Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào chúng ta cho thấy mình yêu mến Đức Giê-hô-va?

Làm thế nào chúng ta cho thấy mình yêu mến Đức Giê-hô-va?

“Chúng ta yêu thương vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta trước”.1 GIĂNG 4:19.

BÀI HÁT: 56, 138

1, 2. Như sứ đồ Giăng cho biết, Đức Chúa Trời đã dạy chúng ta thế nào về việc thể hiện tình yêu thương với ngài?

Nhiều người đồng ý rằng cách tốt nhất mà một người cha có thể dạy con cái là bằng chính gương mẫu của mình. Sứ đồ Giăng viết: “Chúng ta yêu thương vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta trước” (1 Giăng 4:19). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã cung cấp gương tuyệt hảo về tình yêu thương của một người cha, và qua đó có thể giúp chúng ta yêu mến ngài.

2 Đức Chúa Trời “yêu chúng ta trước” qua cách nào? Sứ đồ Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương với chúng ta qua cách này: Trong khi chúng ta vẫn còn là người tội lỗi, Đấng Ki-tô đã chết cho chúng ta” (Rô 5:8). Bằng cách hy sinh điều lớn lao là dâng chính Con ngài để làm giá chuộc cho những người có đức tin, Đức Giê-hô-va cho thấy thế nào là tình yêu thương. Tình yêu thương được thể hiện qua việc ban cho và hành động một cách bất vị kỷ. Nhờ hành động cao thượng của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể đến với ngài, nhận lợi ích từ tình yêu thương của ngài và thể hiện tình yêu thương đối với ngài.—1 Giăng 4:10.

3, 4. Chúng ta nên thể hiện tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua cách nào?

3 Tình yêu thương là đức tính nổi bật của Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta có thể hiểu tại sao Chúa Giê-su nói rằng điều răn quan trọng nhất là: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực” (Mác 12:30). Qua những lời của Chúa Giê-su, chúng ta hiểu rằng tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời trước tiên bao hàm tấm lòng của mình. Đức Giê-hô-va sẽ không vui lòng nếu chúng ta chỉ yêu thương ngài cách nửa vời. Chúng ta cũng hiểu rằng mình phải yêu thương Đức Chúa Trời hết mình, hết tâm trí và hết sức lực. Điều này có nghĩa là tình yêu thương chân chính dành cho Đức Chúa Trời bao hàm nhiều hơn là chỉ cảm xúc trong lòng. Ngoài sự chân thành, tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời phải bao gồm năng lực về thể chất cũng như năng lực về thiêng liêng, tức khả năng để hiểu những điều thiêng liêng và để thờ phượng Đức Chúa Trời. Theo nhà tiên tri Mi-chê, đó là điều ngài muốn nơi chúng ta.—Đọc Mi-chê 6:8.

4 Làm thế nào chúng ta cho thấy mình thật sự yêu mến Cha trên trời? Chúng ta nên yêu thương ngài với tất cả những gì mình có. Như Chúa Giê-su cho biết, tình yêu thương này bao hàm toàn bộ cảm xúc cũng như năng lực về thể chất và thiêng liêng của chúng ta. Trong bài trước, chúng ta đã xem bốn cách cho thấy Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương lớn lao đối với con cái ngài. Giờ đây, hãy cùng xem làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ và gia tăng tình yêu thương với Đức Giê-hô-va theo cách mà ngài vui lòng và chấp nhận.

BIẾT ƠN VỀ NHỮNG SỰ CUNG CẤP ĐẾN TỪ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

5. Chúng ta muốn đáp lại Đức Giê-hô-va như thế nào về mọi điều ngài đã làm cho mình?

5 Khi nhận được một món quà, anh chị sẽ làm gì? Hẳn anh chị sẽ biểu lộ lòng biết ơn qua cách nào đó. Không những thế, anh chị còn dùng món quà này và không xem thường nó. Môn đồ Gia-cơ viết: “Mọi món quà tốt lành và hoàn hảo đều từ trên mà xuống, tức từ Cha của ánh sáng, là đấng không thay đổi hoặc xê dịch như cái bóng” (Gia 1:17). Đức Giê-hô-va luôn cung cấp những gì chúng ta cần để sống và hạnh phúc. Chẳng lẽ điều này không thôi thúc chúng ta cũng muốn yêu thương ngài hay sao?

