợp?

Khi nào không nên thay đổi quan điểm?

Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã thôi thúc chúng ta dâng đời sống mình cho ngài và làm báp-têm. Chúng ta thật lòng muốn trung thành với ngài. Tuy nhiên, kẻ thù là Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt quyết tâm phá đổ lòng trung kiên của chúng ta (Khải 12:17). Chúng ta quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va và vâng theo các điều răn của ngài. Liên quan đến sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va, thật đáng buồn nếu chúng ta thay đổi quan điểm! Điều này có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng mạng sống.

Hơn 26 thế kỷ trước, vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn dựng một pho tượng khổng lồ bằng vàng và lệnh cho tất cả mọi người phải sấp mình xuống thờ lạy pho tượng đó. Bất cứ ai chống lệnh sẽ bị quăng vào lò lửa hực. Ba tôi tớ kính sợ Đức Chúa Trời là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô đã từ chối làm theo lệnh của vua. Vì không sấp mình trước pho tượng nên họ bị quăng vào lò lửa hực. Họ được Đức Giê-hô-va giải cứu một cách phi thường. Dù không bị mất mạng trong trường hợp này nhưng họ đã sẵn sàng giữ lòng trung kiên.—Đa 3:1-27.

Về sau, nhà tiên tri Đa-ni-ên kiên trì cầu nguyện dù bị hăm dọa là sẽ bị quăng vào hang sư tử. Đúng vậy, ông vẫn giữ thói quen cầu nguyện Đức Giê-hô-va một ngày ba lần. Đa-ni-ên không thay đổi lòng quyết tâm thờ phượng Đức Chúa Trời. Kết quả là nhà tiên tri này được thoát khỏi “nanh vuốt sư tử”.—Đa 6:1-27, Bản Dịch Mới.

Các tôi tớ ngày nay của Đức Chúa Trời cũng sống phù hợp với sự dâng mình. Tại một trường học ở châu Phi, một nhóm học sinh là Nhân Chứng Giê-hô-va đã từ chối tham gia nghi lễ thờ phượng biểu tượng quốc gia. Họ bị dọa là sẽ bị đuổi học nếu không tham gia nghi lễ cùng các học sinh khác. Không lâu sau đó, bộ trưởng bộ giáo dục đến thăm và nói chuyện với một số học sinh là Nhân Chứng. Những Nhân Chứng trẻ này đã giải thích lập trường với thái độ lễ phép nhưng không sợ hãi. Kể từ đó, vấn đề được giải quyết. Các em có thể đến trường mà không bị ép vi phạm luật pháp của Đức Giê-hô-va.

Cũng hãy xem trường hợp của anh Joseph. Vợ anh bị ung thư và đột ngột qua đời. Gia đình anh hiểu và tôn trọng ước muốn của anh về việc tổ chức tang lễ. Nhưng gia đình bên vợ không ở trong sự thật nên họ muốn tổ chức một số nghi lễ về việc chôn cất theo phong tục, trong đó có những nghi lễ không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Anh Joseph kể lại: “Khi tôi không thỏa hiệp, họ cố gắng tác động đến con tôi nhưng các cháu vẫn kiên quyết giữ lập trường. Bà con họ hàng cũng cố tổ chức các nghi lễ tại nhà tôi, nhưng tôi bảo họ không được làm điều đó ở đây. Họ biết rằng các nghi lễ ấy không phù hợp với niềm tin của tôi và vợ. Vì vậy, sau khi bàn bạc nhiều, họ tổ chức ở nơi khác.

Anh nói tiếp: “Trong quãng thời gian khó khăn và đau buồn này, tôi đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp để gia đình tôi không vi phạm luật pháp của ngài. Ngài đã đáp lời cầu nguyện và giúp chúng tôi giữ vững lập trường dù bị áp lực”. Đối với anh Joseph và các con, việc thay đổi quan điểm về sự thờ phượng không phải là một lựa chọn, tức có nên làm hay không.

Khi nào có lẽ cần thay đổi quan điểm?

Không lâu sau Lễ Vượt Qua năm 32 CN, một phụ nữ người Phê-ni-xi đến gặp Chúa Giê-su trong vùng của thành Si-đôn. Bà nhiều lần nài xin Chúa Giê-su đuổi ác thần ra khỏi con gái mình. Lúc đầu, Chúa Giê-su chẳng đáp với bà lời nào. Ngài nói với các môn đồ: “Tôi chỉ được phái đến vì những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên mà thôi”. Khi bà nài nỉ, Chúa Giê-su đáp: “Lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con là không đúng”. Bà cho thấy mình có đức tin mạnh khi nói: “Ngài nói phải, nhưng chó con cũng ăn bánh vụn rơi từ bàn của chủ”. Chúa Giê-su thay đổi quan điểm và chữa lành cho con gái bà.—Mat 15:21-28.

Khi làm thế, Chúa Giê-su đang noi gương Đức Giê-hô-va trong việc sẵn sàng thay đổi khi hoàn cảnh cho phép. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời có ý định hủy diệt dân Y-sơ-ra-ên khi họ làm một con bò tơ bằng vàng, nhưng ngài để cho Môi-se nài xin ngài xem xét lại quyết định.—Xuất 32:7-14.

