Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Ông không hối tiếc về quyết định của mình khi còn trẻ

Ông không hối tiếc về quyết định của mình khi còn trẻ

Trong những năm cuối đời, ông bác bên đằng nội của tôi là Nikolai Dubovinsky đã sưu tập các kinh nghiệm, cả vui lẫn lo âu, trong cuộc đời dâng mình phụng sự Đức Giê-hô-va. Phần lớn những kinh nghiệm này diễn ra trong thời gian công việc Nước Trời bị cấm đoán ở Liên bang Xô Viết cũ. Dù trải qua những khó khăn và thử thách, ông luôn giữ lòng trung thành và rất yêu cuộc sống. Ông Nikolai thường nói rằng ông muốn những người trẻ nghe về câu chuyện của ông. Vì thế, tôi muốn chia sẻ vài điều nổi bật từ câu chuyện đó. Ông sinh năm 1926 trong một gia đình làm nghề nông tại làng Podvirivka, thuộc tỉnh Chernivtsi Oblast, Ukraine.

ÔNG NIKOLAI KỂ VỀ CÁCH ÔNG TÌM THẤY SỰ THẬT

Ông bắt đầu kể: “Một ngày vào năm 1941, anh trai của tôi là Ivan mang về nhà hai cuốn sách là Đàn cầm của Đức Chúa Trời (The Harp of God) và Kế hoạch các thời đại của Đức Chúa Trời (The Divine Plan of the Ages), vài tạp chí Tháp Canh cùng một số sách nhỏ. Tôi đọc hết những ấn phẩm đó. Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Kẻ Quỷ Quyệt là nguồn của mọi vấn đề trên thế giới, chứ không phải Đức Chúa Trời. Tôi đã đọc những ấn phẩm ấy cùng với các sách Phúc âm và nhận ra mình đã tìm thấy sự thật. Tôi nhiệt thành chia sẻ hy vọng Nước Trời cho người khác. Khi học hỏi những ấn phẩm này, tôi càng hiểu biết về sự thật và có ước muốn mạnh mẽ trở thành một tôi tớ của Đức Giê-hô-va”.

“Tôi hiểu rằng vì niềm tin của mình tôi sẽ phải chịu khổ. Lúc đó là thời chiến, và tôi không có ý định giết bất cứ ai. Để chuẩn bị cho những thử thách phía trước, tôi bắt đầu ghi nhớ những câu Kinh Thánh như Ma-thi-ơ 10:28 và 26:52. Tôi kiên quyết sẽ luôn giữ trung thành với Đức Giê-hô-va, dù phải đối mặt với cái chết!”.

“Vào năm 1944, tôi tròn 18 tuổi và bị gọi nhập ngũ. Đây là lần đầu tiên tôi được ở cùng anh em đồng đạo vì những anh trẻ khác ở tuổi đi lính cũng tập trung tại địa điểm nhập ngũ. Chúng tôi kiên quyết nói với các nhà chức trách là chúng tôi sẽ không tham gia chiến tranh. Nhân viên quân đội vô cùng tức giận, dọa sẽ bỏ đói chúng tôi, buộc chúng tôi đào những chiến hào, hoặc sẽ bắn chúng tôi. Không chút sợ hãi, chúng tôi trả lời: ‘Chúng tôi ở trong tay của các anh. Nhưng dù các anh có làm gì chúng tôi đi nữa thì chúng tôi cũng sẽ không vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời là “Ngươi chớ giết người”’”.—Xuất 20:13.

“Cuối cùng, tôi cùng hai anh khác bị giải đến Belarus để làm việc trong những cánh đồng và sửa chữa các ngôi nhà bị hư hại. Tôi vẫn nhớ mình đã thấy những tác động khủng khiếp của chiến tranh ở vùng ngoại ô của thành phố Minsk. Những cây bị cháy sạm dọc hai bên đường. Những xác người không được chôn và xác của những con ngựa trương lên, nằm dưới các hào và trong rừng. Tôi thấy những xe kéo và pháo binh bị bỏ lại, thậm chí là xác của một chiếc máy bay. Ngay trước mắt tôi là hậu quả của việc không tuân theo những điều răn của Đức Chúa Trời”.