6. Dân Y-sơ-ra-ên phải làm gì để tiếp tục nhận được các ân phước của Đức Giê-hô-va?

6 Dân Y-sơ-ra-ên từng sống dưới sự chăm sóc yêu thương của Đức Giê-hô-va trong hàng trăm năm và được ngài ban phước dư dật cả về vật chất lẫn thiêng liêng (Phục 4:7, 8). Tuy nhiên, để tiếp tục nhận được các ân phước như thế, họ phải vâng theo Luật pháp của Đức Chúa Trời, bao hàm việc đều đặn dâng cho ngài “những hoa-quả đầu mùa của đất” (Xuất 23:19). Qua đó, dân Y-sơ-ra-ên sẽ cho thấy họ quý trọng tình yêu thương và những ân phước đến từ Đức Giê-hô-va.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:7-11.

7. Làm thế nào chúng ta có thể dùng “tài-vật” để bày tỏ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va?

7 Còn về chúng ta thì sao? Dù ngày nay chúng ta không buộc phải dâng lễ vật theo nghĩa đen, nhưng điều thích hợp là chúng ta thể hiện tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua việc dùng “tài-vật” để tôn vinh ngài (Châm 3:9). Chúng ta có thể làm thế qua một số cách nào? Chúng ta có thể đóng góp của cải vật chất để ủng hộ công việc Nước Trời tại địa phương và trên toàn cầu. Chắc chắn đây là một cách tốt để bày tỏ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va, dù chúng ta có nhiều hay ít (2 Cô 8:12). Tuy nhiên, có những cách khác để chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình yêu mến ngài.

8, 9. Tin cậy nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va liên hệ thế nào đến tình yêu thương của chúng ta dành cho ngài? Hãy cho ví dụ.

8 Hãy nhớ Chúa Giê-su dạy các môn đồ đừng lo lắng về thức ăn, áo mặc, nhưng luôn tìm kiếm Nước Trời trước hết. Ngài nói rằng Cha trên trời biết những gì chúng ta thật sự cần (Mat 6:31-33). Mức độ chúng ta tin cậy lời hứa đó là một dấu hiệu cho thấy mình yêu mến Đức Giê-hô-va sâu đậm đến mức nào, vì tình yêu thương và lòng tin cậy đi đôi với nhau. Chúng ta không thể thật sự yêu thương một người mà mình không tin cậy (Thi 143:8). Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi: “Lối sống và những mục tiêu mà mình đang theo đuổi có cho thấy mình thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va không? Những hành động của mình mỗi ngày có cho thấy mình tin rằng ngài có khả năng chăm lo nhu cầu của mình không?”.

9 Một tín đồ tên là Mike đã cho thấy tình yêu thương và lòng tin cậy như thế. Ngay từ khi còn trẻ, anh đã có ước muốn mạnh mẽ là được phụng sự Đức Giê-hô-va tại một nước khác. Anh kết hôn và có hai con, nhưng ước muốn đó không bao giờ suy giảm. Nhờ được khích lệ qua nhiều bài viết và những báo cáo về việc phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn, anh cùng gia đình quyết định đơn giản hóa đời sống. Họ bán nhà và chuyển đến một căn hộ. Sau đó, anh Mike giảm bớt nhân viên trong dịch vụ làm vệ sinh do anh làm chủ và học cách quản lý công việc từ nước ngoài qua Internet. Rồi cả gia đình anh cùng chuyển đến một nước khác. Sau hai năm vui mừng phụng sự tại đó, anh Mike nói: “Chúng tôi nghiệm thấy những lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 6:33 là chân thật”.

KHẮC GHI VÀO LÒNG SỰ THẬT TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI

10. Như được thấy trong trường hợp của vua Đa-vít, suy ngẫm sự thật về Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích nào cho chúng ta?

10 Khoảng 3.000 năm trước, vua Đa-vít được cảm động bởi những gì ông thấy trên bầu trời. Ông viết: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm”. Sự khôn ngoan trong Luật pháp của Đức Chúa Trời cũng tác động đến lòng của Đa-vít, và ông nói: “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn, bổ linh-hồn lại; sự chứng-cớ Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan”. Suy ngẫm với lòng biết ơn như thế mang lại kết quả nào? Đa-vít nói tiếp: “Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi và là Đấng cứu-chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy-gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!”. Rõ ràng, giữa Đa-vít và Đức Chúa Trời có một mối quan hệ rất nồng ấm và mật thiết.—Thi 19:1, 7, 14.

11. Tình yêu thương với Đức Chúa Trời nên thôi thúc chúng ta làm gì với sự hiểu biết dư dật về sự thật mà ngài ban? (Xem hình nơi đầu bài).

