Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

“Các cù-lao vô-số khá vui-vẻ”

“Các cù-lao vô-số khá vui-vẻ”

Đó là ngày mà tôi sẽ nhớ mãi. Tôi cùng vài anh đến từ những nơi khác nhau trên thế giới hồi hộp ngồi đợi trong phòng họp của Hội đồng Lãnh đạo. Ủy ban Biên tập sắp vào, và chúng tôi được giao trình bày một bài thuyết trình. Trong vòng vài tuần trước đó, chúng tôi đã phân tích các vấn đề mà những dịch thuật viên đang đối mặt, và giờ đây chúng tôi phải đề xuất giải pháp. Hôm ấy là ngày 22-5-2000. Nhưng tại sao buổi họp này rất quan trọng? Trước khi giải thích, tôi xin chia sẻ đôi điều về hoàn cảnh xuất thân của mình.

Tôi báp-têm ở Queensland. Tôi vui thích làm tiên phong ở Tasmania và công việc giáo sĩ ở Tuvalu, Samoa, và Fiji

Tôi chào đời vào năm 1955 tại Queensland, Úc. Không lâu sau, mẹ tôi là Estelle bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Bà báp-têm vào năm sau đó, và 13 năm sau thì cha tôi là Ron vào sự thật. Tôi làm báp-têm tại một nơi xa xôi hẻo lánh thuộc Queensland vào năm 1968.

Từ khi còn trẻ, tôi rất thích đọc và đam mê ngôn ngữ. Vào những dịp cùng gia đình đi chơi xa, hẳn cha mẹ cảm thấy khó chịu khi thấy tôi ngồi ghế phía sau xe đọc sách thay vì ngắm cảnh. Nhưng sở thích đọc sách đã giúp ích cho tôi hồi còn đi học. Khi học tại trường trung học ở Glenorchy, một thành phố nằm ở đảo Tasmania, tôi nhận được vài giải thưởng vì có thành tích học tập xuất sắc.

Nhưng đã đến lúc tôi phải đưa ra một quyết định quan trọng. Tôi sẽ nhận học bổng để vào đại học không? Dù tôi rất yêu thích đọc sách và học hỏi, nhưng tôi biết ơn vì mẹ đã giúp tôi có một tình yêu thương mạnh mẽ hơn, đó là tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va (1 Cô 3:18, 19). Vì thế, với sự cho phép của cha mẹ, tôi đã rời nhà trường và bắt đầu làm tiên phong vào tháng 1 năm 1971. Khi đó, tôi 15 tuổi và đã có bằng cơ sở theo quy định.

Tám năm tiếp theo, tôi có đặc ân làm tiên phong ở Tasmania. Trong thời gian ấy, tôi kết hôn với một cô gái xinh đẹp từ Tasmania, tên là Jenny Alcock. Chúng tôi cùng làm tiên phong đặc biệt được bốn năm ở các thị trấn xa xôi Smithton và Queenstown.

ĐẾN CÁC ĐẢO Ở THÁI BÌNH DƯƠNG

Vào năm 1978, chúng tôi ra nước ngoài lần đầu tiên để tham dự một hội nghị quốc tế ở Port Moresby, Papua New Guinea. Tôi vẫn nhớ mình đã nghe một bài giảng trong tiếng Hiri Motu do một giáo sĩ trình bày. Dù tôi không thể hiểu được từ nào mà anh ấy nói nhưng bài giảng của anh đã thôi thúc tôi trở thành giáo sĩ, học những ngôn ngữ khác và trình bày bài giảng giống như anh ấy. Cuối cùng, tôi đã tìm thấy một cách để có thể vừa thể hiện được tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và vừa thỏa mãn được niềm đam mê ngôn ngữ.

Thật ngạc nhiên vì khi trở lại Úc, chúng tôi được mời làm giáo sĩ ở đảo Funafuti thuộc Tuvalu, trước kia được gọi là quần đảo Ellice. Chúng tôi chuyển tới nhiệm sở mới vào tháng 1 năm 1979. Lúc ấy ở Tuvalu chỉ có ba người công bố khác đã báp-têm.

