Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trung thành ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô

Trung thành ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô

“Mỗi khi các ngươi làm điều ấy cho một trong những người anh em nhỏ nhất của ta tức là đã làm cho ta”.—MAT 25:40.

1, 2. (a) Chúa Giê-su kể những minh họa nào với các bạn thân? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta cần biết điều gì về minh họa chiên và dê?

Chúa Giê-su đang nói chuyện với các bạn thân của ngài là Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng. Họ vừa nghe ngài kể minh họa về đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mười trinh nữ và ta-lâng. Chúa Giê-su kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách kể thêm một dụ ngôn. Ngài nói về thời điểm “Con Người” sẽ phán xét “muôn dân”. Hẳn các môn đồ vô cùng thích thú khi nghe minh họa này! Trong minh họa, Chúa Giê-su tập trung vào hai nhóm, một nhóm được xét là chiên và một nhóm bị xét là dê. Ngài cũng nhấn mạnh nhóm thứ ba, một nhóm quan trọng mà ngài cho biết đó là “anh em” của “Vua”.—Đọc Ma-thi-ơ 25:31-46.

2 Từ lâu, dân của Đức Giê-hô-va tò mò về ý nghĩa của minh họa này vì trong minh họa, Chúa Giê-su nói về kết cuộc của loài người. Ngài tiết lộ lý do một số người nhận được sự sống vĩnh cửu, còn những người khác thì bị chết vĩnh viễn. Sự sống của chúng ta tùy thuộc vào sự hiểu biết về sự thật mà Chúa Giê-su dạy và hành động phù hợp với sự hiểu biết ấy. Vì đây là vấn đề sinh tử nên chúng ta cần xem xét những câu hỏi sau: Đức Giê-hô-va dần dần giúp chúng ta hiểu chính xác hơn về minh họa này như thế nào? Tại sao chúng ta có thể nói rằng minh họa này nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc rao giảng? Ai nhận được sứ mạng rao giảng? Tại sao đây là lúc cần trung thành với “Vua” và những người ngài gọi là “anh em”?

SỰ HIỂU BIẾT CỦA CHÚNG TA ĐƯỢC SÁNG TỎ NHƯ THẾ NÀO?

3, 4. (a) Để hiểu minh họa về chiên và dê, chúng ta cần biết những yếu tố quan trọng nào? (b) Vào năm 1881, Tháp Canh Si-ôn giải thích minh họa này như thế nào?

3 Để hiểu chính xác minh họa về chiên và dê, chúng ta cần biết ba yếu tố quan trọng trong lời tường thuật: Những đối tượng được nói đến trong minh họa tượng trưng cho ai? Khi nào đến thời điểm phán xét? Một số người được xét là chiên hoặc dê dựa trên lý do nào?

4 Vào năm 1881, Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower) giải thích “Con Người”, hay “Vua”, là Chúa Giê-su. Tạp chí này cho biết “anh em” của Vua không chỉ là những người đồng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời mà còn gồm tất cả nhân loại sau khi họ được khôi phục sự hoàn hảo trên đất. Bài cũng nói rằng việc tách chiên ra khỏi dê sẽ diễn ra trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Ki-tô, và những người sống theo luật pháp yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ được xét là chiên.

5. Vào thập niên 1920, dân Đức Giê-hô-va hiểu chính xác hơn minh họa về chiên và dê như thế nào?

5 Vào đầu thập niên 1920, Đức Giê-hô-va đã giúp dân ngài hiểu chính xác hơn minh họa này. Tháp Canh ngày 15-10-1923 (Anh ngữ) cũng khẳng định rằng “Con Người” là Chúa Giê-su. Tuy nhiên, tạp chí này đưa ra những lập luận hợp lý dựa trên Kinh Thánh cho thấy ai là anh em của Đấng Ki-tô, đó chỉ là những người sẽ đồng cai trị với ngài ở trên trời, còn chiên là những người có hy vọng sống trên đất dưới sự cai trị của Nước Đấng Ki-tô. Khi nào chiên sẽ được tách ra khỏi dê? Bài giải thích rằng anh em của Đấng Ki-tô sẽ đồng trị với ngài ở trên trời trong Triều Đại Một Ngàn Năm, vì thế họ không thể nhận được sự giúp đỡ của lớp người sống trên đất. Do đó, việc tách chiên ra khỏi dê sẽ phải diễn ra trước khi Triều Đại Một Ngàn Năm bắt đầu. Về lý do mà một người được xét là chiên, bài này kết luận rằng vì người đó nhìn nhận Chúa Giê-su là Chúa của họ và hướng đến Nước Trời để có một tương lai tốt đẹp hơn.

