Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sống phù hợp với lời cầu nguyện mẫu—Phần I

Sống phù hợp với lời cầu nguyện mẫu—Phần I

“Xin cho danh Cha được nên thánh”.MAT 6:9.

1. Chúng ta có thể dùng lời cầu nguyện được ghi nơi Ma-thi-ơ 6:9-13 như thế nào trong thánh chức?

Nhiều người có thể đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha. Trong thánh chức rao giảng, chúng ta thường nhắc đến lời cầu nguyện này để giúp chủ nhà hiểu rằng Nước Đức Chúa Trời là một chính phủ có thật và sẽ đem lại những thay đổi tuyệt vời cho trái đất. Hoặc có lẽ chúng ta đề cập đến lời cầu xin đầu tiên trong lời cầu nguyện này để cho thấy Đức Chúa Trời có một danh riêng và danh đó cần phải được nên thánh, tức phải được xem là thánh.—Mat 6:9.

2. Làm thế nào chúng ta biết Chúa Giê-su không có ý là mỗi lần cầu nguyện, chúng ta phải lặp lại từng chữ trong lời cầu nguyện mẫu?

2 Có phải ý của Chúa Giê-su là mỗi lần cầu nguyện, chúng ta phải lặp lại từng chữ trong lời cầu nguyện trên như nhiều người thuộc khối Ki-tô giáo không? Không. Ngay trước khi Chúa Giê-su cung cấp lời cầu nguyện này để làm mẫu, ngài nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lặp đi lặp lại” (Mat 6:7). Vào một dịp khác, ngài nhắc lại lời cầu nguyện này nhưng dùng từ ngữ khác (Lu 11:1-4). Như vậy, Chúa Giê-su giúp chúng ta biết mình cần cầu xin những điều gì và theo thứ tự ưu tiên nào. Vì thế thật thích hợp khi gọi đó là lời cầu nguyện mẫu.

3. Chúng ta có thể suy ngẫm về những câu hỏi nào khi phân tích lời cầu nguyện mẫu?

3 Trong bài này và bài kế, chúng ta sẽ phân tích nội dung của lời cầu nguyện mẫu. Khi làm thế, chúng ta hãy tự hỏi: “Lời cầu nguyện mẫu này có thể giúp cải thiện lời cầu nguyện của mình như thế nào? Quan trọng hơn, mình có đang sống phù hợp với lời cầu nguyện này không?”.

“LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI”

4. Cụm từ “Cha chúng con” nhắc chúng ta nhớ về điều gì, và Đức Giê-hô-va là “Cha” của những tín đồ có hy vọng sống trên đất theo nghĩa nào?

4 Cụm từ “Cha chúng con”, không phải là “Cha của con”, nhắc chúng ta nhớ rằng mình thuộc về một “đoàn thể anh em” yêu thương nhau chân thật (1 Phi 2:17). Thật là một đặc ân quý giá! Những tín đồ được xức dầu được nhận làm con Đức Chúa Trời và có triển vọng sống trên trời. Vì vậy, rất thích hợp khi họ gọi Đức Giê-hô-va là “Cha” theo nghĩa trọn vẹn nhất (Rô 8:15-17). Các tín đồ có hy vọng sống đời đời trên đất cũng có thể gọi Đức Giê-hô-va là “Cha”. Ngài là Đấng Ban Sự Sống cho họ, và ngài yêu thương chu cấp nhu cầu của tất cả những người thờ phượng chân chính. Những người có hy vọng sống trên đất sẽ trở thành con Đức Chúa Trời theo nghĩa trọn vẹn nhất sau khi họ đạt đến sự hoàn hảo và chứng tỏ lòng trung thành trong lần thử thách cuối cùng.—Rô 8:21; Khải 20:7, 8.

5, 6. Cha mẹ có thể cho con cái món quà tốt lành nào, và mỗi người con nên làm gì với món quà đó? (Xem hình nơi đầu bài).

