Đấng Ki-tô —Quyền năng của Đức Chúa Trời
‘Đấng Ki-tô là quyền năng của Đức Chúa Trời’.—1 CÔ 1:24.
1. Tại sao Phao-lô có thể nói rằng ‘Đấng Ki-tô là quyền năng của Đức Chúa Trời’?
Đức Giê-hô-va thể hiện quyền năng của ngài qua Chúa Giê-su Ki-tô theo những cách phi thường. Bốn sách Phúc âm ghi lại chi tiết về một số phép lạ Chúa Giê-su đã thực hiện và các phép lạ này củng cố đức tin của chúng ta. Rất có thể ngài đã làm nhiều phép lạ khác nữa (Mat 9:35; Lu 9:11). Quả thật, quyền năng của Đức Chúa Trời được thể hiện qua Chúa Giê-su. Vì thế, sứ đồ Phao-lô có lý do chính đáng khi nói về ngài: ‘Đấng Ki-tô là quyền năng của Đức Chúa Trời’ (1 Cô 1:24). Nhưng những phép lạ của Chúa Giê-su ảnh hưởng thế nào đến đời sống chúng ta?
2. Chúng ta có thể học được gì từ những phép lạ của Chúa Giê-su?
2 Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng Chúa Giê-su đã làm các phép lạ, hay “các điều kỳ diệu” (Công 2:22). Những việc phi thường mà Chúa Giê-su thực hiện trên đất cho thấy trước phần nào các ân phước lớn hơn sẽ đến dưới sự cai trị của ngài. Những việc này là hình bóng cho những phép lạ mà Chúa Giê-su sẽ thực hiện trong thế giới mới của Đức Chúa Trời trên phạm vi toàn cầu! Những phép lạ của Chúa Giê-su cũng giúp chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc về đức tính của ngài và Cha ngài. Hãy xem xét một số phép lạ của Chúa Giê-su và xem những phép lạ này có thể ảnh hưởng thế nào đến đời sống chúng ta ngay bây giờ và trong tương lai.
MỘT PHÉP LẠ DẠY VỀ LÒNG RỘNG RÃI
3. (a) Hãy miêu tả hoàn cảnh dẫn đến phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su. (b) Lòng rộng rãi của Chúa Giê-su được thể hiện như thế nào ở Ca-na?
3 Tại một tiệc cưới ở Ca-na thuộc Ga-li-lê, Chúa Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên. Có lẽ số khách mời đến dự tiệc cưới nhiều hơn so với dự tính. Nhưng dù là lý do gì thì rượu đã hết. Trong số khách mời có bà Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-su. Nhiều năm qua, hẳn Ma-ri đã suy ngẫm về mọi lời hứa mang tính tiên tri liên quan đến con trai bà, người mà bà biết sẽ được gọi là “Con của Đấng Tối Cao” (Lu 1:30-32; 2:52). Bà có tin là Chúa Giê-su có những quyền năng chưa được tiết lộ không? Dù sao đi nữa, có một điều rõ ràng là ở Ca-na, bà Ma-ri và Chúa Giê-su cảm thấy thương cặp vợ chồng mới cưới và không muốn họ bị ngượng. Chúa Giê-su biết rằng việc thể hiện lòng hiếu khách là một trách nhiệm. Vì vậy, ngài đã biến khoảng 380 lít nước thành “rượu ngon”. (Đọc Giăng 2:3, 6-11). Chúa Giê-su có buộc phải thực hiện phép lạ này không? Không. Ngài làm vậy đơn giản vì quan tâm đến người khác và noi gương Cha trên trời về lòng rộng rãi.
4, 5. (a) Phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học nào? (b) Phép lạ tại Ca-na cho chúng ta biết gì về tương lai?
4 Qua phép lạ, Chúa Giê-su cung cấp một lượng lớn rượu ngon, đủ cho khá đông người. Bạn có thấy phép lạ này dạy chúng ta điều gì không? Việc Chúa Giê-su sẵn sàng làm điều kỳ diệu như thế đảm bảo với chúng ta rằng cảm xúc của con người quan trọng đối với ngài và Cha ngài. Cả Cha và Con đều là những đấng rất rộng rãi. Hãy hình dung Đức Giê-hô-va sẽ dùng quyền năng của ngài rộng rãi như thế nào trong thế giới mới để cung cấp một yến tiệc “cho mọi dân-tộc” trên khắp đất.—Đọc Ê-sai 25:6.
