Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta có thể giữ sự trong sạch

Chúng ta có thể giữ sự trong sạch

“Hãy rửa sạch tay mình... hãy tẩy sạch lòng mình”.GIA 4:8.

1. Thế giới có quan điểm nào về sự trong sạch?

Sự trong sạch không phải là phẩm chất được yêu chuộng. Điều này đặc biệt đúng vào thời chúng ta. Tại nhiều nước, đồng tính luyến ái và quan hệ tình dục ngoài vòng hôn nhân được xem là chuyện bình thường. Lối sống này thậm chí còn được cổ vũ trên các phương tiện quảng cáo và giải trí (Thi 12:8). Sự gian dâm lan tràn đến mức có lẽ bạn thắc mắc: “Có thể nào sống một đời sống trong sạch không?”. Chúng ta có thể tự tin trả lời: Có, với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, những tín đồ chân chính có thể giữ sự trong sạch.—Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-5.

2, 3. (a) Tại sao chúng ta phải kháng cự những ham muốn sai trái? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Nhưng trước hết, chúng ta cần nhận ra là để sống trong sạch, chúng ta phải kháng cự những ham muốn vô luân. Như lưỡi câu gắn mồi có thể thu hút một con cá, các ý tưởng vô luân và ham muốn đồi bại—nếu không được gạt bỏ ngay—có thể bắt đầu lôi cuốn và cám dỗ một tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Chúng có sức hấp dẫn đối với xác thịt bất toàn và dẫn chúng ta đến hành vi vô luân. Với thời gian, sức lôi cuốn của tội lỗi có thể trở nên mãnh liệt tới mức ham muốn ô uế đó được cưu mang. Đến lúc ấy, ngay cả một tôi tớ của Đức Giê-hô-va cũng có thể sẵn sàng thỏa mãn ham muốn của mình khi có cơ hội. Thật vậy, “ham muốn... sinh ra tội lỗi”.—Đọc Gia-cơ 1:14, 15.

3 Ban đầu một ham muốn sai trái có thể chỉ xuất hiện nhất thời trong tâm trí nhưng ham muốn này có thể lớn dần trong lòng chúng ta. Vì thế chúng ta cần rất cẩn thận về những ước muốn bắt đầu nảy sinh. Nếu ngăn chặn những ham muốn sai trái bén rễ, chúng ta sẽ tránh được hành vi vô luân và hậu quả cay đắng (Ga 5:16). Hãy xem ba điều sẽ giúp chúng ta trong việc đấu tranh với những ham muốn xấu xa. Đó là mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, lời khuyên từ Lời ngài và sự giúp đỡ của những tín đồ thành thục.

“HÃY ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI”

4. Tại sao việc đến gần Đức Giê-hô-va là điều quan trọng?

4 Kinh Thánh đưa ra chỉ dẫn cho những người muốn “đến gần Đức Chúa Trời”, đó là: “Hãy rửa sạch tay mình... hãy tẩy sạch lòng mình” (Gia 4:8). Khi quý trọng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ cố gắng làm ngài vui lòng trong mọi khía cạnh của đời sống, kể cả trong lối suy nghĩ. Chúng ta muốn có “lòng thanh-khiết”. Chúng ta sẽ có được điều đó bằng cách chú tâm đến điều trong sạch, điều đạo đức và điều đáng khen ngợi (Thi 24:3, 4; 51:6; Phi-líp 4:8). Đức Giê-hô-va biết chúng ta là người bất toàn và có khuynh hướng nghĩ đến những ham muốn sai trái. Nhưng chúng ta hiểu rằng điều khiến ngài buồn lòng là chúng ta nuôi dưỡng những ý tưởng sai trái thay vì làm mọi điều có thể để loại bỏ chúng (Sáng 6:5, 6). Suy ngẫm điều này sẽ giúp chúng ta càng quyết tâm giữ cho lối suy nghĩ của mình được trong sạch.

5, 6. Cầu nguyện có thể giúp chúng ta thế nào để đấu tranh với những ước muốn sai trái?

5 Một cách quan trọng để cho thấy chúng ta hoàn toàn nương cậy Đức Giê-hô-va là cầu nguyện với ngài về việc mình đang đấu tranh với những suy nghĩ sai trái. Khi chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện thì ngài sẽ đến gần chúng ta. Ngài rộng rãi ban cho chúng ta thần khí, nhờ thế chúng ta được củng cố lòng quyết tâm kháng cự những ý tưởng vô luân và giữ sự trong sạch. Vậy hãy cho Đức Chúa Trời biết chúng ta thật sự muốn suy nghĩ theo cách đẹp lòng ngài (Thi 19:14). Chúng ta có khiêm nhường xin ngài tra xét mình để nhận ra có “lối ác”, tức bất cứ ham muốn hoặc khuynh hướng sai trái nào có thể dẫn chúng ta đến chỗ phạm tội không? (Thi 139:23, 24). Chúng ta có thường xuyên nài xin ngài giúp chúng ta giữ lòng trung kiên khi đối mặt với cám dỗ không?—Mat 6:13.

