Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sống phù hợp với lời cầu nguyện mẫu—Phần II

Sống phù hợp với lời cầu nguyện mẫu—Phần II

“Cha của anh em là Đức Chúa Trời đã biết anh em cần gì”.MAT 6:8.

1-3. Tại sao một chị tin chắc Đức Giê-hô-va biết những gì chúng ta cần?

Chị Lana sẽ không bao giờ quên những gì xảy ra tại Đức vào một ngày hè năm 2012. Chị cảm thấy hai lời cầu nguyện cụ thể của mình đều được nhậm. Chị Lana dâng lời cầu nguyện đầu tiên khi đang vượt qua một chặng đường dài bằng xe lửa để đến sân bay. Chị đã xin ngài ban cho mình cơ hội để làm chứng. Chị dâng lời cầu nguyện thứ hai khi đến sân bay và biết rằng chuyến bay bị hoãn sang ngày hôm sau. Chị Lana cầu nguyện về việc mình đã tiêu gần hết tiền và không có chỗ để nghỉ qua đêm.

2 Khi vừa dứt lời cầu nguyện thứ hai, chị nghe tiếng một người nói: “Chào Lana, bạn đang làm gì ở đây?”. Người thanh niên vừa hỏi chính là bạn học cũ của chị. Anh ấy đi cùng với mẹ và bà ngoại. Họ ra sân bay để tiễn anh ấy đi Nam Phi. Khi biết hoàn cảnh của chị Lana, mẹ của anh ấy tên là Elke nhiệt tình mời chị về ở cùng với họ. Mẹ và bà ngoại của anh ấy rất hiếu khách và hỏi chị Lana nhiều câu hỏi về niềm tin và công việc truyền giáo trọn thời gian của chị.

3 Vào ngày hôm sau, khi ăn sáng xong, chị Lana giải đáp thêm những câu hỏi của họ về Kinh Thánh và xin thông tin liên lạc để tiếp tục vun trồng sự chú ý của họ. Chị Lana đã trở về nhà an toàn và tiếp tục làm tiên phong đều đều. Chị cảm thấy mọi việc diễn ra đều có bàn tay của “Đấng nghe lời cầu-nguyện”.—Thi 65:2.

4. Chúng ta sẽ xem xét những nhu cầu nào?

4 Khi bất ngờ gặp phải một vấn đề, có lẽ không khó để chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, và ngài vui lòng nghe những lời cầu nguyện như thế của các tôi tớ trung thành (Thi 34:15; Châm 15:8). Tuy nhiên, nếu suy ngẫm về lời cầu nguyện mẫu, chúng ta sẽ thấy có những nhu cầu khác cần thiết hơn mà có lẽ mình bỏ qua. Chẳng hạn, hãy xem nhu cầu thiêng liêng của chúng ta được tiết lộ thế nào qua ba lời cầu xin cuối trong lời cầu nguyện mẫu. Chúng ta có thể làm gì nữa không để sống phù hợp với lời cầu xin thứ tư liên quan đến thức ăn hằng ngày?—Đọc Ma-thi-ơ 6:11-13.

“XIN CHO CHÚNG CON CÓ ĐỦ THỨC ĂN TRONG NGÀY HÔM NAY”

5, 6. Tại sao việc cầu xin cho chúng ta có đủ thức ăn trong ngày là điều quan trọng, ngay cả khi chúng ta có đầy đủ về vật chất?

5 Hãy lưu ý rằng lời cầu xin cá nhân này không chỉ là xin cho “con” có đủ thức ăn trong ngày, nhưng là xin cho “chúng con” có đủ thức ăn trong ngày. Anh Victor, một giám thị vòng quanh ở châu Phi, cho biết: “Tôi thường chân thành cảm tạ Đức Giê-hô-va vì vợ chồng tôi không phải lo lắng quá mức về bữa ăn tiếp theo hoặc ai sẽ trả tiền nhà. Anh em đồng đạo nhân từ chăm sóc chúng tôi mỗi ngày. Nhưng tôi cầu xin cho những anh chị giúp đỡ chúng tôi sẽ đối phó được với áp lực về kinh tế mà họ gặp phải”.

6 Nếu đã có đủ thức ăn cho nhiều ngày, chúng ta có thể nghĩ đến những anh chị đang sống trong cảnh nghèo khổ hoặc bị ảnh hưởng bởi các thảm họa. Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho họ nhưng cũng nên hành động phù hợp với lời cầu nguyện ấy. Chẳng hạn, chúng ta có thể chia sẻ điều mình có với anh em đồng đạo đang cần sự giúp đỡ. Chúng ta cũng có thể thường xuyên đóng góp cho công việc toàn cầu, biết rằng những khoản đóng góp đó được dùng một cách hiệu quả.—1 Giăng 3:17.