11 Ngày nay, quả là một ân phước khi có sự hiểu biết nhiều về công việc sáng tạo và ý định đang tiến triển của Đức Giê-hô-va! Thế gian này cổ vũ việc học lên cao, nhưng nhiều kinh nghiệm cho thấy theo đuổi những điều như thế thường dẫn đến việc mất đức tin và mất đi tình yêu thương với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh khuyến giục chúng ta không chỉ ham thích sự hiểu biết mà còn cố gắng có được sự khôn ngoan và sáng suốt. Điều này có nghĩa là chúng ta cần học cách dùng sự hiểu biết mà Đức Giê-hô-va ban để mang lại lợi ích cho chính mình và người khác (Châm 4:5-7). Đức Chúa Trời “muốn mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về sự thật” (1 Ti 2:4). Vậy chúng ta thể hiện tình yêu thương với Đức Giê-hô-va bằng cách hết lòng nói với mọi người về tin mừng Nước Trời và giúp người ta hiểu ý định tuyệt diệu của ngài dành cho nhân loại.—Đọc Thi-thiên 66:16, 17.

12. Một người trẻ đã bày tỏ lòng biết ơn như thế nào về những sự cung cấp về thiêng liêng đến từ Đức Giê-hô-va?

12 Ngay cả những người trẻ cũng có thể biểu lộ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va qua việc thể hiện lòng biết ơn đối với những sự cung cấp về thiêng liêng. Chị Shannon kể rằng khi 11 tuổi, chị cùng em gái 10 tuổi và cha mẹ tham dự Hội nghị Địa hạt có chủ đề “Sự tin kính”. Trong một phiên họp, những người trẻ được mời ngồi vào khu hàng ghế dành riêng cho họ. Chị Shannon cảm thấy đôi chút hồi hộp nhưng vẫn làm theo. Sau đó, chị vô cùng xúc động khi mỗi người trẻ được đưa cho món quà là một cuốn sách rất đẹp có tựa đề Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực. Món quà đó đã tác động thế nào đến cảm xúc của chị Shannon về Đức Giê-hô-va? Chị kể lại: “Vào lúc ấy, tôi đã nhận ra Đức Giê-hô-va là đấng có thật và ngài yêu thương cá nhân tôi rất, rất nhiều”. Chị Shannon chia sẻ thêm: “Thật hạnh phúc khi Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta, Đức Giê-hô-va, đã rộng lượng ban cho chúng ta những món quà tốt lành và hoàn hảo như thế!”.

HÃY CHẤP NHẬN LỜI KHUYÊN VÀ SỰ SỬA PHẠT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

13, 14. Quan điểm của chúng ta về sự sửa phạt đến từ Đức Giê-hô-va cho thấy điều gì về tình yêu thương mà chúng ta dành cho ngài?

13 Kinh Thánh nhắc chúng ta nhớ rằng “Đức Giê-hô-va yêu-thương ai thì trách-phạt nấy, như một người cha đối cùng con trai yêu-dấu mình” (Châm 3:12). Nhưng chúng ta nên phản ứng thế nào khi bị sửa phạt? Sứ đồ Phao-lô rất thực tế khi viết: “Khi bị sửa phạt thì chẳng có niềm vui, mà chỉ có nỗi đau”. Qua những lời này, Phao-lô không có ý làm giảm tầm quan trọng hay giá trị của việc sửa phạt, vì ông viết tiếp: “Nhưng sau đó, những người được rèn luyện qua sự sửa phạt ấy sẽ gặt trái bình an là sự công chính” (Hê 12:11). Nếu yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta phải tránh phớt lờ hoặc bực tức khi được ngài khuyên bảo. Đối với một số người thì điều này có thể là thử thách thật sự. Tình yêu thương với Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta rất nhiều để tránh làm thế.

14 Vào thời của Ma-la-chi, nhiều người Do Thái không nghe lời khuyên bảo của Đức Chúa Trời. Họ biết quy định của Luật pháp về việc dâng lễ vật nhưng họ lại xem thường những quy định ấy đến mức Đức Giê-hô-va phải đưa ra một lời khuyên mạnh mẽ. (Đọc Ma-la-chi 1:12, 13). Trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên nghiêm trọng tới mức nào? Hãy để ý đến những lời Đức Giê-hô-va phán với họ: “Ta sẽ giáng sự rủa-sả trên các ngươi, và sẽ rủa-sả những phước-lành của các ngươi; và ta đã rủa sả rồi, vì các ngươi không để [điều răn của ta] vào lòng” (Mal 2:1, 2). Rõ ràng, thường xuyên hoặc cố tình lờ đi lời khuyên yêu thương của Đức Giê-hô-va có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Hãy làm theo lời khuyên của Đức Chúa Trời thay vì những tiêu chuẩn của thế gian (Xem đoạn 15)