Với Jenny ở Tuvalu

Học tiếng Tuvalu không hề dễ dàng. Chỉ có duy nhất một cuốn sách trong ngôn ngữ địa phương, đó là cuốn “Tân ước”. Không có từ điển hay lớp dạy ngoại ngữ, vì thế chúng tôi quyết định cố gắng tự học 10 đến 20 từ mới mỗi ngày. Nhưng không lâu sau chúng tôi nhận ra là mình hiểu sai nghĩa của phần lớn những từ mà mình đang học. Thay vì nói với người ta rằng việc xem bói là sai thì thật ra chúng tôi lại nói với họ rằng không nên dùng cân và gậy batoong! Tuy nhiên, chúng tôi cần học ngôn ngữ đó để điều khiển nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh mà mình đã bắt đầu. Vì thế, chúng tôi tiếp tục cố gắng. Nhiều năm sau, một trong những học viên của chúng tôi vào những ngày đầu ấy đã nói: “Thật vui vì giờ đây anh chị có thể nói ngôn ngữ của chúng tôi. Lúc đầu, chúng tôi không hiểu anh chị nói gì cả!”.

Dù không dễ để học tiếng Tuvalu nhưng chúng tôi có một điều mà có thể nói là hoàn cảnh lý tưởng để học một ngôn ngữ mới. Vì không có nhà nào cho chúng tôi thuê nên cuối cùng chúng tôi sống chung với một gia đình Nhân Chứng trong ngôi làng chính. Chúng tôi phải nói tiếng Tuvalu mọi nơi mọi lúc, ngay cả khi ở nhà. Sau vài năm không nói tiếng Anh, tiếng Tuvalu trở thành ngôn ngữ chính của chúng tôi.

Không lâu sau khi chúng tôi đến Tuvalu, nhiều người bắt đầu tỏ ra chú ý đến sự thật. Nhưng chúng tôi có thể dùng công cụ nào để học hỏi với họ? Chúng tôi không có ấn phẩm nào trong ngôn ngữ Tuvalu. Họ có thể học hỏi cá nhân ra sao? Khi bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp, họ có thể hát bài nào, dùng tài liệu nào, ngay cả chuẩn bị cho buổi nhóm họp như thế nào? Làm sao họ có thể tiến bộ đến bước làm báp-têm? Những người khiêm nhường này cần thức ăn thiêng liêng trong chính ngôn ngữ của họ! (1 Cô 14:9). Chúng tôi băn khoăn: “Liệu sẽ có ấn phẩm trong tiếng Tuvalu, một ngôn ngữ chỉ có chưa đầy 15.000 người nói không?”. Đức Giê-hô-va đã giải đáp những câu hỏi này và qua đó chứng tỏ cho chúng tôi thấy hai điều: (1) Ngài muốn Lời ngài được công bố “trong các cù-lao xa” và (2) ngài muốn những người mà thế gian coi thường và xem là “hèn mọn” ẩn náu trong danh ngài.—Giê 31:10; 1 Cô 1:28.

DỊCH THỨC ĂN THIÊNG LIÊNG

Vào năm 1980, văn phòng chi nhánh giao cho chúng tôi dịch ấn phẩm sang tiếng Tuvalu, một công việc mà chúng tôi cảm thấy mình hoàn toàn không hội đủ điều kiện (1 Cô 1:28, 29). Thoạt đầu, chúng tôi mua được một máy in rô-nê-ô cũ từ chính phủ, và dùng nó để in tài liệu cho các buổi nhóm họp. Thậm chí, chúng tôi còn dịch sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời sang tiếng Tuvalu và dùng máy đó để in. Tôi vẫn nhớ cái mùi nồng nặc của mực in và nỗ lực để in tất cả các ấn phẩm này bằng tay dưới khí hậu nhiệt đới nóng gay gắt. Vào thời đó, chúng tôi không có điện!

Quả là một thử thách khi dịch sang tiếng Tuvalu vì chúng tôi có rất ít tài liệu tham khảo để giúp thực hiện công việc này. Nhưng đôi khi sự giúp đỡ đến từ nơi không ngờ. Vào một buổi sáng, tôi gõ nhầm nhà của một người chống đối sự thật. Chủ nhà là một người đàn ông lớn tuổi và từng làm giáo viên. Ông nhanh chóng nhắc tôi không được gõ cửa nhà ông. Rồi ông nói: “Tôi chỉ muốn nói một điều. Cách diễn đạt trong ấn phẩm mà các anh đã dịch không giống như cách người Tuvalu hay nói”. Tôi hỏi lại những người khác, và ông ấy đã nói đúng. Vì thế chúng tôi đã thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Tuy nhiên, tôi ngạc nhiên khi Đức Giê-hô-va đã cung cấp sự trợ giúp này qua một người chống đối, người mà rõ ràng đã đọc ấn phẩm của chúng ta!