7. Chúa Giê-su minh họa như thế nào khi khuyên chúng ta “chớ lo lắng về ngày mai”?

7 Khi dạy chúng ta cầu xin về thức ăn hằng ngày, hẳn Chúa Giê-su có ý nói về các nhu cầu cần được đáp ứng ngay. Vì vậy, sau đó ngài mới nhắc đến việc Đức Chúa Trời cho hoa dại mặc đẹp như thế nào, và Chúa Giê-su nói tiếp: “Chẳng lẽ ngài không chăm lo cho anh em nhiều hơn sao? Anh em thật ít đức tin! Vậy, chớ bao giờ lo lắng mà nói: ‘Chúng ta sẽ... mặc gì?’”. Ngài kết luận bằng cách nhắc lại lời khuyên quan trọng này: “Chớ lo lắng về ngày mai” (Mat 6:30-34). Điều này cho thấy chúng ta nên thỏa lòng với những nhu cầu căn bản hằng ngày thay vì chú tâm vào vật chất. Những nhu cầu này có thể bao gồm một nơi ở thích hợp, một công việc để chăm lo cho gia đình và sự khôn ngoan để đối phó với vấn đề sức khỏe. Nhưng nếu chỉ cầu xin về những nhu cầu vật chất như thế thì điều đó cho thấy chúng ta chưa thăng bằng. Chúng ta có một nhu cầu quan trọng hơn nhiều, đó là nhu cầu về thiêng liêng.

8. Lời Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin về thức ăn hằng ngày nhắc chúng ta nhớ đến nhu cầu quan trọng nào? (Xem hình nơi đầu bài).

8 Lời Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin về thức ăn hằng ngày nhắc chúng ta nhớ đến nhu cầu về thức ăn thiêng liêng. Chủ của chúng ta nói: “Loài người sống không chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng còn nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Giê-hô-va” (Mat 4:4). Vì vậy, chúng ta nên tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va luôn cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ để nuôi dưỡng chúng ta.

‘XIN THA TỘI CHÚNG CON’

9. Tại sao tội của chúng ta giống với món nợ?

9 Chúa Giê-su nói: “Xin tha tội [nợ] chúng con” (Mat 6:12, cước chú; Lu 11:4). Tội của chúng ta giống với món nợ. Hơn 60 năm trước, một tạp chí Tháp Canh giải thích rất hay như sau: “Khi vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, chúng ta mắc nợ ngài... Vì tội của chúng ta, Đức Chúa Trời có thể đòi lại và tước đi sự sống của chúng ta... Ngài có thể lấy lại sự bình an và cắt đứt mọi mối quan hệ hòa thuận với chúng ta... Chúng ta nợ ngài tình yêu thương mà tình yêu thương thì được thể hiện bằng sự vâng lời; và khi chúng ta phạm tội, chúng ta không trả được món nợ đó, vì phạm tội nghĩa là không yêu thương Đức Chúa Trời”.—1 Giăng 5:3.

10. Đức Giê-hô-va tha tội cho chúng ta dựa trên cơ sở nào, và chúng ta nên cảm thấy thế nào về điều đó?

10 Việc chúng ta cần được tha tội mỗi ngày nêu bật tầm quan trọng của sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Đó là cơ sở pháp lý duy nhất để Đức Chúa Trời có thể xóa tội cho chúng ta. Dù giá chuộc này đã được trả gần 2.000 năm trước, nhưng chúng ta nên trân trọng giá chuộc ấy như thể món quà này được tặng cho chúng ta ngày nay. “Giá chuộc” mạng sống của chúng ta “thật mắc quá” nên không người bất toàn nào có thể chuộc được, dù họ có làm điều gì đi chăng nữa. (Đọc Thi-thiên 49:7-9; 1 Phi-e-rơ 1:18, 19). Thật vậy, chúng ta nên không ngừng cảm tạ Đức Giê-hô-va về món quà tuyệt vời này. Ngoài ra, cụm từ “tội chúng con”, chứ không phải “tội của con”, nên nhắc chúng ta nhớ rằng không chỉ mình cần giá chuộc mà các anh em đồng đạo cũng vậy. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta không chỉ quan tâm đến tình trạng thiêng liêng của mình nhưng cũng quan tâm đến tình trạng thiêng liêng của người khác, kể cả những người có lẽ từng phạm lỗi với chúng ta. Thông thường, những lỗi ấy chỉ là nhỏ và cho chúng ta cơ hội để chứng tỏ mình thật sự yêu thương anh em và sẵn sàng tha thứ, như Đức Chúa Trời đã thương xót tha thứ cho chúng ta.—Cô 3:13.