5 Các bậc cha mẹ cho con cái mình một món quà tốt lành khi dạy con cầu nguyện và giúp chúng xem Đức Giê-hô-va như một người Cha trên trời đầy lòng quan tâm. Một anh hiện đang làm giám thị vòng quanh ở Nam Phi nhớ lại: “Từ ngày các con gái chúng tôi chào đời, tôi luôn cầu nguyện với chúng mỗi đêm trừ khi đang ở xa nhà. Các con gái tôi thường nói rằng chúng không nhớ chính xác những lời cầu nguyện hằng đêm đó. Nhưng chúng nhớ bầu không khí, sự thiêng liêng khi liên lạc với Cha Giê-hô-va cũng như cảm giác bình yên và an toàn. Ngay khi các con tôi có thể, tôi khuyến khích chúng cầu nguyện lớn tiếng để tôi có dịp nghe chúng bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình với Đức Giê-hô-va. Đó là một cơ hội tuyệt vời để tôi hiểu được phần nào lòng của các con. Rồi tôi có thể nhẹ nhàng hướng dẫn các con đưa những yếu tố quan trọng trong lời cầu nguyện mẫu vào lời cầu nguyện của chúng. Nhờ đó những lời cầu nguyện của các con sẽ có được một nền tảng đầy ý nghĩa”.

6 Không ngạc nhiên gì khi các cô con gái của anh tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng. Giờ đây họ có được hôn nhân hạnh phúc, và vợ chồng họ đang làm theo ý muốn Đức Chúa Trời qua việc phụng sự trọn thời gian. Món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể cho con cái là giúp chúng vun trồng mối quan hệ gần gũi và nồng ấm với Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, việc duy trì được mối quan hệ quý giá này là tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Để làm được điều đó, một người cần học yêu mến danh Đức Chúa Trời và tôn kính sâu xa danh ngài.—Thi 5:11, 12; 91:14.

“XIN CHO DANH CHA ĐƯỢC NÊN THÁNH”

7. Dân Đức Chúa Trời có đặc ân nào, nhưng đặc ân đó đòi hỏi gì nơi chúng ta?

7 Thật là một đặc ân khi chúng ta không chỉ biết danh riêng của Đức Chúa Trời mà còn được trở thành “một dân mang danh ngài” (Công 15:14; Ê-sai 43:10). Chúng ta nài xin Cha trên trời: “Xin cho danh Cha được nên thánh”. Việc khẩn cầu như thế có thể thôi thúc bạn xin Đức Giê-hô-va giúp mình tránh làm hay nói bất kỳ điều gì khiến danh thánh ngài bị bôi nhọ. Chúng ta không muốn giống như một số người vào thế kỷ thứ nhất giảng một đằng làm một nẻo. Sứ đồ Phao-lô viết về những người đó: “Vì cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị phỉ báng trong vòng dân ngoại”.—Rô 2:21-24.

8, 9. Hãy nêu ví dụ cho thấy cách Đức Giê-hô-va ban phước cho những người quan tâm đến việc làm thánh danh ngài.

8 Chúng ta làm mọi điều có thể để tôn vinh danh Đức Chúa Trời. Sau khi chồng của một chị ở Na Uy mất sớm, chị phải một mình nuôi đứa con trai hai tuổi. Chị giải thích: “Đó là giai đoạn rất khó khăn trong đời tôi. Tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va mỗi ngày, gần như mỗi giờ. Tôi xin ngài sức mạnh để giữ được cảm xúc thăng bằng hầu không cho Sa-tan có cớ sỉ nhục Đức Giê-hô-va vì bất kỳ quyết định thiếu khôn ngoan hoặc sự thiếu trung thành nào của mình. Tôi muốn làm thánh danh Đức Giê-hô-va và muốn con trai mình được gặp lại ba của cháu trong địa đàng”.—Châm 27:11.

9 Đức Giê-hô-va có đáp lại những lời cầu nguyện bất vị kỷ như thế không? Có. Chị được hỗ trợ nhờ kết hợp đều đặn với các anh em đồng đạo đầy lòng quan tâm. Sau 5 năm, chị kết hôn với một trưởng lão. Con trai chị giờ đã 20 tuổi và là một anh đã báp-têm. Chị chia sẻ: “Tôi thật hạnh phúc vì chồng đã giúp tôi nuôi con khôn lớn”.

10. Điều gì là cần thiết để danh Đức Chúa Trời được hoàn toàn nên thánh?

10 Điều gì là cần thiết để danh Đức Chúa Trời được hoàn toàn nên thánh và được tẩy sạch khỏi mọi sự sỉ nhục? Đó là Đức Giê-hô-va phải hành động để tiêu diệt tất cả những ai cố tình chống lại quyền cai trị của ngài. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:22, 23). Nhân loại sẽ dần dần đạt đến sự hoàn hảo. Chúng ta mong mỏi biết bao về một thời kỳ khi tất cả các tạo vật thông minh sẽ xem danh Đức Giê-hô-va là thánh! Rồi cuối cùng, Cha yêu thương của chúng ta ở trên trời sẽ “là Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật”.—1 Cô 15:28.