Tờ Tin Tức Nước Trời số 30 trong tiếng Tuvalu

Tài liệu đầu tiên được in trong tiếng Tuvalu để phân phát cho công chúng là giấy mời dự Lễ Tưởng Niệm. Sau đó là tờ Tin Tức Nước Trời (Kingdom News) số 30 được ra mắt cùng lúc với tiếng Anh. Quả là vui mừng khi đưa cho người ta tài liệu trong ngôn ngữ của họ! Với thời gian, một số sách mỏng, thậm chí là vài sách cũng có trong tiếng Tuvalu. Vào năm 1983, chi nhánh Úc bắt đầu in Tháp Canh hằng quý 24 trang, và trung bình mỗi tuần chúng tôi học bảy đoạn trong đó. Cộng đồng ở đó phản ứng thế nào? Vì người dân Tuvalu rất thích đọc nên ấn phẩm của chúng ta rất được ưa chuộng. Mỗi ấn phẩm mới đều được thông báo trên chương trình tin tức của đài phát thanh chính phủ, thậm chí đôi khi còn được đăng trên hàng tít của bản tin! *

Công việc dịch thuật được thực hiện như thế nào? Đầu tiên chúng tôi dịch trên giấy. Sau đó, những văn bản ấy được đánh máy đi đánh máy lại cho đến khi việc dịch thuật được hoàn tất để chuyển tới chi nhánh in ở Úc. Có một thời gian, hai chị tại chi nhánh Úc sẽ cùng đánh máy tất cả những văn bản ấy vào máy tính, dù họ không hiểu tiếng Tuvalu. Nhờ đánh máy mỗi bản hai lần và sau đó so sánh những điểm khác nhau trên máy tính, những sai sót được hạn chế đáng kể. Khi dàn trang xong, họ gửi lại qua đường hàng không để chúng tôi kiểm tra. Rồi sau đó, chúng tôi gửi lại cho chi nhánh để in.

Công việc dịch thuật đã thay đổi rất nhiều! Ngày nay, các nhóm dịch thuật dịch trực tiếp trên máy. Trong phần lớn các trường hợp, bản dịch được sửa xong sẽ được dàn trang tại địa phương, tạo các tập tin để có thể gửi qua Internet tới các chi nhánh in. Không còn tình trạng cuống cuồng chạy đến bưu điện để gửi bản dịch nữa.

THÊM CÁC NHIỆM SỞ

Thời gian trôi qua, tôi và Jenny đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau ở khắp Thái Bình Dương. Từ Tuvalu, chúng tôi được bổ nhiệm tới chi nhánh Samoa vào năm 1985. Ở đó, chúng tôi trợ giúp việc dịch sang ngôn ngữ Samoa, Tonga và Tokelau trong khi vẫn làm công việc trong ngôn ngữ Tuvalu. * Vào năm 1996, chúng tôi được bổ nhiệm đến chi nhánh Fiji, nơi mà chúng tôi hỗ trợ việc dịch sang tiếng Fiji, Kiribati, Nauru, Rotuma và Tuvalu.

Dùng ấn phẩm trong tiếng Tuvalu để giúp người khác

Tôi luôn ngạc nhiên về lòng sốt sắng mà những anh chị dịch thuật thể hiện. Công việc này không dễ và có thể rất mệt nhọc. Tuy nhiên, những anh chị trung thành ấy cố gắng phản ánh mong muốn của Đức Giê-hô-va là tin mừng được rao giảng “cho mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng cùng mọi dân tộc” (Khải 14:6). Chẳng hạn, khi đang có sắp đặt về việc dịch số Tháp Canh sang tiếng Tonga lần đầu tiên, tôi họp với tất cả các trưởng lão ở Tonga và hỏi xem có thể huấn luyện ai để làm dịch thuật viên. Trong số đó có một trưởng lão có công việc tốt là nghề thợ máy. Anh ấy nói rằng anh có thể nghỉ việc vào hôm sau và bắt đầu ngay công việc dịch thuật. Điều này làm tôi vô cùng ấm lòng vì anh ấy là chủ gia đình và không biết sẽ lấy tiền đâu để chăm lo cho gia đình. Nhưng Đức Giê-hô-va đã chăm sóc anh cùng gia đình, và anh tiếp tục làm công việc dịch thuật trong nhiều năm.