Nếu bạn muốn được Đức Chúa Trời tha thứ, hãy tha thứ cho người khác (Xem đoạn 11)

11. Tại sao có tinh thần tha thứ là điều quan trọng?

11 Đáng buồn thay, là người bất toàn nên có lẽ đôi khi chúng ta cưu mang lòng oán giận (Lê 19:18). Nếu chúng ta kể về vấn đề đó cho các anh chị khác, có lẽ họ sẽ đứng về phía chúng ta, và điều này gây chia rẽ trong hội thánh. Nếu để cho tình trạng như thế tiếp diễn, chúng ta cho thấy mình thiếu lòng biết ơn đối với giá chuộc và lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Cha trên trời sẽ ngưng áp dụng giá trị sự hy sinh của Con ngài cho chúng ta nếu chúng ta không có tinh thần tha thứ (Mat 18:35). Chúa Giê-su cho biết thêm về điều này ngay sau khi ngài nói lời cầu nguyện mẫu. (Đọc Ma-thi-ơ 6:14, 15). Ngoài ra, để nhận lợi ích từ sự tha thứ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải tránh phạm đi phạm lại tội trọng. Việc không muốn làm điều này thôi thúc chúng ta cầu xin điều kế tiếp trong lời cầu nguyện mẫu.—1 Giăng 3:4, 6.

“XIN ĐỪNG ĐỂ CHÚNG CON SA VÀO CÁM DỖ”

12, 13. (a) Điều gì đã xảy ra với Chúa Giê-su không lâu sau khi ngài làm báp-têm? (b) Tại sao chúng ta phải chịu trách nhiệm nếu để mình sa vào cám dỗ? (c) Chúa Giê-su chứng tỏ được điều gì khi giữ lòng trung kiên cho đến chết?

12 Xem xét những gì xảy ra với Chúa Giê-su không lâu sau khi ngài làm báp-têm có thể giúp chúng ta hiểu tại sao cần cầu xin: “Xin đừng để chúng con sa vào cám dỗ”. Chúa Giê-su được thần khí dẫn vào hoang mạc. Tại sao? Để “Kẻ Quỷ Quyệt cám dỗ ngài” (Mat 4:1; 6:13). Chúng ta có nên ngạc nhiên về điều này không? Chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu hiểu lý do chính mà Đức Chúa Trời phái Con ngài xuống trái đất. Đó là để giải quyết vấn đề được nêu lên khi A-đam và Ê-va bác bỏ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Cần có thời gian để giải đáp những câu hỏi được đặt ra. Chẳng hạn, có gì sai trong cách Đức Chúa Trời tạo ra loài người không? Một người hoàn hảo có thể ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời bất kể áp lực đến từ “Kẻ Ác” không? Nhân loại sẽ tốt hơn không nếu tách biệt khỏi sự cai trị của Đức Chúa Trời, giống như Sa-tan đã ngụ ý? (Sáng 3:4, 5). Lời giải đáp cho những câu hỏi như thế đòi hỏi thời gian nhưng sẽ cho tất cả tạo vật thông minh thấy rằng Đức Giê-hô-va dùng quyền tối thượng của ngài theo cách tốt nhất.

13 Đức Giê-hô-va là thánh, vì thế ngài không bao giờ cám dỗ bất cứ người nào làm điều ác. Kẻ Quỷ Quyệt mới chính là “Kẻ Cám Dỗ” (Mat 4:3). Hắn có thể tạo ra những tình huống để cám dỗ chúng ta. Tuy nhiên, việc chúng ta có để mình sa vào cám dỗ hay không là tùy thuộc vào mỗi cá nhân. (Đọc Gia-cơ 1:13-15). Trong trường hợp của Chúa Giê-su, ngài đã ngay lập tức bác bỏ mỗi cám dỗ bằng cách trích một câu phù hợp từ Lời Đức Chúa Trời. Qua đó, Chúa Giê-su ủng hộ quyền cai trị chính đáng của Đức Chúa Trời. Nhưng Sa-tan không bỏ cuộc. Hắn “chờ dịp khác” để cám dỗ ngài (Lu 4:13). Chúa Giê-su tiếp tục kháng cự mọi nỗ lực của Sa-tan nhằm phá đổ lòng trung kiên của ngài. Đấng Ki-tô đã ủng hộ quyền cai trị chính đáng của Đức Giê-hô-va và chứng minh rằng một người hoàn hảo có thể giữ lòng trung kiên dù đối mặt với thử thách cam go nhất. Tuy nhiên, Sa-tan ra sức gài bẫy các môn đồ của Chúa Giê-su, trong đó có bạn.