“Chiến tranh kết thúc vào năm 1945, nhưng chúng tôi vẫn bị kết án tù mười năm vì từ chối chiến đấu. Trong ba năm đầu, chúng tôi không có nhóm họp cũng như thức ăn thiêng liêng. Chúng tôi có thể liên lạc với một số chị qua thư từ, nhưng họ cũng bị bắt và bị kết án phải ở 25 năm trong một trại khổ sai”.

“Sau đó chúng tôi được ra tù sớm vào năm 1950 và trở về nhà. Trong khi tôi ngồi tù, mẹ và em gái tôi là Maria đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va! Các anh trai của tôi chưa là Nhân Chứng, nhưng họ đang tìm hiểu Kinh Thánh. Vì tôi rất sốt sắng rao giảng nên cơ quan an ninh Xô Viết muốn bắt tôi đi tù lần nữa. Sau đó, những anh chăm lo công việc Nước Trời đã mời tôi trợ giúp việc sản xuất ấn phẩm diễn ra dưới lòng đất. Lúc đó tôi 24 tuổi”.

CHUẨN BỊ ẤN PHẨM

“Các Nhân Chứng thích nói: ‘Nếu công việc Nước Trời bị cấm trên mặt đất thì công việc ấy sẽ tiếp tục dưới lòng đất’ (Châm 28:28). Vào lúc đó, hầu hết việc in ấn của chúng ta đều được thực hiện tại những địa điểm bí mật dưới lòng đất. ‘Phòng làm việc’ đầu tiên của tôi là trong một hầm trú ẩn thuộc khu đất mà anh trai tôi là Dmitry ở. Thỉnh thoảng tôi ở dưới hầm trong hai tuần liền. Nếu đèn dầu bị tắt vì thiếu oxy thì tôi sẽ nằm xuống và đợi cho đến khi căn phòng có đủ không khí trở lại”.

Hình phác họa hầm bí mật dưới ngôi nhà, nơi ông Nikolai sao lại ấn phẩm

“Ngày nọ, một anh làm việc cùng với tôi hỏi: ‘Nikolai, anh làm báp-têm chưa?’. Dù đã phụng sự Đức Giê-hô-va 11 năm nhưng tôi chưa báp-têm. Vì thế, anh ấy đã thảo luận điều này với tôi, và đêm đó, tôi đã làm báp-têm tại một hồ nước ở tuổi 26. Ba năm sau, tôi nhận thêm trách nhiệm khi trở thành thành viên của Ủy ban Quốc gia. Lúc đó, các anh vẫn đang được tự do được bổ nhiệm để thay thế những anh bị bắt, và công việc Nước Trời tiếp tục được thực hiện”.

NHỮNG KHÓ KHĂN KHI LÀM VIỆC DƯỚI LÒNG ĐẤT

“Công việc in ấn dưới lòng đất khó khăn hơn rất nhiều so với ngồi tù! Trong bảy năm, để tránh bị Cơ quan Tình báo của chính quyền Xô Viết (KGB) theo dõi, tôi không thể tham dự các buổi nhóm họp và phải tự chăm sóc cho mình về thiêng liêng. Tôi chỉ gặp gia đình khi đi thăm họ, và cũng hiếm khi làm điều đó. Nhưng họ hiểu cho hoàn cảnh của tôi, và điều này đã khích lệ tôi. Những căng thẳng triền miên và việc phải luôn giữ thận trọng đã làm hao mòn sức lực của tôi. Chúng tôi phải sẵn sàng cho bất cứ điều gì có thể xảy ra. Chẳng hạn, vào một buổi tối có hai cảnh sát đã đến ngôi nhà mà tôi đang ở. Tôi đã nhảy ra ngoài cửa sổ phía bên kia của ngôi nhà và chạy vào rừng. Khi băng qua rừng vào một cánh đồng, tôi nghe những tiếng rít rất lạ. Khi nghe tiếng súng, tôi mới nhận ra tiếng đó đến từ những viên đạn! Một trong những người đuổi theo tôi đã nhảy lên ngựa và liên tiếp bắn về phía tôi cho đến khi hết đạn. Tôi bị trúng một phát vào cánh tay. Cuối cùng, sau cuộc rượt đuổi 5km, tôi đã trốn thoát được nhờ ẩn náu trong rừng. Sau này, lúc tôi bị xét xử, tôi được cho biết là họ đã bắn về phía tôi 32 lần!”.

