Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Kẻ dại dột ai nói gì cũng tin”

“Kẻ dại dột ai nói gì cũng tin”

“Người không bao giờ đọc báo là kẻ dại dột, nhưng người tin những gì mình đọc chỉ vì nó được viết trên báo thì còn dại dột hơn”.—Ông August von Schlözer, sử gia và nhà báo người Đức (1735-1809).

Nếu hơn 200 năm trước đây, một người không thể tin mọi thứ được viết ra trên báo, thì điều này cũng đúng với phần lớn những gì chúng ta có thể đọc trên Internet trong thế kỷ 21. Nhờ công nghệ hiện đại mà ngày nay chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với một lượng thông tin khổng lồ, cả đúng và sai, cả hữu ích lẫn vô ích, cả vô hại lẫn tai hại. Vì thế, chúng ta phải lựa chọn một cách rất cẩn thận về những gì mình đọc. Đặc biệt, những người mới sử dụng Internet có thể kết luận rằng một báo cáo hay một tin tức là đúng chỉ vì nó được đăng trên mạng hay được một người bạn gửi qua e-mail, dù tin đó rất kỳ lạ hoặc giật gân. Kinh Thánh có lý do chính đáng để cảnh báo: “Kẻ dại dột ai nói gì cũng tin, nhưng người khôn ngoan thận trọng từng bước một của mình”.—Châm 14:15, Đặng Ngọc Báu.

Làm thế nào chúng ta có thể trở nên “khôn ngoan” và nhận ra những trò đánh lừa, chuyện lừa đảo, giả mạo và những thông tin sai lệch khác mà có thể xuất hiện trên màn hình máy tính của mình? Trước tiên, hãy tự hỏi: “Tin tức này đến từ một trang web chính thức và đáng tin cậy hay đến từ một nhật ký điện tử (blog) hoặc một nguồn không rõ? Có trang web uy tín nào đã vạch trần tin tức đó là sai chưa?”. * Sau đó, hãy “suy xét” (Châm 7:7, Bản Diễn Ý). Nếu một tin tức có vẻ không thể tin được, thì rất có thể tin tức đó không đúng. Hơn nữa, với một thông tin làm mất uy tín của người khác, hãy nghĩ xem ai sẽ được lợi khi tin tức đó được lan truyền và liệu chủ thể đưa tin có động lực ngầm nào trong việc lan truyền tin tức đó không.

NHỮNG NGƯỜI “NGHIỆN” CHUYỂN TIẾP THƯ

Một số người, thường là những người thích tìm kiếm sự chú ý nơi bản thân, luôn muốn được là người đầu tiên lan truyền tin tức và chuyển tiếp cho mọi người trong danh sách liên hệ của họ mà không kiểm tra tính chân thật của thông tin hoặc không xem xét hậu quả (2 Sa 13:28-33). Nhưng nếu “khôn ngoan”, chúng ta sẽ nghĩ về những tổn hại có thể xảy ra do việc lan truyền tin tức. Chẳng hạn, nó có thể gây tổn hại đến danh tiếng của một người hay một tổ chức.

Việc xác nhận thông tin đòi hỏi phải bỏ ra công sức. Đó là lý do một số người quyết định cứ để cho người nhận thư tự xác định xem thông tin đó có đáng tin không. Nhưng người ấy sẽ mất bao nhiêu thời gian để làm điều đó? Thời gian là điều quý giá (Ê-phê 5:15, 16). Thay vì suy nghĩ “nếu nghi ngờ, hãy gửi nó đi”, tốt hơn nên nghĩ “nếu nghi ngờ, hãy vứt nó đi!”.

Hãy tự hỏi: “Mình có phải là người ‘nghiện’ chuyển tiếp thư không? Đã bao giờ mình phải viết thư cho những người trong danh sách liên hệ để xin lỗi vì thông tin mình gửi cho họ cuối cùng hóa ra là thông tin sai hoặc là lời nói dối trắng trợn chưa? Đã từng có ai yêu cầu mình dừng việc chuyển tiếp thư cho họ chưa?”. Hãy nhớ rằng những người trong danh sách e-mail của bạn cũng có thể truy cập Internet và do đó có thể tìm những thứ họ quan tâm mà không cần bạn giúp. Họ không cần nhận một đống e-mail về các truyện cười, video clip hay hình ảnh. Cũng không khôn ngoan nếu chuyển tiếp đoạn thu âm hay bản ghi chép của các bài giảng dựa trên Kinh Thánh. * Ngoài ra, chuyển tiếp các tài liệu nghiên cứu, các câu Kinh Thánh được trích dẫn cho việc học Kinh Thánh hoặc các câu trả lời để dùng trong buổi nhóm họp sẽ làm giảm đi giá trị việc chuẩn bị cá nhân của mỗi người.