Sứ đồ Phao-lô đã noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Có một thời gian, Phao-lô thấy không thích hợp khi dẫn Giăng Mác đi theo trong những chuyến hành trình truyền giáo vì ông đã bỏ rơi Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất. Dù vậy, sau này dường như Phao-lô nhận ra rằng Mác đã trở nên thành thục và sẽ giúp ích nhiều cho ông. Vì thế, Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Hãy dẫn theo Mác nữa, vì người rất có ích cho ta trong công việc thánh”.—2 Ti 4:11.

Còn chúng ta thì sao? Khi noi theo tình yêu thương, lòng thương xót và sự nhẫn nại của Cha trên trời, có thể chúng ta thấy thích hợp để thay đổi quan điểm. Chẳng hạn, chúng ta có thể thay đổi quan điểm về người khác. Khác với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, chúng ta là những người bất toàn. Nếu hai đấng ấy sẵn sàng thay đổi, chẳng phải chúng ta nên cố gắng hiểu rõ hơn hoàn cảnh của người khác và thay đổi quan điểm sao?

Có lẽ chúng ta cần thay đổi quan điểm về khía cạnh liên quan đến những mục tiêu thần quyền. Một số người tìm hiểu Kinh Thánh và tham dự các buổi nhóm họp một thời gian nhưng có lẽ trì hoãn việc làm báp-têm. Hoặc có lẽ một số anh chị do dự làm tiên phong, dù hoàn cảnh cho phép họ mở rộng thánh chức theo cách ấy. Hay một số anh dường như không có ước muốn vươn tới những trách nhiệm trong hội thánh (1 Ti 3:1). Có bao giờ bạn cảm thấy như thế không? Đức Giê-hô-va yêu thương mời bạn cảm nghiệm những đặc ân như thế. Vậy, tại sao bạn không thay đổi quan điểm và cảm nghiệm niềm vui trong việc phụng sự Đức Chúa Trời và phục vụ người khác?

Thay đổi quan điểm có thể mang lại ân phước

Chị Ella chia sẻ về việc phụng sự tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở châu Phi: “Lúc mới vào Bê-tên, tôi không biết mình có thể phụng sự lâu dài ở đây hay không. Tôi muốn phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, nhưng cũng cảm thấy rất gắn bó với gia đình mình. Thời gian đầu, tôi rất nhớ nhà! Tuy nhiên, vì được người bạn cùng phòng khích lệ, nên tôi quyết định ở lại. Sau mười năm làm việc ở Bê-tên, tôi nhận thấy mình muốn tiếp tục phụng sự tại đây để phục vụ anh em càng lâu càng tốt”.

Khi nào phải thay đổi quan điểm?

Bạn còn nhớ điều gì đã xảy ra cho Ca-in khi ông ghen tị và tức giận với em trai mình không? Đức Chúa Trời phán với người đàn ông cáu kỉnh này rằng ông sẽ có lại ân huệ nếu làm điều tốt trở lại. Đức Chúa Trời khuyên Ca-in kiểm soát tội lỗi đang “rình đợi trước cửa”. Ca-in có cơ hội thay đổi thái độ và quan điểm, nhưng ông chọn lờ đi lời khuyên của Đức Chúa Trời. Đáng buồn là Ca-in đã ra tay giết em và trở thành kẻ giết người đầu tiên!—Sáng 4:2-8.

Nói sao nếu Ca-in thay đổi quan điểm?

Cũng hãy xem trường hợp của vua Ô-xia. Ban đầu, ông làm điều tốt trước mắt Đức Giê-hô-va và không ngừng tìm kiếm ngài. Nhưng đáng buồn là Ô-xia đã hủy hoại danh tiếng của mình khi trở nên kiêu ngạo. Ông đã vào đền thờ để xông hương dù không phải là thầy tế lễ. Khi những thầy tế lễ cảnh báo ông đừng hành động vượt quyền, Ô-xia có thay đổi quan điểm không? Không. Ô-xia “bèn nổi giận” và không màng đến lời cảnh báo của các thầy tế lễ. Hậu quả là ông bị Đức Giê-hô-va hành hạ bằng bệnh phung.—2 Sử 26:3-5, 16-20.

Thật vậy, có những trường hợp chúng ta phải thay đổi quan điểm. Đây là một kinh nghiệm thời nay. Anh Joachim làm báp-têm năm 1955, nhưng đến năm 1978 anh bị khai trừ. Hơn 20 năm sau, anh mới tỏ thái độ ăn năn và trở lại làm một Nhân Chứng Giê-hô-va. Gần đây, một trưởng lão hỏi tại sao anh đợi lâu như vậy mới xin trở lại tổ chức. Anh Joachim đáp: “Vì tôi vừa tức giận vừa kiêu ngạo. Tôi thật sự hối tiếc vì mình đã đợi lâu đến thế. Trong thời gian bị khai trừ, tôi biết rằng Nhân Chứng Giê-hô-va dạy sự thật”. Anh cần thay đổi thái độ và ăn năn.

Có lẽ chúng ta sẽ nhận thấy mình ở trong tình huống cần thay đổi quan điểm và hành động. Mong sao chúng ta sẵn sàng làm thế để Đức Giê-hô-va hài lòng.—Thi 34:8.