14. Chúng ta cần làm gì để không sa vào cám dỗ?

14 Vì vấn đề về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời vẫn cần được giải đáp, nên ngài cho phép Kẻ Cám Dỗ dùng thế gian này để cám dỗ chúng ta. Đức Chúa Trời không đưa chúng ta vào sự cám dỗ. Trái lại, ngài tin tưởng và muốn giúp chúng ta. Nhưng ngài không bao giờ ép chúng ta làm điều đúng. Ngài tôn trọng tự do ý chí của mỗi người, vì vậy ngài cho phép chúng ta tự quyết định mình sẽ trung thành hay không. Để tránh sa vào cám dỗ, chúng ta phải làm hai điều: luôn tỉnh thức về thiêng liêng và kiên trì cầu nguyện. Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào?

Hãy duy trì tình trạng thiêng liêng và lòng sốt sắng của bạn trong thánh chức (Xem đoạn 15)

15, 16. (a) Chúng ta cần kháng cự một số loại cám dỗ nào? (b) Ai phải chịu trách nhiệm nếu một người sa vào cám dỗ?

15 Đức Giê-hô-va ban thần khí mạnh mẽ để giúp chúng ta vững mạnh và kháng cự cám dỗ. Qua Lời ngài và hội thánh, ngài cũng cảnh báo chúng ta về những tình huống mà mình cần tránh, chẳng hạn như dành quá nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực cho những thứ không cần thiết. Anh Espen và chị Janne sống tại một nước giàu có ở châu Âu. Họ từng làm tiên phong đều đều nhiều năm tại một nơi có nhu cầu lớn hơn trong nước. Khi con trai đầu lòng của họ chào đời, họ phải ngưng công việc tiên phong, và hiện nay họ đã có đứa con thứ hai. Anh Espen nói: “Chúng tôi thường cầu xin Đức Giê-hô-va để mình không sa vào cám dỗ vì bây giờ chúng tôi không thể dành nhiều thời gian cho các hoạt động thần quyền như trước kia. Chúng tôi xin Đức Giê-hô-va giúp mình duy trì tình trạng thiêng liêng và lòng sốt sắng trong thánh chức”.

16 Một loại cám dỗ khác phổ biến ngày nay là việc xem tài liệu khiêu dâm. Nếu bị sa vào cám dỗ đó, chúng ta không thể đổ tội cho Sa-tan. Tại sao? Vì Sa-tan và thế gian của hắn không thể buộc chúng ta làm bất cứ điều gì trái với ý muốn của mình. Một số người đã chiều theo cám dỗ này vì để tâm trí nuôi dưỡng những điều sai trái. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kháng cự được, giống như hàng ngàn anh chị đã làm.—1 Cô 10:12, 13.

‘XIN CỨU CHÚNG CON KHỎI KẺ ÁC’

17. (a) Làm thế nào chúng ta có thể sống phù hợp với lời cầu xin “cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”? (b) Sự giải cứu nào đã gần kề?

17 Để sống phù hợp với lời cầu xin “cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”, chúng ta phải cố gắng để “không thuộc về thế gian [của Sa-tan]” và ‘không yêu thế gian cũng như những gì thuộc về thế gian’ của hắn (Giăng 15:19; 1 Giăng 2:15-17). Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh để làm được điều đó. Thật nhẹ nhõm biết bao khi Đức Giê-hô-va đáp lời cầu xin trên bằng cách loại bỏ Sa-tan và thế gian gian ác của hắn! Dù vậy, chúng ta cần nhớ rằng khi Sa-tan bị quăng xuống đất, hắn biết mình chỉ còn một thời gian ngắn. Trong cơn giận dữ, hắn làm mọi điều có thể để phá đổ lòng trung kiên của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải luôn cầu nguyện để được giải cứu khỏi hắn.—Khải 12:12, 17.

18. Để được sống sót khi thế gian của Sa-tan bị kết liễu, chúng ta phải tiếp tục làm gì?

18 Bạn có muốn sống trong một thế giới không còn Sa-tan không? Nếu thế hãy tiếp tục cầu nguyện cho Nước Trời đến để làm thánh danh Đức Chúa Trời và thực hiện ý muốn của ngài trên đất. Hãy hướng về Đức Giê-hô-va để được ngài chăm sóc nhu cầu thiêng liêng và thể chất. Vậy hãy quyết tâm để sống phù hợp với lời cầu nguyện mẫu.