Tại sao khai trừ là một sắp đặt yêu thương?
Anh Julian nhớ lại: “Khi tôi nghe thông báo con trai mình bị khai trừ, thế giới dường như sụp đổ. Đó là con trai cả của tôi. Hai cha con tôi rất gần gũi và làm nhiều việc cùng nhau. Trước đây, con trai tôi luôn là người con gương mẫu, nhưng đột nhiên nó cư xử theo cách không thể chấp nhận được. Vợ tôi cứ khóc suốt, và tôi không biết làm thế nào để an ủi vợ. Chúng tôi luôn tự hỏi không biết mình có chu toàn bổn phận của người làm cha mẹ hay không”.
Tại sao có thể nói rằng việc khai trừ một tín đồ đạo Đấng Ki-tô là sắp đặt yêu thương dù điều đó gây ra nhiều nỗi đau? Những biện pháp mạnh mẽ như thế dựa trên cơ sở nào của Kinh Thánh? Điều gì dẫn đến việc một người bị khai trừ?
HAI YẾU TỐ DẪN ĐẾN VIỆC KHAI TRỪ
Một Nhân Chứng Giê-hô-va chỉ bị khai trừ khi có đủ hai yếu tố sau: Thứ nhất, người ấy phạm một tội trọng. Thứ hai, người ấy không ăn năn về tội mình đã phạm.
Dù Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta hoàn hảo nhưng ngài có một tiêu chuẩn thánh và yêu cầu các tôi tớ phải vâng theo. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta tránh phạm những tội trọng, như gian dâm, thờ thần tượng, trộm cắp, tống tiền, giết người và thực hành tà thuật.—1 Cô 6:9, 10; Khải 21:8.
Chẳng phải bạn đồng ý rằng những tiêu chuẩn thanh sạch của Đức Giê-hô-va là phải lẽ và bảo vệ chúng ta sao? Ai lại không muốn sống giữa những người hiền hòa, ngay thẳng mà mình có thể tin cậy? Chúng ta tìm được môi trường như thế trong vòng anh em đồng đạo vì khi dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta đã hứa sẽ sống phù hợp với những chỉ dẫn trong Lời ngài.
Nhưng nói sao nếu một tín đồ đã báp-têm phạm tội trọng vì sự yếu đuối của bản thân? Trong quá khứ, một số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã phạm những tội như thế, nhưng Đức Chúa Trời không hoàn toàn bỏ họ. Vua Đa-vít là một ví dụ điển hình. Đa-vít đã phạm tội ngoại tình và giết người; dù thế, nhà tiên tri Na-than nói với ông: ‘Đức Giê-hô-va đã xóa tội vua’.—2 Sa 12:13.
Đức Chúa Trời tha tội cho Đa-vít vì ông thành thật ăn năn (Thi 32:1-5). Tương tự, ngày nay một tôi tớ của Đức Giê-hô-va chỉ bị khai trừ khi không ăn năn hoặc tiếp tục làm điều sai trái (Công 3:19; 26:20). Nếu những trưởng lão thuộc Ủy ban tư pháp thấy người phạm tội không thật lòng ăn năn thì họ phải khai trừ người ấy.
Lúc đầu, có lẽ chúng ta cảm thấy quyết định khai trừ người phạm tội là quá nghiêm khắc hoặc thiếu nhân từ, đặc biệt nếu chúng ta có mối quan hệ thân thiết với người đó. Dù thế, Lời của Đức Giê-hô-va đưa ra những lý do chính đáng để chúng ta tin rằng đó là một quyết định yêu thương.