“XIN NƯỚC CHA ĐƯỢC ĐẾN”

11, 12. Vào cuối thế kỷ 19, những tín đồ chân chính được ban cho sự hiểu biết nào?

11 Trước khi Chúa Giê-su lên trời, các sứ đồ hỏi ngài: “Thưa Chúa, nay có phải là lúc ngài khôi phục vương quốc Y-sơ-ra-ên không?”. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho thấy chưa tới lúc để họ biết khi nào Nước Đức Chúa Trời sẽ bắt đầu cai trị. Ngài bảo các môn đồ tập trung vào việc làm chứng, một công việc quan trọng mà họ cần phải làm. (Đọc Công vụ 1:6-8). Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng dạy các môn đồ hãy trông đợi Nước Đức Chúa Trời đến. Vì vậy, tín đồ đạo Đấng Ki-tô kể từ thời các sứ đồ luôn cầu nguyện cho Nước Trời được đến.

12 Khi sắp đến lúc Nước Đức Chúa Trời bắt đầu cai trị từ trời dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã giúp dân ngài hiểu về thời điểm diễn ra sự kiện đó. Vào năm 1876, anh Charles Taze Russell viết một bài đăng trên tạp chí Xem xét Kinh Thánh (Bible Examiner) có tựa đề “Thời Kỳ Dân Ngoại: Khi nào chấm dứt?”. Bài viết đã cho thấy năm 1914 là một năm quan trọng. Bài liên kết “bảy kỳ” trong lời tiên tri của Đa-ni-ên với “thời kỳ của dân ngoại” mà Chúa Giê-su nói đến. *Đa 4:16; Lu 21:24.

13. Điều gì đã xảy ra vào năm 1914, và những sự kiện diễn ra trên thế giới từ năm đó xác nhận điều gì?

13 Vào năm 1914, một cuộc chiến bùng nổ giữa các nước châu Âu. Cuộc chiến này đã lan rộng ra và nhấn chìm cả thế giới vào chiến tranh. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1918 đã diễn ra nạn thiếu lương thực trầm trọng. Cũng có một dịch cúm xảy ra và giết chết nhiều người hơn cả trong chính cuộc chiến. Như vậy, “dấu hiệu” Chúa Giê-su cho biết để nhận ra sự hiện diện vô hình của ngài với tư cách Vua mới của trái đất đã bắt đầu được ứng nghiệm (Mat 24:3-8; Lu 21:10, 11). Có nhiều bằng chứng cho thấy năm 1914 là thời điểm Chúa Giê-su Ki-tô “được ban một cái vương miện”. Ngài “đi chinh phục và hoàn thành cuộc chinh phục của mình” (Khải 6:2). Ngài đã làm sạch các tầng trời trong cuộc chiến với Sa-tan cùng các ác thần theo hắn và quăng chúng xuống trái đất. Kể từ đó, nhân loại đã nghiệm thấy những lời được soi dẫn sau là chân thật: “Khốn thay cho đất và biển, vì Kẻ Quỷ Quyệt đã xuống chỗ các người, hắn đang giận dữ vì biết mình chỉ còn một thời gian ngắn”.—Khải 12:7-12.

14. (a) Tại sao việc cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời được đến vẫn còn quan trọng? (b) Chúng ta có đặc ân làm gì?

14 Lời tiên tri được ghi nơi Khải huyền 12:7-12 giải thích tại sao sự ra đời của Nước Đức Chúa Trời trùng với sự khởi đầu của những biến cố thảm khốc hiện vẫn tiếp tục gây đau khổ cho nhân loại. Chúa Giê-su, Vua Nước Trời, đã bắt đầu cai trị giữa các kẻ thù nghịch. Cho đến khi ngài hoàn thành cuộc chinh phục và chấm dứt sự gian ác trên đất, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời được đến. Đồng thời, chúng ta phải sống phù hợp với lời cầu nguyện ấy bằng cách góp phần vào sự ứng nghiệm của một đặc điểm đáng kinh ngạc trong “dấu hiệu” về sự hiện diện của Chúa Giê-su. Ngài báo trước: “Tin mừng này về Nước Đức Chúa Trời sẽ được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ sẽ đến thời điểm kết thúc”.—Mat 24:14.

‘Ý CHA ĐƯỢC THỰC HIỆN Ở DƯỚI ĐẤT’

15, 16. Làm thế nào chúng ta có thể sống phù hợp với lời cầu xin cho ý định của Đức Chúa Trời được thực hiện ở dưới đất?