5 Hãy suy nghĩ về những điều tuyệt diệu đó! Sắp đến thời kỳ mà những nhu cầu và ước muốn chính đáng của mọi người được thỏa mãn, chẳng hạn như thực phẩm bổ dưỡng và chỗ ở đàng hoàng. Mong sao chúng ta tràn đầy vui mừng khi trông mong những điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp dư dật trong địa đàng.
6. Chúa Giê-su dùng quyền năng của ngài để thỏa mãn nhu cầu của ai, và chúng ta có thể bắt chước ngài thế nào trong khía cạnh này?
6 Điều đáng lưu ý là khi Kẻ Quỷ Quyệt cám dỗ Chúa Giê-su biến đá thành bánh, Đấng Ki-tô đã từ chối dùng quyền năng của mình để thỏa mãn ước muốn cá nhân (Mat 4:2-4). Nhưng ngài dùng quyền năng để đáp lại và thỏa mãn nhu cầu của người khác. Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước lòng quan tâm bất vị kỷ của Chúa Giê-su? Ngài khuyến khích tôi tớ của Đức Chúa Trời “hãy cho” (Lu 6:38). Chúng ta có thể tỏ lòng rộng rãi bằng cách mời người khác đến nhà dùng bữa và chia sẻ những điều thiêng liêng không? Chúng ta có thể sẵn sàng dành thời gian sau buổi nhóm họp để trợ giúp anh chị nào đó có nhu cầu, chẳng hạn như lắng nghe một anh tập bài giảng không? Chúng ta có thể làm gì để giúp những người cần sự hỗ trợ trong thánh chức? Khi thể hiện lòng rộng rãi qua việc trợ giúp người khác về vật chất và thiêng liêng trong khả năng của mình, chúng ta cho thấy mình đang bắt chước gương Chúa Giê-su.
“TẤT CẢ ĐỀU ĂN NO NÊ”
7. Tình cảnh nào sẽ tiếp diễn khi thế gian này còn tồn tại?
7 Nghèo đói không phải là điều mới lạ. Đức Giê-hô-va từng nói với dân Y-sơ-ra-ên xưa rằng “sẽ có kẻ nghèo trong xứ luôn luôn” (Phục 15:11). Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su công nhận: “Anh em luôn có người nghèo chung quanh mình” (Mat 26:11). Phải chăng ý của Chúa Giê-su là sẽ luôn có người nghèo ở trên đất? Không. Ý của ngài là chừng nào thế gian bại hoại này còn tồn tại, chừng đó sẽ còn có người nghèo. Vì vậy, thật ấm lòng khi biết rằng những phép lạ của Chúa Giê-su cho thấy trước về một tương lai tốt đẹp hơn dưới sự trị vì của Nước Trời. Khi đó, mọi người sẽ có dư dật thức ăn và được no nê!
8, 9. (a) Điều gì dẫn tới việc Chúa Giê-su làm phép lạ cho hàng ngàn người ăn? (b) Trong phép lạ cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người, điều gì khiến bạn cảm động?
8 Người viết Thi-thiên nói về Đức Giê-hô-va: “Chúa xòe tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống” (Thi 145:16). Noi gương Cha, Đấng Ki-tô thường xuyên xòe tay ra và thỏa mãn ước muốn của các môn đồ. Những gì ngài làm không chỉ là cách thể hiện quyền năng, mà còn vì ngài quan tâm chân thành đến người khác. Hãy cùng xem xét Ma-thi-ơ 14:14-21. (Đọc). Các môn đồ của Chúa Giê-su đến gặp ngài để nói về vấn đề thức ăn. Có lẽ không chỉ vì họ đói nhưng do họ quan tâm đến đoàn dân vừa đói vừa mệt, những người từ các thành kéo nhau đi bộ theo Chúa Giê-su (Mat 14:13). Chúa Giê-su sẽ làm gì?
9 Với năm ổ bánh và hai con cá, Chúa Giê-su đã cung cấp thức ăn cho khoảng 5.000 người nam, chưa kể phụ nữ và trẻ em! Chúng ta có cảm động không khi nghĩ đến cách Chúa Giê-su dùng quyền năng phi thường để yêu thương chăm sóc mọi thành viên trong gia đình, kể cả những em nhỏ? Hẳn Chúa Giê-su đã cung cấp rất nhiều thức ăn, vì dân chúng “đều ăn no nê”. Ngài không chỉ cho họ một chút thức ăn, mà còn nhân từ cung cấp một bữa ăn dư dật để họ có đủ sức đi một quãng đường xa về nhà (Lu 9:10-17). Ngoài ra, họ còn gom lại được 12 giỏ bánh thừa!
10. Điều gì sắp diễn ra làm thay đổi tình trạng nghèo đói?