Tôi có nên... chuyển tiếp một e-mail có thông tin giật gân cho một người khác?

Bạn nên làm gì nếu thấy những thông tin vu khống về tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va trên Internet? Bạn nên kiên quyết từ chối những tài liệu như thế. Một số người thấy cần phải chia sẻ với người khác để biết quan điểm của họ, nhưng làm thế chỉ truyền đi thông tin độc hại ấy. Nếu cảm thấy lo lắng về điều nào đó mà mình đã thấy trên Internet, chúng ta nên cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan và nói chuyện với các anh thành thục (Gia 1:5, 6; Giu 22, 23). Chúa Giê-su, người từng là đối tượng của những cáo buộc sai lầm, đã cảnh báo các môn đồ rằng kẻ thù sẽ ngược đãi và “vu khống đủ điều” cho họ (Mat 5:11; 11:19; Giăng 10:19-21). Chúng ta cần dùng “sự dẽ-dặt [“khả năng suy xét”, NW]” và “sự thông sáng” để nhận ra kẻ nói lời giả dối và kẻ đang cố gắng lừa gạt người khác.—Châm 2:10-16.

TÔN TRỌNG QUYỀN CỦA NGƯỜI KHÁC

Chúng ta cũng phải cẩn thận về việc chia sẻ những tin liên quan đến anh em đồng đạo hoặc những kinh nghiệm mà mình nghe được. Ngay cả khi những điều ấy là có thật thì cũng không nhất thiết là chúng nên được lan truyền. Có những lúc truyền đi những câu chuyện có thật cho người khác là không đúng và thiếu yêu thương (Mat 7:12). Chẳng hạn, lan truyền những chuyện ngồi lê đôi mách là thiếu xây dựng và thiếu yêu thương dù cho thông tin đó có thể là thật (2 Tê 3:11; 1 Ti 5:13). Một số thông tin có lẽ cần phải được giữ kín và chúng ta nên tôn trọng quyền của người khác trong việc tiết lộ thông tin đó vào thời điểm phù hợp và theo cách thích hợp. Lan truyền trước thông tin có thể gây nhiều tai hại.

Ngày nay tin tức dù đúng hoặc sai, dù hữu ích hay vô ích, dù vô hại hoặc tai hại, có thể được lan truyền với một tốc độ khủng khiếp. Bất cứ ai gửi một e-mail hoặc một tin nhắn dù chỉ cho một người đều phải nhận thức rằng dù muốn hay không, nội dung đó có thể đi khắp thế giới chỉ trong nháy mắt. Do đó, mong sao chúng ta kháng cự ước muốn chuyển tiếp thông tin nhanh chóng và chuyển cho mọi người mà mình biết. Khi chúng ta đọc được những tin tức giật gân, hãy nhớ rằng tình yêu thương không nghi ngờ quá đáng, cũng không ngây thơ hay cả tin. Trên hết, tình yêu thương từ chối tin những lời ám chỉ ác ý về tổ chức của Đức Giê-hô-va hoặc những lời nói dối về các anh em của chúng ta, được lan truyền bởi những người làm nô lệ cho “cha sự nói dối”, Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt (Giăng 8:44; 1 Cô 13:7). Khả năng suy luận và sự thông sáng sẽ giúp chúng ta trở nên “khôn ngoan” và xem xét cách xử lý có trách nhiệm với lượng thông tin ngày càng lớn mà chúng ta có mỗi ngày. Như Kinh Thánh nói: “Kẻ ngu-muội được sự điên-dại làm cơ-nghiệp; song người khôn-ngoan được đội mão triều-thiên bằng tri-thức”.—Châm 14:18.

^ đ. 4 Thỉnh thoảng, một câu chuyện có thể xuất hiện trở lại dù trong quá khứ nó đã bị phơi bày là giả dối. Câu chuyện đó có thể được thay đổi chút ít để làm cho nó có vẻ thật.

^ đ. 8 Xem Thánh Chức Nước Trời tháng 4 năm 2010, khung “Giải đáp thắc mắc”.