6. Vào thập niên 1990, sự hiểu biết của chúng ta về minh họa chiên và dê được làm sáng tỏ thêm như thế nào?

6 Qua sự hiểu biết được điều chỉnh ở trên, dân của Đức Giê-hô-va nghĩ rằng việc phán xét chiên và dê diễn ra trong suốt kỳ cuối cùng của thời đại này, và sự phán xét phụ thuộc vào cách mỗi người hưởng ứng trước tin mừng Nước Trời. Nhưng vào giữa thập niên 1990, quan điểm của chúng ta về điều này được làm sáng tỏ. Hai bài trong Tháp Canh ngày 15-10-1995 cho thấy những điểm tương đồng trong lời của Chúa Giê-su được ghi lại nơi Ma-thi-ơ 24:29-31 (đọc) Ma-thi-ơ 25:31, 32. (Đọc). * Tạp chí đưa ra kết luận nào? Bài đầu cho biết sự phán xét về chiên và dê “là việc trong tương lai”. Chính xác là khi nào? Điều này sẽ xảy ra “sau khi [‘cơn hoạn nạn’] đề cập nơi Ma-thi-ơ 24:29, 30 bùng nổ và Con Người ‘đến trong sự vinh hiển’... Lúc đó, vào giai đoạn chót của toàn thể hệ thống gian ác, Chúa Giê-su sẽ mở phiên tòa xét xử và thi hành sự phán quyết”.

7. Giờ đây, chúng ta có sự hiểu biết rõ ràng nào về minh họa chiên và dê?

7 Ngày nay, chúng ta có sự hiểu biết rõ ràng minh họa về chiên và dê. Chúng ta biết ai là “Con Người”, hay Vua, đó là Chúa Giê-su. “Anh em” của Vua là những tín đồ gồm nam lẫn nữ được xức dầu bằng thần khí và sẽ cùng cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời (Rô 8:16, 17). “Chiên” và “dê” tượng trưng cho người từ mọi dân. Họ không được xức dầu bằng thần khí. Khi nào sự phán xét diễn ra? Điều này sẽ xảy ra vào lúc gần cuối hoạn nạn lớn. Việc một người được xét là chiên hoặc dê dựa trên lý do nào? Đó là cách họ đối xử với anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô còn sống trên đất. Vì thế gian này sắp chấm dứt nên chúng ta thật biết ơn vì qua nhiều năm, Đức Giê-hô-va đã giúp chúng ta hiểu minh họa này và những minh họa có liên quan được ghi nơi Ma-thi-ơ chương 24 và 25!

MINH HỌA VỀ CHIÊN VÀ DÊ NHẤN MẠNH THẾ NÀO ĐẾN CÔNG VIỆC RAO GIẢNG?

8, 9. Tại sao những người được ví như chiên được gọi là “công chính”?

8 Trong minh họa về chiên và dê, Chúa Giê-su không đề cập trực tiếp đến công việc rao giảng. Vậy tại sao chúng ta có thể nói rằng minh họa này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rao giảng?

9 Trước tiên, hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su đang dùng minh họa để dạy dỗ. Rõ ràng, ngài không nói về chiên và dê theo nghĩa đen. Tương tự, ngài không nói rằng mọi người sẽ được xét là chiên phải chăm sóc, cung cấp thức ăn, quần áo, hoặc thăm viếng một trong các anh em của ngài ở trong tù. Thay vì thế, ngài đang minh họa về thái độ mà những người được ví như chiên thể hiện với anh em của ngài. Ngài nói rằng những người ấy được gọi là “công chính” vì họ nhận ra Đấng Ki-tô có một nhóm anh em được xức dầu vẫn sống trên đất, và họ trung thành ủng hộ các tín đồ này vào những ngày sau cùng đầy khó khăn.—Mat 10:40-42; 25:40, 46; 2 Ti 3:1-5.

10. “Chiên” có thể giúp anh em của Đấng Ki-tô bằng cách nào?