10 Ngày nay các nhu cầu căn bản của hàng trăm triệu người không được đáp ứng vì sự cai trị bất công của loài người. Ngay cả một số anh em của chúng ta dù có đồ ăn để duy trì sự sống nhưng chưa thực sự được “no nê”. Tuy nhiên, sắp đến thời kỳ mà nhân loại biết vâng lời được hưởng một thế giới không còn sự tham nhũng và nghèo đói. Nếu có quyền năng, chẳng phải bạn sẽ làm thỏa mãn các nhu cầu của con người sao? Đức Chúa Trời Toàn Năng có cả quyền lực lẫn ước muốn làm điều đó, và ngài sắp ra tay hành động. Quả thật, sự giải cứu đã gần kề!—Đọc Thi-thiên 72:16.
11. Tại sao bạn tin chắc Đấng Ki-tô sẽ nhanh chóng dùng quyền năng của ngài trên khắp đất, và điều này thôi thúc bạn làm gì?
11 Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su rao giảng trong một khu vực tương đối nhỏ với thời gian giới hạn là ba năm rưỡi (Mat 15:24). Là Vua vinh hiển, khu vực của ngài sẽ mở rộng đến tận cùng trái đất (Thi 72:8). Những phép lạ của Chúa Giê-su giúp chúng ta tin rằng ngài có khả năng và muốn nhanh chóng dùng uy quyền của mình để mang lại lợi ích cho chúng ta. Dù không thể làm phép lạ, chúng ta có thể nhiệt thành hướng sự chú ý của người ta đến Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Những lời tiên tri trong Kinh Thánh đảm bảo một tương lai rạng ngời đang ở phía trước. Là Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va, chúng ta có sự hiểu biết quý giá ấy về tương lai, nên chẳng phải chúng ta thấy mình mắc nợ người khác sao? (Rô 1:14, 15). Mong sao việc suy ngẫm điều này sẽ thôi thúc chúng ta nói với người khác tin mừng về Nước Đức Chúa Trời.—Thi 45:1; 49:3.
KIỂM SOÁT CÁC LỰC THIÊN NHIÊN
12. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Giê-su hiểu tường tận về hệ sinh thái của trái đất?
12 Cùng với người Con một ở bên cạnh với tư cách là “thợ cái”, Đức Chúa Trời đã tạo dựng trái đất và mọi thứ trên đó (Châm 8:22, 30, 31; Cô 1:15-17). Vì vậy, Chúa Giê-su hiểu tường tận về hệ sinh thái của trái đất. Ngài biết cách sử dụng, quản lý và phân bổ những nguồn tài nguyên trên đất một cách đồng đều và hợp lý.
13, 14. Hãy nêu ví dụ cho thấy Đấng Ki-tô có khả năng kiểm soát các lực thiên nhiên.
13 Khi sống trên đất, Chúa Giê-su cho thấy ngài là “quyền năng của Đức Chúa Trời” qua việc kiểm soát các lực thiên nhiên. Hãy xem ngài làm gì với cơn bão dường như đang đe dọa mạng sống của các môn đồ. (Đọc Mác 4:37-39). Một học giả Kinh Thánh viết: “Từ Hy Lạp [dịch là “cơn bão” nơi Mác 4:37] được dùng để nói về một cơn bão lớn hoặc cơn cuồng phong. Từ này không bao giờ ám chỉ một luồng gió mạnh... nhưng nói đến một cơn bão nổi lên từ những đám mây đen có sấm chớp và kéo theo mưa to, gió giật và làm mọi thứ đảo lộn”. Lời tường thuật của Ma-thi-ơ cho biết cơn bão lớn này khiến “biển động dữ dội”.—Mat 8:24.
14 Hãy hình dung cảnh tượng: Đấng Ki-tô rất mệt sau khi dành nhiều thời gian và công sức cho thánh chức. Những cơn sóng đánh vào mạn thuyền khiến nước bắn tung tóe lên thuyền. Bất kể tiếng rít của gió bão và con thuyền tròng trành chao đảo, Chúa Giê-su vẫn ngủ. Cơ thể ngài cần được nghỉ ngơi. Các môn đồ sợ hãi, đến đánh thức Chúa Giê-su và kêu lên: “Chúng ta sắp chết rồi!” (Mat 8:25). Chúa Giê-su thức dậy, ra lệnh cho gió và biển bằng những lời: “Suỵt! Im đi!” (Mác 4:39). Kết quả là gì? Cơn bão đáng sợ chấm dứt và “biển lặng như tờ”. Chúa Giê-su thể hiện quyền năng lớn biết bao!