6 Hoàn cảnh xuất thân hoặc lối sống trong quá khứ có thể khiến chúng ta yêu thích những hành vi mà Đức Giê-hô-va lên án. Dù vậy, ngài có thể giúp chúng ta thực hiện những thay đổi cần thiết để tiếp tục phụng sự theo cách ngài chấp nhận. Vua Đa-vít đã nhận ra điều này. Sau khi phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba, Đa-vít cầu khẩn Đức Giê-hô-va: “Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng” (Thi 51:10, 12). Hành vi sai trái có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với xác thịt bất toàn, nhưng Đức Giê-hô-va có thể khơi dậy trong chúng ta ước muốn mạnh mẽ hơn để vâng lời ngài. Ngay cả nếu những ước muốn sai trái đã ăn sâu và thường lấn át lối suy nghĩ thanh sạch của chúng ta, Đức Giê-hô-va vẫn có thể hướng dẫn các bước để chúng ta vâng theo điều răn của ngài và thành công trong việc sống theo những điều răn ấy. Ngài có thể ngăn chặn bất cứ điều tai hại nào “lấn-lướt” chúng ta.—Thi 119:133.

Nếu một ham muốn sai trái nhất thời bắt đầu nảy sinh và bén rễ trong lòng, chúng ta cần loại bỏ ham muốn ấy (Xem đoạn 6)

“HÃY LÀM THEO LỜI ẤY”

7. Làm thế nào Lời Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta bảo vệ mình khỏi những suy nghĩ bại hoại?

7 Khi chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, ngài có thể đáp lại qua Lời ngài là Kinh Thánh. Sự khôn ngoan nằm trong Lời Đức Chúa Trời “trước tiên là trong sạch” (Gia 3:17). Đọc Kinh Thánh hằng ngày và suy ngẫm điều mình đọc có thể giúp chúng ta bảo vệ tâm trí khỏi những suy nghĩ bại hoại (Thi 19:7, 11; 119:9, 11). Ngoài ra, Kinh Thánh còn ghi lại những gương và lời khuyên cụ thể có thể giúp chúng ta tránh trở thành nạn nhân của những ước muốn sai trái.

8, 9. (a) Điều gì đã khiến một chàng trai làm chuyện sai quấy với người đàn bà dâm đãng? (b) Chúng ta có thể áp dụng trường hợp cảnh báo trong Châm-ngôn chương 7 vào những tình huống nào thời nay?

8 Châm-ngôn 5:8 nói: “Hãy dời đường con cách xa khỏi [người đàn bà dâm đãng], đừng lại gần cửa nhà nó”. Mối nguy hiểm của việc lờ đi lời khuyên này được minh họa nơi Châm-ngôn chương 7. Chương này kể về một chàng trai đi dạo gần nhà của một người đàn bà dâm đãng. Màn đêm buông xuống. Tại góc phố, người đàn bà có lẽ ăn mặc khêu gợi tiến đến gần chàng. Cô ta nắm lấy chàng và ôm hôn. Những lời quyến rũ của cô khơi dậy ham muốn khiến chàng trai dường như không thể cưỡng lại được. Họ đã làm chuyện sai trái. Hẳn chàng trai đó không có ý định phạm tội vô luân khi đi dạo trên con đường này. Anh ta là người thiếu kinh nghiệm và thiếu suy xét. Dù vậy, anh ta phải sống với những hậu quả cay đắng vì hành vi của mình. Giá mà anh ta tránh xa người đàn bà đó!—Châm 7:6-27.

9 Liệu có khi nào chúng ta cũng giống chàng trai đó, thiếu suy xét và để mình rơi vào những tình huống nguy hiểm có thể khơi dậy ước muốn sai trái không? Chẳng hạn, vào ban đêm chương trình truyền hình có thể chiếu những nội dung vô luân. Nói sao nếu thỉnh thoảng chúng ta lướt các kênh? Hay có thể chúng ta nhấp chuột vào những đường liên kết trên Internet mà không biết nó sẽ dẫn mình đến đâu, hoặc thường vào các phòng chat và truy cập các trang web có những lời mời xem tài liệu khiêu dâm hoặc dịch vụ khác liên quan đến tình dục. Trong những trường hợp như thế, liệu chúng ta sẽ nhìn thấy điều gì đó khơi dậy ham muốn sai trái và khiến mình giảm lòng quyết tâm giữ sự trong sạch không?