10 Thứ hai, hãy xem xét văn cảnh của những lời Chúa Giê-su nói. Ngài đang nói về dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của ngài và kỳ cuối cùng của thời đại này (Mat 24:3). Trong phần đầu của lời Chúa Giê-su, ngài cho biết dấu hiệu này sẽ bao gồm một đặc điểm nổi bật, đó là tin mừng về Nước Đức Chúa Trời sẽ “được rao truyền khắp đất” (Mat 24:14). Trước khi nói về chiên và dê, ngài kể minh họa về ta-lâng. Như được thảo luận trong bài trước, Chúa Giê-su đưa ra minh họa đó để nhấn mạnh rằng những môn đồ được xức dầu, tức “anh em” của ngài, phải sốt sắng tham gia công việc rao giảng. Tuy nhiên, nhóm nhỏ những tín đồ được xức dầu còn sống trong thời kỳ Chúa Giê-su hiện diện đối mặt với một thử thách vô cùng lớn, đó là rao giảng cho “muôn dân” trước khi đến thời điểm kết thúc. Minh họa về chiên và dê cho thấy những tín đồ được xức dầu sẽ được “chiên” trợ giúp. Vì vậy, một trong những cách chính yếu mà “chiên” có thể giúp anh em của Đấng Ki-tô là ủng hộ công việc rao giảng. Sự ủng hộ này bao hàm điều gì? Có phải chỉ là hỗ trợ về vật chất và sự khích lệ về tinh thần, hay còn điều gì khác?

AI LÀ NGƯỜI RAO GIẢNG?

11. Câu hỏi nào có thể được đặt ra, và tại sao?

11 Ngày nay có tám triệu môn đồ của Chúa Giê-su và phần lớn trong số đó không được xức dầu bằng thần khí. Họ không nhận ta-lâng mà Chúa Giê-su giao cho các đầy tớ được xức dầu (Mat 25:14-18). Vì vậy, câu hỏi có thể được đặt ra là: “Phải chăng sứ mạng rao giảng chỉ dành cho những người được xức dầu bằng thần khí?”. Không phải vậy. Chúng ta hãy xem tại sao.

12. Chúng ta học được gì từ những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20?

12 Chúa Giê-su lệnh cho tất cả các môn đồ đi rao giảng. Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su chỉ thị cho các môn đồ đi đào tạo môn đồ và dạy người ta giữ “mọi điều” mà ngài đã truyền cho họ. Trong số những điều mà Chúa Giê-su truyền cho các môn đồ có sứ mạng rao giảng. (Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20). Vì vậy, tất cả môn đồ của Đấng Ki-tô phải rao giảng, dù họ có hy vọng cai trị ở trên trời hay sống trên đất.—Công 10:42.

13. Khải tượng của Giăng cho thấy điều gì, và tại sao có thể kết luận như thế?

13 Sách Khải huyền cho thấy cả những tín đồ được xức dầu và người khác sẽ tham gia công việc rao giảng. Chúa Giê-su ban cho sứ đồ Giăng một khải tượng về “cô dâu” đang mời người ta đến và nhận “lấy nước sự sống miễn phí”. Cô dâu này là 144.000 người được xức dầu sẽ đồng cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời (Khải 14:1, 3; 22:17). Nước tượng trưng cho những sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va nhằm giúp nhân loại thoát khỏi tội lỗi và cái chết nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô (Mat 20:28; Giăng 3:16; 1 Giăng 4:9, 10). Giá chuộc là trọng tâm của thông điệp mà chúng ta rao truyền, và những tín đồ được xức dầu đang dẫn đầu trong việc giúp người ta tìm hiểu và nhận lợi ích từ giá chuộc (1 Cô 1:23). Nhưng trong khải tượng, Giăng còn thấy những người khác không thuộc lớp cô dâu. Họ cũng được lệnh để nói: “Hãy đến!”. Họ vâng theo mệnh lệnh này và mời người khác đến nhận lấy nước sự sống. Nhóm này là những người có hy vọng sống trên đất. Vì vậy, khải tượng trên rõ ràng cho thấy rằng tất cả những ai chấp nhận lời mời “hãy đến” cũng có trách nhiệm rao giảng cho người khác.