15. Đức Giê-hô-va chứng tỏ ngài có khả năng kiểm soát các lực thiên nhiên như thế nào?
15 Quyền năng của Chúa Giê-su đến từ chính Đức Giê-hô-va, vì thế chúng ta có lý do để tin rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng hoàn toàn có thể kiểm soát các lực thiên nhiên. Hãy xem một số ví dụ. Trước trận Nước Lụt, Đức Giê-hô-va phán: “Còn bảy ngày nữa, ta sẽ làm mưa xuống mặt đất, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm” (Sáng 7:4). Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21 cũng cho biết: “Đức Giê-hô-va dẫn trận gió đông thổi mạnh đến đùa biển lại”. Còn Giô-na 1:4 nói: “Đức Giê-hô-va khiến gió lớn thổi trên biển; trên biển có trận bão lớn, chiếc tàu hầu vỡ”. Thật khích lệ khi biết rằng Đức Giê-hô-va có thể kiểm soát mọi yếu tố trong thiên nhiên. Rõ ràng, tương lai của trái đất nằm trong bàn tay chăm sóc của Đức Giê-hô-va.
16. Tại sao thật an ủi khi biết rằng Đấng Tạo Hóa và Con đầu lòng của ngài có khả năng kiểm soát các lực thiên nhiên?
16 Thật an ủi biết bao khi suy ngẫm về quyền năng phi thường của Đấng Tạo Hóa và “thợ cái” của ngài. Khi Đức Giê-hô-va và Con ngài tập trung hoàn toàn vào trái đất trong 1.000 năm, mọi dân trên đất sẽ sống trong bình an. Những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp sẽ chỉ còn là quá khứ. Trong thế giới mới, con người sẽ không có lý do để sợ các cơn bão lớn, sóng thần, núi lửa hoặc động đất. Thật tuyệt vời khi nghĩ đến thời kỳ mà sẽ không có lực thiên nhiên nào gây thương tích hay chết chóc, vì “đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa nhân loại”! (Khải 21:3, 4). Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ thể hiện quyền năng của ngài qua Chúa Giê-su để kiểm soát các lực thiên nhiên trong 1.000 năm.
NOI GƯƠNG ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ ĐẤNG KI-TÔ NGAY BÂY GIỜ
17. Một cách chúng ta có thể noi gương Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô ngay bây giờ là gì?
17 Dĩ nhiên, chúng ta không thể ngăn cản thảm họa thiên nhiên giống như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, nhưng chúng ta cũng có ít nhiều quyền năng. Chúng ta sử dụng quyền năng ấy như thế nào? Một cách là áp dụng Châm-ngôn 3:27. (Đọc). Khi anh em của chúng ta đương đầu với nghịch cảnh, chúng ta có thể an ủi cũng như hỗ trợ họ về thể chất, tinh thần và thiêng liêng (Châm 17:17). Chẳng hạn, chúng ta có thể giúp họ phục hồi sau một thảm họa thiên nhiên. Hãy lắng nghe lời cảm ơn chân thành của một góa phụ khi một cơn bão gây hư hại nặng nề cho ngôi nhà của chị: “Tôi vô cùng biết ơn khi được ở trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, không chỉ vì nhận được sự trợ giúp về thể chất mà còn về thiêng liêng nữa”. Cũng hãy lưu ý đến lời chia sẻ sau của một chị độc thân. Chị cảm thấy tuyệt vọng và bối rối sau khi thấy ngôi nhà của mình bị hư hại trong một cơn bão. Khi nhận được sự trợ giúp, chị thốt lên: “Thật không thể tả được! Tôi không thể bày tỏ hết cảm xúc của mình... Cảm tạ Đức Giê-hô-va!”. Chúng ta vui mừng vì thuộc về đoàn thể anh em quan tâm chân thành đến nhu cầu của người khác. Điều khiến chúng ta vui mừng hơn nữa là Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thật sự quan tâm đến dân Đức Chúa Trời.
18. Bạn ấn tượng điều gì về động lực của Chúa Giê-su trong việc làm phép lạ?
18 Trong thời gian thi hành thánh chức, Chúa Giê-su đã chứng tỏ ngài là ‘quyền năng của Đức Chúa Trời’. Nhưng động lực của Chúa Giê-su là gì? Chúng ta không bao giờ thấy ngài dùng quyền năng của mình để gây ấn tượng với người khác hoặc làm lợi cho bản thân. Quả thật, những phép lạ Chúa Giê-su đã thực hiện tiết lộ về tình yêu thương của ngài dành cho gia đình nhân loại. Chúng ta sẽ xem xét điều này trong bài kế tiếp.