15. Chúng ta phải kháng cự một thái độ phổ biến nào trong thế gian ngày nay?

15 Trong thời đại mà con người thường chỉ nghĩ đến bản thân và xem mình là trên hết thì không dễ để người ta nghe lời khuyên và sự sửa phạt, chứ chưa nói đến việc chấp nhận những điều đó. Ngay cả những người dường như chấp nhận lời khuyên hoặc sự sửa phạt thì cũng thường làm thế một cách miễn cưỡng. Nhưng là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta được khuyên “đừng rập khuôn theo đời này nữa”. Chúng ta cần nhận ra và làm theo ‘ý muốn hoàn hảo của Đức Chúa Trời’ (Rô 12:2). Qua tổ chức, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta lời khuyên đúng lúc về nhiều khía cạnh trong đời sống, gồm cách cư xử với người khác phái, cách chọn bạn và việc giải trí. Bằng cách sẵn sàng chấp nhận và áp dụng sự hướng dẫn như thế, chúng ta cho thấy mình biết ơn và thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va từ đáy lòng.—Giăng 14:31; Rô 6:17.

HƯỚNG ĐẾN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐỂ ĐƯỢC CHE CHỞ VÀ GIẢI CỨU

16, 17. (a) Tại sao chúng ta nên xem xét ý muốn của Đức Giê-hô-va trước khi đưa ra quyết định? (b) Dân Y-sơ-ra-ên cho thấy họ thiếu tình yêu thương và lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va như thế nào?

16 Khi các em nhỏ cảm thấy nguy hiểm, theo bản năng chúng sẽ chạy đến bên cha mẹ. Khi lớn lên, chúng học cách nương cậy nhiều hơn nơi sự phán đoán của bản thân và tự đưa ra những quyết định. Đây là một phần của quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, những người có mối quan hệ gần gũi với cha mẹ sẽ sẵn sàng lắng nghe quan điểm và xin lời khuyên của cha mẹ trước khi đưa ra quyết định nào đó. Về khía cạnh thiêng liêng cũng tương tự như thế. Đức Giê-hô-va ban thần khí, khơi dậy trong chúng ta “ước muốn lẫn sức mạnh để thực hiện những điều đẹp lòng ngài”. Nhưng nếu không xem xét ý muốn của Đức Chúa Trời trước khi đưa ra quyết định, chúng ta cho thấy mình thiếu tình yêu thương và lòng tin cậy nơi ngài.—Phi-líp 2:13.

17 Vào thời Sa-mu-ên, có lần dân Y-sơ-ra-ên bị thất bại thảm hại khi tranh chiến với quân Phi-li-tin. Dân của Đức Chúa Trời rất cần sự giúp đỡ và che chở. Họ đã làm gì? Họ đã quyết định: “Chúng ta hãy đi thỉnh hòm giao-ước của Đức Giê-hô-va ở tại Si-lô; phải đem hòm đó về tại giữa chúng ta, nó ắt sẽ giải-cứu chúng ta khỏi tay kẻ cừu-nghịch chúng ta!”. Hành động của dân Y-sơ-ra-ên đã dẫn đến hậu quả nào? “Ấy là một sự bại-trận lớn lắm; ba vạn lính bộ trong Y-sơ-ra-ên bị ngã chết. Hòm của Đức Chúa Trời bị cướp lấy” (1 Sa 4:2-4, 10, 11). Khi dân Y-sơ-ra-ên đi thỉnh hòm giao ước để mang theo, họ có vẻ như đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Nhưng thực tế họ không tìm sự chỉ dẫn của ngài; họ làm theo ý mình, và hậu quả thật thảm khốc.—Đọc Châm-ngôn 14:12.

18. Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì về việc tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?

18 Người viết Thi-thiên cho thấy ông có thái độ đúng khi viết: “Hãy trông-cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn ngợi-khen Ngài nữa; vì nhờ mặt Ngài, bèn được cứu-rỗi. Đức Chúa Trời tôi ôi! linh-hồn tôi bị sờn-ngã trong mình tôi; nên... tôi nhớ đến chúa” (Thi 42:5, 6). Cảm xúc và tình yêu thương mà người viết Thi-thiên dành cho Đức Giê-hô-va thật sâu đậm biết bao! Anh chị có tình yêu thương và lòng tin cậy như thế đối với Cha trên trời không? Dù trả lời là có, anh chị có thể tiếp tục củng cố lòng tin cậy của mình nơi Đức Chúa Trời như điều Kinh Thánh nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.—Châm 3:5, 6.

19. Anh chị muốn cố gắng thể hiện tình yêu thương với Đức Giê-hô-va qua cách nào?

19 Qua việc yêu chúng ta trước, Đức Giê-hô-va dạy chúng ta biết cách để yêu thương ngài. Mong sao chúng ta hãy luôn nhớ đến gương tuyệt hảo của Đức Giê-hô-va và cho thấy mình yêu thương ngài “hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực”.—Mác 12:30.