VIỆC KHAI TRỪ CÓ THỂ MANG LẠI LỢI ÍCH CHO NHỮNG NGƯỜI LIÊN QUAN
Chúa Giê-su nói rằng “phải chờ xem kết quả, mới biết thế nào là khôn ngoan thật!” (Mat 11:19, Bản Diễn Ý). Việc khai trừ người phạm tội không ăn năn là một quyết định khôn ngoan vì điều này mang lại kết quả là sự công chính. Hãy xem ba kết quả sau:
Việc khai trừ người phạm tội mang lại sự vinh hiển cho danh Đức Giê-hô-va. Vì chúng ta mang danh Đức Giê-hô-va nên hạnh kiểm của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến danh ngài (Ê-sai 43:10). Hạnh kiểm của một người con có thể mang lại sự ngợi khen cho cha mẹ hoặc bôi nhọ danh của cha mẹ. Cũng vậy, quan điểm của người ta về Đức Giê-hô-va phụ thuộc phần nào vào gương tốt hoặc xấu mà họ thấy nơi dân mang danh ngài. Vào thời Ê-xê-chi-ên, dân xung quanh liên kết dân Do Thái với danh của Đức Giê-hô-va (Ê-xê 36:19-23). Tương tự, ngày nay người ta liên kết Nhân Chứng Giê-hô-va với danh của Đức Giê-hô-va. Vì vậy, nếu vâng theo tiêu chuẩn đạo đức của ngài, chúng ta sẽ mang lại sự vinh hiển cho ngài.
Chúng ta sẽ khiến danh thánh của Đức Chúa Trời bị bôi nhọ nếu thực hành sự vô luân. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Là con cái biết vâng lời, anh em đừng để bị rập khuôn theo những ham muốn mình từng có khi còn thiếu hiểu biết, nhưng hãy nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình theo như Đấng Thánh đã gọi anh em, bởi có lời viết rằng: ‘Các ngươi phải thánh khiết, vì ta là thánh’” (1 Phi 1:14-16). Hạnh kiểm thanh sạch mang lại sự vinh hiển cho danh Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, nếu một Nhân Chứng Giê-hô-va làm điều sai trái thì rất có thể bạn bè và người quen sẽ biết. Việc khai trừ cho thấy Đức Giê-hô-va có một dân thanh sạch, những người vâng theo các chỉ dẫn từ Kinh Thánh để gìn giữ sự thanh sạch ấy. Có lần, một người khách lạ đến một buổi họp tại Phòng Nước Trời ở Thụy Sĩ và nói rằng anh muốn là thành viên của hội thánh. Một người trong gia đình của anh ấy bị khai trừ vì phạm tội vô luân. Anh nói rằng anh muốn gia nhập một tổ chức “không dung túng hạnh kiểm xấu”.
Việc khai trừ giữ cho hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thanh sạch. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo anh em ở thành Cô-rinh-tô về mối nguy hiểm của việc cho phép những người cố ý phạm tội tiếp tục ở giữa họ. Ông ví ảnh hưởng xấu của những người ấy giống như men làm cho cả mẻ bột nhồi dậy lên. Ông nói: “Một chút men làm dậy cả mẻ bột nhồi”. Rồi ông khuyên họ: “Hãy loại bỏ kẻ gian ác khỏi anh em”.—1 Cô 5:6, 11-13.
Rất có thể “kẻ gian ác” mà Phao-lô đề cập ở đây đã thực hành sự vô luân một cách trắng trợn. Những thành viên khác trong hội thánh thậm chí bắt đầu biện hộ cho hạnh kiểm của người đó (1 Cô 5:1, 2). Nếu hội thánh dung túng tội trọng như thế, hẳn những tín đồ khác cảm thấy mình có thể bắt chước lối sống vô luân trong thành phố buông tuồng đó. Việc lờ đi những tội cố ý sẽ mở đường cho thái độ dễ dãi đối với những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời phát triển (Truyền 8:11). Hơn nữa, những người phạm tội mà không ăn năn có thể trở thành “đá ngầm dưới nước” và làm chìm đắm đức tin của người khác trong hội thánh.—Giu 4, 12.
Việc khai trừ có thể giúp người phạm tội tỉnh ngộ. Chúa Giê-su từng nói về một thanh niên bỏ nhà đi và phung phí tài sản vào lối sống phóng đãng sa đọa. Qua kinh nghiệm cay đắng, người con hoang đàng học được rằng đời sống bên ngoài gia đình thật trống rỗng và thiếu tình người. Cuối cùng, anh ta tỉnh ngộ, ăn năn và chủ động quay về (Lu 15:11-24). Những lời Chúa Giê-su miêu tả về sự vui mừng của người cha đầy yêu thương trước sự thay đổi trong lòng của người con giúp chúng ta hiểu cảm xúc của Đức Giê-hô-va. Ngài đảm bảo với chúng ta: “Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây-bỏ đường-lối mình và được sống”.—Ê-xê 33:11.