10. Tại sao việc tán tỉnh rất nguy hiểm? (Xem hình nơi đầu bài).

10 Kinh Thánh cũng đưa ra lời khuyên về cách cư xử với người khác phái. (Đọc 1 Ti-mô-thê 5:1, 2). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chỉ thể hiện sự lãng mạn với bạn đời hoặc với người mà họ muốn kết hôn. Họ không tán tỉnh người khác. Một số người xem điệu bộ cơ thể và cử chỉ lãng mạn hoặc việc liếc mắt đưa tình là điều vô hại vì chưa phải là chạm vào cơ thể người kia. Nhưng việc tán tỉnh hoặc đáp lại sự tán tỉnh có thể khơi dậy ý tưởng sai trái và dẫn đến hành vi nghiêm trọng là phạm tội gian dâm. Điều này đã từng xảy ra, và cũng có thể lặp lại.

11. Giô-sép đã nêu gương tốt nào?

11 Giô-sép đã hành động khôn ngoan về phương diện này. Khi vợ của Phô-ti-pha cố gắng quyến rũ chàng, Giô-sép đã khước từ mọi nỗ lực của bà. Nhưng bà ta không bỏ cuộc. Hằng ngày, bà đều mời mọc Giô-sép “ở cùng” (Sáng 39:7, 8, 10). Theo một học giả Kinh Thánh, vợ của Phô-ti-pha như thể nói: “‘Chúng ta hãy ở riêng với nhau một chút’ với hy vọng là [Giô-sép] sẽ chủ động trước”. Nhưng Giô-sép kiên quyết không bao giờ hưởng ứng hay thậm chí dung túng lời gạ gẫm ngon ngọt của bà. Chàng từ chối sự tán tỉnh đó và cũng không tán tỉnh bà. Nhờ thế Giô-sép ngăn cản được bất cứ ham muốn sai trái nào bén rễ trong lòng. Khi bà cố ép chàng ăn nằm với mình, Giô-sép đã hành động dứt khoát. “Chàng liền tuột áo để lại trong tay người mà chạy trốn ra ngoài”.—Sáng 39:12.

12. Tại sao chúng ta biết những gì mình nhìn có thể ảnh hưởng đến lòng?

12 Kinh Thánh cũng cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm của việc để cho mắt dẫn đưa lòng mình vào con đường lầm lạc. Việc nhìn người khác với động cơ xấu có thể đánh thức hoặc gia tăng ước muốn làm điều sai trái. Chúa Giê-su cảnh báo: “Hễ ai cứ nhìn một phụ nữ và sinh lòng tham muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy” (Mat 5:28). Hãy nhớ lại điều đã xảy ra trong trường hợp của vua Đa-vít. ‘Trên nóc đền vua, Đa-vít bèn thấy một người nữ đương tắm’ (2 Sa 11:2). Đa-vít đã không quay đi hay nghĩ đến điều khác. Điều này khiến ông ham muốn một phụ nữ đã có chồng và phạm tội ngoại tình với bà.

13. Tại sao chúng ta cần ‘lập ước với mắt mình’, và điều này bao hàm những gì?

13 Để đấu tranh với lối suy nghĩ sai trái, chúng ta cần ‘lập ước với mắt mình’, như người trung thành Gióp đã làm (Gióp 31:1, 7, 9). Chúng ta phải tự quyết định kiểm soát mắt mình và không để mắt nhìn người khác với ham muốn vô luân. Điều này bao hàm việc nhìn đi chỗ khác khi thấy những hình ảnh khơi dậy ham muốn sai trái, dù chúng xuất hiện trên màn hình máy tính, bảng quảng cáo, bìa tạp chí hay ở bất cứ nơi nào khác.

14. Chúng ta cần làm gì để giữ sự trong sạch?

14 Qua những gì vừa thảo luận, nếu bạn nhận thấy có những khía cạnh nào đó mà mình cần làm nhiều hơn để đấu tranh với những ham muốn sai trái, hãy lập tức hành động. Hãy sẵn sàng vâng theo lời khuyên trong Lời Đức Chúa Trời. Khi làm thế, bạn có thể tránh được những hành vi sai trái và giữ được sự trong sạch.—Đọc Gia-cơ 1:21-25.