“Vì ở dưới lòng đất rất nhiều nên tôi rất xanh xao. Điều này ngay lập tức làm lộ ra việc tôi đang làm. Vì vậy, tôi cố gắng dành thời gian nhiều nhất có thể để ở dưới ánh nắng. Sống dưới lòng đất cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Có lần, tôi thậm chí không thể tham dự một buổi họp quan trọng với các anh khác vì bị chảy máu mũi và miệng”.

ÔNG NIKOLAI BỊ BẮT

Tại trại khổ sai ở Mordvinia, năm 1963

“Vào ngày 26-1-1957, tôi bị bắt. Sáu tháng sau, Tòa án Tối cao Ukraine tuyên án. Tôi bị kết án tử hình bằng việc xử bắn, nhưng vì hình phạt này đã được bãi bỏ trong đất nước đó nên án phạt của tôi được đổi thành 25 năm tù. Tám người chúng tôi bị kết án tổng cộng 130 năm trong trại khổ sai. Chúng tôi bị giải đến các trại ở Mordvinia, nơi có khoảng 500 Nhân Chứng. Chúng tôi đã bí mật nhóm lại thành các nhóm nhỏ để học Tháp Canh. Sau khi xem xét một số tạp chí của chúng tôi bị tịch thu, một lính canh tuyên bố: ‘Nếu tiếp tục đọc những tạp chí này thì không điều gì có thể thắng được các anh!’. Chúng tôi luôn làm việc chăm chỉ và thường làm nhiều hơn những gì được giao. Tuy vậy, viên chỉ huy của trại than rằng: ‘Công việc các anh làm ở đây không quan trọng đối với chúng tôi. Điều chúng tôi cần là lòng trung thành của các anh’”.

“Chúng tôi luôn làm việc chăm chỉ và thường làm nhiều hơn những gì được giao”

LÒNG TRUNG KIÊN CỦA ÔNG KHÔNG HỀ SUY GIẢM

Phòng Nước Trời ở Velikiye Luki

Sau khi được ra khỏi trại khổ sai vào năm 1967, ông Nikolai đã giúp tổ chức các hội thánh ở Estonia và Saint Petersburg, Nga. Vào đầu năm 1991, bản án tòa phán quyết năm 1957 bị hủy bỏ vì không có bằng chứng về tội bị cáo buộc. Trong thời gian đó, nhiều Nhân Chứng chịu khổ vì bị chính quyền đối xử hà khắc đã được trắng án. Vào năm 1996, ông Nikolai chuyển đến thành phố Velikiye Luki ở tỉnh Pskov Oblast, cách Saint Petersburg khoảng 500km. Ông mua một căn nhà nhỏ, và vào năm 2003 thì một Phòng Nước Trời được xây tại mảnh đất đó. Ngày nay có hai hội thánh phát triển nhóm họp tại đấy.

Tôi và chồng cùng phụng sự ở văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Nga. Vào tháng 3 năm 2011, chỉ vài tháng trước khi ông Nikolai qua đời, ông thăm chúng tôi lần cuối. Những lời của ông đã tác động mạnh mẽ đến chúng tôi khi ông nói với ánh mắt sáng lên: “Với những gì quan sát được, tôi có thể thấy rằng nói theo một nghĩa nào đó thì ngày thứ bảy trong cuộc diễu hành quanh thành Giê-ri-cô đã bắt đầu” (Giô-suê 6:15). Ông đã 85 tuổi. Dù cuộc sống của ông không hề dễ dàng, nhưng ông miêu tả về quãng đời ấy bằng những lời sau: “Tôi vô cùng hạnh phúc vì mình đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va khi còn trẻ! Tôi không bao giờ hối tiếc về quyết định đó!”.