Những dịch thuật viên tận tâm như thế phản ánh quan điểm của các thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo. Hội đồng Lãnh đạo quan tâm sâu sắc đến nhu cầu tâm linh của những người thuộc các nhóm ngôn ngữ nhỏ hơn. Chẳng hạn, một lần có một câu hỏi được đặt ra là liệu có đáng công không khi dành nhiều công sức để cung cấp ấn phẩm trong tiếng Tuvalu. Tôi được khích lệ rất nhiều khi đọc câu trả lời sau từ Hội đồng Lãnh đạo: “Chúng tôi không thấy có lý do nào để ngưng công việc dịch sang ngôn ngữ Tuvalu. Dù cánh đồng Tuvalu có lẽ nhỏ so với những nhóm ngôn ngữ khác nhưng người ta vẫn cần được nghe tin mừng trong tiếng mẹ đẻ”.

Làm nhiệm vụ báp-têm ở một hồ bên cạnh biển

Vào năm 2003, tôi và Jenny chuyển từ Ban dịch thuật ở chi nhánh Fiji sang Ban phục vụ dịch thuật ở Patterson, New York. Đó giống như một giấc mơ trở thành sự thật! Chúng tôi làm việc trong một nhóm trợ giúp công việc dịch ấn phẩm sang nhiều ngôn ngữ hơn nữa. Trong khoảng hai năm sau đó, chúng tôi có đặc ân thăm các nước khác nhau để huấn luyện các nhóm dịch.

MỘT SỐ QUYẾT ĐỊNH MANG TÍNH LỊCH SỬ

Giờ đây tôi xin trở lại phần thuyết trình được đề cập ở đầu bài. Đến năm 2000, Hội đồng Lãnh đạo nhận thấy những nhóm dịch trên thế giới cần sự trợ giúp. Đến thời điểm đó, đa số các dịch thuật viên nhận được rất ít sự huấn luyện. Sau khi chúng tôi trình bày bài thuyết trình cho Ủy ban Biên tập, Hội đồng Lãnh đạo phê chuẩn một chương trình huấn luyện dịch thuật trên toàn cầu dành cho tất cả các dịch thuật viên. Chương trình này bao gồm sự huấn luyện giúp hiểu văn bản tiếng Anh, biết những kỹ thuật dịch bài và làm thế nào để hợp tác trong nhóm.

Toàn bộ việc huấn luyện này mang lại kết quả nào? Một điều là chất lượng bài dịch đã được cải thiện. Ngoài ra, cũng có sự gia tăng lớn về số ngôn ngữ mà ấn phẩm được phát hành ngày nay. Khi chúng tôi đến nhiệm sở đầu tiên để làm giáo sĩ vào năm 1979, tạp chí Tháp Canh chỉ có trong 82 ngôn ngữ. Đa số những ấn phẩm được dịch được ra mắt sau bản tiếng Anh vài tháng. Nhưng ngày nay Tháp Canh được phân phát trong hơn 240 ngôn ngữ và phần lớn những ấn phẩm này ra mắt cùng thời điểm với ấn bản tiếng Anh. Giờ đây, thức ăn thiêng liêng có trong hơn 700 ngôn ngữ dưới dạng này hay dạng khác. Đây là điều mà nhiều năm trước, chúng tôi chỉ dám mơ tới.

Vào năm 2004, Hội đồng Lãnh đạo đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử khác, đó là đẩy nhanh việc dịch Kinh Thánh. Vài tháng sau đó, việc dịch Kinh Thánh trở thành một phần trong công việc dịch thuật như thường lệ. Điều này mở ra cơ hội để Bản dịch Thế Giới Mới (New World Translation) có thêm trong nhiều ngôn ngữ khác. Kể từ năm 2014, bản dịch Kinh Thánh này được in trọn bộ hoặc một phần trong 128 ngôn ngữ, trong đó có một số ngôn ngữ ở Nam Thái Bình Dương.