Tương tự, những người không còn là thành viên của hội thánh, tức gia đình thiêng liêng, có thể nhận ra điều mình đã đánh mất. Những trái đắng của lối sống tội lỗi cũng như ký ức của những ngày hạnh phúc khi còn hưởng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và dân ngài có thể giúp họ tỉnh ngộ.
Thi 141:5). Hãy xem minh họa sau: Giả sử một khách bộ hành bị kiệt sức trong một ngày mùa đông lạnh giá. Thân nhiệt của anh ta bắt đầu hạ và anh ta cảm thấy buồn ngủ. Nếu ngủ gục trong tuyết, anh sẽ chết. Trong khi đợi đội cứu hộ tới, thỉnh thoảng bạn đồng hành tát vào má anh ta để anh ta tiếp tục tỉnh. Hành động đó làm cho anh ta đau nhưng có thể bảo toàn mạng sống cho anh. Tương tự, Đa-vít nhận ra rằng có thể mình cần một người công chính sửa trị, dù đau đớn nhưng sẽ tốt cho ông.
Để đạt được kết quả như mong muốn thì tình yêu thương và sự kiên quyết là điều cần thiết. Người viết Thi-thiên là Đa-vít nói: “Nguyện người công-bình đánh tôi, ấy là ơn; nguyện người sửa-dạy tôi, ấy khác nào dầu trên đầu” (Trong nhiều trường hợp, việc khai trừ cung cấp sự sửa dạy mà người phạm tội cần. Sau khoảng mười năm, con trai của anh Julian, người được đề cập nơi đầu bài, đã thay đổi hoàn toàn lối sống, trở lại với hội thánh và giờ đây phụng sự với tư cách trưởng lão. Anh ấy thừa nhận: “Việc bị khai trừ buộc tôi phải đối mặt với những hậu quả do lối sống của mình gây ra. Tôi cần sự sửa dạy như thế”.—Hê 12:7-11.
CÁCH YÊU THƯƠNG ĐỂ ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI BỊ KHAI TRỪ
Đành rằng khai trừ là một chuyện rất đáng buồn nhưng không phải là vô vọng. Tất cả chúng ta đều đóng một vai trò trong việc đảm bảo rằng việc khai trừ đạt được mục tiêu.
Những trưởng lão nên phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va khi họ buộc phải thông báo quyết định khai trừ. Khi thông báo cho người đó quyết định khai trừ, trưởng lão giải thích rõ ràng và một cách nhân từ những bước người ấy cần làm để được nhận lại vào hội thánh. Với mục đích nhắc người bị khai trừ về cách họ có thể trở về với Đức Giê-hô-va, các trưởng lão có thể thăm định kỳ những người cho thấy mình đang thay đổi lối sống. *
Những thành viên trong gia đình có thể bày tỏ tình yêu thương với hội thánh và người phạm tội bằng cách tôn trọng quyết định khai trừ. Anh Julian giải thích: “Dù vẫn là con trai tôi, nhưng lối sống mà con tôi chọn đã tạo rào cản giữa chúng tôi”.
Mọi thành viên trong hội thánh có thể cho thấy tình yêu thương dựa trên nguyên tắc bằng cách tránh liên lạc hoặc trò chuyện với người bị khai trừ (1 Cô 5:11; 2 Giăng 10, 11). Khi làm thế, họ ủng hộ sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va dành cho người đó qua những trưởng lão. Ngoài ra, họ có thể bày tỏ tình yêu thương nhiều hơn với gia đình của người bị khai trừ và hỗ trợ gia đình ấy, những người phải chịu đựng nhiều nỗi đau. Họ không nên làm cho gia đình của người bị khai trừ cảm thấy mình cũng bị anh em đồng đạo xa lánh.—Rô 12:13, 15.
Anh Julian kết luận: “Khai trừ là một biện pháp mà chúng ta cần. Biện pháp này giúp chúng ta sống phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Dù đau buồn nhưng về lâu về dài sẽ mang lại kết quả tốt. Nếu tôi dung túng hạnh kiểm xấu của con trai thì con trai tôi sẽ không bao giờ phục hồi về thiêng liêng”.
^ đ. 24 Xin xem Tháp Canh ngày 1-11-1996, trang 14, đoạn 12; Tháp Canh ngày 15-4-1991, trang 21-23 (Anh ngữ).