14. Vâng theo “luật pháp của Đấng Ki-tô” bao hàm điều gì?

14 Tất cả những người vâng theo “luật pháp của Đấng Ki-tô” phải rao giảng (Ga 6:2). Đức Giê-hô-va không có hai tiêu chuẩn. Chẳng hạn, ngài nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Cũng đồng một luật cho người sanh trong xứ cùng khách ngoại-bang nào đến kiều-ngụ giữa các ngươi” (Xuất 12:49; Lê 24:22). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không bị ràng buộc bởi Luật pháp Môi-se. Nhưng tất cả chúng ta đều phải vâng theo “luật pháp của Đấng Ki-tô”, dù được xức dầu hay không. Luật pháp này bao hàm mọi điều Chúa Giê-su dạy. Điều quan trọng nhất trong sự dạy dỗ của Chúa Giê-su là các môn đồ phải thể hiện tình yêu thương (Giăng 13:35; Gia 2:8). Việc rao giảng tin mừng về Nước Trời là một trong những cách chính yếu để thể hiện tình yêu thương với Đức Chúa Trời, Đấng Ki-tô và người lân cận.—Giăng 15:10; Công 1:8.

15. Tại sao có thể nói rằng mệnh lệnh của Chúa Giê-su áp dụng cho tất cả các môn đồ của ngài?

15 Những lời Chúa Giê-su nói với một nhóm nhỏ có thể áp dụng cho nhóm lớn hơn. Chẳng hạn, Chúa Giê-su chỉ lập giao ước Nước Trời với 11 môn đồ, nhưng thật ra giao ước ấy áp dụng cho tất cả 144.000 người (Lu 22:29, 30; Khải 5:10; 7:4-8). Tương tự, sau khi được sống lại, Chúa Giê-su chỉ lệnh cho các môn đồ, lúc đó là một nhóm tương đối nhỏ, làm công việc rao giảng (Công 10:40-42; 1 Cô 15:6). Nhưng tất cả các môn đồ trung thành vào thế kỷ thứ nhất nhận ra rằng mệnh lệnh đó cũng áp dụng cho họ, dù họ không trực tiếp nghe Chúa Giê-su nói (Công 8:4; 1 Phi 1:8). Ngày nay cũng vậy, Chúa Giê-su không nói riêng với ai trong tám triệu người đang tham gia công việc rao giảng về Nước Trời. Nhưng tất cả đều nhận thấy mình có bổn phận thể hiện đức tin nơi Đấng Ki-tô qua công việc làm chứng.—Gia 2:18.

ĐÂY LÀ LÚC PHẢI TRUNG THÀNH

16-18. Làm thế nào những người có triển vọng là chiên có thể ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô, và tại sao họ nên làm điều đó ngay bây giờ?

16 Sa-tan đang gây chiến với những anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô còn sống trên đất. Hắn sẽ càng ra sức tấn công những người này vì biết mình chỉ còn “một thời gian ngắn” (Khải 12:9, 12, 17). Dù phải đương đầu với những thử thách cam go, các tín đồ được xức dầu đang dẫn đầu chương trình rao giảng lớn nhất trong lịch sử. Chắc chắn, Chúa Giê-su ở cùng họ và đang hướng dẫn họ.—Mat 28:20.

17 Những người có triển vọng là chiên ngày càng gia tăng. Họ xem việc ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô là một đặc ân. Họ làm điều này không chỉ qua công việc rao giảng mà còn qua những cách thiết thực khác. Chẳng hạn, họ đóng góp về tài chính để giúp xây những Phòng Nước Trời, Phòng hội nghị và chi nhánh. Họ cũng trung thành vâng theo những người được “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” bổ nhiệm để dẫn đầu.—Mat 24:45-47; Hê 13:17.

Những người được ví như chiên ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô qua nhiều cách (Xem đoạn 17)

18 Không lâu nữa, các thiên sứ sẽ thả những ngọn gió hủy diệt của hoạn nạn lớn. Điều này sẽ xảy ra sau khi những anh em của Đấng Ki-tô còn sống trên đất nhận sự đóng ấn lần cuối (Khải 7:1-3). Trước khi Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ, những tín đồ được xức dầu sẽ được cất lên trời (Mat 13:41-43). Vì vậy, đây là lúc những người muốn được xét là chiên phải trung thành ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô.

^ đ. 6 Để biết thêm chi tiết về minh họa này, xin xem bài “Kết cuộc sẽ ra sao khi bạn đứng trước Ngai Phán Xét?” và “Tương lai của chiên và dê sẽ ra sao?” trong Tháp Canh ngày 15-10-1995.