Ra mắt Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) trong tiếng Tuvalu

Một trong những kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời tôi là được giao đặc ân tham dự hội nghị ở Tuvalu vào năm 2011. Trong nhiều tháng, cả nước Tuvalu phải hứng chịu một cơn hạn hán khắc nghiệt, và hội nghị dường như không thể diễn ra. Nhưng vào buổi tối chúng tôi đến, một cơn mưa nhiệt đới đã xua đi cơn hạn hán, và cuối cùng hội nghị cũng được tổ chức! Tôi có đặc ân vô giá là cho ra mắt Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) trong tiếng Tuvalu. Đây là nhóm ngôn ngữ nhỏ nhất nhận được món quà tuyệt diệu ấy. Sau khi hội nghị kết thúc thì có một trận mưa khác đổ xuống. Vì thế mọi người nhận được dư dật nước theo cả nghĩa thiêng liêng lẫn nghĩa đen!

Phỏng vấn cha mẹ tôi tên là Ron và Estelle tại một hội nghị ở Townsville, Úc, năm 2014

Đáng buồn là người bạn đồng hành trung thành với tôi trong hơn 35 năm là Jenny không được chứng kiến sự kiện đáng nhớ đó. Sau mười năm chống chọi với căn bệnh ung thư vú, vợ tôi qua đời vào năm 2009. Khi được sống lại, chắc chắn cô ấy sẽ vô cùng vui mừng khi nghe tin Kinh Thánh trong tiếng Tuvalu được ra mắt.

Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi một người bạn đồng hành dễ thương khác là Loraini Sikivou. Loraini và Jenny cùng làm việc tại Bê-tên ở Fiji, và Loraini cũng làm dịch thuật viên trong ngôn ngữ Fiji. Vì thế giờ đây tôi lại có người vợ trung thành, cùng tôi phụng sự Đức Giê-hô-va và cũng yêu thích ngôn ngữ!

Cùng với Loraini làm chứng ở Fiji

Nhìn lại những năm tháng trôi qua, tôi được khích lệ rất nhiều khi thấy cách Cha yêu thương ở trên trời, Đức Giê-hô-va, tiếp tục chăm sóc nhu cầu của những nhóm ngôn ngữ, dù lớn hay nhỏ (Thi 49:1-3). Tôi đã thấy tình yêu thương của ngài phản chiếu trên những gương mặt vui mừng khi lần đầu họ nhìn thấy một số ấn phẩm trong ngôn ngữ của họ hoặc khi hát ngợi khen Đức Giê-hô-va trong tiếng mẹ đẻ (Công 2:8, 11). Tôi vẫn nhớ những lời của anh Saulo Teasi, một anh lớn tuổi người Tuvalu. Sau khi hát một bài hát Nước Trời lần đầu trong ngôn ngữ của mình, anh nói: “Tôi nghĩ anh nên nói với Hội đồng Lãnh đạo rằng những bài này trong tiếng Tuvalu nghe hay hơn trong tiếng Anh”.

Kể từ tháng 9 năm 2005, tôi nhận được một đặc ân ngoài mong đợi là được phụng sự với tư cách thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù không còn là một dịch thuật viên nữa nhưng tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va vì ngài vẫn cho tôi cơ hội được hỗ trợ công việc dịch thuật trên toàn cầu. Quả là vui mừng khi biết rằng Đức Giê-hô-va chăm lo nhu cầu thiêng liêng cho tất cả dân ngài, ngay cả ở những đảo xa xôi ở giữa Thái Bình Dương! Đúng như người viết Thi-thiên nói: “Đức Giê-hô-va cai-trị: đất hãy mừng-rỡ; các cù-lao vô-số khá vui-vẻ”.—Thi 97:1.

^ đ. 18 Để biết thêm người ta hưởng ứng ra sao về ấn phẩm của tổ chức, xin xem Tháp Canh ngày 15-12-2000, trg 32; ngày 1-8-1988, trg 22 (Anh ngữ) và Tỉnh Thức! ngày 22-12-2000, trg 9 (Anh ngữ).

^ đ. 22 Để biết thêm chi tiết về công việc dịch thuật ở Samoa, xin xem Niên giám (Yearbook) năm 2009, trg 120, 121, 123, 124.