“MỜI CÁC TRƯỞNG LÃO”

15. Nếu đang gặp khó khăn trong việc đấu tranh với ham muốn sai trái, tại sao việc tìm sự trợ giúp là điều quan trọng?

15 Nếu chúng ta đang gặp khó khăn trong việc đấu tranh với ham muốn sai trái, thì anh em đồng đạo là nguồn trợ giúp khác mà mình có thể tìm đến. Dĩ nhiên, nói với người khác về những vấn đề cá nhân không phải là dễ. Nhưng khi can đảm nhờ sự giúp đỡ của một tín đồ thành thục và để họ giám sát mình, chúng ta có thể tránh được việc tự bào chữa cho bất cứ ước muốn sai trái nào (Châm 18:1; Hê 3:12, 13). Nói với một tín đồ thành thục về điểm yếu của mình có thể giúp chúng ta nhận ra những điều mà tự mình không thể thấy được. Điều này có thể giúp chúng ta thực hiện những thay đổi cần thiết để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Giê-hô-va.

16, 17. (a) Làm thế nào các trưởng lão có thể giúp những người đang gặp khó khăn trong việc đấu tranh với ham muốn sai trái? Hãy cho ví dụ. (b) Tại sao những người xem tài liệu khiêu dâm cần nhanh chóng tìm sự giúp đỡ?

16 Các trưởng lão đặc biệt hội đủ điều kiện để trợ giúp chúng ta. (Đọc Gia-cơ 5:13-15). Một tín đồ trẻ ở Brazil từng gặp khó khăn trong việc đấu tranh với ham muốn sai trái trong nhiều năm. Anh kể lại: “Tôi biết lối suy nghĩ của mình không làm hài lòng Đức Giê-hô-va, nhưng vì thấy quá xấu hổ nên tôi đã không nói với người khác về cảm xúc của mình”. Một trưởng lão có lòng quan tâm đã nhận ra người trẻ ấy cần được giúp và khuyến khích anh nhận sự giúp đỡ của các trưởng lão. Tín đồ trẻ ấy nhớ lại: “Tôi ngạc nhiên khi thấy các trưởng lão đối xử với tôi rất nhân từ. Các anh tỏ ra thông cảm và nhân từ hơn nhiều so với những gì tôi cảm thấy mình xứng đáng được nhận. Họ chăm chú lắng nghe vấn đề của tôi. Họ dùng Kinh Thánh để khẳng định lại tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho tôi, và họ cầu nguyện cùng tôi. Điều này đã giúp tôi dễ chấp nhận hơn lời khuyên đến từ Kinh Thánh mà họ cung cấp”. Nhiều năm sau, khi có sự tiến bộ về thiêng liêng, anh nói: “Giờ đây, tôi nhận thấy việc tìm sự trợ giúp thật quan trọng biết bao thay vì cố mang gánh nặng một mình”.

17 Nếu những ham muốn sai trái của một người bắt nguồn từ thói quen xem tài liệu khiêu dâm thì việc tìm kiếm sự trợ giúp là điều vô cùng quan trọng. Càng trì hoãn việc tìm sự giúp đỡ, những ham muốn sai trái ấy càng có nguy cơ “được cưu mang” và “sinh ra tội lỗi”. Kết cuộc này sẽ làm tổn thương người khác và bôi nhọ danh của Đức Giê-hô-va. Ước muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va và được tiếp tục ở trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô đã thôi thúc nhiều tôi tớ của ngài nhận sự giúp đỡ đầy yêu thương.—Gia 1:15; Thi 141:5; Hê 12:5, 6.

HÃY QUYẾT TÂM GIỮ SỰ TRONG SẠCH!

18. Bạn quyết tâm làm gì?

18 Đạo đức trong thế gian của Sa-tan ngày càng suy đồi, nhưng hẳn Đức Giê-hô-va rất hãnh diện khi thấy những tôi tớ đang nỗ lực hết sức để giữ cho tâm trí được thanh sạch và ủng hộ tiêu chuẩn đạo đức cao của ngài! Để làm được điều này, mong sao mỗi chúng ta quyết tâm luôn gắn bó với Đức Giê-hô-va và chấp nhận sự hướng dẫn qua Lời ngài và hội thánh. Giữ sự trong sạch mang lại sự thỏa lòng và bình an tâm trí ngay bây giờ (Thi 119:5, 6). Trong tương lai, sau khi Sa-tan bị loại bỏ, chúng ta sẽ có đặc ân sống mãi trong một thế giới không còn những ảnh hưởng đồi bại của hắn.