15 Khoảng 6.000 năm trước, ý định của Đức Chúa Trời được thực hiện một cách hoàn hảo trên đất. Chính vì vậy, khi nhìn vào sự khởi đầu tốt đẹp mà ngài ban cho nhân loại, Đức Giê-hô-va có thể nói rằng mọi việc “thật rất tốt-lành” (Sáng 1:31). Sau đó Sa-tan phản nghịch, và kể từ lúc ấy, có tương đối ít người làm theo ý định của Đức Chúa Trời ở trên đất. Nhưng ngày nay chúng ta có đặc ân được sống trong một thời kỳ khi khoảng tám triệu Nhân Chứng không chỉ đang cầu nguyện cho ý định của Đức Chúa Trời được thực hiện ở dưới đất, mà còn đang nỗ lực sống phù hợp với lời cầu nguyện đó. Họ làm thế qua lối sống và qua việc sốt sắng tham gia vào công việc đào tạo môn đồ.

Bạn có đang giúp con mình sống phù hợp với lời cầu xin cho ý định của Đức Chúa Trời được thực hiện ở dưới đất không? (Xem đoạn 16)

16 Chẳng hạn, một chị báp-têm năm 1948 và từng làm giáo sĩ ở châu Phi nói: “Dựa theo phần này trong lời cầu nguyện mẫu, tôi thường cầu nguyện để tất cả những người như chiên sẽ được tìm thấy và được giúp để biết về Đức Giê-hô-va trước khi quá muộn. Ngoài ra, khi sắp làm chứng cho một người, tôi cũng cầu xin sự khôn ngoan để động đến lòng họ. Còn đối với những người như chiên đã được tìm thấy, tôi cầu nguyện Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những nỗ lực của chúng ta trong việc chăm sóc họ”. Không ngạc nhiên khi chị 80 tuổi này thành công trong thánh chức và với sự hỗ trợ của các anh chị khác, chị đã giúp nhiều người trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Chắc chắn bạn cũng có thể nghĩ đến gương của các anh chị khác đã hết lòng làm theo ý định của Đức Chúa Trời bất chấp những giới hạn của tuổi già.—Đọc Phi-líp 2:17.

17. Bạn cảm thấy thế nào về những điều Đức Giê-hô-va sẽ làm để đáp lại lời chúng ta cầu xin cho ý định của ngài được thực hiện dưới đất?

17 Chúng ta sẽ tiếp tục cầu nguyện cho ý Đức Chúa Trời được thực hiện cho đến khi những kẻ thù của Nước Trời bị diệt khỏi trái đất. Rồi chúng ta sẽ thấy ý định của Đức Chúa Trời được thực hiện ở mức độ trọn vẹn hơn khi hàng tỉ người được sống lại trong địa đàng. Chúa Giê-su nói: “Đừng ngạc nhiên về điều đó, vì giờ sẽ đến, khi mọi người trong mồ mả nghe tiếng [tôi] và ra khỏi” (Giăng 5:28, 29). Thật tuyệt vời khi chúng ta được sống trong thời kỳ đó để chào đón những người thân yêu đã qua đời! Đức Chúa Trời “sẽ lau hết nước mắt trên mắt [chúng ta]” (Khải 21:4). Phần lớn những người được sống lại là ‘người không công chính’, tức những người từng sống và đã qua đời mà chưa được học sự thật về Đức Giê-hô-va và Con ngài. Quả là một đặc ân khi được truyền lại sự hiểu biết về ý định của Đức Chúa Trời cho những người được sống lại, qua đó giúp họ hội đủ điều kiện để nhận “sự sống vĩnh cửu”.—Công 24:15; Giăng 17:3.

18. Nhân loại cần điều gì nhất?

18 Sự hòa bình và hợp nhất trên khắp hoàn vũ phụ thuộc vào việc danh Đức Giê-hô-va được nên thánh qua Nước Trời. Đức Chúa Trời sẽ ban cho nhân loại những điều họ cần nhất khi ngài đáp lại ba lời cầu xin đầu tiên trong lời cầu nguyện mẫu. Nhưng hiện tại chúng ta vẫn có những nhu cầu thiết yếu khác được đề cập trong bốn lời cầu xin còn lại trong lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su. Bốn lời cầu xin này sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.

^ đ. 12 Để biết lời tiên tri này được ứng nghiệm như thế nào vào năm 1914 với sự ra đời của Nước Đấng Mê-si, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, trang 215-218.